Đa dạng sinh học ở Puxailaileng
(Baonghean) - Trong chiến lược bảo vệ tài nguyên môi trường rừng, Nghệ An là tỉnh rất coi trọng việc xây dựng các khu bảo tồn thiên nhiên, hiện đã có 3 khu bảo tồn thiên nhiên quốc gia được các tổ chức quốc tế ghi nhận là Vườn Quốc gia Pù Mát, Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Huống và Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt. Khu vực Puxailaileng (Kỳ Sơn) thuộc Khu Dự trữ sinh quyển Tây Nghệ An cũng đã và đang được quan tâm thông qua các nghiên cứu về đa dạng sinh học.
(Baonghean) - Trong chiến lược bảo vệ tài nguyên môi trường rừng, Nghệ An là tỉnh rất coi trọng việc xây dựng các khu bảo tồn thiên nhiên, hiện đã có 3 khu bảo tồn thiên nhiên quốc gia được các tổ chức quốc tế ghi nhận là Vườn Quốc gia Pù Mát, Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Huống và Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt. Khu vực Puxailaileng (Kỳ Sơn) thuộc Khu Dự trữ sinh quyển Tây Nghệ An cũng đã và đang được quan tâm thông qua các nghiên cứu về đa dạng sinh học.
Đề tài khoa học “Nghiên cứu đa dạng sinh học khu vực Puxailaileng thuộc Khu Dữ trữ sinh quyển Tây Nghệ An và đề xuất các biện pháp bảo tồn” được Hội Khoa học kỹ thuật tỉnh thực hiện. Qua điều tra, thu thập và khảo sát đã xác định được mức độ đa dạng sinh học, sự phân bố các loài theo địa hình độ cao, sinh cảnh, môi trường sống tại khu vực này nhằm đánh giá mức độ đa dạng sinh học hiện tại và đưa ra giải pháp bảo tồn cần thiết.
Rừng nguyên sinh ở Nậm Cắn (Kỳ Sơn). Ảnh: Xuân Tuấn |
Khu vực Puxailaileng có tính đa dạng sinh học rất cao, các sinh cảnh sống rất đa dạng, đại diện cho hầu hết các kiểu rừng nhiệt đới. Theo kết quả nghiên cứu của đề tài, đa dạng sinh học tại khu vực Puxailaileng thuộc Khu Dự trữ sinh quyển Tây Nghệ An được nhóm nghiên cứu xác định gồm nhiều thành phần loài, thực vật bậc thấp, bậc cao, động vật có xương sống, động vật không xương sống, các loài động vật quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng. Theo đó, đã khảo sát và xác định được có 726 loài thuộc 4 ngành thực vật bậc cao. Trong đó, đa dạng nhất là ngành ngọc lan với 687 loài, 368 chi và 106 họ (chiếm 94,6% so với tổng số loài điều tra được). Tiếp đến là ngành dương xỉ với 23 loài, 18 chi và 13 họ, ngành thông có 10 loài, 9 chi, và 8 họ. Ít nhất là ngành thông đất chi có 6 loài, 3 chi và 2 họ. Trong đó, thành phần loài vi tảo có 75 loài và dưới loài gồm 10 bộ, 24 họ, 37 chi tại địa điểm nghiên cứu thuộc 4 ngành tảo Lam-Cyanobateria, ngành heterkontophyta, ngành tảo lục chrophyta và ngành tảo mắt - Eulenophyta. Thành phần nấm ký sinh côn trùng có 48 loài, trong đó có nhiều loài có khả năng phòng trừ sâu hại cho cây trồng nông nghiệp.
Nghiên cứu về đa dạng nhóm động vật có xương sống ở khu vực Puxailaileng cho thấy rằng, đây là nhóm loài có tính đa dạng khá cao. Ghi nhận được 348 loài động vật có xương sống ở khu vực, gồm 60 loài thú thuộc 24 họ, 9 bộ; 147 loài chim thuộc 40 họ, 13 bộ; 76 loài lưỡng cư, bò sát thuộc 17 họ, 3 bộ và 65 loài cá thuộc 17 họ, 5 bộ. Phân bố của các loài động vật tập trung chủ yếu ở độ cao từ 1.000 đến dưới 2.000m với 268 loài, ở độ cao từ 2.000m trở lên có rất ít loài phân bố. Sinh cảnh rừng có 197 loài, sinh cảnh nương rẫy chỉ bắt gặp. Côn trùng nước có 31 họ thuộc 7 bộ côn trùng. Định loại đến côn trùng nước thuộc bộ cánh nửa ở Puxailaileng cho thấy, có 18 loài thuộc 7 họ. Côn trùng trên cạn và nhện lớn có 198 loài phân bố ở sinh cảnh ven suối, đồi, nương, bãi và núi cao, trong đó, không có loài nào có nguy cơ bị tuyệt chủng.
Đặc biệt, ở khu vực Puxailaileng, có tới 66 loài động vật có ý nghĩa và giá trị kinh tế, trong đó có 52 loài làm thực phẩm, 36 loài trao đổi, mua bán, 20 loài sử dụng cho các mục đích khác nhau như làm cảnh, làm thuốc… có 25 loài giá trị kinh tế cao, 73 loài động vật quý, hiếm có giá trị bảo tồn được xác định ở khu vực nghiên cứu ghi trong Sách Đỏ Việt Nam (2007) trong Nghị định 32/2006 và danh lục đỏ thế giới IUCN 2014. Trong đó, có nhiều loài hiện không còn tồn tại trong khu vực. Có 24 loài thực vật nguy cấp được ghi trong Sách Đỏ Việt Nam (2007) cần có chính sách ưu tiên để bảo tồn. Trong đó, mức độ nguy cấp EN với 9 loài và sẽ nguy cấp VU là 15 loài. Đây là những loài có giá trị gỗ, làm thuốc cho nên bị khai thác quá mức dẫn đến đang bị cạn kiệt dần và có nguy cơ tuyệt chủng. Vì vậy, cần có những chính sách hợp lý làm giảm tác động đến môi trường sống để bảo vệ nguồn gen.
Qua nghiên cứu tác động ảnh hưởng đa dạng sinh học khu vực này cho thấy, ảnh hưởng của hoạt động sinh kế của người dân ở đây được xem là nguyên nhân chính làm ảnh hưởng đến đa dạng sinh học tại khu vực Puxailaileng. Dân cư chủ yếu là đồng bào dân tộc ít người Ơ đu, Khơ mú, Thái, Mông... và là 1 trong huyện nghèo thuộc Chương trình 30a của Nhà nước. Cuộc sống của đồng bào vẫn còn thói quen tìm kiếm, khai thác nguồn lợi từ các loại cây, con từ rừng. Trong 19 loài động vật hiếm gặp trong 5 năm trở lại đây, có 16 loài thú và 3 loài cá. Đây được xem là các loại đặc sản của rừng, có giá trị kinh tế cao, người tiêu dùng ưa chuộng nên chúng trở thành mục tiêu khai thác của người dân. Điều này làm cho chúng có nguy cơ biến mất. Khu vực này có 16 loài thực vật phổ biến và có giá trị kinh tế đối với đời sống của dân. Trong đó, có 3 loại dong riềng, nếp cẩm, khoai sọ là người dân trồng ở vườn đồi. 13 loài còn lại gồm: pơ mu, sa mu, thông, vàng chăng, săng lẻ, đinh hương, nghiếng, de, táu, sến, lát hoa… do người dân khai thác từ rừng để phục vụ đời sống hàng ngày hoặc bán lấy tiền. Có 20 loài động vật, thực vật có nguy cơ bị biến mất hoặc không thấy hay ít thấy xuất hiện trong thời gian 5 năm gần đây. Trong đó, 10 loài thực vật và 10 loài động vật như gấu, voi, hổ, báo, khỉ, hươu, dê rừng, lợn rừng, chồn bay, tê tê.
Theo Quyết định số 45/QĐ-TTg ngày 8/1/2014 của Chính phủ về phê duyệt quy hoạch tổng thể đa dạng sinh học cả nước đến 2020, tầm nhìn đến 2030 thì Puxailaileng được đưa vào quy hoạch với diện tích 50.000 ha. Vì vậy, yêu cầu bảo tồn đa dạng sinh học khu vực này đang được đặt ra hơn lúc nào hết. Với mục đích duy trì bảo bảo tồn và phát triển được giá trị vốn có của khu vực này, nhóm đề tài đã đề xuất bộ giải pháp để bảo tồn và phát triển đa dạng sinh học ở khu vực Puxailaileng gồm: Đẩy mạnh tuyên truyền cho nhân dân địa phương nâng cao ý thức và bảo tồn đa dạng sinh học khu vực Puxailaileng; Thu hút, kêu gọi các nhà khoa học trong nước và quốc tế đến nghiên cứu đa dạng sinh học của khu vực; Đẩy mạnh giao đất, giao rừng cho nhân dân địa phương trên cơ chế khoán bảo vệ rừng; Lựa chọn các mô hình phát triển kinh tế phù hợp với điều kiện sinh thái, xã hội góp phần xóa đói, giảm nghèo cho người dân địa phương như: trồng gừng xuất khẩu, nuôi gà đen, chế biến chè tuyết san, chuyển đổi cơ cấu cây trồng lúa rẫy sang ngô với các giống có năng suất cao, phù hợp khí hậu. Đồng thời tạo cơ chế rộng mở để thu hút doanh nghiệp, cá nhân vào đầu tư, cho vùng gắn với bảo tồn và phát triển đa dạng sinh học.
Để bảo tồn và phát triển đa dạng sinh học khu vực Puxailaileng có hiệu quả cần thực hiện đồng bộ các giải pháp, mặt khác các cơ quan chức năng cần có chủ trương khảo sát, lập quy hoạch nghiên cứu, thành lập Khu Bảo tồn thiên nhiên Puxailaileng để có kế hoạch bảo tồn trong thời gian tới.
Hoàng Xuân Trường
(Liên hiệp các hội KHKT Nghệ An)