Đã đồng đều giữa lượng và chất?
(Baonghean) - Hiện nay, tỉnh ta có đội ngũ cán bộ thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) khá hùng hậu, với 114 báo cáo viên cấp tỉnh, 1.396 báo cáo viên cấp huyện và 7.390 tuyên truyền viên cấp xã, cùng với 36.525 tổ viên tổ hòa giải cấp thôn, tổ dân phố và tương đương. Mặc dù số lượng đông, song về chất lượng thì còn nhiều điều băn khoăn...
Theo thống kê của Phòng Phổ biến giáo dục pháp luật - Sở Tư pháp, từ khi Chính phủ chỉ đạo thực hiện Chương trình Phổ biến giáo dục pháp luật (năm 2008) thì công tác PBGDPL trên địa bàn tỉnh đã được quan tâm đầu tư nhiều hơn. Các cấp, các ngành đã không còn xem công tác PBGDPL là của cơ quan tư pháp mà là của cả hệ thống chính trị. Việc PBGDPL được lồng ghép vào xây dựng các hương ước, quy ước tại địa phương, cơ sở; lồng ghép trong xây dựng quy chế cơ quan, điều lệ của tổ chức đoàn thể, xã hội, các chương trình kinh tế... Từ đầu năm 2013 đến nay, trên địa bàn toàn tỉnh đã tổ chức 6.845 cuộc tuyên truyền miệng pháp luật với tổng số 1.649.795 lượt người được tuyên truyền; có 552 cuộc thi tìm hiểu pháp luật với 69.604 lượt người tham gia dự thi; có 3.072 câu lạc bộ pháp luật với 74.517 thành viên; có 2.236 tủ sách pháp luật ở cơ quan đơn vị với 29.983 số lượt người đọc, mượn sách; có 252.243 tài liệu tuyên truyền pháp luật (gồm sách, tờ rơi, tờ gấp, băng đĩa hình, băng đĩa tiếng) được phát hành miễn phí...
Cán bộ Ban Kinh tế - Chính sách LĐLĐ tỉnh phổ biến giáo dục pháp luật cho người lao động trong doanh nghiệp. |
Dù công tác PBGDPL đã được chú trọng, nhưng trong năm qua, trên địa bàn tỉnh đã xẩy ra những vụ việc khá nghiêm trọng. Có 3 vụ đình công lớn với sự tham gia của trên 3.800 công nhân tại Công ty Prex Vinh, Nhà máy may Nam Đàn Hanosimex, Công ty Điện tử BSE (Khu công nghiệp Nam Cấm). Ở xã Châu Bình, huyện Quỳ Châu, đã xẩy ra vụ việc hàng trăm người dân phá rừng, chiếm đất Lâm trường Cô Ba. Tương tự, tại xã Yên Hợp (huyện Quỳ Hợp), có hàng trăm lượt người dân các xóm Bọ, Trọng Cánh, Cồng, Na Phê tự ý kéo vào các khu vực đất rừng thuộc Tiểu khu 262 của Lâm trường Đồng Hợp để xẻ phát cây cối lấn chiếm đất.
Tại các vùng núi cao thuộc các huyện Tương Dương, Quế Phong, một số tổ chức, cá nhân và người dân địa phương vẫn tổ chức khai thác khoáng sản trái phép. Ở huyện Quỳ Hợp, vẫn có nhiều doanh nghiệp vi phạm Luật Lao động. Ở Thành phố Vinh xẩy ra nhiều vụ việc đơn thư khiếu kiện đông người (vụ khiếu kiện của các tiểu thương chợ Nhà Đỉn (Phường Hưng Dũng), thành viên HTX Bến Thủy (Phường Bến Thủy), các tiểu thương chợ Bến Thủy.... Theo thống kê của Thanh tra tỉnh, tình trạng đơn thư khiếu nại, tố cáo sai vẫn còn phổ biến. Trong 9 tháng năm 2013 có tổng số 145 vụ việc đơn thư khiếu nại thì có tới 114 vụ việc khiếu nại sai (chiếm 69,7%); có 114 vụ việc tố cáo thì có 59 vụ việc tố cáo sai (chiếm 51,8%). Trong tổng số 7.689 vụ việc tiếp nhận hòa giải của tổ hòa giải cơ sở thì có đến 1.356 vụ việc hòa giải không thành công...
Theo bà Trần Thị Thúy- Trưởng phòng Phổ biến giáo dục pháp luật Sở Tư pháp, dẫn đến những vụ việc, vấn đề nêu trên có nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân công tác PBGDPL chưa đáp ứng yêu cầu đòi hỏi. Và một lý do then chốt là chất lượng, kỹ năng thực hiện nhiệm vụ của các thành viên tham gia PBGDPL ở các cấp chưa tốt. Bà Thúy cho biết: "Hàng năm Bộ Tư pháp đều tổ chức những đợt tập huấn chuyên sâu về kỹ năng thuyết trình, vậy nhưng chỉ báo cáo viên cấp tỉnh là được tham gia. Trong khi đó, dù báo cáo viên cấp huyện cũng được chuẩn hóa về bằng cấp nhưng do thực hiện nhiệm vụ kiêm nhiệm không có chế độ phụ cấp nên kết quả chưa cao... Báo cáo viên cấp huyện đã vậy, đối với các tuyên truyền viên, hòa giải viên cơ sở thì càng khó khăn hơn. Lực lượng này là thành viên của Hội Phụ nữ, Đoàn thanh niên, MTTQ, Cựu chiến binh... thực hiện nhiệm vụ hoàn toàn không có lương, trình độ có nhiều hạn chế, làm việc theo kinh nghiệm...".
Sở TN&MT là một trong số ít sở, ngành được đánh giá là hoàn thành khá tốt yêu cầu đòi hỏi của công tác PBGDPL. Dù vậy, Sở TN&MT cũng chưa có phòng pháp chế, chưa có cán bộ chuyên trách công tác pháp chế mà đang phải kiêm nhiệm. Theo ông Chu Thế Huyền, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về tài nguyên môi trường khá nhiều, gồm nhiều lĩnh vực, mỗi lĩnh vực lại có nhiều văn bản quy phạm pháp luật quy định. Bên cạnh đó, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật thì thiếu tính ổn định, thường xuyên được bổ sung, sửa đổi hoặc thay thế nên đặt ra yêu cầu việc phổ biến, giáo dục phải kịp thời thực hiện mới đạt hiệu quả cao. Đây là một nhiệm vụ khó, đòi hỏi tính chuyên môn cao, vì vậy, việc thiếu nhân sự chuyên trách đã làm cho công tác PBGDPL trở thành một áp lực lớn cho ngành.
Theo ông Dương Hữu Dung - Phó Giám đốc Sở Tư Pháp, Ủy viên Thường trực Hội đồng phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh, bất cập trong công tác PBGDPL là một số cấp ủy thì phó mặc cho cơ quan chuyên môn, cấp tỉnh thì giao trọn cho Sở Tư pháp, ở các huyện, thị thì giao cho Phòng Tư pháp. Trong khi đó, nhân lực thì hầu như kiêm nhiệm, sự phối hợp giữa các cơ quan liên quan, với cơ sở rất khó khăn, kinh phí hạn chế. Người dân mong muốn được nâng cao kiến thức pháp luật, tuy nhiên, năng lực của tuyên truyền viên, hòa giải viên không có sự đồng đều, phương pháp, kỹ năng diễn đạt còn chưa cao nên việc PBGDPL còn nhiều hạn chế. Bên cạnh đó, chính sách đối với đội ngũ này không có lại càng làm giảm đi nhiệt huyết với công việc...
Theo ông Dung, công tác PBGDPL muốn có hiệu quả thì vấn đề nguồn nhân lực là quan trọng nhất. Bởi vậy, đòi hỏi đặt ra là phải tiếp tục tăng cường củng cố, kiện toàn và xây dựng đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật, cán bộ quản lý hoạt động PBGDPL, nhất là ở cấp huyện, cấp xã. Lực lượng này cần phải có chuyên môn vững vàng, có kỹ năng truyền thụ, am hiểu pháp luật và kiến thức xã hội. Để có được như vậy, các cấp ủy Đảng, chính quyền, sở, ngành, các tổ chức xã hội, cần có nhận thức đúng về vai trò của công tác PBGDPL để có sự quan tâm hơn nữa....
Nhật Lân