Đặc sản cam Vinh vào chính vụ thu hoạch

Xuân Hoàng - Quang An - 19/11/2023 14:19
(Baonghean.vn) - Ngay từ đầu tháng 11, khi những quả cam Xã Đoài lòng vàng bắt đầu chín vàng, các chủ trại cam Vinh hồ hởi vào vụ thu hoạch, sau 1 năm miệt mài chăm sóc. Năm nay, sản lượng cam Vinh giảm hơn các năm trước, nên giá cam sẽ cao hơn.

Những vườn cam sai quả

Nếu như tại các vựa cam lớn trên địa bàn các huyện Quỳ Hợp, Con Cuông, Tân Kỳ… đang bị thoái hóa, phải chặt bỏ, thì nhiều vườn cam ở các huyện Nghi Lộc, Anh Sơn, Yên Thành, Thanh Chương… vẫn trĩu quả, đang vào vụ thu hoạch.

Clip: Xuân Hoàng

Về xã Nghi Diên, huyện Nghi Lộc những ngày tháng 11, người trồng cam nơi đây như chộn rộn hơn. Bước vào mùa “ăn cả năm” nên ai cũng tất bật chăm sóc những gốc cam quý, là nguồn thu nhập chính sau cả năm dài đầu tư, chăm chút. Cam Xã Đoài ở đây là loại cam đắt nhất hiện nay ở các tỉnh miền Trung.

bna_cam vinh6.jpg
Từ tháng 11, đặc sản cam Vinh vào vụ thu hoạch. Ảnh: Xuân Hoàng

Người dân địa phương cho biết, nguồn gốc của giống cam này xuất phát từ châu Âu, được người Pháp đưa về địa phương trồng hơn 100 năm trước; là giống cam dùng để dâng cho các bậc vua chúa nên có tên gọi khác là cam “tiến vua”. Hàng năm, cam Xã Đoài được bán với giá từ 70.000 đồng/quả, đã từng có thời điểm được bán với giá 100.000 đồng/quả. Số lượng cam Xã Đoài trên thị trường không nhiều, trong khi nhu cầu cao, nên mỗi vụ người mua phải đặt trước mới có cam để thưởng thức. Những gốc cam này đã cho người dân Nghi Diên nguồn thu nhập ổn định nhiều năm qua.

Ông Nguyễn Quốc Phong - Chủ tịch Hội Nông dân xã Nghi Diên cho biết: Trên địa bàn xã Nghi Diên hiện nay có hàng chục hộ trồng cam, với diện tích khoảng 30 ha, địa phương đã chọn lựa được 10 vườn cam làm điểm để xây dựng vườn chuẩn NTM. Các khu vườn này được chăm sóc theo tiêu chuẩn hữu cơ, không được sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật ảnh hưởng đến chất lượng quả cũng như môi trường. Cam Xã Đoài là nông sản quý, vừa tạo thu nhập ổn định, vừa quảng bá được đặc sản, hình ảnh của vùng đất Nghi Lộc nhiều năm qua.

bna_cam bp 1(1).jpg
Niềm vui người trồng cam Vinh sau 1 năm dày công chăm sóc. Ảnh: Xuân Hoàng

Vùng cam Bãi Phủ của huyện Anh Sơn đầu tháng 11 cũng đã có sản phẩm cam Vinh bán ra thị trường. Bà Lê Thị Hương ở thôn Đỉnh Hợp, xã Đỉnh Sơn là một trong những hộ trồng cam giỏi ở “thủ phủ” cam Bãi Phủ cho biết, trại cam của gia đình có hơn 2 ha, cây nào cũng khỏe và cho sai quả hơn năm trước.

Theo bà Hương chia sẻ, cây cam vô cùng khó tính, do vậy, đòi hỏi người trồng phải hết sức kiên trì và chăm sóc đúng quy trình. Cho cây cam ra quả sai và chất lượng ngon là cả một quá trình vun trồng. Người nông dân phải bỏ ra nhiều tâm huyết, mới hy vọng có một mùa bội thu. Năm nay, nhìn chung quả sai hơn các năm trước, năng suất có thể đạt 30 tấn/ha. Từ đầu tháng 11, cam đã chuyển sang chín vàng, bước vào vụ thu hoạch.

“Năm nay cam Vinh ở nhiều nơi bị thoái hóa nên sản lượng giảm hơn các năm, và giá bán cũng sẽ nhỉnh hơn. Năm trước giá bán tại vườn từ 40.000 - 45.000 đồng/kg, dịp sát Tết Nguyên đán tăng lên 50.000 đồng/kg vẫn không đáp ứng nhu cầu. Để bảo vệ sản phẩm cam Vinh của mình, phần lớn cam sau thu hoạch đều được gia đình dán tem truy xuất nguồn gốc”, bà Lê Thị Hương chia sẻ.

bna_cam 5.jpg
Khi vào vụ thu hoạch, cam Vinh được đóng thùng ngay tại vườn. Ảnh: Xuân Hoàng

Huyện Anh Sơn có lịch sử phát triển cây có múi từ lâu đời, đặc biệt là cây cam được trồng tại vùng Nông trường Bãi Phủ từ những thập niên 70, 80 về trước, khoảng 100 ha. Nhận thấy cây cam có hiệu quả kinh tế lớn, nhiều hộ nông dân đã trồng để khôi phục lại thương hiệu cam Bãi Phủ. Ngoài ra, một số địa phương khác trong huyện cây cam cũng được các gia đình đưa vào trồng từ rất lâu và tiếp tục được mở rộng diện tích. UBND huyện Anh Sơn đã và đang thực hiện “Đề án phát triển, mở rộng diện tích cây ăn quả gắn với công nghiệp chế biến, tiêu thụ sản phẩm tỉnh Nghệ An” giai đoạn 2021 - 2025. Trong đó, phát triển cây cam tập trung tại các xã Đỉnh Sơn, Cẩm Sơn, Hội Sơn, Phúc Sơn, Khai Sơn...

Đến nay, tổng diện tích cây cam trên địa bàn của huyện Anh Sơn có 188,3 ha, trong đó, diện tích đã cho sản phẩm là 160,8 ha, diện tích cam trong giai đoạn kiến thiết 27,5 ha. Một số địa phương có diện tích trồng tương đối lớn như: Đỉnh Sơn, Phúc Sơn, Long Sơn, Khai Sơn, Thọ Sơn...

Vùng cam Xã Đoài lòng vàng được trồng trên vùng đất của xã Đồng Thành (Yên Thành) từ đầu tháng 11 cũng đã thu hoạch. Ông Trương Văn Biên - chủ trại cam ở xóm Đồng Trung, xã Đồng Thành cho hay, mặc dù năm nay các đối tượng sâu, ruồi vàng… xuất hiện nhiều, nhưng với kinh nghiệm trong khâu phòng trừ sâu bệnh và chăm sóc hợp lý, nên không ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng sản phẩm; năng suất cam dự kiến cao hơn năm trước. Đến trung tuần tháng 11, một số thương lái đã đặt hàng, nhưng do cam chưa chín nhiều nên mới thu hoạch được gần 500 kg.

Ông Lê Văn Hồng - Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Yên Thành cho biết: Toàn huyện hiện có 135 ha cam, trong đó, 92 ha trong giai đoạn thu hoạch. Cam của huyện Yên Thành trồng nhiều nhất ở xã Đồng Thành, sau đó là các xã Minh Thành, Nam Thành, Tiến Thành… “Cam Yên Thành phát triển sau này, các vườn cam thường trồng dưới chân lèn, cùng với sự đầu tư chăm sóc đến nơi, đến chốn, nên chưa có hiện tượng thoái hóa. Năng suất và chất lượng cam ở đây đảm bảo, được thị trường ưa chuộng”, ông Lê Văn Hồng cho hay.

bna_cam vinh 7.jpg
Cam Vinh trồng trên vùng đất xã Đồng Thành (Yên Thành) mẫu mã đẹp, chất lượng tốt. Theo các chủ trại cam cho biết, từ đầu tháng 11 bước vào vụ thu hoạch. Ảnh: Xuân Hoàng

Cam Con Cuông lâu nay đã được người tiêu dùng lựa chọn. Dịp này, nhiều trại cam cũng đã vào vụ thu hoạch, cung cấp cho khách hàng những quả cam đẹp, ngon nhất. Một tin vui chúng tôi vừa nhận được từ HTX Cam Thiên Sơn (Con Cuông), hãng Hàng không Việt Nam Airlines đã khảo sát và ký hợp đồng với HTX để cung cấp món tráng miệng trên các chuyến bay quốc tế từ tháng 12/2023. Đây là một cơ hội lớn cho đặc sản cam Xã Đoài xứ Nghệ vươn xa hơn nữa.

Nỗi lo cam không rõ nguồn gốc

Với chất lượng thơm ngon, đặc biệt từ năm 2017 đến 2019, có 31 tổ chức, cá nhân trên địa bàn 11 huyện được cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu chỉ dẫn địa lý cam Vinh và dán tem điện tử truy xuất nguồn gốc, nên được thị trường tin dùng. Tuy nhiên, do một số vùng cam Vinh lâu nay bị thoái hóa, nên diện tích giảm mạnh.

Theo số liệu của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, thời điểm cao nhất diện tích cam Vinh có gần 5.000 ha, nhưng hiện nay, trên địa bàn tỉnh chỉ còn khoảng 1.800 ha, tập trung nhiều nơi như Thanh Chương, Anh Sơn, Yên Thành… Nhiều vườn cam Vinh được chăm sóc tốt, sai quả, có thể cho năng suất đạt trên dưới 25 tấn/ha, chất lượng tốt.

bna_cam bp.jpg
Dán tem điện tử truy xuất nguồn gốc cam Vinh trước khi cung ứng ra thị trường để người tiêu dùng tránh bị mua phải cam không rõ nguồn gốc. Ảnh: Xuân Hoàng

Theo khảo sát của chúng tôi, hiện nay, trên thị trường Nghệ An xuất hiện nhiều loại cam khác nhau bày bán tại các chợ, ki-ốt… Quan sát cho thấy, có nhiều loại cam mẫu mã na ná giống cam Vinh. Trước ma trận của thị trường cam không rõ nguồn gốc, người tiêu dùng khó phân biệt đâu là cam Vinh thứ thiệt. Đây cũng là băn khoăn chung của người tiêu dùng hiện nay, khi diện tích cam Vinh không còn nhiều như trước.

Bà Thái Thị Hồng Liên - Phó Chi cục trưởng Chi cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng cho rằng, cam Vinh chất lượng tốt, lâu nay bán với giá cao là điều đương nhiên, khách hàng đã chấp nhận. Tuy nhiên, do sản lượng cam Vinh giảm hơn trước, trong khi nhu cầu tiêu thụ cao, nên một số thương lái lợi dụng đưa cam không rõ nguồn gốc vào trà trộn bán cho khách để lấy lời. Bởi cam lòng vàng trồng ở các nơi khác cũng có mẫu mã đẹp, nhưng chất lượng khác xa cam Vinh, nên giá bán thấp.

Theo bà Liên, các trại cam nằm trong vùng chỉ dẫn địa lý cam Vinh, nếu đạt tiêu chuẩn theo quy định thì cần dán tem điện tử truy xuất nguồn gốc trước khi xuất bán ra thị trường để người tiêu dùng yên tâm, không lo mua phải cam không rõ nguồn gốc, đồng thời bảo vệ thương hiệu sản phẩm./.

Chia sẻ ý kiến của bạn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO