Giấy chứng nhận quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý cam Vinh hết hạn nhưng nhiều tổ chức, cá nhân không xin cấp lại
(Baonghean.vn) - Có tới 10 tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh cam trên địa bàn Nghệ An đã hết hạn Giấy chứng nhận quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý cam Vinh từ năm 2022, nhưng đến nay vẫn không xin cấp lại.
Việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý cam Vinh đã làm nức lòng người trồng cam trong tỉnh với hy vọng sản phẩm cam làm ra sẽ được tiêu thụ tốt và là động lực để người trồng cam mạnh dạn đầu tư nhiều vào cây cam theo hướng sạch, an toàn thực phẩm, được người tiêu dùng tin tưởng. Tuy nhiên, do nhiều vùng cam Vinh bị thoái trào, nên người trồng cam phá bỏ, chuyển sang trồng các loại cây khác, khiến sản lượng cam Vinh đang ngày càng giảm.
Theo thông tin từ Sở Khoa học và Công nghệ, từ tháng 11/2022, có 10 tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh cam trên địa bàn tỉnh đã hết hạn Giấy chứng nhận quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý cam Vinh, nhưng đến nay vẫn không xin cấp quyền sử dụng lại.
Cụ thể, 10 tổ chức, cá nhân này gồm: Hợp tác xã sản xuất và kinh doanh cam Phùng Huyền (xóm Minh Hồ, xã Minh Hợp, huyện Quỳ Hợp), hết hạn ngày 5/11/2022; Công ty cổ phần Trang trại Phủ Quỳ (xóm Minh Thành, xã Minh Hợp, huyện Quỳ Hợp), hết hạn ngày 5/11/2022; Công ty TNHH Công nghệ cao Phủ Quỳ (xóm Hợp Thành, thị trấn Quỳ Hợp, huyện Quỳ Hợp), hết hạn ngày 5/11/2022; Công ty TNHH Một thành viên nông nghiệp Xuân Thành (xóm Minh Thành, xã Minh Hợp, huyện Quỳ Hợp), hết hạn ngày 5/11/2022.
Hợp tác xã Xuân Hợp (xóm Chát, xã Nghĩa Xuân, huyện Quỳ Hợp), hết hạn ngày 9/11/2022; Công ty TNHH Một thành viên Nông công nghiệp 3/2 (xóm Minh Trung, xã Minh Hợp, huyện Quỳ Hợp), hết hạn ngày 14/11/2022; Công ty TNHH Một thành viên nông nghiệp Sông Con (xóm Tân Phú, xã Tân Phú, huyện Tân Kỳ), hết hạn ngày 25/12/2022; Hợp tác xã Nông nghiệp cây ăn quả 1-5 (xóm Bình Thành, xã Nghĩa Bình, huyện Nghĩa Đàn), hết hạn ngày 25/12/2022; Hợp tác xã sản xuất và kinh doanh cam Tấn Thanh (xóm Dinh, xã Nghĩa Xuân, huyện Quỳ Hợp), hết hạn ngày 5/11/2022 và Công ty TNHH Nông nghiệp công nghệ cao Phương Thảo (xóm Minh Tâm, xã Minh Hợp, huyện Quỳ Hợp), hết hạn ngày 25/12/2022.
Tìm hiểu được biết, nguyên nhân chính khiến các tổ chức, cá nhân này không xin cấp lại Giấy chứng nhận quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý cam Vinh là do diện tích giảm mạnh, chất lượng cam cũng không đảm bảo.
Ông Lê Viết Minh - Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên nông nghiệp Xuân Thành cho hay: Trước đây diện tích còn nhiều, chất lượng quả tốt, nên việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý cam Vinh là cơ hội để tăng giá trị sản phẩm cam. Tuy nhiên, cây cam hiện bị thoái hóa; cao điểm đơn vị có gần 1.000 ha cam nhưng hiện tại chỉ còn lại 8 ha. Để tìm ra một vườn cam đúng nghĩa cam Vinh thì không có nữa, đó là nguyên nhân đơn vị chưa làm đơn xin cấp lại Giấy chứng nhận quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý cam Vinh.
Ông Phạm Hồng Hải - Trưởng phòng Quản lý công nghệ (Sở Khoa học và Công nghệ) cho biết: Các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh cam Vinh đã hết hạn Giấy chứng nhận quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý cam Vinh từ năm 2022, nhưng đến nay vẫn không xin cấp quyền sử dụng lại là do nhiều diện tích cam bị thoái hóa, không còn khả năng sản xuất, kinh doanh cam Vinh. "Theo quy định, Giấy chứng nhận quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý cam Vinh có thời hạn trong 5 năm. Sau khi hết thời hạn, các tổ chức, cá nhân muốn được cấp lại thì phải làm đơn đề nghị. Tuy nhiên, từ năm 2022 đến nay, chúng tôi chưa nhận được đề nghị của tổ chức, cá nhân nào", ông Hải cho hay.
Năm 2017, Cục Sở hữu trí tuệ đã chứng nhận vùng chỉ dẫn địa lý cam Vinh được xác lập bao gồm 12 xã thuộc 5 huyện: Tân Kỳ, Quỳ Hợp, Hưng Nguyên, Nghi Lộc, Nghĩa Đàn với 3 giống cam Xã Đoài, Vân Du, Sông Con có diện tích hơn 1.600 ha.
Đến năm 2019, Cục Sở hữu trí tuệ đã có Quyết định số 5004/QĐ-SHTT ngày 16/10/2019 về việc cấp Giấy chứng nhận bổ sung chỉ giới địa lý cam Vinh cho 60 xã thuộc 9 huyện, thị gồm: Huyện Yên Thành có 5 xã; huyện Nam Đàn 4 xã; huyện Nghi Lộc 7 xã; huyện Tân Kỳ 6 xã; huyện Nghĩa Đàn 4 xã; huyện Quỳ Hợp 4 xã; thị xã Thái Hòa 4 xã; huyện Thanh Chương 5 xã; huyện Anh Sơn 11 xã; huyện Con Cuông 11 xã với tổng diện tích lên đến 5.214ha.