Ngày 19/7, nhờ anh lái thuyền ở bến chính đập hồ Cầu Cau ngược vùng du lịch đảo chè xã Thanh Thịnh, huyện Thanh Chương để đến hiện trường vụ xây dựng trái phép trên đất rừng sản xuất mới được phát hiện xử lý. Lúc trở ra, khi mọi người ồn ã về tình trạng vi phạm đất đai, trật tự xây dựng trên vùng quy hoạch dự án Khu du lịch Đảo Chè, nghe anh lái thuyền lẩm bẩm: Nếu để các nhà đầu tư nhỏ vào, Khu du lịch Đảo Chè đã xong từ lâu rồi…
Ngạc nhiên, hỏi anh làm nghề lái thuyền chở du khách tham quan đã lâu chưa? Có đánh giá như thế nào về hoạt động dịch vụ du lịch lâu nay…? Anh kể, khoảng năm 2015 – 2016, khi có mấy anh chụp ảnh đám cưới, rồi có mạng xã hội Facebook, Zalo, có điện thoại thông minh…, khách từ các nơi nườm nượp đến tham quan đảo chè. Còn hiện tại, khách giảm hơn, chỉ còn đông trong những ngày nghỉ cuối tuần, lễ, Tết. Dù dân địa phương cũng có thu nhập, nhưng nhiều người bắt đầu thấy không ổn. Về nguyên nhân, ai cũng nhìn nhận vì ngoài phong cảnh tự nhiên và ẩm thực địa phương, thì vùng đảo chè chưa có thêm gì mới mẻ để thu hút và giữ chân du khách. “Tui làm nghề từ năm 2017, cũng là thời điểm có quy hoạch khu du lịch, đến nay chẳng thấy có gì khác…” – anh lái thuyền nói.
Nghe anh lái thuyền tâm sự, câu chuyện liên quan đến dự án Khu du lịch Đảo Chè như rôm rả hơn. Mấy anh cán bộ huyện, xã còn kể khổ, rằng việc không có tên trong chức năng nhiệm vụ nhiều, phải làm cả ngày thứ Bảy, Chủ nhật, thậm chí cả ngày lễ mà trách nhiệm nặng nề, lơ mơ lại mang án kỷ luật. Được đà, anh lái thuyền lại hăng say góp chuyện: “Theo tui, nhà đầu tư ni không làm thì nên chấm dứt, tìm nhà đầu tư khác. Nếu không có một nhà đầu tư đủ lớn, đủ tâm huyết thì điều chỉnh quy hoạch, kêu gọi cùng lúc nhiều nhà đầu tư vô mà làm…”.
Nghe anh lái thuyền say sưa nói, nhớ cuộc nói chuyện với ông Trần Quốc Thành – nguyên Giám đốc Sở KH&CN năm 2021, xoay quanh nhân vật Phan Xuân Diện, người tạo dựng được Công ty CP Dược liệu Pù Mát với nhiều sản phẩm OCOP thực sự có chất lượng.
Khi ấy tôi đã hỏi ông Trần Quốc Thành: Từ khá lâu rồi, trên địa bàn tỉnh đã có một số doanh nghiệp lớn quan tâm đến cây dược liệu, tại sao họ chưa có kết quả gì cụ thể như công ty của Phan Xuân Diện? Theo ông Trần Quốc Thành, lý do vì doanh nghiệp khởi nghiệp như đơn vị của Diện, bắt nguồn từ sự đam mê. Rồi ông nói: “Trong một khu rừng, không chỉ có đại bàng mà có cả chim sẻ. Để phát triển ngành dược liệu, không chỉ cần đại bàng, mà rất cần chim sẻ. Loại hình doanh nghiệp bản địa như Công ty CP Dược liệu Pù Mát như những chú chim sẻ, rất đáng quý. Vì chỉ có doanh nghiệp bản địa thì mới dễ dàng gắn kết được với dân để tạo dựng được vùng nguyên liệu mà Nhà nước không phải thực hiện thu hồi đất…”.
Nhớ lời nói của ông Trần Quốc Thành, thì thấy câu “Nếu không có một nhà đầu tư đủ lớn, đủ tâm huyết thì điều chỉnh quy hoạch, kêu gọi cùng lúc nhiều nhà đầu tư vô mà làm…” của anh lái thuyền không phải không có lý.
Đón được doanh nghiệp lớn, có tiềm lực tài chính dồi dào, có tâm huyết và chuyên sâu lĩnh vực du lịch thì chắc chắn vùng đảo chè các xã Thanh An, Thanh Thịnh sẽ phát huy hết được tiềm năng lợi thế, từ đó sẽ có đóng góp cho phát triển kinh tế – xã hội của huyện Thanh Chương cũng như của tỉnh. Nhưng đón doanh nghiệp lớn, mà họ lại không mặn mà tâm huyết, không đầu tư hoặc đầu tư “dở dơi dở chuột” thì tiềm năng lợi thế dần sẽ mai một, hệ lụy nảy sinh.
Doanh nghiệp lớn, ví như đại bàng. Doanh nghiệp nhỏ, như là chim sẻ. Nhưng doanh nghiệp lớn như ở dự án Khu du lịch Đảo Chè bấy lâu nay, chẳng thà đón nhiều chim sẻ còn hơn!
Ảnh minh họa: Tư liệu BNA