Đại gia mua 100 tàu cá: "Thành công ở quyết tâm và chữ tín"
Ý tưởng sắm trực thăng, tàu thủy ra Hoàng Sa đánh bắt thủy sản của Công ty Đức Khải thể hiện tấm lòng, trách nhiệm của một doanh nhân yêu nước.
Những ngày này, dư luận đang quan tâm trước thông tin một đại gia Sài Gòn đầu tư mua 2 chiếc trực thăng, 100 tàu có công suất từ 500 - 1.500 mã lực, trị giá hàng ngàn tỷ đồng để cùng ngư dân bám biển Hoàng Sa đánh bắt thủy - hải sản và bảo vệ chủ quyền biển đảo Việt Nam.
Đại gia này là ông Phạm Ngọc Lâm - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đức Khải (TP HCM) đang nắm trong tay hơn 20 công ty thuộc các lĩnh vực bất động sản, phân phối, xây dựng, kho vận, cảng cạn, xăng dầu… với tổng tài sản hàng ngàn tỷ đồng.
Theo ông Lâm, suốt thời gian qua, căm phẫn trước hành vi hạ đặt giàn khoan trái phép của Trung Quốc trong vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam. Càng căm tức hơn khi nhiều con tàu của ngư dân bám biển bị tàu Trung Quốc đâm va gây thiệt hại nặng.
Trước tình hình trên, vị chủ tịch HĐQT Công ty CP Đức Khải đã sang các nước hàng đầu về công nghiệp đóng tàu như Hàn Quốc, Nhật, Úc mua 100 con tàu có công suất từ 500 đến 1.500 mã lực để giúp ngư dân bám biển. Kế hoạch này ngay lập tức nhận được sự ủng hộ từ các cấp lãnh đạo của Đảng và Nhà nước cũng như toàn bộ cổ đông Công ty CP Đức Khải.
Ngoài ra, Công ty Đức Khải còn mua 2 chiếc ụ nổi từ Đài Loan với sức chứa 5.000 tấn/ụ sẽ đặt giữa ngư trường (trong bán kính từ 50 đến 60 hải lý) để tiếp nhận thủy, hải sản các tàu đánh bắt đưa về để phân loại, bảo quản.
Riêng 2 chiếc máy bay trực thăng (giá mỗi chiếc khoảng 30 tỷ đồng) cũng được Công ty Đức Khải đàm phán với các đối tác châu Âu sớm đưa về phục vụ việc cứu nạn, cứu hộ cho ngư dân trên biển đảo. Hai chiếc trực thăng này sẽ được Nhà nước quản lý và đặt trên các đảo để cứu nạn, cứu hộ trên toàn quốc.
Ông Lâm khẳng định: “Đến thời điểm này công ty đã đặt mua 45 chiếc tàu đánh cá của Hàn Quốc và dự kiến cuối tháng 8 sẽ về đến Việt Nam; 55 chiếc còn lại (của các nước Australia và Nhật) cũng sẽ lần lượt nhập về trong thời gian sớm nhất để bằng mọi giá đầu năm 2015 sẽ chính thức hoạt động”.
Cơ hội và thành công không tự đến
Ông Phạm Ngọc Lâm sinh năm 1968 tại Quảng Nam với quãng đời tuổi thơ đầy nghèo khó, cơ cực. Ông Lâm bắt đầu sự nghiệp mưu sinh bằng việc sửa chữa ô tô xe máy. Nhờ có tính cẩn thận, tay nghề cao, ông Lâm dần trở thành một thương gia giàu có với công việc này. Tuy nhiên, sự nghiệp kinh doanh cũng đã khiến ông vướng vào vòng lao lý.
Khởi nghiệp lần 2 từ đầu năm 2006, Lâm được bạn bè giúp đỡ để trở thành nhà độc quyền phân phối các sản phẩm của Tosiba, Kenwood, Dongfeng… tại Việt Nam. Ông Lâm còn xây dựng kho ngoại quan riêng để duy trì chi phí thấp cho các sản phẩm nhập khẩu. Từ một tay buôn bán xe hơi rồi vào tù và ra tù ông Lâm trở thành chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực xuất nhập khẩu.
Những năm sau đó, ông Lâm chuyển sang lĩnh vực bất động sản. Nhờ “mát tay”, công ty Đức Khải (tên công ty đặt theo tên người con trai đầu lòng của ông Lâm) ngày một ăn nên làm ra với 20 công ty con và hàng trăm cán bộ, nhân viên.
Hiện nay, công ty Đức Khải đang sở hữu 24 dự án bất động sản với quỹ đất 150 ha, trong đó có nhiều công trình đã đưa vào sử dụng.
Nổi bật nhất là công trình Khu dân cư Kỷ Nguyên (Phú Mỹ, phường Phú Mỹ, quận 7, TP HCM) có diện tích hơn 10,8 ha, với tổng vốn đầu tư lên đến 4.800 tỷ đồng. Công trình có 3036 căn hộ, hiện đã có khoảng 80% người Việt và nước ngoài mua ở.
Ngoài ra, Công ty CP Đức Khải còn có nhiều dự án khác đang trong quá trình hoàn thiện như Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình TP HCM (huyện Bình Chánh), dự án THE USEFUL APARTMENT (quận Tân Bình), khu căn hộ 257, 289 (quận 1)… Bên cạnh đó còn có một số dự án như mỏ đá, cây xăng... ở các tỉnh miền Trung cũng được công ty này đưa vào khai thác.
Dù rất thành công nhưng ông Lâm từng chia sẻ rằng, với ông, chẳng có gì là bí quyết cả. “Hãy bắt đầu bằng sự quyết tâm và chữ tín trong suốt quá trình hợp tác”, ông Lâm nói./.
Theo vov