Đảm bảo giá trị cho cây chè

29/09/2014 21:43

(Baonghean) - Hiện tại Nghệ An có hơn 8.500 ha chè, trong đó có gần 7.000 ha chè kinh doanh, hàng năm thu hái được từ 55 - 60 nghìn tấn chè búp tươi, chế biến được 11 - 12 nghìn tấn chè các loại, xuất khẩu mỗi năm từ 6,5 - 7,2 nghìn tấn, thu về trên 7 triệu USD cho tỉnh.

Tuy nhiên, hiện nay ngành chè Nghệ An đang đứng trước thực trạng đáng báo động. Đó là, giá trị sản phẩm chè mất ổn định cả về số lượng và chất lượng, ảnh hưởng lớn đến thương hiệu chè Nghệ An trên thị trường các nước Đông Âu, Nga, Nhật, Trung Quốc, Mỹ, Pakistan…

Nguyên nhân chủ yếu do tổ chức sản xuất và quản lý ngành chè còn nhiều bất cập. Trong đó nổi cộm nhất là sự phá vỡ mối quan hệ hợp tác, liên kết đã hình thành trước đây giữa Công ty Đầu tư - Phát triển chè Nghệ An với người trồng chè. Bắt đầu từ năm 2005, khi Luật Doanh nghiệp có hiệu lực, các tổ chức, cá nhân đầu tư hàng loạt cơ sở chế biến chè dẫn đến tình trạng công suất chế biến vượt quá lớn so với nguồn khả năng cung ứng nguyên liệu. Tại thời điểm hiện nay, toàn tỉnh đã có 74 cơ sở tư nhân mua và thu gom chè, chế biến chè thủ công với công suất từ 2 -5 tấn/ngày. Các cơ sở chế biến này làm nhiệm vụ sơ chế và sau đó bán lại sản phẩm cho các nhà máy khác trong nước chế biến lại, đồng thời bán cho cả một số tư thương gom hàng bán sang Trung Quốc.

Sự ra đời của một loạt công ty và cá nhân tham gia vào việc thu mua nguyên liệu chè để chế biến ngay trên vùng nguyên liệu do Công ty Đầu tư - Phát triển chè Nghệ An đã hợp tác liên kết với người trồng chè, đã gây ra tình trạng tranh mua, tranh bán. Do hám lợi, bán được giá cao nên người trồng chè không đảm bảo quy trình kỹ thuật, không tuân thủ việc hái chè theo công thức 1 tôm 2 lá mà hái bừa bãi, hái 1 tôm 3 - 5 lá để có khối lượng lớn, bán được nhiều tiền. Bên cạnh đó, nếu gặp nắng hạn lớn chè sẽ chết dần. Tất cả những gì đã và đang xảy ra trên vùng nguyên liệu chè hiện nay gây thiệt hại không nhỏ cho ngành chè Nghệ An, đó là giảm về số lượng chè xuất khẩu; sa sút về chất lượng…

Để sản phẩm chè Nghệ An phát triển ổn định, bền vững, chất lượng đảm bảo và là sản phẩm được thị trường xuất khẩu chấp nhận, thì ngành chè phải duy trì chặt chẽ mối liên kết giữa sản xuất và chế biến; gắn quy hoạch phát triển vùng nguyên liệu cụ thể cho từng cơ sở chế biến. Tất cả các doanh nghiệp là Nhà nước hay tư nhân trước khi xây dựng nhà máy chế biến chè dù công suất lớn hay nhỏ đều phải phát triển vùng nguyên liệu trước, nhằm đảm bảo công suất chế biến cân đối với nguyên liệu trong vùng dự án.

Doãn Trí Tuệ

Mới nhất
x
Đảm bảo giá trị cho cây chè
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO