Đảm bảo sức khỏe bà mẹ và em bé
Thực tế đau lòng
Tháng 9/2011, cô giáo Nguyễn Thị G (sinh năm 1985, quê Khánh Thành - Yên Thành) đang mang thai đứa con đầu lòng ở tháng thứ 9. Dù đã sắp đến ngày sinh con, nhưng cô G muốn tranh thủ làm việc đến tận ngày sinh để dành toàn bộ thời gian nghỉ 4 tháng sau sinh chăm em bé. Trong một lần đi xe máy, chẳng may cô G bị ngã, bụng đập xuống đường. Cô lập tức được người nhà chuyển ngay vào Bệnh viện Hữu nghị đa khoa tỉnh. Cô được xác định bị phong huyết tử cung do chấn thương, rau bung ra khỏi tử cung gây chảy máu. Mặc dù con mất, nhưng may mắn cho cô G đã đến viện tuyến trên kịp thời nên bảo toàn tính mạng, đồng thời các bác sỹ cũng đã cứu được tử cung cho cô. Theo các bác sỹ, trong 100 trường hợp như thế thì có tới 90 trường hợp phải cắt bỏ tử cung, nếu không bệnh nhân sẽ tử vong.
Chăm sóc bà mẹ và trẻ sơ sinh tại Bệnh viện Đa khoa TP. Vinh
Đúng ngày Phụ nữ Việt Nam năm 2010, nhiều phụ huynh và học sinh ở Diễn Châu bàng hoàng vì hay tin cô giáo Tạ Thị Ch (31 tuổi - Diễn Thọ) ra đi khi đang mang thai ở tuần thứ 24. Cô giáo
Trao đổi với chúngtôi, bác sỹ Nguyễn Bá Tân - Giám đốc Trung tâm CSSKSS tỉnh đã cung cấp khá nhiều những trường hợp bà mẹ mang thai đến những tháng cuối mà vẫn gắng đi làm, những trường hợp không dám nghỉ để chăm sóc thai nghén... vì áp lực công việc, nên dẫn đến những hậu quả đau lòng. Bác sỹ Tân cũng bày tỏ sự đồng tình cao (ở góc độ một bác sỹ chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em, cũng là góc độ người quản lý lao động) về dự thảo điều chỉnh thời gian nghỉ thai sản từ 4 lên 6 tháng mà Chính phủ vừa trình được Quốc hội thông qua.
Tăng thời gian nghỉ sinh là cần thiết
Theo bác sỹ Tân, trước hết, về chức năng sinh lý, sau khi sinh con, phải mất 6 tuần cơ thể mới dần hồi phục, nhưng để đảm bảo khỏe mạnh bình thường thì phải cần đến 6 tháng. Thêm vào đó, theo khuyến cáo của tổ chức WHO, đứa trẻ cần được bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu. Sau 4 tháng, cơ quan tiêu hóa của trẻ mới hình thành men và sau 6 tháng, men mới ổn định để có thể chuẩn bị cho việc ăn dặm.Tổ chức này cũng khuyên nuôi con bằng phương pháp kanguru (không chỉ chăm sóc con bằng sữa mẹ mà người còn luôn phải ở bên, ôm ấp trẻ).
Nhiều người mẹ sau 4 tháng nghỉ sinh phải trở lại nơi làm việc, không có thời gian để chăm sóc con, nhất là với những cơ quan phải làm ca, kíp, đành vắt sữa để lại trong tủ lạnh cho em bé bú bình. Sữa bảo quản không tốt, gây khả năng nhiễm khuẩn cao, khi cho trẻ ăn gây rối loạn tiêu hóa. Nếu cho trẻ ăn dặm sớm thì cơ quan tiêu hóa của trẻ cũng chưa đảm bảo. Nhiều người mẹ chọn giải pháp nghỉ trước sinh để đảm bảo sức khỏe thì thời gian nghỉ chăm sóc con lại bị rút ngắn. Tất cả các cách làm trên đều ảnh hưởng tới sức khỏe của trẻ. Chính vì vậy, tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng sẽ tăng cao và điều này hiển nhiên ảnh hưởng tới chất lượng dân số. Chưa kể đến việc người mẹ mang thai những tháng cuối khi tham gia giao thông, làm việc nặng nhọc đều ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe, sự an toàn tính mạng.
Trên góc độ người quản lý lao động, bác sỹ Tân cũng nhận thấy hiếm có bà mẹ nào đi làm sau 4 tháng nghỉ sinh đảm bảo được sức khỏe và công việc. Họ làm việc, nhưng tinh thần, tâm trí để cả ở nơi con ở nhà. Nhiều người đi làm gần, tranh thủ về với con thì cũng mất vài tiếng, như vậy không đảm bảo giờ giấc, ảnh hưởng đến công việc. Những người làm việc xa nhà thì tâm trạng lo lắng, bồn chồn không yên cũng không thể để tâm mà làm việc. Bên cạnh đó, không ở đâu nhận trông trẻ 4 tháng tuổi cả nên nếu không huy động được người nhà thì lại phải thuê người giúp việc, vừa tốn kém, vừa không tránh khỏi lo lắng.
Trong 4 giai đoạn phát triển của cuộc đời (trong bụng mẹ, khi sinh ra, trưởng thành và về già) thì giai đoạn quan trọng là thời kỳ thai nghén. Nếu giai đoạn này được chăm sóc tốt thì đứa trẻ sinh ra có sự phát triển tốt về thể chất, tinh thần và chúng ta có được những công dân khỏe mạnh.Thực tế ở Việt Nam nói chung, Nghệ An nói riêng, việc chăm sóc bà mẹ trong thời kì thai nghén chưa đươc quan tâm đúng mức bởi điều kiện kinh tế khó khăn, chính sách nghỉ ngơi chưa hợp lý. Nhiều bà mẹ thậm chí không có thời gian đi khám thai, không được siêu âm, sàng lọc trước sinh. "Chưa kể việc mang một cái bụng bầu sắp đến ngày sinh rất... không tiện, nhất là với các cô giáo đứng lớp" - bác sỹ Tân cho hay.
Chính vì vậy, việc nghỉ thai sản từ 4 tháng lên 6 tháng để khỏe mẹ và khỏe con là điều hoàn toàn hợp lý. Chính sách này cũng giúp cho người mẹ có thể chủ động chọn cách nghỉ ngơi, đảm bảo sức khỏe cho mình: có thể nghỉ trước sinh 1, 2 tháng để chuẩn bị cuộc đẻ. Nghỉ sinh 6 tháng cũng góp phần cải thiện chất lượng dân số, góp phần duy trì sức lao động cho người mẹ, tránh những điều đáng tiếc xảy ra.
Trước năm 1983 - lúc bà mẹ chỉ được nghỉ sinh 2 tháng, tỉ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng trên 50%, tỉ lệ trẻ chết dưới 1 tuổi trên 8,1%. Vì vậy, từ năm 1985, Chính phủ đã có quyết định tăng thời gian nghỉ sau sinh lên 6 tháng. Nhưng chính sách này tồn tại không lâu vì sức ép lao động, tiền lương và nhiều lý do khác nên đến đầu những năm 1990, thời gian nghỉ sinh lại bị giảm xuống còn 4 tháng. Điều đó cho thấy nghỉ thai sản 6 tháng là một tiến bộ mà nước ta đã từng thực hiện. Bây giờ quy định lại là hoàn toàn phù hợp với điều kiện thực tế, đồng thời nối tiếp một chủ trương tích cực đã từng có.
Thùy Vinh