Đam mê cùng cây cọ
(Baonghean) - Mỗi lúc cầm lấy cây cọ, ngồi trước khung vẽ, họ dường như quên mất rằng, thời gian đang trôi và có lúc quên luôn cả mình là ai trong chốn phố thị nhộn nhịp này. Đó là cảm nhận của tôi khi tham dự buổi học của lớp Sư phạm Mỹ thuật, khoa Mỹ thuật, Trường Cao đẳng Văn hóa - Nghệ thuật Nghệ An…
(Baonghean) - Mỗi lúc cầm lấy cây cọ, ngồi trước khung vẽ, họ dường như quên mất rằng, thời gian đang trôi và có lúc quên luôn cả mình là ai trong chốn phố thị nhộn nhịp này. Đó là cảm nhận của tôi khi tham dự buổi học của lớp Sư phạm Mỹ thuật, khoa Mỹ thuật, Trường Cao đẳng Văn hóa - Nghệ thuật Nghệ An…
Lớp học chỉ có 4 người, không có giáo viên, không bảng đen, phấn trắng, không giáo trình... mà là bảng màu, khung vẽ, lỉnh kỉnh các loại bút lông... Mỗi người “cắm” mình vào khung vẽ, thỏa sức tưởng tượng, sáng tạo. Người vẽ cảnh phơi lưới của người dân miền biển, người vẽ gánh hàng rong trên phố, người vẽ cảnh dệt vải của người phụ nữ dân tộc Thái. Mỗi người một ý tưởng, một đề tài nhưng chứa đựng trong đó là niềm đam mê và tình yêu cuộc sống. Giảng viên Nguyễn Thị Hải Nhung cho biết: “Trường Cao đẳng Văn hóa - Nghệ thuật nói chung và Khoa Mỹ thuật nói riêng có những đặc thù trong giảng dạy và học tập. Thường mỗi môn học có 16 tiết, trong đó chỉ có 1 tiết lý thuyết còn lại 15 tiết là thực hành. Trước đây, sinh viên chủ yếu vẽ theo mẫu do giảng viên đưa ra, nhưng nay phương pháp giáo dục đã đổi mới, sinh viên được tự do lựa chọn đề tài theo sở thích của mình miễn là đúng về đường nét, hình khối và phối hợp màu sắc, bức tranh đạt giá trị thẩm mỹ và giá trị nhân văn”. Kết thúc môn học, sinh viên nộp sản phẩm của mình để giảng viên xếp loại. Tác phẩm nào xuất sắc được giữ lại để trưng bày trong phòng tranh của nhà trường.
Tiết học thực hành của lớp Sư phạm Mỹ thuật K46 Trường Cao đẳng Văn hóa - Nghệ thuật Nghệ An. |
Sinh viên Nguyễn Thị Trọng sinh ra và lớn lên ở miền biển Diễn Châu nên hình ảnh đoàn tàu đánh cá, hình ảnh người mẹ, người chị làng biển oằn mình chở cá đi bán khắp các chợ, hình ảnh ông cháu, bố con quây quần bên nhau rũ lưới như gỡ từng nỗi nhọc nhằn đã in đậm trong tâm trí, trở thành đề tài quen thuộc trong những bức tranh của cô. Khác với Trọng, cô bạn cùng lớp Phan Thị Hoa lại yêu thích những chiếc váy thổ cẩm rực rỡ của phụ nữ Thái nơi rẻo cao. Dù chỉ biết đến trang phục của người Thái qua sách báo, truyền hình và một vài chuyến đi thực tế nhưng các họa tiết, màu sắc đó đã cuốn hút cô sinh viên trẻ để rồi hình ảnh khung dệt lại hiện lên trong khuôn hình rất đỗi thân thuộc... Mỗi bức tranh là một lát cắt sinh động của cuộc sống muôn màu. Ở đó, các bạn trẻ được thỏa sức sáng tạo và thể hiện tình yêu cuộc sống theo cảm quan của riêng mình. Họ khao khát thể hiện và khẳng định cái tôi của mình trong từng đường nét, gam màu; là trái tim thiết tha với cuộc sống và cháy bỏng đam mê cuộc sống.
Xưa nay, nói đến lao động nghệ thuật là nói đến vất vả, khổ cực, nhiều lúc còn có cả sự đánh đổi và mỹ thuật không là ngoại lệ. Dẫu mới chỉ đặt những bước chân chập chững đầu tiên vào con đường nghệ thuật, nhưng những sinh viên của Khoa Mỹ thuật đều đã quen với việc giam mình bên khung vẽ cả ngày, cả đêm, trăn trở với từng đường nét. Lâu ngày không vẽ lại thấy nhớ hộp bút, bảng màu đến quay quắt, niềm đam mê cứ lớn lên theo thời gian, lâu dần, khó ai mà từ bỏ. Những sinh viên khi đăng ký dự thi vào ngành Mỹ thuật hầu hết họ đều có niềm yêu thích và một chút năng khiếu hội họa. Khi được tiếp xúc với những người có cùng sở thích, được hướng dẫn, chỉ bảo nhiệt tình của giáo viên, họ như những mầm xanh được ấp ủ, chăm bẵm, để rồi từ yêu thích trở thành đam mê và gắn bó thành nghiệp suốt cả cuộc đời. Những tài năng trẻ được ươm mầm, nuôi dưỡng và tỏa sáng luôn là bước đệm, tạo nguồn cảm hứng và nhiệt huyết để họ vững bước trên con đường tương lai. Vừa qua, “Em bé đánh giày” - một trong những tác phẩm đạt giải Nhất về nghiên cứu khoa học cấp nhà trường đã để ấn tượng sâu sắc cho người xem. Hình ảnh cậu bé với gương mặt hồn nhiên ngồi trên viên gạch đánh giày cho khách bên hè phố và bỏ quên dòng người hối hả. Cậu bé hồn nhiên đến đáng thương được tác giả Nguyễn Thị Trọng phác họa bằng những gam màu ấm áp, đường nét mềm mại khiến người xem không khỏi chạnh lòng. Phải là người hết sức tinh tế và nhạy cảm tác giả mới cảm nhận được nét hồn nhiên vô tư lẫn vất vả trên khuôn mặt của em bé đánh giày. Mỗi bức tranh như những nhịp trái tim đang rung lên trước muôn mặt đời thường của cuộc sống nhiều vất vả, trái ngang nhưng cũng không ít tình cảm yêu thương này. Các tác giả đã ký họa tâm hồn trẻ với cái nhìn trẻ và nhiệt huyết trẻ đang sục sôi để sáng tạo và cống hiến.
Rồi đây, những bạn trẻ này, sau khi ra trường, họ sẽ có mặt trên bục giảng để truyền dạy niềm đam mê cho các em nhỏ hay có mặt trên những công trường đầy nắng gió, miệt mài trong những phòng tranh để vẽ nên những bức tranh cuộc sống, đẹp và ý nghĩa…
Bài, ảnh: Nguyễn Lê – Lâm Ly