Dám nghĩ, dám làm
(Baonghean) - Với hành trang khởi nghiệp là tấm bằng tốt nghiệp Khoa Kế toán, Trường Đại học Nha Trang, chàng trai người Thái Kha Văn Hướng những mong các cánh cửa cơ quan, công sở, hoặc doanh nghiệp sẽ rộng mở với mình. Nhưng sau một thời gian chật vật kiếm việc, anh ngẫm ra rằng, để tìm được nghề nghiệp đúng với ngành học quả là không dễ. Vậy nên, anh quyết định “rẽ hướng”, phát triển trang trại chăn nuôi tổng hợp trên chính quê hương mình.
Được Bí thư Đoàn xã Tam Thái (Tương Dương) Lương Văn Tin giới thiệu, chúng tôi đến thăm mô hình gia trại của anh Kha Văn Hướng ở bản Lủng. Anh Tin cho biết, thanh niên ở xã Tam Thái hầu hết đi khai thác lâm sản, hoặc đi làm ăn xa ở các nơi khác. Để tạo việc làm cho thanh niên ở đây rất khó khăn do thiếu vốn, thiếu kiến thức kỹ thuật, đầu ra sản phẩm… Nhưng bằng sự năng động, dám nghĩ, dám làm, anh Hướng đã mở ra hướng làm ăn mới cho thanh niên địa phương…
Mô hình trang trại chăn nuôi tổng hợp của anh Kha Văn Hướng ở bản Lủng, Tam Thái (Tương Dương). |
Cuộc sống gia đình anh Hướng trước đây chủ yếu gắn liền với nương, rẫy, đồi rừng, diện tích đất rộng, khí hậu ôn hòa, mát mẻ, rất thích hợp với chăn nuôi. Do đó, sau khi tốt nghiệp đại học nhưng không xin được việc, anh đã mạnh dạn vay vốn đầu tư phát triển kinh tế trang trại. Do tập quán chăn nuôi nhỏ lẻ đã thành nếp, nên khi thực hiện ý tưởng chăn nuôi theo hướng hàng hoá, anh gặp không ít khó khăn. Để bổ sung kiến thức, kỹ thuật chăn nuôi, anh đã tự đăng ký tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật chăn nuôi tại địa phương, tự tìm tòi phương pháp phòng, trị bệnh cho gia súc trên sách báo, trên mạng internet… Được gia đình ủng hộ, anh mạnh dạn vay vốn ngân hàng gần 100 triệu đồng để đầu tư xây dựng chuồng trại.
Năm 2011 anh thí điểm nuôi 30 con lợn thịt và 150 con gà, vịt. Nhưng lợn thịt giá cả bấp bênh, đến thời điểm xuất chuồng, lợn rớt giá nên anh lỗ gần vài chục triệu đồng; dịch cúm gia cầm bùng phát, đàn gà hơn một trăm con của anh Hướng phải tiêu hủy, gây thiệt hại không nhỏ. Nhưng khó khăn, thất bại không làm anh nản chí. Anh lặn lội tìm hiểu các mô hình chăn nuôi của thanh niên ở các địa phương khác để chia sẻ kinh nghiệm sản xuất. Anh cho biết: “Nhu cầu lợn con để nuôi và lợn nhỡ để làm thịt phục vụ cho những ngày lễ của bà con trong xã khá lớn nên mình giảm bớt số lượng lợn thịt để nuôi thêm lợn mái, bán con giống. Còn con giống gia cầm thì chọn giống gà chim, là giống chống chọi được bệnh tật, phù hợp với khí hậu của miền núi để chăn nuôi”.
Nhờ áp dụng kinh nghiệm phòng và trị bệnh cho gia súc, gia cầm; tận dụng được nguồn thức ăn sẵn có trong vườn nhà như: bã sắn, cây chuối rừng… nên năm thứ 2 chăn nuôi, anh bắt đầu có lãi. Hiện nay với tổng đàn lợn với hơn 30 con, mỗi năm xuất 4-5 lứa lợn giống; cùng với hơn 300 con gà, vịt đã mang lại cho gia đình anh thu nhập hơn 50 triệu đồng/năm. Anh Hướng còn kinh doanh thêm dịch vụ xay xát gạo, mổ lợn thịt bán; trồng thêm 0,5 ha xoan.
Dám nghĩ, dám làm, anh Hướng đã tự tạo cho mình công việc với mức thu nhập ổn định 5-6 triệu đồng/ tháng. Sau 3 năm phát triển chăn nuôi, đến nay anh đã tạo dựng được cơ sở ổn định và mở ra hướng đi lâu dài, tạo nguồn thu nhập chính cho gia đình. Câu chuyện dám nghĩ, dám làm tự thân lập nghiệp của Kha Văn Hướng là một mô hình, bài học quý cho thanh niên các bản làng vùng cao hiện nay…
Đinh Nguyệt