Đắm say trong tiếng tơ lòng
(Baonghean) - Tôi đã có cuộc hẹn với nghệ sỹ Minh Thống trước khi bài báo này lên khuôn đúng 1 ngày. Đêm, phố Vinh mưa tầm tã, cô Minh Thống ra tận cửa với chiếc ô trên tay đón tôi vào nhà. Căn nhà nhỏ trong ngõ Ca múa, đường Nguyễn Thái Học của cô bày biện đơn sơ. Không có nhiều những bức ảnh các tiết mục biểu diễn treo tường như nhà các nghệ sỹ khác. Những gì cô muốn ghi nhớ, dường như nó mãi ở trong tim, trong óc mình... Bởi với cô, ngọn lửa nghề đam mê còn cháy mãi.
Nghệ sỹ Minh Thống. |
Cô đã kể cho tôi nghe rất nhiều về tuổi thơ của mình, một tuổi thơ đầy hồn nhiên, hồn nhiên đến mức sau này lớn lên, nghĩ lại cô mới thấm thía rằng mình mất mát và thiếu thốn. Năm 1951, cô bé dân tộc Thổ Cao Thị Thống chào đời tại làng Vả, xã Nghĩa Xuân, Quỳ Hợp. Khi mới 6 tháng tuổi, cô bé Thống mồ côi cha. Lên 2 tuổi, mẹ cô đi bước nữa và Minh Thống ở cùng ông bà nội. Từ nhỏ, chỉ biết có ông bà, thỉnh thoảng đến với mẹ, vậy nên Minh Thống không biết một gia đình trọn vẹn là như thế nào. May mắn, gia đình ông bà thuộc diện khá giả, Minh Thống không phải vất vả nhiều, lại được chăm chút, học hành đến nơi đến chốn. Và một tình yêu hay đúng hơn là một đam mê lớn của cô gái nhỏ này chính là ca hát. Hát lúc lên nương, hát khi vui cùng chúng bạn, hát lúc cất lúa vào nhà “chăm” (kho lúa riêng), hát khi bóc gai, cạo gai, đan võng, hát khi học bài... Cô nghe bà ru, thuộc lòng để ru lại đứa em nhỏ con của chú.
Những làn điệu dân ca Thổ, cô thuộc không trừ bài nào: Từ “Tập tính tập tang”, “Đu đu điềng điềng”, “Dạ ời” đến “Ta ta tún”, rồi cả những bài đồng dao mà trẻ em thường hát trêu đùa nhau. Mỗi khi đoàn văn nghệ xóm biểu diễn, hoặc có văn công nơi nào về, Thống lại bám đoàn cho bằng được. Thấy cô bé Thống nhỏ nhắn, xinh xắn lại hát hay, nhà trường đã cử cô đi học hát để về phổ biến, dạy lại cho toàn trường trong phong trào “Tiếng hát át tiếng bom” những năm đó. Mỗi khi tập hát cho học sinh toàn trường, Minh Thống thường phải đứng trên một chiếc bàn vì quá nhỏ. “Có lẽ nhờ mình có được sự hồn nhiên nên mình mới yêu đời, mới hát ca được nhiều đến vậy”- nghệ sỹ Minh Thống trải lòng. “Thực sự, mình biết đến nỗi đau, sự mất mát, là khi mình chứng kiến trận bom năm đó.
Con đường chiến lược của ta đến phà Dinh xưa chạy qua làng Vả của mình. Năm đó, mình và một chị trong xóm đi chơi, nghe tiếng máy bay Mỹ, hai chị em chạy thục mạng xuống hào. Thế rồi một mảnh bom tàn ác đã phạt ngang đôi chân đang chạy của chị ấy. Trận bom cũng đã cướp đi tính mạng của một người thân trong gia đình mình... Cái chết của người chị thân thiết và người họ hàng đã khiến mình cảm nhận được nỗi buồn đến đắng nghẹn. Không chỉ đau riêng mình, mà đau cả cho quê hương bị chiến tranh tàn phá. Từ đó, trong những giai điệu bài hát cất lên hàng ngày, mình muốn nói về nỗi hận thù chiến tranh, gửi vào đó niềm ước mong hòa bình”
Năm Minh Thống 15 tuổi, đang học lớp 6, Đoàn Văn công Miền núi Nghệ An về Nông trường Bộ ở khu vực Nghĩa Xuân biểu diễn, Minh Thống đã lẽo đẽo đi theo xem hết buổi biểu diễn nọ tới buổi kia và thuộc làu những tiết mục, về dạy lại cho các bạn trong trường. Một nghệ sỹ trong đoàn thấy cô bé ham hát, thuộc bài rất nhanh đã “thử giọng” của Minh Thống, và bất ngờ, 1 năm sau, cô được Đoàn Văn công Miền núi gọi trúng tuyển. Khi ấy, Minh Thống đang học dở lớp 7. Nhiều người, trong đó có cả gia đình và các thầy cô giáo khuyên Minh Thống nên ở nhà học tiếp, chọn nghiệp giáo viên như đã định, nhưng ước mơ được “đi thoát ly”, đặc biệt là được hát, được đứng trên sân khấu trong Minh Thống quá mãnh liệt. Và cô quyết định theo đoàn. Ngày lên đường, Minh Thống nhớ cô được chú Ngô Trí Thậm trong đoàn về chở. Quần áo, đồ đạc bỏ trong chiếc túi dài mà đoàn phát cho, chằng sau xe đạp. Minh Thống ngồi chênh vênh phía trên chiếc túi, hai chân vắt sang hai bên, nhìn rất ngộ. Đi dọc đường, nhiều người hỏi với theo: “Cha con đi sơ tán mô đó?”
Về đoàn, Minh Thống hòa nhập và học khá nhanh những gì được bày, dạy từ hát, múa đến diễn kịch, thậm chí cả ảo thuật nữa. 1 năm sau, Minh Thống được thế chân một diễn viên gạo cội trong đoàn đang nghỉ sinh để sang Lào biểu diễn. Đó là chuyến đi xa và đáng nhớ đầu tiên trong cuộc đời nghệ sỹ của Minh Thống. Hàng tháng ròng ở trong hang và trong những bản xa, biểu diễn cho bộ đội tình nguyện Việt Nam và bà con các bộ tộc Lào, cô cảm nhận hết được nỗi vất vả của chính mình cũng như của bao nhiêu người, cũng là khi cô nhận ra, âm nhạc quan trọng đến thế nào trong đời sống con người. Những tình cảm dào dạt mà cô nhận được đã khiến cô quên đi bàn chân mình đang phải đi trên những núi đá cheo leo, những con dốc trơn trượt, những lối đi băng qua làn đạn địch.
Cô đã hát bằng tất cả tình yêu đối với cuộc đời và con người. Trong đợt biểu diễn ấy, tại một đơn vị bộ đội quân tình nguyện Việt Nam, cô tình cờ gặp một người lính trẻ cùng làng. Nói sao hết nỗi mừng vui, xúc động. Người lính trẻ và cô văn công đã hỏi thăm nhau bao chuyện sau giờ biểu diễn. Trước lúc chia tay bịn rịn, anh tặng cho cô một tấm dù. Có rất nhiều những điều, lúc đó cô văn công trẻ mới kịp nhận ra trong ánh mắt, trong cái cầm tay run run... Thế rồi, khi Đoàn Văn công quay lại đơn vị sau khi biểu diễn trở về, cô nghe được tin người lính ấy đã hy sinh. Lần thứ 2 trong đời mình, Minh Thống khóc nhiều đến thế. Nhưng nỗi đau lần này đối với cô, dường như chẳng thể nói được bằng lời. Cho mãi tới sau này, cô vẫn còn nhớ đến ánh mắt, giọng nói của người lính, đến kỷ vật của anh, đến tuổi thanh xuân của một người con làng Vả ở lại trên đất bạn Lào xa xôi...
Nghệ sỹ Minh Thống và Đội văn nghệ quần chúng huyện Quế Phong. |
Dường như nghệ sỹ Minh Thống nén một tiếng thở dài, nhưng đôi mắt cô thì còn nguyên niềm xúc động khi nhắc về kỷ niệm ấy. Cô chủ động kể lại về những tháng ngày khác, tươi vui hơn, nhưng cũng nhọc nhằn hơn của mình: 3 năm đi học ở Trường Múa Việt Nam là những ngày thực sự “khổ luyện”, rồi chuyện nhập Đoàn Văn công Miền núi vào Đoàn Ca múa Nghệ Tĩnh, rồi chuyện tình yêu với một nhạc công trong đoàn là nghệ sỹ Lữ Minh Dân để đi đến một đám cưới giản dị và hạnh phúc, hai đứa con lần lượt ra đời... Vất vả chồng lên vất vả, nhưng niềm đam mê của một nghệ sỹ vẫn lớn hơn. “Đạp xe đi Kỳ Sơn, Quế Phong..., vào những bản xa xôi nhất. Có nhiều đoạn phải gửi xe, đi bộ xuyên rừng.
Có những đoạn đường không có dấu chân người, chỉ thấy dấu chân của trâu bò. Bụng mang dạ chửa vẫn đi, vắt bám dưới chân, bám trên người vẫn đi. Thậm chí có những tháng ngày đau bệnh triền miên vẫn đi diễn”. 23 tuổi đã làm mẹ, con đang nhỏ thì gửi ngoại, gửi nội, gửi cả hàng xóm cùng đoàn đi lưu diễn khắp nơi. Có khi chẳng gửi được ai thì cô và chồng mang con đi theo. Khi con lớn hơn thì có lúc để hai đứa tự chăm nhau còn bố mẹ đi diễn. Đã có lần, cô trở về, thấy con gái lớn mới 10 tuổi đã biết thức dậy từ tinh mơ, tự chẻ củi, rang cơm cho cả hai chị em ăn mà ứa nước mắt. Người mẹ đứng nhìn cái bóng nhỏ của con lúi húi nơi bếp lửa, nghẹn lòng, nhưng dặn mình cần phải vững, phải rèn cho con sự tự lập. Có lẽ, thấm thía những điều như vậy, nên sau này chồng cô, nghệ sỹ Lữ Minh Dân kiên quyết phản đối không cho cô con gái của mình đi theo nghiệp cha mẹ... Chỉ có người mẹ, sau những đắn đo trầm ngâm đã quyết định đứng bên con, bảo vệ cho ước mơ của con mình: trở thành một nghệ sỹ, một biên đạo múa.
Yêu sân khấu là thế, nhưng cũng đến khi cô nhận thấy mình phải lùi lại đứng phía sau, chăm lo cho gia đình. Năm 1992, nghệ sỹ Minh Thống xin nghỉ hưu sớm để chồng yên tâm công tác, để chăm lo cho con cái học hành, nhưng cô vẫn không thôi hoạt động trong nghề. Cô nhận lời dàn dựng cho nhiều chương trình văn nghệ của tỉnh, của ngành, thu được không ít thành công. Những huy chương vàng, huy chương bạc tại các liên hoan toàn quốc, khu vực, toàn ngành cho những tiết mục múa “Những cô gái Khơ mú”, “Hương rừng”, “Mừng lúa mới”... chính là niềm vui dành cho người nghệ sỹ đã “nghỉ hưu mà không nghỉ diễn” như cô.
Niềm vui lớn nhất của nghệ sỹ Minh Thống, cũng là niềm tự hào, thành công lớn nhất của cô chính là ở cô con gái bướng bỉnh quyết tâm theo nghiệp múa của mẹ: NSƯT Kiều Lê. “Kiều Lê trót mê múa mất rồi, có lẽ nó mê từ ngày ở trong bụng mẹ, theo mẹ đi diễn, cũng chính nó đã nằm phía sau cánh gà sân khấu đợi mẹ... nên mình biết là hãy để nó sống trọn với đam mê. Cô không biết, mình ủng hộ con có đúng không, nhưng cô thấy nó dám hy sinh, dám theo đuổi, dám ước mơ, cô tin những điều ấy sẽ làm nên một nhân cách, một trái tim nghệ sỹ. Và không nói ra, nhưng cô vẫn mong mỏi, Kiều Lê sẽ đi tiếp hộ mẹ một quãng đường dang dở, những ước mơ chưa kịp thực hiện”- nghệ sỹ Minh Thống tâm sự.
Đúng là, nhờ có người mẹ yêu con, hiểu con và dám hy sinh như Minh Thống, mà chúng ta có một Kiều Lê- một biên đạo múa hàng đầu của Việt Nam hiện nay. Người mẹ ấy, không chỉ chuyện trò, hỏi thăm con hàng ngày, mà luôn nhắc con phải biết lăn lộn với nghề, và hãy sống, hãy làm bằng tất cả đam mê.
Tôi hỏi: “Cô có nhớ sân khấu không?”, cô cười: “Nói không thì không đúng, nhưng thực ra mình cũng đang được làm nghề, vẫn được mời đi dựng nên vẫn còn niềm vui. Mình yêu múa, và chắc sẽ múa đến khi nào chân tay run hết mới thôi”. Tôi tin điều nghệ sỹ Minh Thống nói, vì tôi biết, khi người nghệ sỹ nghe một giai điệu cất lên còn thấy lòng rạo rực, còn biết đứng dậy quên đi cả tuổi tác, mà đắm say theo nó thì ngọn lửa nghề ấy còn rất lâu mới tắt...
Thùy Vinh