Dân bản chung tay dựng trường
(Baonghean) - Anh Xồng Bá Cha, Trưởng bản Minh Châu 1 xã Tri Lễ (Quế Phong) nói như khoe: “Năm học này các cháu mầm non ở đây có trường học mới rồi. Còn đơn sơ thôi, nhưng so với trước thì khang trang hẳn. Mà hoàn toàn do bà con góp tiền, góp sức dựng lên. Giờ thì bọn trẻ ở đây có thể yên tâm đến lớp, đến trường rồi”.
Ở xã rẻo cao biên giới mà có tới trên 1.800 hộ với gần 10.000 nhân khẩu sinh sống ở 33 bản thì chuyện các cháu mầm non đến trường tập trung là điều không thể. Cuối năm 2013, Ban giám hiệu trường mầm non và lãnh đạo xã họp bàn và quyết định tập trung các điểm trường gần nhau về một cụm. Nghe ra ai cũng hào hứng, nhưng vấn đề lấy kinh phí ở đâu để xây dựng trường là câu hỏi lớn. Xã họp, trường họp, dân họp và cuối cùng tất cả đều thống nhất chủ trương huy động sức dân. Trước tiên, xã làm điểm ở các bản Na Miên, Chà Lanh, Nà Cấn, Na Túy và bản Minh Châu 1.
Theo ông Lộc Văn Thanh, trưởng bản Chà Lanh thì dân bản ông đời sống kinh tế còn vất vả lắm. Nhưng chuyện làm trường theo cụm bản cho con cháu mình học phần lớn bà con đều ưng. Vì ai cũng muốn con cháu mình được học trường lớp đàng hoàng. Họp bàn mất mấy buổi rồi cả bản cũng thống nhất, mỗi hộ bất kể có con cháu theo học hay không đều góp 300.000 đồng. Những phụ huynh có con theo học thì góp thêm công.
Còn bản Minh Châu 1 có 67 hộ toàn bà con dân tộc Mông. Cụm trường đóng kề bên bản nên thuận lợi hơn các bản khác. Anh Thò Chu Tùng - có đứa con đầu lòng năm nay đến tuổi vào lớp 1 phấn khởi cho biết: Ngoài mức đóng chung 300 ngàn đồng, anh còn tích cực tham gia cưa, đục và cùng trưởng bản Xồng Bá Cha đi tìm chọn tre, mét, tấm lợp để làm nhà cho chắc hơn, đẹp hơn. Còn ông Thò Bá Vừ, dù con cháu mình đã khôn lớn, nhưng cũng hồ hởi tham gia làm trường mầm non. Ngày khởi công, ngoài tiền định mức đóng đầy đủ, ông còn vác thêm một cây gỗ để làm kèo và hăng hái làm thêm 2 ngày công nữa.
Cụm lớp mẫu giáo Minh Châu (Trường Mầm non Tri Lễ) sẵn sàng cho năm học mới. |
Với ông Lô Văn Châu ở bản Na Cấn thì những ngày làm trường vui như ngày hội. Bà con bản nào cũng muốn trường học được làm chắc hơn, đẹp hơn và nhanh hơn. Nhờ thế đến gần cuối tháng 7 vừa qua, cụm trường mầm non Minh Châu 1 cơ bản hoàn thành. Cụm trường với 5 ngôi nhà mái lợp chắc chắn với đầy đủ lớp học cùng sân cho trẻ chơi được láng xi măng trong một khuôn viên rộng rãi, thoáng mát đã đưa vào sử dụng. Cô giáo Phan Thị Liên phấn khởi: Đồ chơi của các cháu được phòng giáo dục cấp. Có trường lớp mới, đồ chơi phong phú nên trên 130 cháu được phụ huynh ở 7 bản đăng ký đến nhập học.
Cụm Trường Mầm non Tân Thái gồm các bản Đôn, bản Chọt, bản Kem Ải, bản Nầm cũng vừa hoàn thành. Mọi đóng góp của bà con đều trên tinh thần tự nguyện. Đến cuối tháng 8 này, cụm đã đón nhận trên 120 cháu từ 7 bản đến học. Nhìn “cơ ngơi” trường, lớp do bà con đóng góp, ông Lương Văn Duẩn, Trưởng bản Nầm vui lắm. Có trường lớp đàng hoàng thì con, cháu mới được học hành tử tế, cha mẹ, ông bà các cháu mới yên tâm làm nương, làm rẫy.
Cô giáo Lê Thị Thanh Minh - Hiệu trưởng Trường Mầm non Tri Lễ hào hứng: So với miền xuôi thì trường lớp dân tự làm này con đơn sơ, nhưng so với các điểm lớp khác thì đã khang trang hơn rất nhiều, tạo điều kiện nâng cao chất lượng dạy và học cho trẻ mầm non, nhất là ở những vùng đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc thiểu số. Nhờ sinh hoạt tập thể trong một cụm trường lớn hơn nhiều so với các điểm lẻ ở bản nên các cháu học tiếng phổ thông nhanh hơn, chơi ngoan hơn. Bố mẹ các cháu dù có đưa các cháu đi học xa một tý, nhưng thấy con, cháu mình được sinh hoạt, học tập, vui chơi quy củ, nề nếp hơn nên cũng yên tâm. Còn giáo viên được dạy tập trung ở một cụm, vừa thêm điều kiện để trao đổi, học hỏi đồng nghiệp, vừa thuận lợi cho việc dạy dỗ các cháu.
Tri Lễ còn 8 bản của đồng bào Mông do địa hình cũng như một số khó khăn khác nên chưa thể tổ chức được các cụm mầm non. Ông Lô Văn Điệp, Phó Bí thư Đảng ủy xã Tri Lễ cho biết: Để chuẩn bị cho năm học mới, bà con ở các bản này đã góp công, góp của củng cố lại các điểm dạy mầm non để đảm bảo cho việc dạy và học đạt yêu cầu. Việc xây dựng điểm 2 cụm trường mầm non từ công tác xã hội hóa sẽ được Tri Lễ nhân rộng trong thời gian tới.
Việt Long