Dân bản làm theo chị Nguyệt
(Baonghean) - Chị La Thị Nguyệt người dân tộc Đan Lai tái định cư (TĐC) ở bản Cửa Rào, xã Môn Sơn (Con Cuông) Là người luôn đi đầu trong các phong trào xã hội và phát triển kinh tế gia đình, tháng 8/2013 chị đã được kết nạp Đảng...
Hôm chúng tôi đến, vợ chồng chị Nguyệt đang tất bật làm đất trỉa ngô trên mảnh vườn của gia đình khác. Có khách, chị Nguyệt vồn vã mời chúng tôi về nhà. Căn nhà ngói của gia đình chị được nhà nước xây dựng theo dự án TĐC vẫn còn nguyên vẹn, mọi đồ dùng trong nhà, từ ti vi, giường, tủ,… được xếp đặt ngăn nắp, gọn gàng. Ngoài mảnh vườn bố trí trồng nhiều loại cây khác nhau, còn có hệ thống chuồng trại chăn nuôi trâu, lợn, gà. Chị Nguyệt cho biết, vợ chồng của gia đình bên cạnh đi vào Nam làm ăn, nên mảnh đất vườn bỏ hoang. Tiếc của, tôi bàn với chồng cày bừa đất để trỉa ngô vụ đông. Còn mảnh vườn của gia đình tôi, quanh năm trồng ngô, rau, đậu… tự túc rau xanh cho gia đình và làm thức ăn cho trâu, bò, lợn. Chị Nguyệt khoe, trong chuồng khi nào cũng có vật nuôi, hiện còn 7 con bò, trong đó 3 con bò cái; 2 con lợn nái, hàng năm lợn đẻ ra là để nuôi lợn thịt. Nhờ có chăn nuôi bò, lợn đàn, 4 con đã ra ở riêng, cháu nào cũng được cha mẹ hỗ trợ 1 con bò và lợn giống về nuôi.
Vợ chồng chị La Thị Nguyệt trỉa ngô vụ đông. |
Chị Nguyệt được người dân bầu làm cán bộ HĐND xã, Ủy viên MTTQ huyện, nhóm trưởng nhóm sản xuất khu TĐC Cửa Rào từ nhiều năm nay. Giờ là một đảng viên, chị thành niềm tự hào của người dân TĐC Đan Lai. Mỗi khi chị Nguyệt đi vận động dân bản thực hiện việc gì, bà con đều nghe và làm theo. Vụ ngô đông này, được Nhà nước hỗ trợ 100% giống, khi bản nhận giống về, giao cho chị Nguyệt quản lý. Hiểu được thực trạng của bà con, chị ra điều kiện, gia đình nào đã làm đất, xẻ rãnh thì mới phát giống ngô, tránh tình trạng phát ngô giống về rồi không trỉa mà sử dụng vào việc khác.
Đến đầu tháng 11, mới có 6 hộ được chị Nguyệt phát ngô giống về trỉa. Hay như việc cải tạo đất vừa được Nhà nước khai hoang, chị Nguyệt vận động bà con thu gom phân chuồng, đồng thời lên đồi chặt lá phân xanh về băm nhỏ, ủ thành đống, đến vụ sản xuất đem ra bón cho ruộng. 3 năm liên tục làm như vậy thì ruộng mới tốt, mới có ngô, rau, lúa gạo để ăn. Hiện đã có nhiều gia đình trong khu TĐC nghe và làm theo chị. Khó nhất là hiện nay thanh niên nam, nữ lớn lên kéo nhau đi làm ăn xa, việc phát triển kinh tế ruộng vườn thiếu lực lượng lao động trẻ, chỉ còn ông bà già, trẻ em ở nhà, do vậy nhiều gia đình rất khó vận động sản xuất...
Là một phụ nữ Đan Lai năng động, trong khó khăn chị La Thị Nguyệt đã tìm hướng phát triển kinh tế riêng cho gia đình một cách đúng đắn. Hiện tại, chị Nguyệt là người dẫn đầu về phát triển kinh tế của 2 bản TĐC người Đan Lai ở xã Môn Sơn, chị là điển hình không những làm kinh tế giỏi mà là người phụ nữ gương mẫu trong các phong trào của địa phương và có ý thức giúp đỡ mọi người cùng vươn lên làm giàu chính đáng!
Nguyễn Hoàng