'Cầu nối' đưa chính sách pháp luật đến với người dân

Gia Huy 11/02/2021 08:18

(Baonghean.vn) - Những người được trợ giúp pháp lý miễn phí là nhóm đối tượng yếu thế trong xã hội (người nghèo, trẻ em, người DTTS), người có công với cách mạng…

"Điểm tựa” cho người dân

Những ngày áp Tết Nguyên đán, mặc dù bận rộn nhưng anh Trần Hữu Q. ở xã Trung Phúc Cường (Nam Đàn) vẫn tranh thủ đến Trung tâm Trợ giúp pháp lý (TGPL) thuộc Sở Tư pháp để nhờ giúp đỡ về việc liên quan đến con trai anh Q bị hàng xóm chém khi cháu mới 3 tuổi, xuất phát từ mâu thuẫn giữa người lớn với nhau.

Anh Q. cho biết, đây là lần thứ 2 anh đến xin trợ giúp pháp lý, trước đó trung tâm cũng đã cử người hỗ trợ pháp lý cho con trai anh và vụ án đã được đưa ra xét xử. Tại tòa, bên bị cáo bị tuyên phạt 3 năm tù và hứa bồi thường cho gia đình anh Q. 60 triệu đồng. nhưng đến nay mới chỉ hỗ trợ 30 triệu đồng.

Trợ giúp viên Trung tâm TVPL nhà nước tỉnh tư vấn pháp luật cho người dân. Ảnh: KL
Trợ giúp viên Trung tâm TVPL nhà nước tỉnh tư vấn pháp luật cho người dân. Ảnh: KL

Anh Q. cảm thấy chưa thỏa đáng và mong muốn được tiếp tục trợ giúp pháp lý để đòi lại công bằng cho con trai. “Hoạt động trợ giúp pháp lý miễn phí là một “điểm tựa” cho người dân nghèo như chúng tôi. Được giúp đỡ về pháp lý, tôi đã vững tin hơn vào tính nghiêm minh của pháp luật Nhà nước”, Anh Q. cho hay.

Theo ông Lê Văn Lý - Trưởng phòng nghiệp vụ (Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh Nghệ An), mỗi trường hợp tìm đến trung tâm và các chi nhánh của trung tâm có hoàn cảnh khác nhau, nhưng tựu chung lại là những đối tượng yếu thế, do đó khi được tiếp cận pháp luật, được trợ giúp pháp lý ai cũng phấn khởi và xem như là “cứu cánh” của mình. Mỗi khi giúp được người dân, trợ giúp viên chúng tôi đều cảm thấy rất hạnh phúc.


Ví như trường hợp ông C.V.B - thuộc đối tượng người có công với cách mạng ở xã Lạng Sơn (Anh Sơn) xảy ra một vụ tranh chấp dân sự về quyền sử dụng đất. Cụ thể, gia đình ông C.V.B được giao 2 thửa đất rừng được cấp bìa xanh năm 1995, sau khi có Nghị định 163 giao lại rừng năm 2000 - 2001 thì xã thu lại để làm bìa mới. Năm 2004 giữa gia đình ông C.V.B và ông C.V.Q (có quan hệ họ hàng) xảy ra tranh chấp về thửa đất nêu trên, ngày 23/3/2004 UBND xã Lạng Sơn đã lập biên bản hòa giải tiến hành phân chia thực địa, cận 3m mỗi bên chịu 1,5m. Sự việc đã được giải quyết ổn thỏa nhưng đến năm 2007, ông C.V.Q tiếp tục có đơn khiếu nại. Vụ việc trở nên phức tạp khi hồ sơ giải quyết tranh chấp năm 2004 ở xã bị thất lạc.

Đồng hành với gia đình bị đơn là ông C.V.B, trợ giúp viên Lê Văn Lý giúp gia đình ông tìm được hồ sơ còn lưu ở bên lâm nghiệp và tình tiết mấu chốt là kết luận giám định của công an chỉ ra hồ sơ giao đất lâm nghiệp của ông Q có dấu vết sửa chữa, điền thêm chữ số. “Cuối cùng hai bên đã thống nhất ông Q bồi thường cho ông B 65 triệu đồng, hòa giải tại tòa”, trợ giúp viên Lê Văn Lý cho hay.

Trong năm 2020, Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh Nghệ An đã thụ lý và thực hiện được 1.016 vụ việc, trong đó có 101 việc tư vấn, 905 vụ việc tham gia tố tụng. Tổng số người được trợ giúp pháp lý là 800, trong đó người dân tộc thiểu số 429, trẻ em 54, người bị buộc tội từ đủ 16 đến dưới 18 tuổi 136, người có công với cách mạng 7…

Có thể nói, cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội, trợ giúp pháp lý đang dần trở thành nhu cầu không thể thiếu trong đời sống của người dân, nhất là những người yếu thế. Hoạt động này cũng góp phần giải quyết vướng mắc, tranh chấp tại cơ sở, giảm tải việc đi lại của người dân, góp phần giảm bớt đơn thư, khiếu kiện vượt cấp, kéo dài.

Tại Báo Nghệ An, từ đầu năm 2015 đến nay, tòa soạn đã phối hợp với Văn phòng Luật sư Trọng Hải & Cộng sự phối hợp tổ chức hoạt động tư vấn pháp luật miễn phí vào sáng thứ 5 hàng tuần. Đối tượng tìm đến Văn phòng Trợ giúp pháp lý miễn phí đóng tại Báo Nghệ An số 3, Đại lộ Lê Nin có đủ các thành phần với nhiều lứa tuổi khác nhau, từ những người dân lao động nghèo, bà con dân tộc thiểu số đến công chức, viên chức... Lĩnh vực tư vấn cũng rất đa dạng nhưng nhiều nhất vẫn là tư vấn những vấn đề liên quan đến đất đai. Mỗi người một hoàn cảnh, một câu chuyện khác nhau nhưng họ có chung mong muốn, niềm hy vọng là được tư vấn, giải đáp những băn khoăn, vướng mắc và hướng dẫn các thủ tục pháp lý liên quan để bảo đảm quyền lợi của bản thân. Bình quân mỗi năm, Văn phòng Trợ giúp pháp lý miễn phí tại Báo Nghệ An thực hiện được hơn 40 buổi tư vấn cho hàng chục lượt công dân. Riêng năm 2020, đã thực hiện được 43 buổi tư vấn với 57 lượt người.

Các luật sư tư vấn cho người dân tại Văn phòng trợ giúp pháp lý Báo Nghệ An. Ảnh tư liệu
Các luật sư tư vấn cho người dân tại Văn phòng trợ giúp pháp lý Báo Nghệ An. Ảnh tư liệu

Qua 6 năm hoạt động của văn phòng đã không chỉ để lại nhiều tình cảm đối với người được tư vấn mà các luật sư trẻ như Minh Huyền, SN 1997, tốt nghiệp Đại học Luật Hà Nội cũng bày tỏ, “quá trình tham gia trợ giúp pháp lý miễn phí, được tiếp cận với nhiều vụ việc, nhiều tình huống cũng là cơ hội để chúng tôi đúc rút kinh nghiệm, rèn luyện bản lĩnh và cũng tự thấy phải học hỏi, trau dồi, nghiên cứu thêm để tư vấn tốt hơn, đáp ứng nhu cầu của người dân…”.

Hướng về cơ sở

Với tâm niệm “thêm một người hiểu biết pháp luật là một niềm vui”, trong năm 2020, mặc dù bị ảnh hưởng bởi 2 đợt thực hiện cách ly và giãn cách xã hội phòng, chống dịch Covid-19, tuy nhiên, các trợ giúp viên của Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh và các chi nhánh đã có rất nhiều biện pháp để khắc phục, như soạn thảo và phát hành, in ấn 560 băng đĩa thu âm nội dung về Luật Trợ giúp pháp lý bằng tiếng Kinh, tiếng Thái, tiếng Mông để tăng cường truyền thông qua loa phát thanh của xã, xóm, thôn, bản. Bên cạnh đó, tổ chức được 9 đợt truyền thông về cơ sở của 96 xã, thôn, xóm, bản đặc biệt khó khăn của các huyện Quế Phong, Nghĩa Đàn, Tương Dương, Tân Kỳ và Kỳ Sơn.

“Hoạt động truyền thông tận xóm bản cho nhân dân tại các huyện vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn tương đối vất vả vì đường sá đi lại khó khăn, nhiều khi gặp trở ngại về ngôn ngữ và phải thông qua cán bộ thôn, bản làm phiên dịch nhưng niềm vui, niềm hạnh phúc của những cán bộ làm công tác trợ giúp pháp lý đơn giản chỉ là những cái nắm tay thật chặt, những lời cảm ơn chân thành từ phía bà con”, trợ giúp viên Võ Thị Hòa chia sẻ. Ngoài tham gia các lớp tập huấn nghiệp vụ, nhiều trợ giúp viên còn tự động bỏ kinh phí học tiếng dân tộc để có thể làm tốt công tác trợ giúp pháp lý cho đồng bào dân tộc thiểu số. Bên cạnh đó, Trung tâm còn phối hợp tốt với các cơ quan có thẩm quyền phát huy có hiệu quả hoạt động của Hội đồng phối hợp liên ngành về TGPL trong hoạt động tố tụng tỉnh, đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp cho người tham gia tố tụng thuộc diện được trợ giúp.

Lực lượng công an xã tuyên truyền pháp luật cho người dân vùng cao. Ảnh minh họa: Đức Vũ
Lực lượng Công an xã tuyên truyền pháp luật cho người dân vùng cao. Ảnh minh họa: Đức Vũ

Tuy nhiên, Nghệ An là tỉnh có địa bàn rộng, đối tượng thuộc diện được trợ giúp pháp lý chiếm khoảng 50% dân số nhưng lại tập trung ở những vùng có địa hình phức tạp, điều kiện tự nhiên hiểm trở, đi lại khó khăn. Vì vậy, công tác tuyên truyền pháp luật chưa đến được với nhiều thôn, bản vùng sâu, vùng xa. Trình độ nhận thức pháp luật của người dân (đặc biệt là người dân tộc thiểu số sinh sống ở 3 huyện nghèo) còn hạn chế. Chính vì vậy, việc tiếp cận và hỗ trợ về mặt pháp lý thường khó khăn, kéo dài.

Bên cạnh đó, kinh phí địa phương cấp cho hoạt động TGPL còn hạn hẹp, đặc biệt kinh phí cấp cho hoạt động nghiệp vụ còn quá thấp; không đủ chi trả thù lao thực hiện vụ việc trợ giúp pháp lý cho người thực hiện trợ giúp pháp lý. “Trước đây, ngoài đội ngũ 15 trợ giúp viên pháp lý, còn có 18 luật sư là cộng tác viên của trung tâm được hưởng một phần thù lao theo Quyết định 32/2016 QĐ-TTg ban hành chính sách trợ giúp pháp lý cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số tại các huyện nghèo, xã nghèo, thôn bản đặc biệt khó khăn giai đoạn 2016 - 2020 và hỗ trợ vụ việc tham gia tố tụng có tính chất phức tạp hoặc điển hình, nhưng hiện tại đến năm 2020 đã hết nguồn kinh phí này, chưa có kinh phí bổ sung”, trợ giúp viên Lê Văn Lý cho hay.

Một nguyên nhân nữa khiến công tác trợ giúp pháp lý hiện nay chưa đáp ứng nhu cầu thực tiễn là một số cơ quan ban, ngành, địa phương cũng chưa mặn mà với hoạt động này. Theo Tiến sỹ, luật sư Trọng Hải - Trưởng Văn phòng Luật sư Trọng Hải và Cộng sự: Thực tế nhiều địa phương chưa mặn mà với hoạt động tư vấn, trợ giúp pháp lý miễn phí vì sợ động chạm đến những vấn đề “nhạy cảm” ở cơ sở, thành phần mời đến chủ yếu là cán bộ, công chức và cán bộ khối, xóm nên ít nhiều còn mang tính hình thức.

BĐBP Nghệ An tuyên truyền phổ biến pháp luật cho nhân dân vùng biên giới. Ảnh tư liệu: Lê Thạch
BĐBP Nghệ An tuyên truyền phổ biến pháp luật cho nhân dân vùng biên giới. Ảnh tư liệu: Lê Thạch

Bên cạnh đó, những người làm công tác trợ giúp pháp lý cũng bày tỏ băn khoăn, trăn trở trước thực tế có những trường hợp đã được tư vấn, hướng dẫn các thủ tục, nhưng vẫn chưa được các cơ quan, địa phương xem xét giải quyết, bảo vệ quyền lợi chính đáng hoặc giải quyết chưa thỏa đáng, xuê xoa, bao che cho sai phạm khiến người dân bức xúc, phải đi lại nhiều lần…

Dẫu còn nhiều khó khăn, nhiều điều chưa được như ý nhưng sự tin cậy và kỳ vọng của công dân là động lực để những người làm công tác tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý miễn phí phát huy tinh thần, trách nhiệm, tiếp tục là “cầu nối”, “điểm tựa” pháp lý, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân vào chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

Mới nhất

x
'Cầu nối' đưa chính sách pháp luật đến với người dân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO