Đồng chí Võ Biệu với câu nói nổi tiếng 'cộng sản là choa ...'
Trong cao trào Xô viết Nghệ Tĩnh, khi bị giặc bắt, tra tấn, đồng chí Võ Biệu không khai gì hết mà chỉ trả lời một câu: “cộng sản là choa chứ không ai nữa”.
Trong cao trào cách mạng 1930-1931 mà đỉnh cao là Xô viết Nghệ Tĩnh, nhiều đảng viên, cán bộ và quần chúng cách mạng ở hai tỉnh Nghệ An – Hà Tĩnh đã không ngại khó khăn, gian khổ, luôn nêu cao tinh thần bất khuất, chí khí anh hùng, sẵn sàng hy sinh cả tính mạng để giành độc lập, tự do cho dân tộc. Đồng chí Võ Biệu - người cộng sản kiên trung của quê hương Thịnh Lộc trong phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh là một trong những tấm gương như vậy.
Đồng chí Võ Biệu sinh năm 1903 tại xã Yên Điềm, tổng Phù Lưu (nay là xã Thịnh Lộc), huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh(1). Tổng Phù Lưu là vùng đất rộng, người đông, nhân dân thuần phác, có tấm lòng yêu nước nồng nàn. Đầu thế kỷ XX, cùng với đồng bào cả nước, nhân dân Yên Điềm sôi nổi hưởng ứng cuộc vận động theo phong trào “Đông Du” của Phan Bội Châu và “Duy Tân” của Phan Châu Trinh.
Năm 1929, một số thành viên của tổ chức Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí Hội và Tân Việt cũng đã về Yên Điềm mở các lớp học tập lý luận chính trị để tuyên truyền chủ nghĩa yêu nước cho nhân dân… Qua đó, một số quần chúng yêu nước như Võ Biệu, Dương Nghiêm, Nguyễn Đỉnh, Lê Lụa, Lê Ốc, Trần Truyện, Hoàng Sáu… ở Yên Điềm đã sớm được giác ngộ lý tưởng cách mạng và tham gia vào các phong trào yêu nước.
Ngày 03/02/1930, Đảng Cộng sản Việt Nam chính thức được thành lập. Tiếp đó, tháng 4/1930, Đảng bộ huyện Can Lộc ra đời đánh dấu bước ngoặt lịch sử cho phong trào yêu nước của nhân dân toàn huyện. Thời gian này, các đồng chí Võ Quế, Hoàng Khoái Lạc, Nguyễn Cường… về Yên Điềm móc nối liên lạc với đồng chí Võ Biệu, Dương Nghiêm, Lê Lụa, Lê Ốc để chuẩn bị cho việc thành lập Chi bộ Đảng ở Yên Điềm.
Chiều 09/4/1930, tại tòa miếu Đại Càn trong khu miếu thôn Tiên Yên (Yên Điềm cũ), cuộc họp đầu tiên của Xã bộ Yên Điềm được tổ chức. Khu miếu này là vùng cây cối rậm rạp, u tịch, ít người qua lại. Tham gia cuộc họp có đồng chí Võ Biệu, Lê Lụa, Lê Ốc, Nguyễn Đỉnh, Trần Truyện, Hoàng Sáu. Đại diện cấp trên có đồng chí Trần Cận (cán bộ Huyện ủy), Hoàng Khoái Lạc (cán bộ Tổng bộ Phù Lưu). Sau cuộc họp này, các đồng chí lãnh đạo giao nhiệm vụ cho đồng chí Võ Biệu và các đảng viên khác đi vào các thôn, xóm để cổ động nhân dân ủng hộ cách mạng, sẵn sàng nổi dậy chống cường quyền.
Chiều 23/4/1930, tại phía Tây miếu Chóp Đũn diễn ra cuộc họp lần thứ 2 của Xã bộ Yên Điềm. Tại cuộc họp, các đồng chí Trần Cận và Hoàng Khoái Lạc đã phổ biến một số nét tình hình hoạt động cách mạng ở các miền Thượng, Trung, Hạ Can Lộc và thống nhất kết nạp một số đồng chí vào Đảng.
Chiều 25/4/1930, tại chùa Chân Tiên diễn ra lễ kết nạp những người cộng sản đầu tiên của Thịnh Lộc vào Đảng Cộng sản Việt Nam, lễ kết nạp được bảo vệ cẩn mật với nhiều điểm canh gác. Đồng chí Hoàng Khoái Lạc tuyên bố lý do cuộc họp và đọc quyết định kết nạp một số đồng chí vào Đảng, gồm đồng chí Võ Biệu, Dương Nghiêm, Lê Lụa, Lê Ốc, Hoàng Sáu, Trần Truyện... Ngay chiều hôm đó, Liên Chi bộ Yên Điềm – Yên Định (nay là xã Thịnh Lộc) cũng được thành lập.
Sau khi ổn định tổ chức, các đồng chí được phân công nhiệm vụ: đồng chí Dương Nghiêm làm Bí thư Chi bộ, đồng chí Võ Biệu phụ trách tự vệ, đồng chí Lê Lụa phụ trách in truyền đơn, đồng chí Lê Ốc và Nguyễn Đĩnh phụ trách quần chúng, đồng chí Hoàng Sáu phụ trách thanh niên, đồng chí Trần Truyện phụ trách nông hội. Liên Chi bộ cũng thống nhất chọn chùa Chân Tiên trở thành trụ sở bí mật, còn trụ sở hoạt động thường xuyên của Liên Chi bộ đặt tại nhà bà Võ Thị Sáu (mẹ của đồng chí Võ Biệu). Cuối tháng 4 năm 1930, các tổ chức quần chúng ở Yên Điềm được hình thành trong các thôn cho đến liên tổ, tiểu tổ.
Thực hiện chủ trương của Tỉnh ủy Hà Tĩnh và Huyện ủy Can Lộc về việc mít tinh kỷ niệm ngày Quốc tế Lao động 1/5, đêm 29, rạng sáng 30/4/1930, Liên Chi bộ Yên Điềm – Yên Định đã tổ chức rải truyền đơn khắp các nẻo đường, thôn xóm của xã Thịnh Lộc kêu gọi nhân dân đoàn kết đấu tranh. Sáng 01/5/1931, cờ đỏ búa liềm tung bay ở đỉnh Hoa Cái núi Vân Am, đỉnh Lang Vân (Vân Hội – Yên Điềm), đỉnh núi Bằng Sơn… Ngay sau đó, một cuộc biểu tình lớn tại Bãi Vùn gồm 300 quần chúng ở Yên Điềm, Yên Định, Trung Thịnh, Tụy Lộc đã diễn ra, đồng chí Hoàng Khoái Lạc đứng lên nói chuyện.
Cuối tháng 7/1930, Huyện ủy Can Lộc chủ trương vận động một cuộc biểu tình lớn trong huyện nhân ngày Quốc tế chống chiến tranh đế quốc (01/8). Chiều 28/7/1930, Liên Chi bộ Yên Điềm – Yên Định đã họp bàn thông qua chủ trương và thống nhất kế hoạch hành động ở địa phương. Đêm 30, rạng sáng 31/7/1930, đồng chí Võ Biệu cùng các đảng viên và cán bộ các đoàn thể xuống tận các tổ, xóm để tuyên truyền về ý nghĩa của ngày 01/8, vận động quần chúng sẵn sàng cho cuộc biểu tình.
Sáng 01/08/1930, đồng chí Võ Biệu cùng với quần chúng nhân dân xã bộ Yên Điềm - Yên Định tập trung tại Miếu Bà (khoảng 300 người), kéo về cầu Nghèn, kết hợp với đoàn biểu tình các xã vùng Hạ Can Lộc, Thượng Can Lộc và khu vực huyện lỵ. Nghe tin quần chúng biểu tình, Tri huyện Trần Mạnh Đàn vội cho lính ra đối phó nhưng không được và buộc phải ký bản yêu sách của quần chúng đưa ra.
Dưới sự lãnh đạo của Liên Chi bộ Yên Điềm – Yên Định, quần chúng nơi đây còn tham gia đấu tranh sôi nổi trong các cuộc biểu tình khác, như cuộc biểu tình ngày 6/11/1930 tại miếu Chóp Đũn để kỷ niệm ngày Cách mạng Tháng Mười Nga (7/11), cuộc biểu tình ngày 11/12/1930 kéo về huyện lỵ để kỷ niệm ngày “Quảng Châu Công xã” (12/12). Trong cuộc đấu tranh ngày 04/2/1931, hơn 200 người đã bao vây đình làng trong lúc các quan đang tiến hành tế lễ, đưa ra yêu sách buộc các quan phải chấp nhận.
Đầu năm 1931, nạn đói xảy ra khắp nơi, tại xã Yên Điềm, nhiều gia đình đã rơi vào hoàn cảnh bần cùng. Để khắc phục tình trạng đó, đồng chí Võ Biệu lúc này là Bí thư Liên Chi bộ, đã tổ chức cuộc họp bàn tại nhà mình để đưa ra phương án cứu đói cho nhân dân. Nhiều đồ dùng sinh hoạt trong gia đình đã được đồng chí Võ Biệu dùng để phục vụ các đồng chí trong Liên Chi bộ khi họp.
Cuối những năm 1931, phong trào cách mạng ở Yên Điềm bị địch khủng bố ác liệt. Địch cho lính lùng sục khắp nơi trên địa phận xã Yên Điềm để bắt bớ cộng sản.
Sáng 07/2/1932, địch phái tay sai đắc lực Hồ Phác Ứng cùng 2 tên lính của hắn mò vào nhà bắt đồng chí Võ Biệu và đồng chí Trần Quang Trung (Bí thư Nông hội đỏ của xã bộ Yên Điềm). Chúng trói hai đồng chí đưa về đồn Kim Chung tra tấn dã man, dùng dây treo ngược các đồng chí lên xà nhà, đánh đập, với đủ mọi hình thức cho đến chết. Với tấm lòng kiên trung của người cộng sản, vào những phút cuối cuộc đời, khi bị tra hỏi, các đồng chí Võ Biệu và đồng chí Trần Quang Trung không khai gì hết và vẫn chỉ trả lời một câu: “cộng sản là choa chứ không ai nữa” (2).
Sau khi giết hai đồng chí Võ Biệu và Trần Quang Trung, địch tiếp tục cho quân ráo riết lùng sục khắp các ngang cùng ngõ hẻm vùng Yên Điềm để truy bắt những người cộng sản, các đảng viên đành phải lánh đi hoạt động ở các vùng khác. Phong trào Xô viết ở Yên Điềm tạm lắng xuống, song ngọn lửa đấu tranh chống thực dân, phong kiến giành độc lập cho dân tộc trong cao trào 1930-1931 vẫn âm ỉ cháy trong mỗi người dân nơi đây.
Đồng chí Võ Biệu hy sinh khi tuổi đời còn rất trẻ, là nỗi thương tiếc vô hạn của gia đình, quê hương. Bốn tiếng “cộng sản là choa” vẫn vang mãi như một lời khẳng định cho tấm lòng son sắt vì sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, giải phóng quê hương của đồng chí.
Hình ảnh đồng chí Võ Biệu, người con của mảnh đất Yên Điềm đã giữ trọn phẩm chất người cộng sản kiên trung, không khuất phục trước uy lực kẻ thù, kiên quyết bảo vệ bí mật của Đảng cho dù phải hy sinh cả tính mạng, sẽ luôn sáng rực trong những trang lịch sử hào hùng của quê hương.
------
Chú thích:
1) Trước 1945, xã Thịnh Lộc gồm 5 đơn vị hành chính: Xã Yên Điềm và các làng Trung Thịnh, Yên Định, Tụy Lộc, Đào Tiên. Trước tháng 7/2/2007, xã Thịnh Lộc thuộc vùng Hạ, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh. Kể từ ngày 7/2/2007, xã Thịnh Lộc cùng với các xã An Lộc, Bình Lộc, Hồng Lộc, Tân Lộc, Phù Lưu, Ích Hậu và 6 xã huyện Thạch Hà sáp nhập thành huyện Lộc Hà.
2) Lịch sử Đảng bộ nhân dân xã Thịnh Lộc (1930-2008), NXB VHTT, 2009, tr.70