Từ Xô viết Nghệ Tĩnh đến khải hoàn ca Tháng 8 lịch sử
“Tuy đế quốc Pháp đã dập tắt phong trào trong một biển máu nhưng Xô viết Nghệ Tĩnh đã chứng tỏ tinh thần oanh liệt và năng lực cách mạng của nhân dân lao động Việt Nam. Phong trào tuy thất bại nhưng nó rèn lực lượng cho cuộc Cách mạng Tháng 8 thắng lợi sau này”, đánh giá của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã làm sáng lên ý nghĩa lịch sử của cao trào 1930-1931 đối với cách mạng tháng 8 lịch sử. Tại Nghệ An, Hà Tĩnh, điều đó lại càng được thể hiện rõ nét nhất.
Trong tác phẩm “Thắp sáng tinh thần cách mạng của Xô viết Nghệ Tĩnh” của Đại tá, Th.s. Ngô Đình Phiếm đã khẳng định, Xô viết Nghệ Tĩnh là cuộc diễn tập đầu tiên của Đảng và quần chúng cách mạng chuẩn bị cho cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945 với 4 ý nghĩa lịch sử to lớn.
Đầu tiên đó chính là việc khẳng định đường lối cách mạng do Đảng ta đề ra là đúng đắn, mở đầu cho giai đoạn cách mạng đi theo đường lối sáng tạo trên cơ sở lý luận khoa học của chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh. Tiếp theo là hình thành khối liên minh công nông và phát huy được sức mạnh đoàn kết của giai cấp công nhân và nông dân trong đấu tranh cách mạng. Thứ ba là cuộc tập dượt đầu tiên cho Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945 sau này.
Bên cạnh đó, phong trào này được đánh giá cao trong phong trào cộng sản và công nhân quốc tế. Vì thế, Quốc tế Cộng sản đã công nhận: Đảng Cộng sản Đông Dương chính là phân bộ độc lập trực thuộc Quốc tế Cộng sản. Đặc biệt, phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh đã để lại bài học quý giá về công tác tư tưởng, xây dựng khối liên minh công nông, mặt trận dân tộc thống nhất cũng như tổ chức lãnh đạo quần chúng đấu tranh.
Theo tác phẩm "Xô viết Nghệ Tĩnh của Tỉnh ủy Nghệ An" thì các chiến sĩ cách mạng thời kỳ 1930 - 1931 đã trở thành hạt nhân tích cực của các cao trào 1936 - 1939 và 1939 - 1945.
Chỉ tính riêng Xô viết Nghệ Tĩnh đã có một đội ngũ cán bộ và quần chúng to lớn: 183 chi bộ Đảng với 2.011 đảng viên, 48.484 hội viên nông hội, 8.648 phụ nữ giải phóng...
Từ tháng 2/1930, toàn Đảng chỉ có 500 đảng viên, đến tháng 10/1930, số đảng viên tăng lên 1.600 và đến tháng 5 năm 1931 lên tới 2.400. Trong đó, số đảng viên của Đảng bộ Nghệ An là 907, Hà Tĩnh là 376. (Như vậy, số đảng viên của 2 Đảng bộ Nghệ An và Hà Tĩnh chiếm 53,5% tổng số đảng viên toàn quốc).
Từ kinh nghiệm của Xô viết Nghệ Tĩnh, trong những chặng đường lịch sử tiếp sau, Đảng ta đã hết sức chú trọng việc thành lập Mặt trận dân tộc thống nhất, đặc biệt là Mặt trận Việt Minh đã phát huy cao độ yếu tố dân tộc, tạo nên động lực to lớn, dẫn đến thành công của Cách mạng Tháng Tám năm 1945.
Hệ thống các tư liệu quan trọng của Đảng còn lưu trữ tại Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh đã cho thấy, Xô viết Nghệ Tĩnh đã khẳng định trong thực tế quyền lãnh đạo và năng lực lãnh đạo của giai cấp công nhân và đảng tiền phong của nó. Đồng thời, đây là cuộc tổng diễn tập đầu tiên của cách mạng dân tộc dân chủ ở Việt Nam. Gọi là cuộc tổng diễn tập bởi vì qua phong trào này, một loạt vấn đề cơ bản về đường lối chiến lược và phương pháp cách mạng được thử thách và đã đem lại những kinh nghiệm bổ ích cho tiến trình cách mạng tiếp sau, đặc biệt trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945.
Từ một lực lượng cách mạng đã được tôi rèn qua gian nan, thử thách và những bài học kinh nghiệm quý báu đó, là cơ sở để Đảng ta đã vận dụng, bổ sung và phát triển đường lối cách mạng giải phóng dân tộc do Đảng đề ra năm 1930 và góp phần vào thắng lợi của Tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám năm 1945.
Tại 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh, chớp thời cơ thuận lợi khi “Chính phủ Nhật đã đầu hàng vô điều kiện” ( Phát xít Nhật đầu hàng đồng minh vô điều kiện ngày 13/8/1945, đến ngày 15/8/1945, đài phát thanh các nước đồng minh đưa tin chính thức), Ủy ban Khởi nghĩa Nghệ - Tĩnh đã phát lệnh khởi nghĩa và rải truyền đơn khắp mọi vùng kêu gọi: “Toàn thể đồng bào hãy đoàn kết dưới ngọn cờ đỏ sao vàng của Việt Minh, đứng đầu đánh đổ Chính phủ Việt gian, lập chính quyền nhân dân cách mạng, sẵn sàng lực lượng đối phó với tất cả mọi sức phản động…” (Tài liệu lưu trữ tại Văn phòng Tỉnh ủy Nghệ An).
Lệnh khởi nghĩa và truyền đơn của Việt Minh Nghệ Tĩnh đã thổi vào phong trào quần chúng một luồng sinh khí mới. Không khí khởi nghĩa sục sôi, trào dâng. Khắp các địa phương, Ủy ban khởi nghĩa, Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời được thành lập cấp tốc. Truyền đơn, biểu ngữ, khẩu hiệu xuất hiện khắp nơi. Cờ đỏ sao vàng rực rỡ tung bay trên nóc các đình làng, trên các cây cao. Nhiều cuộc mít tinh, diễn thuyết, biểu tình, tuần hành, thị uy… nổ ra liên tiếp, tạo ra khí thế tấn công của cách mạng.
Theo tư liệu trong tác phẩm "Cách mạng Tháng Tám trên quê hương Xô viết" được đăng tải trên cổng thông tin điện tử Đảng bộ tỉnh Nghệ An, do đặc điểm tình hình nên cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở Nghệ An đã hình thành 3 vùng. Cụ thể, tại Vinh – Bến Thủy, nơi tập trung lực lượng bộ máy chính quyền bù nhìn và quân đội Nhật nên chưa thể tiến hành sớm hơn vùng nông thôn. Sau khi một số địa phương đã giành được chính quyền, quân Nhật và bù nhìn nằm co ro trong doanh trại và công sở, ngày 19/8/1945, Ủy ban Khởi nghĩa Nghệ Tĩnh đã họp bàn kế hoạch khởi nghĩa ở Vinh.
Ngay sáng 21/8/1945, hàng vạn nhân dân thành phố Vinh và ngoại thành từ mọi tầng lớp, thành phần xã hội với gậy gộc, giáo mác đã giương cao cờ đỏ sao vàng rầm rập biểu tình, tuần hành thị uy dọc các đường phố. Trước khí thế hùng mạnh của cách mạng, quân Nhật phải chấp nhận mọi yêu cầu của nhân dân đưa ra. Đúng 12 giờ trưa ngày 21/8/1945, quần chúng kéo đến bao vây Dinh Tỉnh trưởng Nghệ An, buộc Tỉnh trưởng Đặng Hướng phải tuyên bố đầu hàng cách mạng.
Tại các huyện đồng bằng và trung du, khởi nghĩa diễn ra rộng khắp, sau khi nhân dân huyện Quỳnh Lưu khởi nghĩa thành công vào ngày 18/8/1945, nhân dân các huyện khác lần lượt giành chính quyền thắng lợi: Diễn Châu, ngày 21/8/1945; Nghĩa Đàn, ngày 22/8/1945; Nam Đàn, Thanh Chương, Anh Sơn, ngày 23/8/1945; Nghi Lộc, Yên Thành, ngày 25/8/1945. Điểm nổi bật của các cuộc khởi nghĩa vùng đồng bằng và trung du là diễn ra rất sinh động, không máy móc. Tại Diễn Châu, khởi nghĩa diễn ra thắng lợi ở hầu hết các làng, xã rồi mới giành chính quyền ở phủ lỵ. Ở Quỳnh Lưu, Hưng Nguyên, Nam Đàn, sau khi giành chính quyền ở một số làng rồi mới giành chính quyền ở huyện lỵ. Ngược lại, ở các huyện Thanh Chương, Yên Thành, Anh Sơn, Nghi Lộc thì giành chính quyền ở huyện lỵ xong mới kéo về giành chính quyền ở làng xã.
Tại vùng thượng du, miền núi các phủ, huyện Tương Dương, Con Cuông, Quỳ Châu có đặc điểm riêng nên hình thái khởi nghĩa cũng có những khác biệt so với các vùng khác. Vì trong những địa phương ấy quần chúng chưa được tổ chức và phát động, bộ máy chính quyền cũ còn có thế lực, để tránh sự phản kháng của tầng lớp trên, tranh thủ sự đồng tình của đồng bào các dân tộc nên Việt Minh đã triển khai khởi nghĩa bằng phương pháp mềm dẻo hơn, tập trung thuyết phục hàng ngũ quan lại và châu phà, thổ ty, lang đạo là chủ yếu. Chỉ có xã Môn Sơn (Con Cuông) - cơ sở cách mạng của thời kỳ 1930 -1931 đã liên lạc với huyện Anh Sơn, khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi vào ngày 23/8/1945, sớm hơn giành chính quyền ở huyện lỵ. Các phủ, huyện Vĩnh Hòa, Tương Dương, Con Cuông, việc cải tổ chính quyền được tiến hành dưới hình thức một cuộc họp giữa đại biểu Việt Minh với số quan lại và tổng lý các làng bản vào ngày 26/8/1945.
Đại biểu Việt Minh đã đứng lên tuyên bố xóa bỏ chính quyền cũ, thành lập chính quyền mới. Những tri phủ, tri huyện đã quy thuận cách mạng được giữ làm cố vấn cho chính quyền, các quan lại không được quần chúng tín nhiệm thì thay thế bằng một số cán bộ Việt Minh. Ở Phủ Quỳ Châu, ta tuyên bố chuyển tổ chức chính quyền cũ sang chính quyền mới về mặt hình thức (đổi tên), còn các làng, bản hầu hết vẫn để nguyên bộ máy hào lý, chờ khi xây dựng được cơ sở quần chúng cách mạng mới tổ chức chính quyền mới.
Cuộc khởi nghĩa giành chính quyền tháng 8/1945 trong cả tỉnh Nghệ An rộng lớn đã thắng lợi rực rỡ trong vòng 9 ngày.
Còn tại Hà Tĩnh, theo tài liệu của Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh, sau khi nhận được lệnh khởi nghĩa của Việt Minh liên tỉnh, công tác chuẩn bị được thực hiện hết sức khẩn trương. Các Ủy ban Khởi nghĩa huyện được thành lập và họp bàn kế hoạch giành chính quyền ở huyện. Các đội tuyên truyền xung phong làm việc tích cực. Các cuộc mít tinh, tuần hành thị uy lôi cuốn hàng vạn người tham gia. Làng quê, ngõ xóm rộn ràng tiếng tù và, tiếng chiêng trống. Sáng ngày 18/8/1945, cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở tỉnh lỵ Hà Tĩnh đã giành thắng lợi nhanh gọn, chính quyền cách mạng lâm thời tỉnh Hà Tĩnh được thành lập trong sự vui mừng khôn xiết của nhân dân. Đến ngày 21/8/1945, cuộc khởi nghĩa giành chính quyền huyện Hương Khê thắng lợi đã kết thúc trọn vẹn cuộc khởi nghĩa giành chính quyền trên toàn tỉnh Hà Tĩnh. Như vậy, cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền tháng 8/1945 trong cả tỉnh Hà Tĩnh đã diễn ra khẩn trương, giành thắng lợi chỉ trong 5 ngày (từ ngày 16 đến ngày 21/8/1945), toàn bộ chính quyền đã về tay nhân dân.
Những thắng lợi trên là kết quả của cả một quá trình đấu tranh lâu dài đầy gian khổ, hy sinh và phức tạp của các tầng lớp nhân dân, kể từ lúc thực dân Pháp đặt chân lên đất Nghệ Tĩnh. Đó cũng là kết quả tất yếu của những cuộc diễn tập đã tốn nhiều xương máu của Đảng bộ và nhân dân trong 2 tỉnh từ phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh 1930-1931.
Đồng thời là kết quả của khối đại đoàn kết toàn dân vì lợi ích tối cao của dân tộc. Khi cơ hội ngàn năm có một đã tới, Việt Minh liên tỉnh Nghệ - Tĩnh mà nòng cốt là các đảng viên cộng sản kỳ cựu đã vận dụng đúng đắn chủ trương của Mặt trận Việt Minh vào hoàn cảnh địa phương một cách linh hoạt và rất sáng tạo. Việt Minh liên tỉnh đã tổ chức, tập hợp được mọi tầng lớp nhân dân, phân hóa được hàng ngũ kẻ thù, ngăn chặn được sự chống đối có thể có của quân Nhật và tay sai, sử dụng hình thức và phương pháp thích hợp, tùy hoàn cảnh của từng địa phương.
Thắng lợi của cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở Nghệ An, Hà Tĩnh đã góp phần xứng đáng vào thắng lợi chung của cả nước, phá tan xiềng xích nô lệ của chế độ phát xít, thực dân, phong kiến trên đất nước ta; mở ra một kỷ nguyên mới cho lịch sử dân tộc Việt Nam. Và để có được thắng lợi rực rỡ đó, chúng ta càng thấy được ý nghĩa to lớn của phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh đối với cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền vào tháng 8 lịch sử năm 1945.