Cao trào Xô Viết Nghệ Tĩnh

Dấu ấn Xô viết trong trang sử vàng của dân tộc

Thanh Quỳnh 19/10/2024 15:59

Mặc dù chỉ tồn tại trong một thời gian ngắn, nhưng Xô viết Nghệ Tĩnh chứa đựng nhiều giá trị vô cùng lớn lao. Đó không chỉ là phong trào đấu tranh tiêu biểu của giai cấp công nhân và nông dân Việt Nam, là biểu tượng cho tinh thần kiên cường, bất khuất của nhân dân ta. Mà còn tạo ra những bước chuyển quan trọng trong cuộc đấu tranh giành độc lập, tự do của dân tộc Việt Nam.

Trong cuốn "Xô viết Nghệ Tĩnh" của Tiểu ban Nghiên cứu Lịch sử Đảng - Tỉnh ủy Nghệ An cùng hệ thống các tài liệu quan trọng của Sở Văn hóa & Thể thao Nghệ An, Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh đã trình bày một cách sâu sắc về ý nghĩa lịch sử của cao trào Xô viết Nghệ Tĩnh.

Trong đó, nổi lên 6 ý nghĩa tiêu biểu nhất của cao trào như sau:

1 - Đây là cao trào cách mạng đầu tiên của quần chúng công nông ngay sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời. Cao trào này là kết quả của một quá trình cách mạng từ những năm 20 thế kỷ XX, quá trình chuẩn bị thành lập Đảng Cộng sản. Nó mở đầu cho một giai đoạn cách mạng mới, khác hẳn về chất so với trước.

Nếu so sánh với các phong trào yêu nước trước đó, ta thấy rằng, cao trào cách mạng 1930 - 1931 mà đỉnh cao là Xô viết Nghệ Tĩnh khác hẳn về tính chất, trình độ, mục đích, vai trò, nhiệm vụ, ý thức giai cấp, khác cả về phương pháp đấu tranh và hình thái của cuộc đấu tranh. Nó tập trung khá nhiều những nét đặc trưng của các hình thái vận động cách mạng dưới sự lãnh đạo cách mạng của Đảng Cộng sản từ năm 1930 trở về sau. Nó đánh dấu sự chuyển biến căn bản từ tính chất đấu tranh tự phát sang tính chất đấu tranh tự giác của phong trào công nhân Việt Nam.

tranh vẽ
Tranh vẽ minh họa Cao trào Xô viết Nghệ Tĩnh. Ảnh tư liệu: Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh

Xô viết Nghệ Tĩnh thể hiện một cách hùng hồn tính cách mạng và tính quần chúng sâu sắc mà gần một thế kỷ kể từ khi thực dân Pháp đặt ách đô hộ lên toàn bộ đất nước ta, chưa từng có phong trào yêu nước nào so sánh được. Là một cuộc cách mạng thật sự, Xô viết Nghệ Tĩnh hoàn toàn khác với các cuộc bạo động chỉ do âm mưu của những người cầm đầu và được thực hiện đơn thuần bằng biện pháp quân sự, không có quần chúng nhân dân lao động tham gia.

"Cuộc vận động ở Nghệ Tĩnh hồi tháng 9 năm ngoái là một bước dài trong đường cách mạng. Cuộc vận động này là một cuộc vận động có giác ngộ, có tổ chức, có Đảng Cộng sản và các đoàn thể cách mạng lãnh đạo. Cuộc vận động này có cơ sở sâu sắc trong đám nông dân, mang tính chất quần chúng và giai cấp rõ rệt: hàng chục ngàn người đánh phá đế quốc, phong kiến, tư bản, địa chủ, hàng trăm ngàn người kéo vào trường tranh đấu và chiến đấu làm cho những kẻ cầm quyền và thống trị tan hồn thất phách, và không sao có thể đàn áp mau chóng như cuộc bạo động Yên Bái được. Cuộc vận động này là một bước lớn trong cuộc phản đế và điền thổ, có ảnh hưởng to lớn trong lịch sử giải phóng Đông Dương".

Báo " Vô sản" (Pháp) số ra tháng 10/1931

Xô viết Nghệ Tĩnh khẳng định, trong thực tế quyền lãnh đạo và năng lực lãnh đạo cách mạng của giai cấp công nhân và Đảng tiền phong của nó.

Tại Việt Nam, tầng lớp phong kiến đã hết vai trò lịch sử từ lâu, vì vậy, tuy trong tầng lớp phong kiến có những văn thân thổ hào tiến bộ, đứng đầu các cuộc khởi nghĩa chống Pháp nhưng cuối cùng vẫn thất bại. Còn giai cấp tư sản và tiểu tư sản, trí thức thì đã bộc lộ hoàn toàn sự bất lực của họ trong vai trò lãnh đạo cách mạng giải phóng dân tộc, với sự thất bại mau chóng của cuộc bạo động Yên Bái (tháng 2/1930). Chỉ có Đảng Cộng sản Việt Nam, ngay sau khi ra đời đã phát động được một cao trào cách mạng của quần chúng mạnh mẽ chưa từng thấy. Từ đây, giai cấp vô sản và Đảng tiền phong của nó đã giành độc quyền lãnh đạo cách mạng Việt Nam, giương cao hai ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, đưa con thuyền cách mạng Việt Nam đi vào chính giữa dòng thời đại.

2 - Xô viết Nghệ Tĩnh là cuộc tổng diễn tập đầu tiên của cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở Việt Nam. Xô viết Nghệ Tĩnh là thiên anh hùng ca bất diệt trong chương đầu "pho lịch sử bằng vàng" của Đảng Cộng sản Việt Nam; là một trong những trang tiêu biểu nhất của khí phách anh hùng muôn thuở của dân tộc Việt Nam.

Gọi là cuộc "tổng diễn tập" bởi vì qua cao trào này, một loạt vấn đề cơ bản về đường lối chiến lược và phương pháp cách mạng được thử thách và đã đem lại những kinh nghiệm bổ ích cho tiến trình cách tiếp sau.

Theo Viện sĩ Nguyễn Khánh Toàn trong cuốn "Mấy bài học về Xô viết Nghệ Tĩnh" có viết:

"Hơn cả Công xã Paris đối với cách mạng Pháp, hơn cả Công xã Quảng Châu đối với cách mạng Trung Quốc, Xô viết Nghệ Tĩnh có tầm quan trọng đặc biệt đối với cách mạng Việt Nam.

Công xã Paris báo hiệu một thời kỳ mới trong lịch sử thế giới. Nó làm phong phú thêm, soi sáng thêm và cụ thể hóa một số vấn đề của chủ nghĩa xã hội khoa học, như lý luận và thực tiễn của cách mạng vô sản, lý luận và thực tiễn của chuyên chính vô sản. Nhưng, nó chưa tác động trực tiếp đến cách mạng ở Pháp cũng như ở châu Âu lúc đó, bởi vì giữa Công xã Paris và thời kỳ khi mà giai cấp vô sản trực tiếp và tấn công thắng lợi chủ nghĩa tư bản thì có cả một khoảng thời gian hàng nửa thế kỷ. Trong đó, chủ nghĩa cơ hội, chủ nghĩa cải lương của bọn lãnh tụ quốc tế thứ hai chiếm ưu thế trong phong trào công nhân ở châu Âu. Công xã Quảng Châu là một cuộc chiến đấu có tính chất hậu vệ (combat dérrière garde) của cả một thời kỳ cách mạng từ 1923 đến 1927, nhưng sau đó, thì cách mạng Trung Quốc chuyển sang một sách lược mới: phát triển cách mạng ruộng đất, lập căn cứ du kích và xây dựng chính quyền Xô-viết.

Xô viết Nghệ Tĩnh đối với cách mạng Việt Nam có một tầm quan trọng đặc biệt theo ý nghĩa là nó đã ảnh hưởng một cách trực tiếp và toàn diện đến những giai đoạn sau của cách mạng Việt Nam. Sau 1930 - 1931, cách mạng Việt Nam đã phát triển theo phương hướng mà cao trào cách mạng 1930 - 1931 nói chung và Xô viết Nghệ Tĩnh nói riêng đã phác ra những nét đại cương. Sở dĩ như vậy là vì Xô viết Nghệ Tĩnh đã nảy nở như là cái điểm cao nhất của cao trào cách mạng 1930 - 1931, lúc mà giai cấp công nhân Việt Nam đã giành được quyền lãnh đạo đối với cách mạng, lúc mà ở Việt Nam đã thực hiện được cái nhân tố cơ bản của cách mạng là sự liên minh giữa công nhân và nông dân. Đồng thời, vì Xô viết Nghệ Tĩnh là điểm cao nhất của phong trào cách mạng 1930 - 1931 cho nên nó như là một tấm gương phản chiếu ra một cách khá rõ những cái mạnh cũng như cái yếu của phong trào".

Một số chân dung các chiến sỹ cách mạng tham gia cao trào Xô viết Nghệ Tĩnh bị giam cầm tại Nhà lao Vinh hiện đang được trưng bày tại bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh. Ảnh: Thanh Quỳnh
Một số chân dung các chiến sĩ cách mạng tham gia cao trào Xô viết Nghệ Tĩnh bị giam cầm tại Nhà lao Vinh hiện đang được trưng bày tại Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh. Ảnh: Thanh Quỳnh

Thực tế lịch sử chứng minh rằng, tuy bị đế quốc dìm trong biển máu nhưng Xô viết Nghệ Tĩnh đã ảnh hưởng rất to lớn và sâu sắc đến tiến trình phát triển của cách mạng Việt Nam. Như một cây cổ thụ lớn, tuy bị cắt ngọn nhưng rễ nó đã ăn sâu trong lòng đất, lan rộng khắp nơi và sẽ đâm chồi nảy lộc khi gặp điều kiện thích hợp.

Cuộc đấu tranh kịch liệt trong cao trào cách mạng 1930 - 1931 và Xô viết Nghệ Tĩnh thể hiện lòng oán hận không đội trời chung của công nhân và nông dân Việt Nam đối với đế quốc Pháp và phong kiến Nam triều; tinh thần dũng cảm vô song, chí khí anh hùng bất diệt dám xông lên "chọc trời" của quần chúng công nông. Đánh thẳng vào nền móng và cơ cấu thống trị của đế quốc và phong kiến, Xô viết Nghệ Tĩnh thể hiện ý thức giác ngộ dân tộc, giác ngộ giai cấp rất cao, tinh thần cách mạng triệt để của quần chúng công nông. Xô viết Nghệ Tĩnh đã kế tục xứng đáng và phát huy cao độ truyền thống anh hùng chống giặc giữ nước của tổ tiên ta từ bao đời nay.

3 - Thắng lợi lớn nhất của Đảng ta trong cao trào cách mạng 1930 -1931 mà đỉnh cao là Xô viết Nghệ Tĩnh là đã xây dựng được khối liên minh công nông vững chắc. Xô viết Nghệ Tĩnh cổ vũ mạnh mẽ nhân dân ta chủ yếu là công nhân và nông dân, làm cho họ tự thấy có đủ khả năng lật đổ ách thống trị của đế quốc và phong kiến, xây dựng xã hội mới.

Ngay từ những ngày đầu cao trào đã có sự kết hợp nhịp nhàng giữa phong trào đấu tranh của công nhân và phong trào đấu tranh của nông dân. Có những cuộc biểu tình đấu tranh (như cuộc biểu tình tại Vinh - Bến Thủy ngày 1/5/1930) búa liềm đã kết đôi, cùng giương cao trong khí thế cách mạng bừng bừng của quần chúng. Lần đầu tiên, công nông đã bắt tay nhau giữa trận tiền.

Xô viết Nghệ Tĩnh hình thành ở vùng nông thôn, còn có thể gọi là "Xô viết nông dân", song nếu không có sự lãnh đạo của giai cấp công nhân thông qua đội tiền phong của nó thì dĩ nhiên không thể có Xô viết Nghệ Tĩnh. Sự lãnh đạo của Đảng là sự liên minh cần thiết nhất đối với giai cấp nông dân và đối với chính sự tồn tại của Đảng. Có thể nói rằng, Xô viết Nghệ Tĩnh là sản phẩm của khối liên minh công nông dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Qua Xô viết Nghệ Tĩnh, nhất là qua các cuộc đấu tranh của công nhân Vinh - Bến Thủy và sự ủng hộ của họ đối với các cuộc đấu tranh của nông dân, giai cấp nông dân đã nhận rõ giai cấp công nhân là người bạn chân thành nhất của mình, thấy rõ Đảng Cộng sản là tổ chức cách mạng kiên quyết nhất trong việc chống ách áp bức bóc lột của đế quốc và phong kiến, đem lại quyền tự do dân chủ cho quần chúng lao động.

Xây dựng được khối liên minh công nông vững chắc là yếu tố quan trọng bậc nhất để giữ vững quyền độc tôn lãnh đạo cách mạng Việt Nam của Đảng Cộng sản Việt Nam.

ảnh tượng đài quỳnh
Tượng đài Công - Nông - Binh trong cao trào Xô viết Nghệ Tĩnh được trưng bày tại Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh. Ảnh: Thanh Quỳnh

Ở Việt Nam ta, từ lâu đời, tư tưởng Nho giáo (Khổng Mạnh) ăn sâu vào tiềm thức nhiều thế hệ làm cho nhân dân lao động rất tự ti về thân phận, số kiếp nô lệ của mình. Dưới ánh sáng của Chủ nghĩa Mác - Lênin, dưới sự lãnh đạo của Đảng, quần chúng công nông đã giác ngộ ý thức giai cấp, thấy rõ nguồn gốc của sự nghèo khổ và giác ngộ về sứ mệnh lịch sử của mình. Xô viết Nghệ Tĩnh đã đem lại cho họ niềm tự hào chính đáng và lòng tự tin vững chắc ở sức mạnh to lớn của chính họ.

Ở hai tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, quần chúng cách mạng đã có sáng tạo vĩ đại là nắm lấy chính quyền thôn, xã một khi bọn thống trị địa phương tan rã hoặc tê liệt. Chính quyền Xô viết Nghệ Tĩnh đã hình thành ngoài dự định chủ quan của các cấp bộ đảng, song việc quần chúng nắm lấy chính quyền địch tan rã là việc rất cần thiết, bởi vì, xã hội không thể một ngày không có chính quyền. Lịch sử đã giao phó cho quần chúng nắm lấy chính quyền trong tình huống đột biến và quần chúng đã làm được việc đại sự đó một cách tự nhiên, mặc dù họ chưa từng biết tổ chức chính quyền bao giờ. Xô viết Nghệ - Tĩnh đã tạo ra phương thức giành chính quyền nông thôn chủ yếu bằng lực lượng chính trị của quần chúng trong điều kiện không có chiến tranh đế quốc hoặc nội chiến giữa các tập đoàn thống trị ở một nước đất không rộng, người không đông.

Xô viết Nghệ Tĩnh là mô hình của một xã hội tương lai, tự do, bình đẳng, không có người bóc lột người như nó đã tồn tại ở Liên Xô. Xây dựng được chính quyền Xô viết trong lòng chế độ thực dân - phong kiến, quần chúng công nông thật xứng đáng là người sáng tạo ra lịch sử, là chủ thể của lịch sử.

Xô viết Nghệ Tĩnh để lại một ấn tượng sâu sắc trong lòng nhân dân cả nước. Bằng cách đem lại tự do và những quyền lợi thiết thực cho quần chúng như chia ruộng đất công, xóa bỏ thuế khóa, các hủ tục lạc hậu, Xô viết Nghệ Tĩnh đã làm cho quần chúng thấy rõ chỉ có đánh đổ đế quốc và tay sai, thực hiện quyền làm chủ của mình mới giành được tự do hạnh phúc thực sự. Chỉ có một chính quyền của dân, do dân mới cương quyết đấu tranh chống thực dân và phong kiến, mới quét được những di hại của ách thực dân - phong kiến, mới bảo đảm lợi ích thiết thân của quảng đại quần chúng lao động.

Đưa lại lợi ích thiết thân cho quần chúng lao động, đó là một trong những nhân tố chủ yếu quyết định tính chất của chính quyền cách mạng, là một đặc tính của Xô viết Nghệ Tĩnh. Công xã Pari chỉ tồn tại trong một thời gian ngắn (72 ngày) nhưng nó cũng đã đưa lại cho nhân dân lao động một số quyền lợi thiết thực. Do vậy mà Mác và Ăng ghen đã đánh giá rất cao ý nghĩa lịch sử của Công xã Paris.

Việc đưa lại lợi ích thiết thân cho quần chúng lao động chứng tỏ chính quyền đó mới là chính quyền thực sự của nhân dân, mới tiêu biểu cho nền dân chủ của những người lao động, của đa số, khác hẳn với nền dân chủ tư sản là dân chủ của thiểu số, bọn bóc lột.

4 - Xô viết Nghệ Tĩnh là một hiện tượng độc đáo trong phong trào giải phóng dân tộc toàn thể giới. Ảnh hưởng của Xô viết Nghệ Tĩnh không những vang dội trong toàn quốc mà còn chấn động dư luận quốc tế.

Trong lịch sử thế giới đã có mấy sự kiện lập Công xã, Xô-viết: Công xã Pari (3/1871), Xô viết Nga (1905), Xô viết Bavie ở Đức (1919), Xô viết Hungary (3/1919). Quảng Châu công xã ở Trung Quốc (12/1927), Xô viết Giava Sumatora ở Indonesia (1926 - 1927).

Chủ tịch Hồ Chí Minh chụp ảnh với các chiến sĩ Xô viết Nghệ Tĩnh. Ảnh tư liệu Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh
Chủ tịch Hồ Chí Minh chụp ảnh với các chiến sĩ Xô viết Nghệ Tĩnh. Ảnh tư liệu Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh

Những Công xã và Xô viết kể trên hầu hết xuất hiện ở những nước tư bản hay nửa thuộc địa và đều là Xô viết công nhân hoặc chủ yếu là công nhân thành thị (và binh sĩ như ở Hungary). Chỉ có Xô viết Nghệ Tĩnh là xuất hiện ở một nước thuộc địa nửa phong kiến và lại ở vùng nông thôn cách xa thành thị. Có tài liệu gọi là "Xô viết nông dân" chính là vì vậy. Phải chăng đây là mốc mở đầu cho phong trào giải phóng dân tộc, theo trào lưu mới trên phạm vi toàn thế giới? Có thể nói được như vậy, bởi vì, rõ ràng, trước đó chưa từng có một nước thuộc địa nào dấy lên được một cao trào cách mạng dân tộc dân chủ sâu rộng như ở Việt Nam ta. Và chưa nơi nào giành được chính quyền địa phương trong một thời gian khá lâu như Xô viết Nghệ Tĩnh.

Xô viết Nghệ Tĩnh như là cái cầu nối liền cách mạng Việt Nam với phong trào cách mạng quốc tế.

Vào thời điểm cuối thập kỷ 20 thế kỷ XX, ở châu Âu, phong trào công nhân dâng lên mạnh nhất là ở Đức, Pháp, Ý, Anh, Tây Ban Nha. Phong trào giải phóng dân tộc ở Á, Phi, Mỹ Latinh cũng dâng lên cao (Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Marốc, Algeria...). Cao trào cách mạng 1930 - 1931 ở Việt Nam là sự hợp đồng tác chiến hòa nhịp với phong trào cách mạng quốc tế. Xô viết Nghệ Tĩnh là ngôi sao mới xuất hiện ở bầu trời phương Đông, báo hiệu cho nhân loại tiến bộ biết rằng, từ nay, cách mạng Việt Nam trở thành một bộ phận không thể tách rời của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, và đặc biệt là của phong trào giải phóng dân tộc trong thời đại mới. Đó là sự đóng góp xứng đáng của cách mạng Việt Nam đối với trào lưu chung của sự nghiệp cách mạng toàn thế giới. Cao trào cách mạng 1930 - 1931 mà đỉnh cao là Xô viết Nghệ Tĩnh là một sự cống hiến đối với phong trào cách mạng thế giới không những ở chỗ nó nêu lên ý chí kiên cường và tinh thần bất khuất của một dân tộc thuộc địa, mà còn vạch ra con đường giải phóng, khiến cho những dân tộc cùng chung số phận thấy được vai trò lịch sử của mình, càng thêm tin tưởng ở khả năng sáng tạo ra lịch sử của mình.

Với Xô viết Nghệ Tĩnh, Quốc tế Cộng sản đã coi Việt Nam là điển hình đầu tiên trong 6 trường hợp điển hình ở các châu lục thuộc khối các nước thuộc địa và phụ thuộc có quá trình đấu tranh thực độc đáo từ khi Quốc tế cộng sản ra đời.

Ngay trong khi Xô viết Nghệ Tĩnh đang tồn tại, Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Quốc tế Cộng sản (tháng 4/1931) đã công nhận Đảng Cộng sản Đông Dương là một phân bộ độc lập trực thuộc Quốc tế cộng sản.

"Phong trào cách mạng sôi nổi trong các xứ Đông Dương đã góp phần tăng thêm ảnh hưởng cộng sản trong các xứ thuộc địa, nhất là các nước phương đông".

Trích bức thư của Quốc tế Cộng sản gửi chấp ủy các Đảng cộng sản (Pháp, Trung Quốc, Ấn Độ) ngày 27/02/1931

5. Với cao trào cách mạng 1930 - 1931 mà đỉnh cao là Xô viết Nghệ Tĩnh, lần đầu tiên ở nước ta, vấn đề nông dân trở thành một nội dung quan trọng trong quá trình đấu tranh giải phóng dân tộc; lần đầu tiên vấn đề phản phong được đề cập đến.

Tính chất phản phong của Xô viết Nghệ Tĩnh có ý nghĩa rất lớn lao, nó là cái mốc trong lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân ta, mở đầu giai đoạn phản đế và phản phong gắn chặt với nhau.

Xô viết Nghệ Tĩnh đã giành lại ruộng đất công chia cho dân cày. Ruộng đất công chính là hình thức sở hữu của thời kỳ công xã nông thôn còn rơi rớt lại. Bọn phong kiến đã lợi dụng ruộng công để bóc lột thuế nặng nề và giành quyền ưu tiên ruộng đất cho chúng. Vì thế, dưới thời phong kiến, ruộng công ở xã, thôn chỉ còn giữ lại hình thức phân phối bình quân của thời kỳ nguyên thủy, song về nội dung, nó đã thích ứng với chế độ xã hội có giai cấp, nhằm phục vụ quyền lợi bọn thống trị, củng cố cho chế độ sở hữu ruộng đất của Nhà nước phong kiến quan liêu. Thực chất, ruộng đất của thôn xã đã trở thành một bộ phận của chế độ sở hữu ruộng đất của Nhà nước, chính vì vậy mà nó được Nhà nước phong kiến duy trì để lợi dụng. Song, về khách quan, một khi chế độ công điền công thổ không còn tồn tại thì trong chừng mực nhất định, nguyên tắc bình quân vốn có của nó được nhân dân đấu tranh đến cùng để bảo vệ.

Chừng nào ruộng đất công còn thì nông dân còn tranh đấu đòi bảo vệ quyền sở hữu bình đẳng, quyền lợi thiết thực của họ. Thực tế ở nông thôn Nghệ - Tĩnh từ lâu đời đã chứng minh điều đó.

Không phải ngẫu nhiên mà khi Cách mạng Tháng Mười thành công ở Nga, ngày hôm sau Lênin liền ký hai sắc lệnh về hòa bình và ruộng đất. Chính vấn đề ruộng đất là một trong những nhân tố cơ bản nhất khiến cho nông dân Nghệ Tĩnh vùng lên đấu tranh mạnh mẽ và giữ cho Xô viết tồn tại trong một thời gian không đến nỗi ngắn ngủi như Công xã Pari hay Công xã Quảng Châu. Giải quyết vấn đề ruộng đất, xóa thuế má... là một vấn đề then chốt của cách mạng ở các nước thuộc địa. Tuy chưa công bố xóa bỏ quyền chiến hữu ruộng đất của giai cấp địa chủ phong kiến, nhưng việc chia ruộng đất công, giảm tô, xóa tô, xóa nợ... là những đòn rất mạnh đánh vào chế độ bóc lột phong kiến ở nông thôn. Như vậy, bên cạnh tính chất dân tộc phản đế là chủ yếu, Xô viết Nghệ - Tĩnh đã biểu hiện rõ tính chất dân chủ, tính chất phản phong.

Sưu tập những tài liệu viết về các cuộc đấu tranh năm 1930-1931 ở Nghệ Tĩnh do mật thám Anh tìm thấy khi khám xét nhà Nguyễn Ái Quốc ở Cửu Long, Hồng Kông, Trung Quốc, ngày 661931 - Nguồ
Sưu tập những tài liệu viết về các cuộc đấu tranh năm 1930-1931 ở Nghệ Tĩnh do mật thám Anh tìm thấy khi khám xét nhà Nguyễn Ái Quốc ở Cửu Long, Hồng Kông, Trung Quốc vào năm 1931. Ảnh tư liệu: Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh

Cái vĩ đại của Xô viết Nghệ Tĩnh là lần đầu tiên trong lịch sử Việt Nam, người nông dân thấy rằng Đảng của giai cấp công nhân không những đã thấy được vấn đề ruộng đất là vấn đề mấu chốt của cách mạng Việt Nam mà còn có sự cố gắng để giải quyết vấn đề đó nữa.

Từ khi thực dân Pháp xâm lược nước ta, các phong trào chống Pháp, các tổ chức yêu nước ít nhiều đã dựa vào nông dân, nhưng chưa một tổ chức nào thấy rõ tầm quan trọng của vấn đề ruộng đất, và cố nhiên là không thể giải quyết được vấn đề ruộng đất. Nếu chúng ta nói, ngay từ đầu, đường lối của Đảng ta về căn bản là đúng, Đảng đã xây dựng được khối liên minh công nông thì Xô viết Nghệ Tĩnh, với chính sách ruộng đất là viên gạch rất quan trọng của sự nghiệp xây dựng đường lối và cuộc liên minh đó. Ý nghĩa lịch sử to lớn của Xô viết Nghệ Tĩnh là ở đó.

6 - Cao trào cách mạng 1930 - 1931 mà đỉnh cao là Xô viết Nghệ Tĩnh đã đào tạo cho cách mạng nước ta một đội ngũ cán bộ rất lớn, rất vững vàng qua thử thách ác liệt trong cuộc chiến đấu sống mãi với kẻ thù của giai cấp và dân tộc.

Các chiến sĩ cách mạng của thời kỳ 1930 - 1931 đã trở thành hạt nhân tích cực của các cao trào 1936 - 1939 và 1939 - 1945. Chỉ tính riêng Xô viết Nghệ Tĩnh đã có một đội ngũ cán bộ và quần chúng to lớn: 183 chi bộ Đảng với 2.011 đảng viên, 48.484 hội viên nông hội, 8.648 phụ nữ giải phóng...

Cao trào cách mạng 1930 - 1931 mà đỉnh cao là Xô viết Nghệ Tĩnh có tác dụng giáo dục tư tưởng, giác ngộ cách mạng, rèn luyện tinh thần đấu tranh kiên cường, nâng cao trình độ chính trị cho cán bộ, đảng viên và quần chúng. Gần 2 năm của cao trào cách mạng đã làm cho quần chúng, cán bộ, đảng viên trưởng thành nhanh chóng bằng hàng chục năm trước đó. Nó là bước phát triển nhảy vọt, một cột mốc lịch sử của nhân dân ta, đánh dấu sự chuyển biến từ truyền thống yêu nước theo lập trường tiểu tư sản, tư sản sang yêu nước theo lập trường giai cấp công nhân.

"Thành quả lớn nhất của cao trào cách mạng 1930 - 1931, thành quả mà cuộc khủng bố trắng tàn khốc của đế quốc và phong kiến sau đó đã không xóa nổi là ở chỗ: Nó khẳng định trong thực tế quyền lãnh đạo và năng lực lãnh đạo của giai cấp vô sản, đồng thời đem lại cho đông đảo quần chúng công nông lòng tin ở sức mạnh của mình. Đó là bước thắng lợi đầu tiên có ý nghĩa quyết định đối với toàn bộ tiến trình phát triển về sau của cách mạng. Trực tiếp mà nói, không có những trận chiến đấu giai cấp rung trời chuyển đất những năm 1930 - 1931, trong đó, công nông đã vung ra nghị lực phi thường của mình, thì không thể có cao trào trong những năm 1936 - 1939...".

Đồng chí Lê Duẩn - Nguyên Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng

Mới nhất
x
Dấu ấn Xô viết trong trang sử vàng của dân tộc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO