Phát huy giá trị các di tích Xô viết Nghệ Tĩnh
Trên địa bàn tỉnh Nghệ An hiện có gần 140 di tích lịch sử - văn hóa gắn với Xô viết Nghệ Tĩnh đã được xếp hạng, ghi dấu các sự kiện lịch gắn với phong trào đấu tranh cách mạng của công nhân và nông dân cả nước trong những năm 1930-1931. Việc bảo tồn, phát huy giá trị các di tích này vừa là vinh dự, vừa là trách nhiệm cao cả của các cấp chính quyền, các ngành.
Minh Quân • 12/09/2024
Trên địa bàn tỉnh Nghệ An hiện có gần 140 di tích lịch sử - văn hóa gắn với Xô viết Nghệ Tĩnh đã được xếp hạng, ghi dấu các sự kiện lịch sử gắn với phong trào đấu tranh cách mạng của công nhân và nông dân cả nước trong những năm 1930-1931. Việc bảo tồn, phát huy giá trị các di tích này vừa là vinh dự, vừa là trách nhiệm cao cả của các cấp chính quyền, các ngành.
Những ngày đầu Thu, chúng tôi ghé thăm Di tích Quảng trường Xô viết Nghệ Tĩnh ở thị trấn Hưng Nguyên. Tại nơi này, 94 năm về trước, khi đoàn biểu tình hơn 8.000 nông dân Hưng Nguyên và Nam Đàn kéo ra phủ lỵ Hưng Nguyên, thực dân Pháp đã ném bom xuống đoàn biểu tình làm 217 người chết và 125 người bị thương. Từ đó, ngày 12/9 đã trở thành ngày Xô viết Nghệ - Tĩnh, một ngày kỷ niệm lớn của toàn Đảng, toàn dân tộc ta.
Từ khu mộ và nhà tưởng niệm liệt sĩ Xô viết Nghệ Tĩnh được xếp hạng Di tích lịch sử cấp Quốc gia vào năm 1988, đến nay, di tích được mở rộng quy hoạch thành Quảng trường Xô viết Nghệ - Tĩnh, có diện tích 12,9 ha với đầy đủ các hạng mục như nhà tưởng niệm, tượng đài, công viên và các công trình văn hóa thể thao nhằm tri ân sự hy sinh to lớn của những người con ưu tú của quê hương trong cuộc biểu tình ngày 12/9.
“Là người dân quê hương Xô viết anh hùng, tôi rất phấn khởi và tự hào khi Quảng trường Xô viết Nghệ Tĩnh đã được đưa vào sử dụng. Công trình không chỉ thể hiện đạo lý "Uống nước nhớ nguồn", tưởng nhớ và tri ân sâu sắc các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc mà còn giáo dục truyền thống yêu nước trẻ hôm nay và mai sau”, ông Trần Đình Thanh ở khối 5, thị trấn Hưng Nguyên chia sẻ.
Theo ông Nguyễn Hữu Hà – Phó Chủ tịch UBND huyện Hưng Nguyên, những năm qua, huyện thường xuyên đón tiếp các đoàn khách tham quan, các đoàn công tác về dâng hương, dâng hoa tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ tại Quảng trường Xô viết Nghệ Tĩnh. Bên cạnh đó, đoàn viên, thanh niên, học sinh các trường học trên địa bàn huyện cũng thường xuyên tổ chức dọn vệ sinh; tham gia các hoạt động tìm hiểu về lịch sử đấu tranh của các bậc cha anh đi trước đã làm nên niềm tự hào cho các thế hệ mai sau.
Để phát huy giá trị Quảng trường Xô viết Nghệ Tĩnh, hiện huyện đang chỉ đạo tập trung tôn tạo các hạng mục còn lại để đưa vào sử dụng; lập hồ sơ đề nghị công nhận Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt; đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền về ý nghĩa lịch sử của phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh tới mọi tầng lớp nhân dân”.
Ông Nguyễn Hữu Hà - Phó Chủ tịch UBND huyện Hưng Nguyên
Rời huyện Hưng Nguyên, chúng tôi ngược lên huyện Thanh Chương đến với đình Võ Liệt - di tích được coi là “văn miếu” của huyện Thanh Chương. Ngoài sự độc đáo về kiến trúc và ghi dấu ấn của sự học hành đậu đạt, đình Võ Liệt cũng là địa điểm gắn liền với nhiều sự kiện lịch sử tiêu biểu của dân tộc cũng như địa phương, đặc biệt là phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh.
Ngày 1/6/1930, nhân dân đã tập trung tại đình Võ Liệt, rồi kéo lên huyện đường đưa yêu sách. Ngày 1/9/1930, dưới sự lãnh đạo của Huyện ủy Thanh Chương, người dân 5 tổng đã vượt sông Lam sang vây phá huyện đường, khiến tri huyện, nha lại hoảng sợ phải bỏ chạy lên đồn Thanh Quả.
Trước sự tan rã của bộ máy hương hào ở địa phương, Chi bộ Đảng đã họp ở đình Võ Liệt quyết định thành lập tổ chức Nông hội Đỏ, đại diện cho quyền lợi của người lao động và công khai giải quyết mọi công việc như một chính quyền cách mạng. Đình Võ Liệt là một trong những địa điểm thành lập chính quyền Xô viết đầu tiên ở Nghệ Tĩnh, là trụ sở làm việc của chính quyền Xô viết.
Với nhiều giá trị truyền thống và kiến trúc độc đáo, đình Võ Liệt đã được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng là Di tích lịch sử - văn hóa Quốc gia vào năm 1988.
Từ ngày được xếp hạng đến nay, Di tích Đình Võ Liệt đã nhiều lần được tu bổ, tôn tạo và nhiều hoạt động ý nghĩa đã được tổ chức tại đền như: Mít tinh, kỷ niệm, nói chuyện truyền thống, các hoạt động văn hóa văn nghệ nhằm bảo vệ và phát huy các giá trị của di tích, góp phần giáo dục truyền thống hiếu học, yêu nước, cách mạng tiếp tục xây dựng quê hương, đất nước giàu mạnh”.
Ông Đặng Văn Hóa - Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Thanh Chương
Theo báo cáo của Ban Quản lý Di tích tỉnh Nghệ An, trên địa bàn toàn tỉnh hiện có 139 di tích liên quan đến phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh đã được xếp hạng, trong đó có 53 di tích cấp quốc gia, 86 di tích cấp tỉnh. Hầu hết các di tích liên quan đến phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh tập trung ở các địa phương: Thành phố Vinh, Hưng Nguyên, Nam Đàn, Thanh Chương, Đô Lương, Nghi Lộc, Diễn Châu và Quỳnh Lưu; có 1 di tích ở miền núi là Di tích lịch sử - văn hóa Quốc gia Nhà cụ Vi Văn Khang - nơi thành lập Chi bộ Đảng đầu tiên ở miền Tây xứ Nghệ ở xã Môn Sơn (Con Cuông).
Phần lớn các di tích gắn với các đình, đền, nhà thờ họ, nhà riêng - những nơi từng diễn ra các cuộc hội họp chi bộ Đảng, sinh hoạt của chính quyền Xô viết, nơi cất giấu cán bộ, vũ khí… trong phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh.
Ngoài ra, còn có các di tích gắn liền với những sự kiện đặc biệt như: Quảng trường Xô viết Nghệ Tĩnh tại thị trấn Hưng Nguyên – nơi trước đây là địa điểm thực dân Pháp đàn áp cuộc đấu trang ngày 12/9/1930; Ngã ba Bến Thủy - địa điểm đấu tranh của công nông ngày 1/5/1930; Cồn Mô là địa chỉ đỏ của nhân dân Bến Thuỷ và các vùng lân cận để hội họp, biểu tình, mít tinh; Dăm Mụ Nuôi - nơi thành lập Chi bộ Đảng Cộng sản Hưng Dũng; Tràng Kè - nơi xử bắn 72 chiến sĩ Xô viết Nghệ Tĩnh; Hang Rú Ấm - nơi thành lập Chi bộ Đảng đầu tiên của huyện Nghĩa Đàn…
Ngoài giá trị về mặt lịch sử, còn có giá trị về mặt kiến trúc, văn hóa tâm linh như đình Võ Liệt (xã Võ Liệt, huyện Thanh Chương), đình Trụ Pháp (xã Mỹ Thành, huyện Yên Thành), đền Tán Sơn (xã Xuân Hòa, huyện Nam Đàn), đền Hữu (xã Thanh Yên, huyện Thanh Chương), đền Phúc Mỹ (xã Châu Nhân, huyện Hưng Nguyên)…
Những năm qua, đặc biệt là sau cuộc Hội thảo khoa học “Bảo tồn và phát huy giá trị hệ thống di tích Xô viết Nghệ Tĩnh trên địa bàn tỉnh Nghệ An” được tổ chức vào năm 2020, các địa phương, ban quản lý các di tích đã thực hiện nhiều giải pháp bảo tồn, phát huy giá trị các di tích liên quan đến phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh như: Khoanh vùng bảo vệ; tu bổ, tôn tạo; kiểm kê, lập hồ sơ, xếp hạng di tích; đẩy mạnh các hoạt động giáo dục về nguồn; chú trọng phát triển du lịch tại các di tích... Từ đó, nhiều di tích lịch sử cách mạng đã được quan tâm bảo tồn và phát huy khá tốt, như: Quảng trường Xô viết Nghệ Tĩnh (thị trấn Hưng Nguyên), đình Làng Trung (phường Hưng Dũng, thành phố Vinh), đình Phú Nhuận (xã Đặng Sơn, huyện Đô Lương)…
Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn một số di tích Xô viết Nghệ Tĩnh trên địa bàn tỉnh đang có tình trạng xuống cấp vì chưa được chăm lo, bảo tồn và chưa phát huy được giá trị đối với cán bộ, đảng viên và Nhân dân. Một số di tích đang gặp khó khăn trong việc khoanh vùng bảo vệ như di tích nhà ông Nguyễn Sỹ Huyến, di tích nhà ông Nguyễn Hữu Diên thuộc cụm di tích Làng Đỏ (phường Hưng Dũng, thành phố Vinh), đình Tám Mái (xã Quỳnh Thuận, huyện Quỳnh Lưu)…
Một số di tích đã và đang được đầu tư tu bổ, tôn tạo nhưng do không bố trí được nguồn vốn nên vẫn còn dang dở. Trong khi đó, những hạng mục đã hoàn thành lại bắt đầu có dấu hiệu xuống cấp, hoặc có những di tích đã được đầu tư tu bổ nhưng do kinh phí ít nên việc sửa chữa còn mang tính chắp vá, điển hình là đình Võ Liệt, đình Sừng (xã Lăng Thành, huyện Yên Thành)... Ngoài ra, do điều kiện khí hậu khắc nghiệt, không có nguồn thu công đức nên công tác bảo tồn, trùng tu, tôn tạo còn nhiều khó khăn.
Mặt khác, ở nhiều địa phương, việc tuyên truyền, giáo dục truyền thống yêu nước, cách mạng thông qua tham quan các di tích Xô viết Nghệ Tĩnh còn ít, chưa có sức hấp dẫn Nhân dân và du khách thường xuyên đến thăm và tìm hiểu; công tác quảng bá, giới thiệu về giá trị của các di tích lịch sử cách mạng vẫn còn nhiều hạn chế.
Di tích lịch sử - văn hóa gắn với phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh là niềm tự hào đặc biệt của Đảng bộ, cán bộ, đảng viên và Nhân dân tỉnh. Do đó, để bảo tồn, tôn tạo, trùng tu và phát huy hiệu quả hệ thống các di tích lịch sử Xô viết Nghệ Tĩnh, cần tiếp tục nâng cao trách nhiệm, nhận thức của lãnh đạo các cấp, ngành, đặc biệt là lãnh đạo chính quyền, cán bộ làm công tác quản lý văn hóa; tăng cường tuyên truyền, giáo dục cho nhân dân về việc bảo tồn, phát huy giá trị các di tích; bố trí nguồn kinh phí kịp thời, trong đó chú trọng huy động xã hội hóa trong công tác bảo tồn, tôn tạo để đưa các di tích trở thành điểm đến văn hóa thu hút khách tham quan, nghiên cứu”.
Bà Trần Thị Mỹ Hạnh - Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao