Suy ngẫm

Đàn ông sợ gì mà không khóc!

Phước Anh 17/11/2024 19:00

Bộc lộ cảm xúc là điều hiển nhiên của một con người đích thực, không phải là thước đo của sự mạnh mẽ hay yếu đuối. Thế nên, đàn ông cứ khóc thôi, sợ gì!

Còn mấy hôm nữa mới đến Ngày Quốc tế đàn ông (19/11), nhưng trên mạng xã hội đã râm ran nhắc to, nhắc nhỏ. Không biết nước ngoài thì như thế nào, nhưng ở Việt Nam, ngày đặc biệt này hình như cũng chỉ mới được biết đến rộng rãi vài năm lại đây, khi đời sống kinh tế có nhiều khởi sắc. Khi ăn no mặc ấm đã thành điều hiển nhiên thì người ta có thời gian và tâm trí nghĩ đến ăn sang mặc quý; tất lẽ dĩ ngẫu, phú quý sinh lễ nghĩa, hết ngày kỷ niệm này đến tháng tri ân nọ cứ gọi là liên miên. Cánh đàn ông ít nhiều cũng ngầm nạnh tị với chị em, nói đùa nói thật, nói thẳng nói tránh, rằng một năm có biết bao ngày dành cho phụ nữ, còn hội mày râu chỉ nhẵn có 1 ngày, lại còn trùng với Ngày Toilet thế giới! Nhường nhịn chị em quanh năm, chờ đến ngày vinh danh thì lại phải cạnh tranh với công trình phụ! Ôi chao, nghĩ cũng chạnh lòng!

93726_b36047565f826b15a88fae6733e4a890.jpg
Ngày Quốc tế đàn ông tôn vinh những thành tựu, đóng góp của đàn ông vào sự phát triển của gia đình, xã hội. Ảnh minh hoạ

Trên Facebook tràn ngập những status viết về đàn ông. Đàn bà viết về đàn ông, đàn ông viết về đàn ông… rất nhiều, nhưng lạ thật, toàn những lời lẽ khẳng định sức mạnh, quyền lực và thành tích. Định danh phái mạnh mặc nhiên khiến đàn ông phải trái ngược với phụ nữ - phái yếu, không được quyền tự ti, tủi thân, buồn khổ, khóc than…, hoặc giả nếu có thì tuyệt đối không để lộ.

Ai đề ra cái “quy định” ấy? Chẳng ai cả, nhưng tạo hóa đã tạo ra đàn ông với sự mạnh mẽ, ý chí phi thường, sự mạo hiểm, trí tuệ nhạy bén,… trao cho họ nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ gia đình, xã hội. Thế nên, đàn ông thế hệ này nối tiếp thế hệ khác đã vô thức thấm nhuần tư tưởng rường cột ấy trong tâm trí. Họ phải mạnh mẽ, luôn mạnh mẽ, không thể không mạnh mẽ. Họ không thể khóc, không được khóc, không dám khóc. Bé trai khóc thường bị dán nhãn nhát gan, yếu đuối. Đàn ông khóc dễ bị người đời mỉa mai, cười cợt là cái ngữ chẳng làm nên trò trống gì.

Nhưng, nước mắt thì có tội tình gì?

danong1_-1-.-1-(1).jpg
Đàn ông khóc dễ bị người đời mỉa mai, cười cợt là cái ngữ chẳng làm nên trò trống gì, nên họ thường phải kìm nén nỗi buồn sâu trong lòng. Ảnh minh hoạ

Chúng ta thường hô vang khẩu hiệu bình đẳng giới, tuy nhiên cái sự bình đẳng ấy lâu nay vẫn thường được ưu ái dành cho phái nữ. Truyền thông nói nhiều đến nữ quyền, còn nam quyền thì dường như được mặc định là điều đương nhiên, hẳn vì đàn ông có nhiều quyền quá rồi, nên hiếm khi được đề cập đến. Nhưng chúng ta thường quên rằng, trong số nhiều quyền lợi mà đàn ông được trao truyền, có những quyền là ưu thế, nhưng cũng có những quyền là gánh nặng.

Phần lớn đàn ông trưởng thành trong nỗi áp lực mơ hồ phải chứng tỏ bản thân mình. Từ đi đứng, nói năng, cử chỉ, hành động… đến tính cách, cảm xúc, thái độ..., họ luôn phải cố gắng làm sao cho ra vẻ đàn ông như kỳ vọng của gia đình và xã hội. Vậy nhưng, đàn ông đâu phải gỗ, đá (mà kể cả gỗ, đá cũng nứt ra khi bị va đập mạnh), cũng chẳng phải rô-bốt không cảm xúc (máy móc cũng “chập mạch” nếu quá tải đấy thôi!). Đàn ông là con người, với đủ mọi hỉ, nộ, ái, ố, thậm chí ở nhiều trường hợp, cảm xúc của họ còn mãnh liệt hơn đàn bà bởi áp lực trên vai họ nặng nề hơn. Phải hiểu rằng, bộc lộ cảm xúc là điều hiển nhiên của một con người đích thực, không phải là thước đo của sự mạnh mẽ hay yếu đuối.

Thế nên, đàn ông cứ khóc thôi, sợ gì!

where-the-mind-is-without-fear.jpg

Đôi khi tôi nghĩ rằng đàn ông thật khổ, vì phần lớn họ lớn lên thiếu một sự định hướng và hình mẫu để trở thành người đàn ông thực thụ, chuẩn mực. Đa phần nam giới phải tự lực cánh sinh trong hành trình trở thành đàn ông, hình tượng chắp vá giữa truyền thống gia đình và phản chiếu từ những tấm gương có sáng, có mờ, có đục xung quanh. Trong khi đó, định kiến xã hội đóng khuôn cứng nhắc về vai trò, vị trí của họ trong các mối quan hệ, nên dẫn đến nhiều hiểu lầm lệch lạc trong thể hiện cảm xúc. Đàn ông buồn bực, thất vọng, chán chường… thường chỉ có cách giải toả quen thuộc nhất là giận dữ, nổi khùng, hoặc tệ hơn là đập phá, chửi bới. Ít người đàn ông nhận được sự đồng cảm và thấu hiểu, sự dẫn dắt tinh tế, sự xoa dịu, vỗ về, động viên, khích lệ đúng cách từ những người xung quanh, kể cả từ mẹ và vợ - hai người phụ nữ quan trọng trong đời.

Do vậy, trong nhiều trường hợp, đàn ông cần được khóc, cần phải khóc, thậm chí cần được hướng dẫn để khóc. Khóc không phải là uỷ mị, sướt mướt, mà khóc để giải toả cảm xúc, xả bớt những nỗi niềm kìm nén, rồi sau đó đứng lên mạnh mẽ hơn. Nam quyền và nữ quyền có thể khác nhau ở nhiều điều, nhưng riêng quyền được khóc thì cần sớm được nhìn nhận bình đẳng. Bởi, nước mắt nào mà chẳng mặn như nhau…

Mới nhất

x
Đàn ông sợ gì mà không khóc!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO