Hạnh phúc là cho đi
" Thánh Phaolô dạy " cho có phúc hơn nhận", với tôi hạnh phúc là được cho đi, nhất là khi sự cho đi ấy góp phần bảo vệ sự sống, tiếp thêm nghị lực, niềm tin, hy vọng cho bệnh nhân vượt qua khó khăn...", đó là tâm niệm của bác sĩ Chuyên khoa II Nguyễn Văn Hướng
• 12/11/2024
Vào thứ Ba hàng tuần, nơi góc sân nhỏ râm mát của Bệnh viện Ung bướu Nghệ An đều diễn ra hoạt động cắt tóc, gội đầu miễn phí cho bệnh nhân ung thư. Hoạt động diễn ra lặng lẽ, không ồn ã nhưng ngập tràn không khí ấm áp, chia sẻ yêu thương.
Dưới bàn tay khéo léo của những người thợ chuyên nghiệp đến từ các sa lon, những mái tóc xác xơ bởi tác dụng phụ sau các đợt hoá trị được cắt tỉa gọn gàng.
Nhìn dung mạo mới trong gương, chị Trần Thị Thuần - bệnh nhân K vú quê ở huyện Đô Lương, bày tỏ: “Tôi đang điều trị phác đồ thứ ba, tóc rụng nhiều phải cạo trọc nên mặc cảm, tự ti vì cha ông ta nói “cái răng, cái tóc là góc con người”, nhưng chính sự động viên của các bác sĩ và những người thợ cắt tóc đã giúp tôi cảm thấy ấm áp, tự tin hơn rất nhiều".
“Cắt tóc, gội đầu miễn phí cho bệnh nhân ung thư” là một trong những ý tưởng của bác sĩ Chuyên khoa II Nguyễn Văn Hướng, được Phòng Công tác xã hội và Truyền thông (Bệnh viện Ung bướu Nghệ An) phối hợp với các nhà hảo tâm, các sa lon tóc trên địa bàn thành phố Vinh và các huyện phụ cận duy trì từ năm 2019 đến nay.
Không chỉ vậy, để tiếp thêm tinh thần, nghị lực giúp người bệnh chiến đấu với bệnh hiểm nghèo, Phòng Công tác xã hội và Truyền thông còn kết nối với Quỹ “Vì ngày mai tươi sáng” tổ chức chương trình Ngày hội tặng tóc “Trăm mái tóc, triệu nụ cười”, qua đó, kêu gọi được 700 người đến hiến tóc nhằm gây quỹ tóc cho các bệnh nhân ung thư đang điều trị tại Bệnh viện Ung bướu, “bao nhiêu sợi tóc, bấy nhiêu sợi tình”!
Nhiều bệnh nhân khó khăn đã nhận được sự hỗ trợ từ các chương trình, hoạt động thiết thực như thế mà người “truyền lửa” chính là bác sĩ Chuyên khoa II Nguyễn Văn Hướng.
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình giáo dân kính Chúa yêu nước ở giáo xứ Yên Đại, xã Nghi Phú (TP Vinh), tốt nghiệp Đại học Y Thái Bình, năm 1996, bác sĩ Nguyễn Văn Hướng về đầu quân cho Trung tâm Y tế thành phố Vinh, được phân công làm Trạm trưởng Trạm Y tế xã Nghi Phú, đến năm 2011, anh được điều động lên làm Trưởng Phòng khám HIV (nay thuộc Trung tâm CDC Nghệ An).
Nhân duyên gắn bó với hoạt động công tác xã hội đến vào thời điểm 2016, khi bố anh được chẩn đoán bị ung thư, bác sĩ Nguyễn Văn Hướng trực tiếp đưa bố đi khám và điều trị, chứng kiến nhiều bệnh nhân không chỉ bị bệnh tật giày vò mà còn khó khăn, chật vật trong từng bữa ăn, từng đồng viện phí…
Đau đáu muốn làm điều gì đó để có thể giúp đỡ họ, năm 2017, anh xin về Bệnh viện Ung bướu Nghệ An và được giao phụ trách Phòng Quản lý chất lượng và Công tác xã hội (nay là Phòng Công tác xã hội và Truyền thông) đúng như nguyện vọng.
Thời điểm này, phòng mới thành lập chưa có nhiều hoạt động, được sự quan tâm, tạo điều kiện của Ban Giám đốc bệnh viện, bác sĩ Nguyễn Văn Hướng đã triển khai xây dựng mạng lưới cộng tác viên công tác xã hội ở tất cả các khoa, phòng để kịp thời nắm bắt những tâm tư, hoàn cảnh cần hỗ trợ.
Nhờ vậy, hoạt động của Phòng Công tác xã hội và Truyền thông dần tạo được những dấu ấn với các chương trình thiết thực sát với nhu cầu bệnh nhân.
Điển hình như các chương trình “Xuân yêu thương”, “Kết nối yêu thương” mời người nổi tiếng như NSND Hồng Lựu, ca sĩ Siu Black… về biểu diễn động viên tinh thần và gây quỹ từ thiện cho bệnh nhân nghèo. Hay việc kêu gọi các nhà hảo tâm ủng hộ xây dựng “Thư viện 0 đồng”, ai thừa mang đến, ai thiếu lấy đi với nhiều vật dụng cần thiết như quần áo, nước sát khuẩn, khẩu trang, tóc giả… trị giá ước tính hàng trăm triệu đồng.
Đáng chú ý, bằng các mối quan hệ và uy tín của mình, bác sĩ Chuyên khoa II Nguyễn Văn Hướng còn kết nối với các công ty may mặc nổi tiếng tài trợ hàng trăm chiếc áo ấm tiêu chuẩn xuất khẩu mang lại mùa Đông ấm cho bệnh nhân; kết nối, xây dựng “Quỹ Ngày mai tươi sáng” và “Quỹ Thiện tâm” hỗ trợ bệnh nhân ung thư.
Trong đó Quỹ "Ngày mai tươi sáng” vẫn duy trì hoạt động cho đến nay và đã hỗ trợ cho 200 bệnh nhân, với tổng số tiền hơn 745 triệu đồng; kết nối với Hội Doanh nhân Giáo phận Vinh trao tặng những phần quà trị giá hơn 100 triệu đồng, động viên bệnh nhân cao tuổi đang điều trị tại Bệnh viện Ung bướu Nghệ An; kết nối với các tổ chức từ thiện phối hợp với nhà ăn bệnh viện hỗ trợ các suất cơm bệnh lý đúng tiêu chuẩn của Bộ Y tế cho các bệnh nhân khó khăn (ưu tiên các khoa có nhiều bệnh nhân nặng)…
Qua đó, lan toả “ngọn lửa” của tình nhân ái, sự chung tay, góp sức của cộng đồng, góp phần động viên, xoa dịu nỗi đau cho bệnh nhân.
Bên cạnh hỗ trợ về vật chất, bác sĩ Chuyên khoa II Nguyễn Văn Hướng đã chỉ đạo Phòng Công tác xã hội và Truyền thông triển khai nhiều hoạt động động viên bệnh nhân về mặt tinh thần.
Ví như sự ra đời của album ảnh “Nụ cười chiến thắng”, trong đó lưu giữ những khoảnh khắc lạc quan, ấm áp nhất của người bệnh với nụ cười hy vọng thắp sáng trên môi.
Hay các chương trình từ thiện xoay vòng theo các ngày lễ trong năm, phù hợp với từng nhóm đối tượng như “Trung thu đoàn viên”, “Quốc tế Thiếu nhi” tặng quà bệnh nhân nhỏ tuổi; chương trình “Nụ cười hạnh phúc” động viên những “nữ chiến binh” đang chiến đấu với bệnh hiểm nghèo nhân ngày 8/3, 20/10; chương trình tri ân bệnh nhân là thương, bệnh binh, thân nhân gia đình có công với cách mạng đang điều trị tại Bệnh viện Ung bướu Nghệ An nhân dịp 27/7…
Để các tổ chức từ thiện, các nhà hảo tâm có sự tin tưởng, đồng hành lâu dài với các hoạt động thiện nguyện của bệnh viện, mở rộng nguồn hỗ trợ cho bệnh nhân, “bí quyết” của bác sĩ Chuyên khoa II Nguyễn Văn Hướng gói gọn trong mấy chữ: “Công khai, minh bạch, thực tâm, lấy hiệu quả làm thước đo”!
Bác sĩ Nguyễn Văn Hướng chia sẻ: “Cá nhân tôi và anh chị em trong Phòng Công tác xã hội và Truyền thông đều xác định không bao giờ tơ hào dù chỉ 1 đồng của nhà hảo tâm hay cảm ơn bằng vật chất của người bệnh.
Chúng tôi chỉ làm “cầu nối” để nhà hảo tâm, tổ chức thiện nguyện trao trực tiếp cho các bệnh nhân. Bởi vậy, đã gây dựng được niềm tin đối với cả người trao và người nhận.
Có những nhà hảo tâm khi đến trao trực tiếp tại bệnh viện, chứng kiến cách làm việc uy tín của những người làm công tác xã hội đã xác định đồng hành lâu dài, số tiền ủng hộ lần sau nhiều hơn lần trước và số bệnh nhân được nhận hỗ trợ cũng ngày một tăng lên. Không những vậy, họ còn kêu gọi người khác cùng tham gia, nhân rộng.
Ví như Quỹ "Ngày mai tươi sáng” ban đầu mỗi tháng chỉ có 5 bệnh nhân được hỗ trợ, nay đã tăng 10 bệnh nhân với mức hỗ trợ 5 triệu đồng/ người/ tháng”.
Vị bác sĩ nặng duyên với các hoạt động xã hội cũng rất chú trọng đến cách thức trao và nhận, bởi như cha ông đã nói “của cho không bằng cách cho”, số lượng bệnh nhân đông trong khi sự hỗ trợ có hạn, nếu trao trực tiếp tại phòng bệnh sẽ khiến người khác chạnh lòng, tủi thân vì ai cũng mang bệnh hiểm nghèo. Do vậy, tuỳ tình hình thực tế, bệnh viện sẽ bố trí để nhà từ thiện trao trực tiếp cho bệnh nhân ở văn phòng khoa hoặc hội trường chung.
“Một cái cây muốn tươi tốt phải chăm sóc, mối quan hệ với các nhà hảo tâm, các tổ chức từ thiện cũng vậy, chúng tôi phải kết nối thường xuyên, giữ mối liên hệ gần gũi, chứ không phải khi cần mới nhớ họ” - bác sĩ Nguyễn Văn Hướng nhấn mạnh.
Nhận xét về công tác xã hội tại Bệnh viện, TS.BS Phạm Vĩnh Hùng - Phó Giám đốc Bệnh viện Ung bướu Nghệ An chia sẻ: Bệnh nhân bị ung thư thường trải qua quá trình điều trị lâu dài, tốn kém về kinh phí, nhiều gia đình rơi vào hoàn cảnh khó khăn cần giúp đỡ. Chính vì vậy, Ban Giám đốc bệnh viện đã trăn trở, thành lập Phòng Công tác xã hội và Truyền thông.
Từ khi thành lập, người đứng đầu là bác sĩ Nguyễn Văn Hướng với tinh thần trách nhiệm cao và cách làm sáng tạo đã kêu gọi được các tổ chức từ thiện, các nhà hảo tâm triển khai nhiều hoạt động thiện nguyện hỗ trợ, động viên bệnh nhân cả về vật chất lẫn tinh thần, giúp công tác điều trị hiệu quả hơn.
Tình yêu thương, chia sẻ của những người làm công tác xã hội như bác sĩ Chuyên khoa II Nguyễn Văn Hướng và đồng nghiệp đã lan tỏa sự tử tế, giúp nhiều bệnh nhân có cơ hội điều trị, chiến thắng bệnh tật.
Trong thư gửi Hội nghị Quân y vào tháng 3/1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Người thầy thuốc chẳng những có nhiệm vụ cứu chữa bệnh tật mà còn phải nâng đỡ tinh thần những người ốm yếu”.
Các hoạt động thiện nguyện mà bác sĩ Nguyễn Văn Hướng cùng đồng nghiệp đang triển khai cũng không nằm ngoài mục đích “nâng đỡ tinh thần”, tiếp thêm hy vọng cho người bệnh. Mặt khác, là người công giáo, bác sĩ Chuyên khoa II Nguyễn Văn Hướng luôn hướng tới sứ mạng của giới y là “dấn thân bảo vệ sự sống”.
Ngoài thời gian ở bệnh viện, anh dành ngày nghỉ cuối tuần để dấn thân, đồng hành với các nhà hảo tâm, tổ chức từ thiện về vùng sâu, vùng xa cấp phát thuốc, khám bệnh cho người nghèo. Đặc biệt, vị bác sĩ này còn âm thầm tự bỏ tiền túi để hỗ trợ tiền thuốc và suất ăn cho nhiều bệnh nhân hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, để họ có thể tiếp tục điều trị theo phác đồ.
Trò chuyện với chúng tôi, bà Dư Thị Oanh, SN 1965 quê ở xã Xuân Lam (Hưng Nguyên) bệnh nhân K vú đang điều trị ở bệnh viện xúc động bày tỏ: Tôi có hoàn cảnh khó khăn, chồng bị ung thư mất sớm, con đang học đại học, mẹ ruột tai biến liệt nửa người nằm một chỗ, em ruột bị bại não bẩm sinh từ nhỏ.
4 năm qua tôi đã được bác sĩ Nguyễn Văn Hướng trích kinh phí từ tiền lương hỗ trợ tiền thuốc và suất ăn ở nhà ăn bệnh viện. Nhiều bệnh nhân khó khăn khác cũng được hỗ trợ như thế; đó là một vị bác sĩ có tấm lòng từ mẫu…”.
Có trường hợp người bệnh chỉ kết nối qua điện thoại nhưng sau khi trình bày hoàn cảnh đã được bác sĩ Hướng nhận lời giúp đỡ mà không một chút đắn đo; như chị Lô Thị Hiếu (SN 1986), dân tộc Thái, quê ở xã Chiêu Lưu, huyện Kỳ Sơn, lấy chồng về huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang.
Cách đây 2 năm, chị được phát hiện bị ung thư tử cung, điều trị ở quê chồng nhưng bệnh tình không thuyên giảm mà kinh tế cạn kiệt.
Bất lực và mất hết hy vọng, chị về quê ngoại ở huyện Kỳ Sơn sống những ngày cuối đời.Tuy nhiên, “một lần tình cờ, tôi nghe thông tin Bệnh viện Ung bướu Nghệ An có hỗ trợ cho bệnh nhân ung thư có hoàn cảnh khó khăn đặc biệt, tôi đã liên hệ trực tiếp với bác sĩ Chuyên khoa II Nguyễn Văn Hướng - Trưởng phòng Công tác xã hội - Truyền thông để xin hỗ trợ chi phí chữa bệnh. Được sự giúp đỡ của bác sĩ Hướng cũng như bệnh viện, tôi đã nhập viện điều trị tại Bệnh viện Ung bướu Nghệ An. Quá trình điều trị, được sự động viên, quan tâm giúp đỡ của lãnh đạo bệnh viện, y, bác sĩ, Phòng Công tác xã hội -Truyền thông và nhà hảo tâm về vật chất cũng như tinh thần. Tôi dần có thêm nguồn sức mạnh và niềm hy vọng vào cuộc sống. Sau một thời gian dài điều trị tôi đã vượt qua 6 đợt hoá chất, giờ đây tôi đang sống và cảm thấy được sinh ra lần nữa. Tôi thật sự rất xúc động và vô cùng cảm ơn…” - (Trích thư cảm ơn đề ngày 25/3/2024 của chị Lô Thị Hiếu).
Tương tự, bà Phạm Thị Dung trú tại xã Nghi Ân, thành phố Vinh có hoàn cảnh khá éo le khi cả hai vợ chồng đều bị bệnh ung thư khiến cuộc sống của cặp vợ chồng bộ đội phục viên với 3 đứa con càng khó khăn hơn. Đến tháng 7 năm 2023, chồng mất khiến tinh thần bà Dung càng thêm suy sụp.
Thế nhưng, hy vọng lóe lên khi bà nghe thông tin và trực tiếp tìm đến Phòng Công tác xã hội - Truyền thông Bệnh viện Ung bướu Nghệ An để xin hỗ trợ và được bác sĩ Nguyễn Văn Hướng động viên nhập viện tiếp tục điều trị ở khoa Nội 4.
“Trong quá trình điều trị, tôi nhận được sự giúp đỡ rất nhiều của bác sĩ Nguyễn Văn Hướng (hỗ trợ viện phí, đi lại…) cùng nhiều phần quà từ các nhà hảo tâm. Trải qua 8 đợt điều trị hóa chất đến nay bệnh tình của tôi đã có nhiều chuyển biến. Tôi dần có thêm động lực để chiến đấu cùng bệnh tật và niềm hy vọng sớm được quay về cuộc sống đời thường… Cảm ơn những chiến sĩ áo trắng thầm lặng, cảm ơn những nụ cười đã mang đến cho tôi, cho những người bệnh niềm tin vào kết quả điều trị và tương tai tốt đẹp hơn…”, bà Dung bộc bạch.
Có lẽ, những lời cảm ơn tự đáy lòng của các bệnh nhân là minh chứng rõ nhất cho những nỗ lực vì sức khỏe nhân dân của bác sĩ Chuyên khoa II Nguyễn Văn Hướng và các y, bác sĩ ở Bệnh viện Ung bướu Nghệ An.
Luôn khiêm tốn khi nói về mình nhưng “thủ lĩnh” Phòng Công tác xã hội - Truyền thông lại trăn trở rất nhiều khi hiện tại Bệnh viện Ung bướu Nghệ An đang quản lý điều trị khoảng 10 nghìn bệnh nhân, trong đó khoảng 1.000-2.000 người hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.
Mặc dù Ban Giám đốc bệnh viện đã quan tâm chỉ đạo triển khai nhiều chương trình hỗ trợ người bệnh nhưng khả năng có hạn, do vậy, bác sĩ Nguyễn Văn Hướng mong muốn “sẽ có thêm các nhà hảo tâm, tổ chức thiện nguyện tiếp tục đồng hành, hỗ trợ bệnh nhân K; bởi “Tình yêu thương sẽ lớn hơn mọi nỗi sợ hãi và đớn đau, giúp bệnh nhân yên tâm chiến đấu với bệnh hiểm nghèo, kéo dài sự sống!”.