Dân số và ước vọng của người cao tuổi

11/07/2012 11:05

(Baonghean.vn) - Theo một thống kê có cơ sở khoa học, tới cuối thế kỷ XX vừa qua, tuổi thọ trung bình của người dân...

(Baonghean.vn) - Theo một thống kê có cơ sở khoa học, tới cuối thế kỷ XX vừa qua, tuổi thọ trung bình của người dân trên toàn thế giới tăng thêm 20 năm. Bên cạnh những thành tựu khác của thế kỷ, đó là một thành tựu rất đáng kể, xét về phía cạnh xã hội, nhân văn và sinh học. Tuy vậy, đã xuất hiện một nghịch lí, là đồng thời với tỉ lệ sinh đẻ có phần chậm lại ( một số nước thậm chí giảm thiểu), tuổi thọ con người ngày càng cao đã khiến cho dân số thế giới nhanh chóng già đi. Người ta ước tính, trong thế kỷ XXI và tiếp theo, tỉ lệ người cao tuổi tính từ 60 trở lên, so với dân số còn lại, sẽ chiếm tỉ lệ từ 1/14 đến 1/4.



Cố GS- NGND Phạm Khuê, Chủ tịch Hội Người cao tuổi Việt Nam, là một nhà Lão khoa có uy tín.

Mỗi người tiến đến tuổi già không ai giống ai. Có thể nói, sự già đi của mỗi người mang tính cá thể, đa dạng, là kết quả tổng hợp của nhiều yếu tố. Bởi vậy, nếu theo sát quá trình tiến triển đó, mỗi ngành khoa học đã và sẽ có một cách tiếp cận riêng, đặc thù. Sinh học, Tâm lí học, Giải phẫu học, Sinh lí học, Xã hội học, Địa lí học, Dân số học, Lão khoa... đều lấy tuổi già làm đối tượng khảo cứu. Riêng với ngành Dân số học, nếu tìm hiểu ta sẽ thấy khá nhiều điều thú vị, bổ ích.

Không nghiên cứu sự già hóa của từng cá thể, nhà Dân số học sử dụng các số liệu rút ra từ những cuộc điều tra dân số, trên một quy mô lớn, các thống kê về tử vong và phân tích sự già hóa của một cư dân cụ thể... Từ những dữ kiện trên, họ nêu được khái niệm tuổi thọ trung bình, hoặc khái niệm hy vọng sống ở những tuổi khác nhau. Xin nêu một ví dụ: tại các nước phương Tây, tính từ lúc mới sinh thì hy vọng sống tăng gần gấp đôi trong vòng hai thế kỉ qua; sự gia tăng này tỉ lệ ít hơn so với các lứa tuổi cao. Hy vọng sống không phân bố đồng đều theo các nhóm nghề nghiệp- xã hội khác nhau, so sánh giữa nam và nữ lại càng có sự khác biệt.

Hầu hết các nước phát triển công nghiệp, đi cùng với việc giảm tỉ lệ sinh, các tiến bộ xã hội cùng các thành tựu y học... là sự gia tăng chậm nhưng đều đặn, chắc chắn tỉ lệ người già trong cư dân. Người ta gọi đó là hiện tượng già hóa dân số. Tháp tuổi dân số không đồng đều trong và sau chiến tranh, ở các nước nghèo, đang phát triển hoặc phát triển. Chúng ta không nên nghĩ vấn đề tuổi già là vấn đề chỉ của riêng các nước phát triển. Càng cần lưu ý hơn khi nhân loại chứng kiến sự tăng tốc già hóa đang rất lớn hiện nay. Lứa tuổi từ 60 đến 80 còn có thể tự lực được, trong khi người già trên 80 sẽ phải dựa chủ yếu và người thân, cộng đồng. Người già Việt Nam nhìn chung không nằm ngoài hệ lụy này, bởi vậy cần thấy trước để có những giải pháp thích đáng!

Cố GS- NGND Phạm Khuê, Chủ tịch Hội Người cao tuổi Việt Nam, là một nhà Lão khoa có uy tín. Ông quan niệm Lão khoa là môn học liên ngành chuyên nghiên cứu các vấn đề liên quan đến tuổi già, qua đó tìm mọi cách khắc phục, hạn chế những nhược điểm của tuổi già, phát huy chỗ mạnh, tiềm năng con người. GS.Phạm Khuê đã giành nhiều thời gian, sức lực, và trí tuệ nhằm thực hiện hoài bão làm sao “tăng được năm tháng cho cuộc sống, đồng thời tăng được sức sống cho năm tháng”, mà một trong những khâu trọng yếu là đảm bảo một cuộc sống hài hòa, lành mạnh giữa các thế hệ.


Kim Hùng

Mới nhất
x
Dân số và ước vọng của người cao tuổi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO