Dân vận bằng phương pháp nêu gương

18/10/2013 15:22

(Baonghean) - Trong bài báo “Dân vận” ngày 15/10/1949, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: “Dân vận là vận động tất cả lực lượng của mỗi một người dân không để sót một người dân nào, góp thành lực lượng toàn dân, để thực hành những công việc nên làm, những công việc Chính phủ và đoàn thể đã giao cho”. “Việc dân vận rất quan trọng. Dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”. Người giải thích: “Trong bầu trời không có gì quý bằng nhân dân. Trong thế giới không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân”. “Dân chúng đồng lòng, việc gì cũng làm được. Dân chúng không ủng hộ, việc gì làm cũng không nên”. Sức mạnh của quần chúng sẽ được tăng lên gấp nhiều lần khi họ được tập hợp trong một tổ chức và để họ tập hợp trong một tổ chức thì Đảng phải làm công tác vận động, thuyết phục để họ hiểu và đi theo cách mạng.

Với ý nghĩa đó, trong quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Đảng ta luôn quan tâm đến công tác dân vận. Nhiều chỉ thị, nghị quyết của Đảng về công tác dân vận được ban hành và đi vào cuộc sống, nhất là thời kỳ đổi mới. Nghị quyết Trung ương 8b của Ban Chấp hành Trung ương (khóa VI) “Về đổi mới công tác quần chúng của Đảng, tăng cường mối quan hệ giữa Đảng và nhân dân” đã tạo dấu ấn đặc biệt, đặt nền móng cho sự ra đời tiếp nối của các chỉ thị, nghị quyết về công tác dân vận sau này. Hội nghị Trung ương 7 (khóa XI) ban hành Nghị quyết số 25-NQ/TƯ “Về tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới”, thêm một lần nữa cho thấy công tác dân vận ngày càng trở nên quan trọng.

Vậy, vấn đề đặt ra là làm thế nào để nâng cao hiệu quả công tác dân vận trong giai đoạn hiện nay? Đảng, chế độ đang đứng trước nguy cơ tồn vong vì sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên và sự chống phá của các lực lượng thù địch, như đã được đánh giá tại Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”.

Cán bộ Đồn Biên phòng Tam Hợp trao đổi kinh nghiệm vận động nhân dân với già làng, người có uy tín bản Huồi Sơn. Ảnh: Hữu Nghĩa
Cán bộ Đồn Biên phòng Tam Hợp trao đổi kinh nghiệm vận động nhân dân với già làng, người có uy tín bản Huồi Sơn. Ảnh: Hữu Nghĩa

Nghị quyết số 25-NQ/TƯ “Về tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới” đã xác định 7 nhóm nhiệm vụ và giải pháp thực hiện để nâng cao hiệu quả công tác dân vận, tăng cường mối quan hệ gắn bó máu thịt giữa Đảng và nhân dân. Tinh thần xuyên suốt các nhóm nhiệm vụ, giải pháp đó là cán bộ, đảng viên phải thực sự là những tấm gương sáng.

Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh thường nhắc nhở cán bộ, đảng viên: phải tự mình CHÍNH trước, mới giúp người khác CHÍNH. Mình không CHÍNH, mà muốn người khác CHÍNH là vô lý. “Trước mặt quần chúng nhân dân, không phải ta cứ viết lên trán chữ “cộng sản” mà ta được họ yêu mến. Quần chúng chỉ quý mến những người có tư cách, đạo đức. Muốn hướng dẫn nhân dân, mình phải làm mực thước cho người ta bắt chước”. “Một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”. Gương mẫu là một mệnh lệnh không lời, là con đường ngắn nhất để thu phục lòng dân. Thực tiễn cách mạng Việt Nam từ ngày có Đảng đã chứng minh rằng: giai đoạn nào và ở đâu cán bộ, đảng viên gương mẫu thì giai đoạn đó, nơi đó dân tin Đảng, theo Đảng, Đảng có sức mạnh của nhân dân để giành thắng lợi trong mọi nhiệm vụ cách mạng. Trong tình hình hiện nay, việc nêu gương của cán bộ, đảng viên cần tập trung vào một số nội dung sau:

Thứ nhất, nêu gương nói đi đôi với làm: Nói đi đôi với làm là một nguyên tắc chỉ đạo hoạt động, được Chủ tịch Hồ Chí Minh xem là một trong những tiêu chí quan trọng khi thực hành phương pháp nêu gương; đồng thời, là biểu hiện cụ thể, sinh động về bản chất, truyền thống cách mạng của Đảng ta, giúp cho đội ngũ cán bộ, đảng viên luôn đứng vững trước mọi khó khăn, thử thách và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng dạy: “Nói miệng, ai cũng nói được. Ta cần phải thực hành”, đã nói, đã hứa với dân là phải làm. Chỉ thị, nghị quyết, quy định, chủ trương, chính sách đã ban hành thì phải thực hiện đến nơi đến chốn. Cán bộ, đảng viên phải rèn luyện thói quen đi sâu, đi sát cơ sở, gần gũi với quần chúng nhân dân để hiểu dân, chia sẻ với dân và từ đó góp phần nâng cao tính thiết thực của các chủ trương, chính sách; luôn phát huy vai trò độc lập, tự chủ, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, lấy lợi ích của Đảng, của nhân dân làm cơ sở cho mọi hoạt động của mình; đồng thời khắc phục mọi biểu hiện quan liêu, xa rời thực tế, nói nhiều làm ít, nói một đường làm một nẻo.

Thứ hai, nêu gương tự phê bình và phê bình: Tự phê bình và phê bình là vũ khí sắc bén, là động lực bên trong giúp cho mỗi cán bộ, đảng viên phát huy ưu điểm, khắc phục khuyết điểm, không ngừng vươn lên hoàn thiện về năng lực công tác, phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống. Trong sinh hoạt tự phê bình và phê bình, mỗi cán bộ, đảng viên phải giữ đúng thái độ trung thực, mực thước luôn đặt lợi ích của Đảng, dân tộc, tập thể lên trên hết; tránh hiện tượng “bằng mặt không bằng lòng” gây mất đoàn kết. Tự phê bình và phê bình phải làm từ trên xuống. Các cấp ủy, các cấp lãnh đạo, quản lý làm gương cho cấp dưới và quần chúng noi theo.

Thứ ba, nêu gương tự giáo dục, rèn luyện đạo đức cách mạng: Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: đạo đức đối với con người như gốc đối với cây, cây không có gốc cây héo. Người không có đạo đức thì dẫu tài giỏi đến mấy cũng không lãnh đạo được quần chúng nhân dân. Đạo đức không phải từ trên trời rơi xuống mà do rèn luyện thường xuyên như “rửa mặt hàng ngày”. Đạo đức cách mạng là: trung với nước, hiếu với dân; yêu thương con người, sống có tình có nghĩa; cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; có tinh thần quốc tế trong sáng. Nêu gương đạo đức phải trong cả 3 mối quan hệ: đối với mình, đối với việc, đối với người.

Việc nêu gương đạo đức trở thành một yêu cầu nhiệm vụ đối với cán bộ, đảng viên, nhất là đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp trong giai đoạn hiện nay. Điều này đã được xác định rõ tại Chỉ thị 03-CT/TƯ của Bộ Chính trị khóa XI, Nghị quyết T.Ư 4 (khóa XI), và Quy định 101-QĐ/TƯ ngày 7/6/2012 của Ban Bí thư “Về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ chủ chốt các cấp”.

Nêu gương là sức mạnh mềm, là mệnh lệnh không lời để thu phục lòng dân. Nêu gương để dân tin, dân theo là phương thức hiệu quả để tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình hiện nay.

Thanh Giang (Ban Tổ chức Tỉnh ủy)

Nổi bật Báo Nghệ An

Mới nhất

Dân vận bằng phương pháp nêu gương
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO