Đăng kiểm tàu cá: Được và chưa được
(Baonghean) - So với những năm trước đây, hiện ý thức chấp hành đăng kiểm tàu cá của ngư dân trong tỉnh được nâng lên rất nhiều. Tuy nhiên, với tổng số trên 4.000 tàu cá các loại, đặc thù của nghề khai thác hải sản là các tàu cá thường xuyên hoạt động ngoài khơi, trong khi lực lượng làm công tác đăng kiểm còn mỏng, công tác đăng kiểm tàu cá vẫn còn những hạn chế…
(Baonghean) - So với những năm trước đây, hiện ý thức chấp hành đăng kiểm tàu cá của ngư dân trong tỉnh được nâng lên rất nhiều. Tuy nhiên, với tổng số trên 4.000 tàu cá các loại, đặc thù của nghề khai thác hải sản là các tàu cá thường xuyên hoạt động ngoài khơi, trong khi lực lượng làm công tác đăng kiểm còn mỏng, công tác đăng kiểm tàu cá vẫn còn những hạn chế…
Đăng kiểm tàu cá là việc thực hiện kiểm tra an toàn kỹ thuật từ khi thiết kế, đóng mới và sử dụng nhằm đảm bảo tàu cá hoạt động an toàn trong các điều kiện nhất định. Tàu cá lắp máy có tổng công suất máy chính từ 20CV trở lên thuộc diện phải đăng kiểm. Từ đầu năm đến hết tháng 10/2013, toàn tỉnh có 2.259 tàu cá đã làm đăng kiểm/2.411 tàu cá phải đăng kiểm, đạt 93,69%/kế hoạch đề ra là 95%. Qua tìm hiểu được biết, hàng năm, Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản đều có kế hoạch từ đầu năm gửi cho các huyện, thị ven biển, thông báo cụ thể thời điểm làm đăng kiểm tàu cá tại các địa phương để chính quyền tuyên truyền cho ngư dân chủ động sắp xếp thời gian.
Cán bộ của chi cục đến tận các cửa lạch để làm đăng kiểm cho bà con ngư dân, và thành lập tổ đăng kiểm lưu động trên tàu kiểm ngư tạo thuận lợi cho ngư dân khai thác trên biển. Nhìn chung, bà con ngư dân chấp hành tốt công tác đăng kiểm, tuy nhiên còn một bộ phận do kinh tế khó khăn hoặc đi khai thác xa lâu ngày nên chấp hành công tác đăng kiểm chưa tốt. Ngoài ra, một số tàu khai thác không hiệu quả, nằm chờ bán cũng không đăng kiểm. So với những năm trước đây, hiện nay ý thức chấp hành đăng kiểm tàu cá của ngư dân trong tỉnh đã nâng lên rất nhiều.
Cán bộ Đồn Biên phòng 148 kiểm tra hồ sơ đăng kiểm tàu cá của ngư dân. Ảnh: Công Sáng |
Cũng như nhiều ngư dân tại xã Quỳnh Lập (TX. Hoàng Mai), anh Nguyễn Quốc Quyền – thuyền trưởng tàu NA93614TS luôn chấp hành công tác đăng kiểm hàng năm. Anh chia sẻ: Con tàu đánh cá là sản nghiệp lớn nhất của ngư dân, nó không chỉ là tài sản của một gia đình, mà thậm chí hàng chục hộ cùng góp chung vốn liếng mới đóng được một con tàu đảm bảo vươn khơi xa, khoảng 3 – 5 tỷ đồng. Đằng sau mỗi thành viên đi trên tàu là một gia đình với 4 -5 nhân khẩu nương tựa. Do vậy, đăng kiểm tàu cá hàng năm là việc thiết thực, nhằm đảm bảo kỹ thuật cho tàu hoạt động trên biển, để ngư dân yên tâm vươn khơi, bám biển, khai thác nhiều hải sản, nâng thu nhập, ổn định đời sống và có thể tiến tới làm giàu. Chính vì thế, năm nào chúng tôi cũng thực hiện nghiêm túc việc đăng kiểm tàu cá.
Trạm trưởng Trạm Biên phòng Lạch Cờn cho biết: “Tại địa bàn 3 xã thuộc Lạch Cờn gồm Quỳnh Lập, Quỳnh Phương và Quỳnh Dị, công tác đăng kiểm tàu cá được triển khai từ tháng 2 và tháng 3 hàng năm, ngư dân địa phương chấp hành tốt, cơ quan đăng kiểm căn vào thời gian trăng sáng, ngư dân ở nhà để về tận xã làm thủ tục đăng kiểm. Tuy nhiên, đối với tàu khai thác xa bờ từ 90CV trở lên thường đi khai thác từ vùng biển Quảng Ninh đến Quảng Ngãi, thậm chí một số tàu đi hơn 1 tháng mới về, khi đó cán bộ đăng kiểm đã rút đi làm thủ tục ở địa bàn khác, mấy tháng sau mới ra làm đăng kiểm “vét”. Trong thời gian đó, tàu cá ra khơi chưa đảm bảo thủ tục đăng kiểm rất lo cơ quan chức năng kiểm tra, xử phạt. Đối với tàu cá dưới 20CV đã phân cấp cho xã, phường quản lý, Chi cục Khai thác và BVNL thủy sản phối hợp với xã, phường cấp giấy phép khai thác, nhưng không hiểu vướng ở khâu nào, hàng năm việc cấp giấy phép vẫn còn chậm. Các trạm kiểm soát biên phòng có chức năng kiểm soát phương tiện tàu thuyền ra vào cửa lạch, phạt thì không đành, không phạt thì buông lỏng nhiệm vụ, nên rất khó cho cơ quan chức năng”.
Ông Hồ Viết Nam ở xóm Tân Minh, xã Quỳnh Lập chia sẻ: Tàu cá của gia đình tôi công suất dưới 20CV, khai thác nghề lộng ven bờ, năm nay giấy phép khai thác hết hạn từ hồi tháng 7, nhưng đến tháng 9 mới đổi sổ cấp phép mới. Trong thời gian quá hạn, tàu của tôi có ra Thanh Hóa khai thác, bị lực lượng chức năng kiểm tra, rất phiền phức”.
Trao đổi với chúng tôi về vấn đề trên, ông Chu Quốc Nam – Phó Chi cục trưởng Chi cục Khai thác và BVNL thủy sản cho rằng: Đối với một số tàu đi khai thác xa bờ dài ngày không về kịp để làm đăng kiểm, thì cán bộ cơ quan đăng kiểm không thể ở địa phương đó để chờ tàu về (thông thường một đợt làm đăng kiểm tại địa phương khoảng 10 ngày), phải rút đi làm cho các địa phương khác trong tỉnh. Trong trường hợp đó, các chủ tàu có thể đến Chi cục Khai thác và BVNL thủy sản ở các tỉnh mà tàu đang lưu hành để xin gia hạn đăng kiểm. Trong khi lực lượng đăng kiểm mỏng, với 13 đăng kiểm viên của Chi cục thực hiện làm đăng kiểm tàu cá cho toàn tỉnh, không thể tránh khỏi những hạn chế nhất định do khách quan và cả chủ quan. Hơn nữa, trong trường hợp này, ngư dân chưa có sự chủ động liên hệ với cán bộ đăng kiểm để làm thủ tục ngay sau khi tàu đã về bến.
Ngoài ra, ý thức của người dân trong việc mua, bán, chuyển nhượng không khai báo cũng làm ảnh hưởng đến công tác đăng kiểm, quản lý tàu thuyền (hàng năm có khoảng 30 – 40 tàu công suất trên 20CV trong dạng này). Bên cạnh đó, các phương tiện hết hạn giấy phép khai thác thủy sản do thiếu bằng thuyền trưởng, máy trưởng, chứng chỉ thuyền viên, các phương tiện dưới 20CV chưa gia hạn giấy phép cũng còn nhiều.
Đối với một số phương tiện cũ, hư hỏng, cơ quan chức năng cần thận trọng hơn trong làm đăng kiểm, bởi những phương tiện này khi đi ra biển gặp sóng to, gió lớn không đảm bảo an toàn. Trên thực tế, không ít hộ dân do điều kiện kinh tế khó khăn, không có khả năng đóng mới tàu công suất lớn nên vẫn chấp nhận khai thác bằng tàu nhỏ, xuống cấp, rất nguy hiểm khi lênh đênh trên biển cả.
Nguyễn Văn