Danh thắng Nghi Lộc, đến và ngẫm…

07/06/2015 09:52

(Baonghean) - Được thiên nhiên ban tặng không ít danh lam, thắng cảnh; với nhiều di tích lịch sử và là địa bàn gần kề với Thành phố Vinh, Thị xã biển Cửa Lò. Đó là yếu tố được kỳ vọng sẽ tạo sức hấp dẫn để huyện Nghi Lộc phát triển tiềm năng sẵn có của địa phương...

Về Nghi Lộc một ngày cuối tháng 5 với mong muốn được thấy một lát cắt về sự phát triển của ngành "công nghiệp không khói", một người bạn cùng nghề với tôi khuyên nên đến Bãi Lữ - Cửa Hiền. Đó cũng là ý kiến của nhiều người khi nghĩ đến Nghi Lộc.

Bãi Lữ - Cửa Hiền nằm ở phía Đông Bắc của huyện, thuộc đất của 2 xã Nghi Yên và Nghi Tiến, trong vòng cung biển Đông Nam Lạch Vạn - Cửa Hiền - Cửa Xá. Đứng trên đỉnh núi Lữ trông xuống, với sự quyện hòa của núi, của biển, lại được bàn tay con người bồi trúc, nơi đây trở thành điểm đến du lịch sinh thái hấp dẫn. Có rất nhiều đoàn du khách trong và ngoài nước đến thưởng ngoạn, nghỉ ngơi và theo thông tin thì từ đầu hè đến nay, nếu ai muốn có phòng nghỉ thì cần phải đăng ký trước hàng tuần...

Khu du lịch Bãi Lữ.
Khu du lịch Bãi Lữ thuộc huyện Nghi Lộc.

Thế nhưng ở khu vực này, có một số ki ốt kinh doanh các mặt hàng lưu niệm, giải khát nhưng các mặt hàng còn đơn điệu, hầu hết du nhập từ Đà Nẵng, Nha Trang... và không hề có sản vật địa phương. Ngay tại sảnh khách sạn lớn của khu vực Bãi Lữ có gian trưng bày nhưng cũng không có các sản phẩm văn hóa phẩm, tranh ảnh lưu niệm giới thiệu về vùng đất mà họ đứng chân khai thác kinh doanh. Có chăng, chỉ là vài hòn cuội gan gà lấy ở các bãi đá bờ biển Nghi Tiến, Nghi Thiết được tạo hình, viết theo lối thư pháp một đôi câu thơ về Bãi Lữ. Theo nhân viên khách sạn, cũng có du khách mong muốn mua sản vật địa phương. Mỗi lần như vậy, họ sẽ gọi điện đặt hàng để mua cho khách.

Chúng tôi băn khoăn vì sao đơn vị lại không tạo những gian trưng bày sản phẩm lưu niệm tại khu du lịch để khách có sự lựa chọn, đồng thời qua đó góp phần giới thiệu về vùng đất này? Qua tìm hiểu, được biết sản vật địa phương Nghi Lộc có nhiều nhưng chưa qua chế biến, không được đóng gói nên khâu bảo quản khó khăn. Ví như tôm, cá, mực khô ở Nghi Lộc chất lượng rất cao, nhưng không có bao bì đóng gói giữ mùi thì làm sao trưng bày được! Còn về các sản phẩm văn hóa, ngành VH-DL có đưa về giới thiệu một số băng đĩa, tranh ảnh các loại, nhưng những mặt hàng này có ở nhiều nơi như Thành phố Vinh, Kim Liên (Nam Đàn) và ở nhiều địa điểm khác nên khách không mặn mà…

Điểm đến tiếp theo chúng tôi tới là đền thờ miếu mộ Cương Quốc công Nguyễn Xí - Khu Di tích Lịch sử - Văn hóa kiến trúc cấp quốc gia thuộc xã Nghi Hợp, gần sát kề QL46, cách bãi tắm Cửa Lò chỉ tầm dăm km. Khu di tích này với một tòa kiến trúc nguy nga, có địa thế đẹp, thực sự là một thắng cảnh đáng để tham quan thưởng ngoạn. Theo các ông Nguyễn Bá Đạm, Nguyễn Đình Tùng - là người trong Ban Nội tự của Đại tộc Nguyễn Đình, làm nhiệm vụ quản lý di tích, hàng năm đến ngày 29 - 30 tháng Giêng là dịp lễ tổ, con cháu từ mọi miền và khách thập phương về đông tới hàng ngàn người. Những ngày thường nhật, hay dịp hè, cũng có nhiều khách đến thăm đền, nhưng hầu hết là con cháu trong dòng họ. Nhưng để có những cách làm mới, tạo sức hấp dẫn của di tích đến với du khách thì chưa có giải pháp, mới chỉ có những người lái ô tô điện ở TX. Cửa Lò giới thiệu mời chào du khách đi tham quan...

Còn đối với ông Lê Minh Thưởng - chủ nhân 5 cây thị cổ xã Nghi Thịnh, nhóm cây quý 600 tuổi đã được công nhận là cây di sản - cũng cho rằng chính quyền địa phương còn thiếu những cách làm hay để tạo ra sức hấp dẫn cho riêng Nghi Lộc. Ông Thưởng có năm cây thị cổ xứng đáng để ngưỡng mộ. Những u, cục, hang hốc trên những cao to, đen xanh tạo thành những hình thù kỳ thú. Cây thị "bố" có chu vi trên 14m; thân và gốc như một núi đá nhỏ đỡ hàng chục cánh tay vạm vỡ vươn tỏa khắp khu vườn. Cây thị "mẹ" chu vi gốc gần 10m. Không hùng vĩ như cây thị "bố", nhưng cây "thị mẹ" mang một vẻ đẹp toàn mỹ, tự nhiên. Gốc, thân tròn, những múi thịt, u xoáy, đụn rễ đều đặn như được bàn tay nghệ nhân bonsai sắp xếp. Còn 3 ông thị "con" thân, gốc kém lớn hơn tí chút nhưng cũng chẳng chịu thua về vẻ đẹp.

Cũng sần sùi những u, những hốc, những múi sóng xoắn tít tạo nên những hình thù lạ mắt. Chưa hết, trên thân, trên cành còn vận thêm những chiếc áo đủ sắc xanh tạo bởi những họ dương xỉ sống tầm gửi. "Lý lịch" của 5 cây thị cổ cũng rất hay. Vào thời Vua Lê Thái tổ Lê Lợi, có một vị quan tên là Lê Văn Hoan (quê quán Thanh Hóa) được triều đình giao cai quản vùng duyên hải miền Trung. Ông chọn đất này quy tụ con cháu lập làng vì thấy sau một trận cuồng phong rất lớn, mọi cây cối trong vùng bị phá hủy sạch nhưng những cây thị vẫn tồn tại. Những lần hành quân ra Bắc vào Nam để đánh giặc, ông đều ghé thăm những cây thị, và sau đó đều giành được thắng lợi. Vì vậy, ông đã cho lập tại đây một ngôi đền để ghi ơn 5 cây thị... Vị quan Lê Văn Hoan chính là thủy tổ của dòng họ Lê xã Nghi Thịnh ngày nay.

Một trong 5 cây thị cổ đã được công nhận cây di sản ở huyện Nghi Lộc.
Một trong 5 cây thị cổ đã được công nhận cây di sản ở huyện Nghi Lộc.

Theo ông Lê Minh Thưởng, sau đợt gắn biển cây di sản, ông được đón rất nhiều đoàn đến thăm. Trong nước, ngoài nước có cả, và vinh dự nhất là ngày 6/9/2011, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cùng phu nhân cũng đã đến thăm. "Dịp kỷ niệm sinh nhật Bác năm nay, nhiều đoàn ngoài tỉnh cũng đã được tỉnh đưa về thăm cây thị cổ. Ai cũng thích lắm. Mỗi lần có đoàn, tôi lại kiêm luôn việc thuyết minh để khách biết lịch sử 5 cây thị. Vui nhưng tôi thấy cần xem lại việc quảng bá, xây dựng tua tuyến sao cho hợp lý. Tôi cũng đã vài lần được đi dự hội thảo về cây di sản, thấy nghe bàn về những cách làm này nọ nhưng rồi cũng chưa thấy thay đổi được gì. Lắm khi khách đột ngột đến mình không có sự chuẩn bị đâm ra việc tiếp đón chẳng được đàng hoàng. Ngay như việc gắn biển chỉ dẫn, tôi đã đề nghị gần 2 năm trời nhưng mãi không được xã, huyện hỗ trợ thực hiện..." - ông Thưởng tâm sự.

Đến 3 địa chỉ di tích danh thắng nêu trên, hẳn chưa thể thấy hết được những tiềm năng phát triển du lịch của huyện Nghi Lộc. Tuy nhiên, thấy rõ một điều là Nghi Lộc còn chưa mấy quan tâm để tạo dựng được hình ảnh, thương hiệu của địa phương mình; bên cạnh đó, sản phẩm du lịch, những dịch vụ ăn theo vẫn còn rất nghèo nàn, hạn chế. Muốn làm du lịch cần đầu tư cơ sở vật chất hướng tới tiêu chuẩn quốc tế; phát triển ẩm thực, tạo sản phẩm du lịch và luôn có sản phẩm mới; tạo môi trường lành mạnh, thân thiện và quan tâm chăm sóc khách du lịch... cùng quan tâm quảng bá hình ảnh. Với thế mạnh có nhiều di tích danh thắng; lắm sản vật địa phương như đặc sản cam Xã Đoài, các loại nông sản như lạc, ngô, cà và nhiều những hải sản hàng ngày được khai thác từ biển. Đặc biệt với vị trí sát gần với Thành phố Vinh, Thị xã biển Cửa Lò, huyện Nghi Lộc cần quan tâm cho việc quảng bá hình ảnh và cần học hỏi để có những cách làm tạo được sản phẩm hấp dẫn mang tính địa phương, tạo sức lan tỏa khai thác được tiềm năng sẵn có…

Nhật Lân

Nổi bật Báo Nghệ An

Mới nhất

x
Danh thắng Nghi Lộc, đến và ngẫm…
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO