Đánh thức biển quê…

26/08/2013 09:47

Thiên nhiên ban cho Nghệ An những tiềm năng biển lớn lao, gần 90 km bờ biển với những vòng cung xinh đẹp. Những bãi tắm xanh trong thơ mộng, yên bình. Những vựa tôm, vựa cá bao đời góp thêm sự ấm no cho muôn nhà. Những cửa, lạch, bến hứa hẹn tiềm năng về hải cảng, thương cảng lớn không chỉ của tỉnh, của vùng... Ngoài biển Cửa Lò được đưa vào khai thác - là một trong những bãi tắm đẹp nhất nước Việt; Nghệ An còn nhiều  bãi biển trong xanh với bao tiềm năng đang chờ được đánh thức.

(Baonghean) - Thiên nhiên ban cho Nghệ An những tiềm năng biển lớn lao, gần 90 km bờ biển với những vòng cung xinh đẹp. Những bãi tắm xanh trong thơ mộng, yên bình. Những vựa tôm, vựa cá bao đời góp thêm sự ấm no cho muôn nhà. Những cửa, lạch, bến hứa hẹn tiềm năng về hải cảng, thương cảng lớn không chỉ của tỉnh, của vùng... Ngoài biển Cửa Lò được đưa vào khai thác - là một trong những bãi tắm đẹp nhất nước Việt; Nghệ An còn nhiều bãi biển trong xanh với bao tiềm năng đang chờ được đánh thức.

Biển của ta, nào Cửa Lò, Cửa Hội, nào Diễn Thành, Hòn Câu, nào Cửa Hiền, Nghi Thiết, Quỳnh Phương, Quỳnh Bảng… Những tên biển cất lên đã thân thương máu thịt. Đó không chỉ là nơi mưu sinh của bao người, mà còn trầm tích tiếng hò dô dậy sóng những chuyến tàu đi kháng chiến. Biển quê trong nỗi nhớ là hình ảnh những con thuyền căng buồm lướt sóng, chiều chiều náo nức cập bến Lạch Vạn, Lạch Cờn, với sự đón đợi mến thương; là những con cua đá áo tím, mai cong may mắn tìm thấy được trong kẽ đá khi triều xuống nơi Cửa Hiền; là hình ảnh người bà, người mẹ áo ướt đẫm mồ hôi giữa trưa hè bỏng rát để cho ta hạt muối mặn mòi Diễn Vạn, hay áo ướt dính da, co ro cào ngao trong gió thu thấm lạnh; là chiếc vỏ ốc cha mang về từ đại dương với bao thanh âm ký ức, là nơi cha và anh lên tàu ra biển bằng những đôi chân trần mang về những chuyến tàu đầy ắp cá tôm, để rồi ngỡ trong giấc ngủ của mẹ, của bà còn thảng thốt những cơn mơ… Nơi sóng cả ngoài kia là khao khát vẫy vùng, chất chứa soi tìm hi vọng. Cha gánh trên vai muối, dầu, gạo, đá, đẩy mái chèo đi tìm luồng cá giữa “nắng biển mưa nguồn”. Ta ăn hạt cơm trắng của người vùng biển mà như nâng bát ngọc, bát vàng.

Đó là biển Quỳnh Lập, Quỳnh Nghĩa, Quỳnh Bảng, đặc biệt là Quỳnh Phương, nơi sóng vỗ ì ầm vào vách đá dựng đứng, nơi có đền Cờn linh thiêng, gắn với câu ca “Nhất Cờn nhì Quả…” của xứ Nghệ, là biển núi Rồng ở phía bắc núi Rồng (Nghi Thiết) bãi thoải, nước trong. Đó là Cửa Hiền sóng biếc đến tận chân mây, đất trời giao hòa cùng nhau trong say đắm, nồng nàn, xa xa từng con thuyền nhỏ giương lá cờ đỏ thắm như bàn tay vẫy gọi…

… Biển Cửa Hiền giới hạn bởi Mũi Rồng và núi Rồng, có nhiều bãi đá nhô lên mặt biển. Người dân địa phương thường câu được nhiều cá lớn như cá hồng, cá mú, cá song, cá đục. Đứng trên những tảng đá câu cá là một thú tiêu khiển được yêu thích ở bãi biển này. Hỏi một lão ngư ở đây vì sao bãi có tên Cửa Hiền, ông cho biết: Do sóng ở đây hiền lắm. Cát ở dưới đáy bằng phẳng, nên nước đến, nước đi không biết “cãi” nhau với ai, dù ngoài khơi xa sóng dữ dằn đến mấy, vào đến đây sóng chỉ còn lăn tăn, có lẽ vì vậy mà người ta gọi là Cửa Hiền?



Biển Cửa Hiền (Nghi Yên - Nghi Lộc).

Tôi đến biển Cửa Hiền một buổi chiều thu. Từng đám bọt sóng đánh vào bãi đá trắng xóa, ngỡ lông ngỗng của nàng Mỵ Châu vương vãi “chỉ đường”. Con đường vòng uốn lượn xung quanh núi Mộ Dạ, tương truyền đó nơi Vua An Dương Vương đã chém chết Mỵ Châu rồi đi xuống biển - dẫn du khách đến với một vòng cung biển mới. Nơi đó đã có hàng chục quán lá nằm sát bãi cát “đón chờ” du khách. Tấp nập, dập dìu người ăn uống, người tắm biển, đùa chơi rộn rã, xua đi câu chuyện buồn của một huyền tích thuở xưa. Trong vi vút gió chiều, tôi được nghe kể về những người nông dân dám nghĩ, dám làm không cam chịu đói nghèo, đánh thức biển quê hương bằng tình yêu của mình.

Trần Công Hùng sinh ra từ một gia đình ngư dân “nòi”. Cha của anh đã sống gần trọn cả cuộc đời với biển trên con thuyền đánh cá. Trên chiếc thuyền nan, nhưng hiểu biển như lòng bàn tay, nên thuyền của ông luôn được cá. Cá, tôm he chân đỏ và mực nữa, những chuyến biển chất chứa lộc của trời tạo nên cuộc đời sóng gió của ông. Anh cũng háo hức theo bố ra khơi, sau nhiều năm quấn quýt với biển, với thuyền và cá, tôm, anh nhận ra một điều: Hải sản anh bán giá rất rẻ, song các nhà hàng bán ra lại rất đắt. Những ngày dong thuyền ra khơi câu mực, kéo lưới, anh ngất ngây trước cảnh sắc của Cửa Hiền, nhất là khi hoàng hôn buông xuống biển. Vì vậy, khi có lưng vốn, lại thấy Bãi Lữ kế bên đi vào khai thác, có rất đông du khách tìm về.

Anh nghĩ, phải “kéo” du khách về đánh thức bãi tắm quê mình. Thế rồi, anh mạnh dạn thuê đất của xã, đầu tư hơn 200 triệu đồng, dựng nên những chiếc quán lá để bán hải sản, phục vụ du khách đến tắm biển. Đã 4 năm qua đi, cũng là bốn lần anh Hùng đầu tư cho những mùa biển mới. Hùng cho biết, năm nay khách đông nhất trong các năm, mừng nhất là toàn khách Vinh và Hà Nội. Có ngày anh phục vụ đến hơn 200 khách. Hải sản biển Cửa Hiền không thiếu gì từ con sam, con chạch sú đến mực xôi, cá mú... Tất cả đều là quà của biển, được ngư dân đánh bắt trong ngày nên tươi rói. Khách về Bãi Lữ tắm và nghỉ nhưng lại sang Cửa Hiền ăn uống nên quán của anh Hùng càng đông khách.

Không chỉ quán của Hùng mà nhà hàng Hương Biển của anh Lệ - chị Dung bên kia, cũng đông khách. Anh Lệ tiết lộ, những ngày nắng nóng, phục vụ đoàn khách đông đến cả 400 người. Cá biệt có ngày, doanh thu đạt 150 triệu đồng! Chị Dung kinh doanh hàng nông sản ở Diễn Thịnh, nhưng sớm nhận thấy giá trị của biển Cửa Hiền đã bàn với chồng mở nhà hàng đón khách. Những suy nghĩ táo bạo của anh chị, đã được đáp đền, khi “vị thơm” của biển Cửa Hiền ngày một lan xa. Tuyến đường kết hợp đê biển được đầu tư kiên cố, như dải lụa mềm giữa một bên rừng và một bên biển, anh Lệ cũng đã bỏ ra cả tỷ đồng để kè biển sau lưng nhà hàng, đắp đổ đất, làm mặt bằng, làm chòi giữa bãi cát để phục vụ du khách. Từ một bãi biển hoang sơ, nay Cửa Hiền có gần chục nhà hàng đón khách. Con tôm, con cá khai thác từ biển được giá hơn, người dân Nghi Yên, Nghi Tiến (Nghi Lộc) và Diễn Trung (Diễn Châu) còn tận dụng nước biển, khai thác nuôi tôm, lãi mỗi năm hàng trăm triệu đồng. Một vùng biển kỳ bí, nay sáng lên những tiềm năng mới.

Khác với biển Cửa Hiền – nơi những người nông dân, ngư dân mạnh dạn làm dịch vụ du lịch, thì Cửa Hội được biết đến với “làng dịch vụ du lịch Hàn Quốc- Đài Loan”- nơi có nhiều người Nghi Hải, Nghi Hòa đi Hàn Quốc, Đài Loan đưa vốn về “mở biển”. Chị Võ Thị Liên – khối Hải Trung (Nghi Hải) từng phải đi làm thuê ở Hàn Quốc với bao khó nhọc. Làm công nhân trong nhà máy lắp ráp điện tử, chị bảo “cái quạt quay còn chậm hơn tay mình làm”, chị đã phải lao động cật lực nơi đất khách quê người, mong đủ tiền về trả nợ và có chút vốn làm ăn. Những năm cuối nơi đất khách, chị làm cho một nhà hàng lớn của Hàn Quốc với cả 500 lao động khác.

Công việc quá vất vả, nhiều hôm phải chạy đi, chạy lại nhiều quá, chị ngã lăn ra đất, đêm về nhớ nhà, nhớ con khóc sưng cả mắt. Nhưng nghe lời bà chủ động viên: “Ni Liên, mày gắng làm tốt, tao sẽ truyền cho cách làm món Kim Chi để về nước mà mở quán bán hàng”. Chịu đựng, vất vả để rồi sau 7 năm về nước, chị tích cóp được gần 1 tỷ đồng, mua đất làm nhà và mở hai quán dịch vụ du lịch ở biển Cửa Hội. Những gì học được khi làm ở nhà hàng Hàn Quốc, chị tìm cách vận dụng, sáng tạo theo thực tiễn của quê mình. Từ cách chế biến món ăn và “mẹo” tiết kiệm nguyên liệu. Chị nhớ lại những ngày ở Hàn Quốc, thừa vài thìa cơm trong nồi, bà chủ hướng dẫn chị đổ nước vào, nấu lên để bà ăn cả nước cả cơm, không bỏ đi hạt nào. Rau thừa vài cọng cũng bỏ vào túi ni lông sạch sẽ, để hôm sau ăn tiếp. Về mở quán, dù đã có của ăn của để, nhưng chị vẫn tận dụng thức ăn thừa để nuôi 3 con lợn. Mỗi năm ba lứa lợn là chị đã “bỏ ống” được gần 30 triệu đồng.

Biết làm món Kim Chi, chị chịu khó, chẳng quản khuya sớm làm để phục vụ nhà hàng và bán cho khách mang về, cả khách Hàn Quốc ở Nghệ An. Mỗi năm một mùa du lịch, quán chị chỉ lãi gần 100 triệu đồng. Quán của chị đối diện với đảo Song Ngư, ngỡ như chỉ mấy bước là chạm tay vào đảo. Chị ao ước giá như có vốn để đầu tư thuyền lớn đưa du khách ra đảo.

“Em cứ đi hỏi khắp đây mà xem, người đi xuất khẩu lao động như chị về mở nhà hàng đầy, họ cởi mở và thân thiện lắm”- chị Liên nói. Tìm hiểu ra tôi mới biết: Nhà hàng Hùng Mai, nhà hàng Thái Phú, Phúc Hiền, Thạch Hồng, Anh Vân... đều có chồng hoặc vợ đi xuất khẩu lao động về đầu tư mở quán. Giữa biển trời quê hương yêu dấu, họ đã có được cơ nghiệp và cũng giúp biển quê hương ngày một đẹp giàu. Anh Thạch, chủ nhà hàng Thạch Hồng, người từng đi Hàn Quốc về chia sẻ: “Năm nay đông khách nhất từ khi mở quán. Khách Hà Nội về Cửa Lò rồi xuống Cửa Hội ăn rất đông. Có khi họ xuống từng đoàn xe. Chúng tôi luôn cố gắng phục vụ ngon- tươi- bổ- rẻ...”. Để đầu tư mở quán, bình quân mỗi mùa hè, một quán trả tiền thuê đất là 42 triệu đồng cho địa phương. Không chỉ người dân có thu nhập, có điều kiện phát triển kinh tế mà ngay cả nguồn ngân sách địa phương cũng tăng, nếu các dịch vụ du lịch biển của người nông dân ở những vùng biển này phát triển.

Nếu Bãi Lữ, Cửa Lò đã khai thác hiệu quả xứng với “danh bất hư truyền”, Cửa Lò “hòn ngọc trong xanh”, Bãi Lữ là “thiên đường của biển” thì Cửa Hội vẫn còn là một bãi biển chưa được “đánh thức”. Nơi cửa sông dồi dào tôm sinh, cá đẻ, Cửa Hội còn là điểm đến của nhiều tàu cá từ Bắc tới Nam. Bên kia là đảo Song Ngư với những bãi tắm đá cuội lý thú, là Chùa Ngư, Giếng Ngọc gọi mời. Một chiếc cáp treo nối đất liền và Đảo Ngư vẫn đang là niềm ao ước của người dân và du khách.



Nuôi tôm ở xã Nghi Yên (Nghi Lộc).

Còn Nghi Lộc, với nhiều bãi biển đẹp như Mũi Rồng (Nghi Thiết), bãi Hiền (Nghi Yên), bãi Lữ (Nghi Tiến)... du khách không chỉ được tắm biển, mà đến đây còn có thể thăm thú các cơ sở tiểu thủ công nghiệp và Làng nghề. Làng nghề đóng tàu Trung Kiên ra đời đến nay hơn 700 trăm năm, có thương hiệu lâu đời, đã từng đóng những con tàu không số, hiện nay làng đang tạo việc làm cho trên 800 lao động; nghề khai thác và chế biến hải sản ở Nghi Quang, Nghi Yên, Nghi Thiết, nghề mây tre đan Nghi Phong, Nghi Thái, Phúc Thọ … Làng Phúc Thọ với những rặng dừa xanh nằm yên bình bên bờ Lam giang trước khi sông hòa vào biển cả …Toàn huyện Nghi Lộc có 14 km bờ biển với diện tích 722 hải lý, có 6 xã ven biển, thì đã sở hữu tới 3 bãi biển đẹp mê hồn! Trong đó mới chỉ có bãi Lữ (diện tích 52 ha) được khai thác thành khu Resort đẳng cấp.

Ở Diễn Châu, với 25 km bờ biển đi qua 9 xã Diễn Trung, Diễn Thịnh, Diễn Thành, Diễn Ngọc, Bích, Vạn, Kim, Hải… đến Diễn Hùng tạo thành cánh cung lõm vào đất liền như một vịnh nhỏ. Nhưng cũng mới biển Diễn Thành được đưa vào khai thác, các bãi biển khác như biển Hòn Câu (Diễn Hải), biển Cửa Hiền… vẫn còn hết sức hoang sơ. Nhiều người còn nói, Nghệ An duy chỉ có biển Cửa Hiền (Diễn Châu) là nơi duy nhất không có gió Lào! Người Diễn Châu năng động, nghĩa tình, đang lăn xả cùng với biển trong khai thác, chế biến hải sản và làm du lịch. Nhưng một ước mơ được đầu tư hạ tầng ổn định lâu dài ở biển vẫn còn rất khó.

Những năm gần đây, làm kinh tế từ du lịch biển của Nghệ An ngày càng được chăm lo chú trọng. Lượng khách đến với các bãi biển ngày một đông. Năm 2012 đạt trên 3 triệu lượt khách, riêng Cửa Lò mỗi năm trên 2 triệu lượt. Tuy nhiên, khách đến lưu trú dài ngày vẫn chưa nhiều, sự kết hợp giữa các tour, giữa Cửa Lò với các địa danh như Nam Đàn quê Bác, mộ Vua Mai, Truông Bồn, thác Khe Kèm, vườn Quốc gia Pù Mát… chưa được khai thác. Kinh doanh vẫn theo mùa vụ, mùa đông, mùa xuân biển “đóng cửa” nằm dài buồn bã. Lao động theo đó cũng tản mát, để rồi năm sau các nhà hàng, khách sạn lại dáo giác tìm người phục vụ.

Dịch vụ ở các bãi biển, như điểm rút tiền ATM, bưu điện, ngân hàng… vẫn còn rất hạn chế. Các cơ sở lưu giữ hải sản và ăn uống ngay trên biển chưa nhiều, thậm chí không có. Người dân dám nghĩ, nhưng tiềm lực đầu tư còn yếu nên “cái khó bó cái khôn”. Nơi nắng tràn và gió hát, biển Nghệ An vẫn thấp thoáng những cánh buồm thắm đỏ, những đoàn người xoắn tay kéo lưới buổi bình minh. Vẻ hoang sơ đó đang hút hồn nhiều du khách, nhưng “sức kéo” đó chưa đủ để những bãi biển choàng tỉnh. Tôi chợt nhớ đến hình ảnh sau một cơn giông gió lớn ở bãi Cửa Hiền, mái lá của nhiều nhà hàng đã bay xuống trong nỗi xót xa của các ông chủ “nông dân”. Hay như ở Cửa Hội sau một mùa biển người dân phải cạy tất cả viên gạch lên, để mùa biển sau tiếp tục đầu tư “lắp ghép” lại. Biển ngọc biển ngà vẫn khát mơ khai mở…


Bài, ảnh: Châu Lan

Mới nhất
x
Đánh thức biển quê…
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO