Đánh thức miền Trà Lân

04/06/2014 09:00

(Baonghean) - Đã có những điểm sáng trong xây dựng NTM, phát triển kinh tế - xã hội nhưng bức tranh chung của Con Cuông vẫn là một huyện nghèo vùng cao với hơn 1/3 hộ dân thuộc diện nghèo. Con Cuông cần có đột phá về kinh tế dựa vào tiềm năng, lợi thế của mình. Đó cũng là vấn đề được chỉ ra trong chuyến làm việc của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Hồ Đức Phớc tại huyện Con Cuông vào cuối tháng 5 vừa qua.

Trong dòng chảy của thời gian, mảnh đất Con Cuông được lịch sử “chọn lựa” để trở thành nơi chứng kiến và lưu dấu những chiến tích hào hùng trong công cuộc đấu tranh giữ nước của dân tộc. Quá khứ hào hùng vừa là nền tảng, động lực để các thế hệ người Con Cuông hôm nay phát huy tiềm năng, lợi thế phấn đấu xây dựng quê hương thoát nghèo, vươn lên giàu mạnh. Và trong thực tế, Con Cuông đang có những bước tiến rất khả quan trên nhiều lĩnh vực, nâng cao đời sống nhân dân nhờ phần nào khai thác được tiềm năng, lợi thế của địa phương.

Đơn cử như tại bản Tờ, xã Yên Khê, nơi sinh sống của 143 hộ dân với 623 nhân khẩu mà tôi có dịp theo đoàn công tác của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy về thăm. Diện tích đất sản xuất của bản cũng chỉ có vỏn vẹn 58ha, trong đó có 13ha lúa nước, 36ha chè và một số diện tích trồng màu. Suốt một thời gian dài, một phần do điều kiện khí hậu nhưng căn bản vẫn do tập quán sản xuất và cả tư tưởng trông chờ, ỷ lại trong một bộ phận nhân dân nên dân bản vẫn chưa biết đánh thức tiềm năng đất đai, đời sống gặp rất nhiều khó khăn. Theo thống kê của bản, vào năm 2010, số hộ nghèo còn chiếm đến 55% hộ dân. Thực hiện Chương trình xây dựng NTM, chi bộ bản đã họp bàn và ra nghị quyết chuyên đề xác định chọn 4 trong 19 tiêu chí để tập trung chỉ đạo làm trước mà ưu tiên trước mắt là phát triển kinh tế.


Đồng chí Lương Đình Kiếu – Bí thư Chi bộ bản Tờ chia sẻ với đồng chí Bí thư Tỉnh ủy và đoàn công tác: “Chúng tôi xác định để chống được “giặc” nghèo thì phải chống “giặc” trông chờ ỷ lại trong ý thức mỗi người dân. Do đó, cán bộ, đảng viên phải là người tiên phong, gương mẫu thực hiện và vận động nhân dân tập trung thâm canh, nâng cao năng suất cây trồng. Lợi thế của bản là có 21/28 đảng viên trong chi bộ là cán bộ các ngành sinh hoạt tại nơi cư trú, do đó, khi cần có thể trao đổi học tập kinh nghiệm sản xuất từ các đảng viên này”. Với sự vào cuộc trên, nhân dân bản Tờ đã chủ động áp dụng KHKT vào thâm canh, hiệu quả tăng lên rõ rệt. Bằng chứng là từ năm 2010 đến nay, tốc độ tăng trưởng kinh tế của bản liên tục đạt 12 -15% mỗi năm. Thu nhập bình quân mỗi khẩu cũng đã đạt 830 ngàn đồng mỗi tháng. Do đó, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 25,3%, tỷ lệ hộ khá tăng lên nhanh.


Kinh tế phát triển, thu nhập của người dân tăng lên cũng tạo tiền đề rất tốt để thực hiện các tiêu chí khác trong xây dựng NTM, nổi bật nhất trong thời gian qua là làm đường giao thông nông thôn. Báo cáo với đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, đồng chí Bí thư Chi bộ bản Tờ không giấu được niềm tự hào khi khẳng định: Đây là “cuộc cách mạng ở địa phương”. Bởi khi vận động nhân dân hiến đất, vật kiến trúc, cây cối mở rộng đường, nhiều người dân cho rằng: “Đất của chúng tôi đã có bìa, khi lấy phải đền bù”. Hay khi huy động mỗi khẩu đóng góp 155 ngàn đồng để mua vật liệu, Ban Quản lý bản cũng nhận không ít ý kiến chưa đồng tình, đại ý như: “Đường sá ni chúng tôi đi hơn nửa đời người rồi có răng mô! Chừ đi như ri cũng được, cần chi làm đường bê tông”. Lúc đó cả hệ thống chính trị của bản phải vào cuộc, đặc biệt, ban mặt trận phân công từng tổ, từng nhóm vào trực tiếp hộ nào còn vướng mắc để vận động, gia đình các đảng viên gương mẫu làm điểm trước để nhân dân noi theo. Với phương châm “nói cho dân hiểu, làm cho dân thấy”, cuối cùng nhân dân trong bản đã đồng tình và hưởng ứng cao. “Ngoài 400 tấn xi măng Nhà nước hỗ trợ, nhân dân bản đã đóng góp 950 triệu đồng, 2000 ngày công để thi công đường, chưa kể bà con đã hiến trên 3.000m2 đất, hàng trăm cây ăn quả, lấy gỗ và 60 m tường rào. Nhờ vậy, chỉ trong một thời gian ngắn, bản đã làm được 2,2km đường giao thông nội bản đạt tiêu chuẩn NTM” - đồng chí Kiếu phấn khởi cho biết thêm.

Làm đường giao thông nông thôn ở xã Lạng Khê (Con Cuông). Ảnh: Phùng Văn Mùi
Làm đường giao thông nông thôn ở xã Lạng Khê (Con Cuông). Ảnh: Phùng Văn Mùi


Sau khi nghe những thông tin trên, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Hồ Đức Phớc rất vui mừng trước sự đổi mới không ngừng của bản Tờ. Tuy nhiên, nói chuyện thân tình với cán bộ, đảng viên và nhân dân bản Tờ, đồng chí Hồ Đức Phớc cũng hết sức băn khoăn khi bản vẫn có đến 60 lao động phải đi làm ăn xa. “Lãnh đạo xã, bản phải nghiên cứu, trăn trở và làm thế nào để phát triển sản xuất từ mảnh đất quê hương. Chúng ta phải xây dựng các mô hình kinh tế dựa trên tiềm năng đất đai để tạo việc làm, thu nhập; con em sẽ không phải đi làm ăn xa. Nếu xã, bản khó khăn, huyện và tỉnh sẽ hỗ trợ giống, quy trình sản xuất, dịch vụ” - đồng chí Bí thư Tỉnh ủy tin tưởng giao nhiệm vụ.

Cũng tại Yên Khê, cách bản Tờ không xa là bản Pha, nơi nhiều năm nay huyện Con Cuông đang thực hiện đề án trồng cam. Với chính sách hỗ trợ giống, nhân dân bản Pha đã vào khai hoang, biến một vùng đồi núi hoang vu thành những vườn cam xanh mướt, hứa hẹn mang lại thu nhập hàng trăm triệu đồng một ha. Vào năm 2009, gia đình ông Tăng Ngọc Sơn là một trong những hộ đầu tiên vào khai hoang vùng đất này. Bao nhiêu công sức bỏ ra, đất không phụ lòng người, bây giờ trên tổng diện tích 1,5ha, gia đình ông đã có hàng trăm gốc cam Vân Du trồng được 5 tuổi và cam V2 hơn 2 năm tuổi. Nói chuyện với đồng chí Bí thư Tỉnh ủy và các đồng chí lãnh đạo tỉnh trong đoàn công tác, ông Sơn phấn khởi cho biết: “Cam Vân Du trồng đến năm thứ 3, thứ 4 đã hái bói quả được nếu chăm sóc tốt. Năm nay, mỗi gốc cam Vân Du 5 tuổi cho khoảng 4 yến quả. Như vậy vườn cam cho sản lượng 15 -17 tấn quả. Nếu giá vẫn giữ như hiện nay, gia đình thu được trên 300 triệu đồng. Năm sau, diện tích cam hứa hẹn cho sản lượng 20 - 25 tấn, hiệu quả kinh tế như thế sẽ cao hơn”.


Phát triển trồng cam theo quy mô hàng hóa được Con Cuông xác định là hướng mở nhằm nâng cao thu nhập cho nhân dân. Vì vậy, hiện nay toàn huyện đã trồng được hơn 105 ha cam, trong đó cam thời kỳ xây dựng cơ bản có diện tích gần 82ha, cam kinh doanh 24ha cho năng suất trung bình 150 tạ/ha, sản lượng 360 tấn, tính ra thu nhập bình quân đạt 400 triệu đồng/ha. Tuy nhiên, việc phát triển, nhân rộng diện tích cây cam vẫn gặp không ít khó khăn. Đơn cử như tại bản Pha, diện tích đất có thể trồng cam khoảng 200 ha. Nhân dân bản đã khai hoang và trồng được khoảng 40ha cam. Song, theo đồng chí Hoàng Đình Tuấn – Chủ tịch UBND huyện Con Cuông, vấn đề khó khăn nhất để phát triển vùng cam phủ kín hết diện tích vẫn là xây dựng hạ tầng cho vùng bao gồm: điện và nước. Trực tiếp chứng kiến hiệu quả của vùng trồng cam ở bản Pha, đồng chí Hồ Đức Phớc và các đồng chí trong đoàn công tác rất tâm đắc mô hình kinh tế này. Do đó, trước kiến nghị của đồng chí Chủ tịch UBND huyện Con Cuông, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đã trực tiếp liên hệ và giới thiệu một chuyên gia trong việc khoan và tìm nước tại những vùng khô hạn cho huyện Con Cuông nhằm giải quyết khó khăn về nước tưới tiêu cho vùng cam.

Như vậy, có thể thấy vai trò rất lớn của việc phát triển các mô hình kinh tế trong công cuộc xóa đói giảm nghèo, nâng cao thu nhập cho nhân dân; và đây cũng được xem là nền tảng cốt lõi trong việc thực hiện thành công Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM không chỉ ở Con Cuông mà ở tất cả các địa phương, nhất là các địa phương miền Tây Nghệ An. Và trong thực tế, việc phát huy tiềm năng về đất đai với tổng diện tích tự nhiên gần 174 ngàn ha để phát triển kinh tế rừng và sản xuất nông lâm nghiệp đã trở thành động lực quan trọng giúp Con Cuông đạt được tốc độ tăng trưởng kinh tế 7,65% trong năm 2013, cao hơn mức tăng của cả tỉnh.

Thu ngân sách trên địa bàn cũng vượt 220% dự toán tỉnh giao, đạt gần 16 tỷ đồng. Tuy nhiên, nếu nhìn vào tổng thể, tốc độ phát triển của Con Cuông vẫn chưa đạt như kỳ vọng. Thu nhập bình quân đầu người của người dân tăng lên, đạt 15,5 triệu đồng nhưng vẫn còn thấp hơn mức bình quân chung cả tỉnh là 24 triệu đồng. Tỷ lệ hộ nghèo năm 2013 của huyện chỉ giảm từ 37,83% xuống 36,53%, tức là chỉ giảm được 1,3 %, thấp hơn so với mức bình quân giảm nghèo chung của cả nước là 2% và quá chậm so với yêu cầu chung của tỉnh. Đánh giá về những chỉ số trên, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy chỉ rõ: “Con Cuông chưa có những đột phá về mặt kinh tế. Huyện còn lúng túng trong việc xác định cây con chủ lực và nhân rộng các mô hình kinh tế”.

Đồng chí Vi Xuân Giáp – Bí thư Huyện ủy Con Cuông cũng xem đây đang là điểm yếu của Con Cuông khi thẳng thắn nhìn nhận trong buổi làm việc với đoàn công tác của tỉnh: “Việc thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đầu tư thâm canh để đạt giá trị trên một diện tích canh tác còn thấp. Mô hình phát triển kinh tế còn ít và chưa được nhân rộng”. Điều này thể hiện trong báo cáo của huyện Con Cuông, trong 5 tháng đầu năm 2014, huyện Con Cuông chỉ xây dựng được 3 mô hình chăn nuôi vịt bầu Quỳ, 1 mô hình nuôi dê, 1 mô hình nuôi lợn thương phẩm kết hợp xây dựng hầm biogas và 1 mô hình thâm canh lúa nước. Nhằm tạo được sức đột phá cho huyện, đồng chí Đinh Viết Hồng – Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị: Con Cuông cần tập trung đẩy mạnh triển khai và nhân rộng nhiều mô hình phát triển kinh tế trong xây dựng NTM. Bên cạnh đó, huyện tập trung phát triển du lịch cộng đồng dựa vào tiềm năng về rừng, đặc biệt là khu dự trữ sinh quyển miền Tây Nghệ An có lõi là Vườn Quốc gia Pù Mát.


Trao đổi về hướng thoát nghèo của Con Cuông, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy khẳng định: Thông qua các mô hình kinh tế, chính sách Nhà nước đến trực tiếp với hộ dân và đó chính là điều kiện để xóa đói giảm nghèo, nâng cao mức sống của nhân dân nhanh nhất. Trong chiến lược giảm nghèo ở miền Tây Nghệ An, tỉnh sử dụng nhiều giải pháp đồng bộ, trong đó hiệu quả triển khai các mô hình kinh tế đã chứng minh đây là giải pháp quan trọng, góp phần đẩy nhanh tốc độ xóa đói giảm nghèo trong những năm qua. Vì vậy, Con Cuông phải dựa vào tiềm năng đất đai rộng lớn để quy hoạch phát triển trồng trọt, chăn nuôi và phát triển rừng nguyên liệu phù hợp nhằm nâng cao hiệu quả trên đơn vị diện tích. Trong quá trình đó, huyện phải chủ động tìm tòi, thử nghiệm các giống cây con mới, xây dựng các mô hình hướng dẫn cho nhân dân. Muốn vậy, lãnh đạo huyện phải năng động, phải làm việc với các viện nghiên cứu, các trường ĐH nông nghiệp để đưa giống mới về. Các đồng chí phải trăn trở, nếu không trăn trở, không lặn lội thì người dân sẽ không tìm được hướng phát triển kinh tế, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy cũng yêu cầu huyện phát triển trồng rừng gắn với thị trường bên cạnh tập trung khai thác tiềm năng du lịch sinh thái.


Con Cuông, mảnh đất được xem là chìa khóa khai mở tiềm năng miền Tây Nghệ An để phát triển. Hy vọng rằng, việc tận dụng hiệu quả các tiềm năng vốn có cùng với sự hỗ trợ của các cấp, miền Trà Lân sẽ được đánh thức, trở thành hạt nhân, động lực phát triển cho cả vùng Tây Nam xứ Nghệ.


Thành Duy

Mới nhất

x
Đánh thức miền Trà Lân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO