Đánh thức "nàng công chúa"
(Baonghean) - Một ngày giữa Thu, chúng tôi tìm về Qùy Châu, một vùng đất cổ với bao công trình “kiến trúc thiên nhiên” và những câu chuyện huyền thoại được lưu truyền từ đời này qua đời khác. Cảnh vật và con người nơi đây mời gọi bước chân những người ưa tìm hiểu, thích khám phá, trải nghiệm...
BẢN CỔ HOA TIẾN
Điểm đến đầu tiên của chúng tôi là bản Hoa Tiến (xã Châu Tiến), nơi hợp lưu của 3 dòng sông: sông Quàng, sông Hạt và sông Nậm Việc. Chính sự hợp lưu, hội tụ ấy đã đem đến cho Hoa Tiến một vẻ đẹp sơn thủy hữu tình với núi non trùng điệp, cánh đồng bát ngát thẳng cánh cò bay. Trong bản, những nếp nhà sàn cổ được sắp đặt ngay hàng thẳng lối, những con đường thẳng tắp và đàn trâu bò thong dong bước về nhà gợi lên cảnh tượng yên bình của miền quê sơn cước. Cảnh yên bình ấy càng được điểm tô bởi tiếng thoi đưa lách cách phát ra từ những chiếc khung dệt, từ những câu hát mượt mà vọng lên từ bờ suối. Bữa cơm tối được dọn ra, những món đặc sản của đồng bào Thái như xôi nếp nương ngũ sắc, cá sông, moọc, thịt lợn đen nướng... mang đậm hương vị của núi rừng vùng cao. Những sản vật ấy nhắm với một ít rượu ủ men lá rừng, trong thời tiết heo may càng thêm thi vị, khách miền xuôi có cảm nhận như đang lạc vào xứ sở của các phìa tạo xa xưa của người Thái.
![]() |
Thi nhảy sạp tại Lễ hội Hang Bua (Quỳ Châu). Ảnh: Trần Ngọc Lan |
Bữa cơm vừa kết thúc cũng là lúc tiếng cồng chiêng, khèn bè và tiếng pí rộn rã ngân vang, như giục giã, như mời gọi khách miền xuôi tiếp tục hòa vào cuộc vui mới. Tiếng nhạc vang kéo theo tiếng hát được cất lên, những điệu lăm, điệu xuối mê say lòng người. Trong những làn điệu và khúc ca ấy, có câu chuyện về hành trình dời bản, dời mường, có chuyện tình lãng mạn và thủy chung của đôi trai gái, có cả sự trù phú của bản làng trên vùng đất mới... Khi men rượu cần đã ngấm, mọi người cùng hòa nhịp lăm vông, những bước chân và đôi bàn tay nhịp nhàng, uyển chuyển, những đôi mắt sáng, những nụ cười tươi. Rồi tất cả chung một vòng xòe, vòng xòe ấy mỗi lúc càng mở rộng, bởi có thêm khách bản gần, bản xa. Nghe tiếng cồng chiêng, tiếng khèn và tiếng hát, họ tìm đến Hoa Tiến cùng chung vui, vì đồng bào Thái thường tìm đến nhau trong mỗi cuộc vui.
Những bộ váy áo truyền thống với đường nét hoa văn tinh tế, dải khăn piêu duyên dáng càng tôn thêm vẻ đẹp của con gái Thái, khiến khách xa chợt bồi hồi, xao xuyến không muốn rời xa. Tiếng cồng, tiếng chiêng, tiếng khèn, tiếng pí và tiếng hát hòa cùng tiếng suối reo, tiếng gió ngàn thao thiết làm nên bản giao hưởng giữa đại ngàn.
Bản Hoa Tiến được huyện Qùy Châu chọn làm điểm bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc Thái và phát triển du lịch cộng đồng, góp phần tăng thu nhập và cải thiện cuộc sống. Có thể nói, điểm nổi bật trong công tác bảo tồn bản sắc chính là việc duy trì và phát triển nghề dệt thổ cẩm truyền thống. Là bản Thái cổ, nghề dệt đã được lưu truyền từ bao đời, là một nếp sinh hoạt của cộng đồng dân tộc Thái, phục vụ nhu cầu trang phục của gia đình. Trở thành xã viên của HTX, của làng nghề dệt thổ cẩm, chị em phụ nữ Hoa Tiến có điều kiện sản xuất hàng hóa, những bộ trang phục và vật dụng bằng thổ cẩm được bán ra thị trường. Du khách đến tham quan thường trầm trồ trước vẻ đẹp của các sản phẩm và sự khéo léo, tinh tế của đôi bàn tay người phụ nữ Thái. Đây chính là một nét để làm nên thương hiệu du lịch cộng đồng ở Hoa Tiến nói riêng và Quỳ Châu nói chung. Cùng với đó, không gian văn hóa ở đây cũng được quan tâm bảo tồn, đó là những ngôi nhà sàn cổ kính, những khu vườn anh tươi và núi đồi, đồng ruộng vẫn còn giữ được vẻ đẹp nguyên sơ. Những làn điệu dân ca, dân nhạc và dân vũ vẫn còn được lưu truyền, con người Hoa Tiến cũng gần gũi, thân mật và mến khách. Đó chính là những yếu tố quan trọng để phát triển du lịch cộng đồng, một hình thức du lịch đang ngày càng được ưa chuộng.
VẺ ĐẸP NGUYÊN SƠ
Nói đến vẻ đẹp phong cảnh ở Quỳ Châu, trước tiên phải kể đến hang Bua (Châu Tiến), một di tích lịch sử được xếp hạng cấp quốc gia. Nằm trong dãy Phà Én, hang Bua sở hữu một vẻ đẹp nguyên sơ với những nhũ đá có vô số hình thù và màu sắc hấp dẫn. Bàn tay thiên tạo đã dày công sắp đặt, bài trí để làm nên vẻ quyến rũ và sức cuốn hút của hang động này. Đã thế, hang Bua lại được người đời khoác lên câu chuyện mang đậm màu sắc truyền thuyết, tôn thêm sự linh thiêng. Vẻ đẹp của hang Bua nổi tiếng từ xa xưa, có lẽ vì thế mà Bảo Đại- vị cua cuối cùng của triều Nguyễn từng qua đây để vãn cảnh. Lễ hội hang Bua được tổ chức vào dịp đầu Xuân, khi những cánh rừng thay lá, khi mùa màng đã xong và khi những làn gió ấm tràn về miền sơn cước. Đây là dịp để đồng bào Quỳ Châu và vùng đất Phủ Qùy có dịp hội ngộ, cùng vui khúc hát, cùng say rượu cần. Câu lăm, câu xuối và tiếng cồng chiêng, sáo pí vang cả núi rừng; trai gái cùng hồ hởi với những trò chơi dân gian ném còn, đẩy gậy, đánh đu... Vừa là dịp vui giao lưu, vừa là dịp để bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa. Đối với du khách gần xa, đây là dịp để khám phá vẻ đẹp phong cảnh thiên nhiên, những nét phong tục và vẻ đẹp tâm hồn của đồng bào Thái vùng Tây Bắc xứ Nghệ.
Không chỉ hang Bua, Qùy Châu còn có hang Thẩm Ồm (Châu Thuận) và hang Có Ngụn - núi Phá Xăng (Châu Bính) là những Di chỉ khảo cổ học nổi tiếng, được phát hiện từ khá lâu với nhiều hiện vật có giá trị. Riêng hang Có Ngụn - núi Phá Xăng còn có câu chuyện truyền thuyết về nàng Đòn được lưu truyền trong đời sống dân gian, mang đậm ý nghĩa nhân văn và chứa đựng vẻ đẹp tâm hồn của cộng đồng dân tộc Thái. Ngoài ra, còn có Thẳm Chàng, Tôn Thạt, hang Pá Xủn, hang Voi cũng chứa đựng vẻ đẹp độc đáo và lý thú, mời gọi những bước chân du khách gần xa đến đây khám phá. Nơi đây còn có đền Chiêng Ngam (Châu Tiến) và cụm di tích phần mộ, cây táo cổ thụ và bia tưởng niệm Đốc binh Lang Văn Thiết (Đốc Thiết)- người tham gia phong trào Cần Vương đánh Pháp (Châu Hội và Châu Nga). Đây là những di tích liên quan đến lịch sử xây dựng bản mường và bảo vệ quê hương, để người dân bày tỏ tấm lòng tri ân những người có công với cộng đồng, mường bản. Quỳ Châu còn có Bảo tàng Văn hóa các dân tộc đang lưu giữ hàng trăm hiện vật có giá trị, tái hiện lại lịch sử hình thành và phát triển của vùng đất này. Đó là lịch sử đấu tranh sinh tồn và thích nghi với điều kiện tự nhiên, là lịch sử đấu tranh với nhân tai để tồn tại và phát triển, là những nét tinh túy của đời sống được chắt lọc và trở thành truyền thống văn hóa.
Nằm trong Khu dự trữ sinh quyển miền Tây Nghệ An, Quỳ Châu được thiên nhiên ưu đãi những phong cảnh đẹp như thác Tạt Ngoi, thác Đũa, thác khe Mỵ và những dòng suối mát lành, trong xanh. Những thắng cảnh này còn nguyên sơ, chưa được đầu tư để thu hút khách du lịch, như những dải lụa đẹp và quý đang được cất giữ trong một chiếc tủ. Và từ Qùy Châu, có thể kết nối thành tour du lịch lên Quế Phong khám phá vẻ đẹp đền Chín Gian, thác Sao Va và khí hậu mát mẻ ở Tri Lễ. Rồi vòng xuống Qùy Hợp, Nghĩa Đàn để khám phá sâu hơn đất và người Phủ Quỳ, một miền quê từng vang danh trong lịch sử.
Trao đổi với chúng tôi, ông Vi Văn Tiến, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: “Nhận thức được tầm quan trọng của phát triển du lịch, huyện Quỳ Châu đã xây dựng Chương trình phát triển du lịch, trong đó ưu tiên phát triển du lịch cộng đồng. Huyện đã cử đoàn công tác ra huyện Mai Châu (Hòa Bình) để học hỏi cách làm, và sắp tới sẽ tiếp tục triển khai những hạng mục quan trọng để đáp ứng nhu cầu của du khách”.
Rõ ràng, Quỳ Châu có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch, và việc gắn kết bảo tồn bản sắc văn hóa với phát triển du lịch cộng đồng là cách làm đúng hướng. Vấn đề trước mắt là công tác quy hoạch, xúc tiến đầu tư, xây dựng kết cấu hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực để đánh thức tiềm năng sẵn có.
CÔNG KIÊN