Đánh thức Tam Hợp

26/03/2015 21:24

(Baonghean) - Để vực dậy kinh tế của miền biên giới Tam Hợp (Tương Dương), các cấp ngành, chính quyền đã dành nhiều quan tâm. Và gần đây, trên miền đất này xuất hiện màu áo xanh thanh niên xung phong (TNXP) của Làng Thanh niên lập nghiệp biên giới Tam Hợp. Sau hơn 1 năm chính thức hoạt động, các đội viên TNXP đã mang lại niềm hy vọng đổi thay to lớn cho vùng đất nơi đây...

Khuôn viên đơn vị được xây dựng khang trang.
Khuôn viên làng thanh niên lập nghiệp biên giới Tam Hợp được xây dựng khang trang.

Năm 1987, xã Tam Hợp được tách ra từ xã Tam Thái, dẫu nhận được sự quan tâm đặc biệt của các cấp, ngành nhưng vì địa bàn nằm cách xa trung tâm huyện hơn 20km nên điều kiện kinh tế, xã hội vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Không ít người đổ lỗi cho trình độ dân trí chưa cao, nhưng kỳ thực cư dân vùng biên giới này khó làm ăn âu cũng bởi giao thông cách trở.

Sau gần 30 năm thành lập, Tam Hợp vẫn là xã đặc biệt khó khăn của huyện Tương Dương với tỷ lệ hộ nghèo cao trên 70%. Đời sống người Thái, Mông và Tày Poọng nơi đây phụ thuộc vào hái lượm tự nhiên. Cái ăn đều nhờ vào con cá dưới suối, lúa, ngô, rau, khoai trồng trên rẫy. Có hàng hóa cũng khó vận chuyển ra ngoài vì đường sá đi lại trắc trở. Nguồn tiêu thụ tại chỗ quá ít ỏi, bởi cả xã chỉ có hơn 400 hộ dân, hầu hết sống tự cấp, tự túc.

Một điều dễ nhận thấy nhất khi đến địa bàn Tam Hợp là đường giao thông. Đối với người không quen đường, đi xe máy từ trung tâm xã vào đây quả là một thử thách. Đang mùa khô, đường luôn mù mịt, vào được đến nơi, ba lô, quần áo đều phủ một lớp bụi. Con đường dài 17km từ trung tâm xã Tam Thái vào Xốp Nặm, bản đầu tiên của xã Tam Hợp, đầy rẫy sỏi đá, men theo vực thẳm sâu hàng trăm mét. Thế nhưng vào mùa khô, con đường này vẫn tấp nập xe chuyển chở gỗ từ Lào về.

Nhớ lần ngồi với Chủ tịch UBND xã Vi Cảnh Toàn, nghe ông bộc bạch rằng, xã đang lúng túng trong việc phát triển kinh tế vì giao thông không thuận lợi và điện lưới chưa có. Nay thì Tam Hợp đã ít nhiều thay đổi, cả 5 bản trong xã đều có điện thắp sáng. Hiện lực lượng TNXP của Tỉnh đoàn Nghệ An đang cắm chốt xây dựng một làng lập nghiệp ở đây. Ngôi làng được tách ra từ Tổng đội TNXP 10 xã Na Ngoi (Kỳ Sơn), thành lập theo QĐ 350 của Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, ngày 18/10/2013. Ngoài nhiệm vụ chính trị, tham gia giữ gìn an ninh biên giới quốc gia, đơn vị còn mang lại việc làm cho hơn 100 hộ đội viên và người dân địa phương. Cây hoa ly và chè Shan Tuyết đã có những thành công bước đầu ở các xã Huồi Tụ, Na Ngoi (Kỳ Sơn) cũng sẽ được trồng rộng rãi ở đây. Ngoài ra, đơn vị còn phát triển vùng trồng lúa nước, rau sạch, khoanh nuôi bảo vệ rừng, phát triển công nghiệp chế biến sản xuất, trực tiếp xây dựng các công trình hạ tầng quy mô nhỏ.

Các đội viên chăm sóc vườn ươm giống chè shan tuyết
Các đội viên chăm sóc vườn ươm giống chè shan tuyết

Cách đây 1 năm, cũng vào những ngày tháng 3 của phong trào Đoàn, rừng núi Tam Hợp rộn ràng lễ khởi công xây dựng Làng Thanh niên lập nghiệp. Lần đầu tiên bản Huồi Sơn tấp nập người, có cán bộ Trung ương cùng về dự hội. Dân bản mở hội chào đón một sự kiện lớn hiếm có xưa nay. Thế nhưng công cuộc lập làng diễn ra trước đó cả nửa năm trời. Từ tháng 9/2013, đoàn khảo sát của đơn vị đã cầm dao phát, đánh xe tải đến địa bàn dựng lán trại. Khi ấy, chiếc xe bán tải phải chui qua một khu rừng nứa và sau chuyến đi ấy đã phải sơn lại xe. Trong hai tuần liền chờ dựng lán, những chiến sỹ TNXP đầu tiên đến đây đã phải xin trú ẩn trong căn chòi canh nương của đồng bào Mông bản Huồi Sơn.

Người viết bài này đã từng chứng kiến những ngày khó khăn ấy trong một chuyến thâm nhập thực tế viết bài cuối năm 2013. Khi ấy, đơn vị TNXP chỉ có 3 chiến sỹ gồm Bùi Trung Công, Nguyễn Tương Cường và chỉ huy là anh Nguyễn Trọng Cảnh, Tổng đội trưởng Tổng đội TNXP 10 Na Ngoi. Cơ sở vật chất chỉ mới có 1 ngôi nhà gỗ làm chỗ tá túc thế nhưng anh em đã kịp xây dựng vườn rau xanh. Giống cải bắp, su hào và một số rau vụ đông đã được giao cho những hộ người Mông đầu tiên ở bản Huồi Sơn, Phá Lõm đem về trồng thử. Đã tiếp xúc với người Mông từ nhiều năm nay, nên mỗi người đều biết là phải làm cho họ thấy, nếu hiệu quả, đồng bào sẽ làm theo.

Những ngày cuối tháng 3 này, chúng tôi trở lại Làng Thanh niên lập nghiệp biên giới Tam Hợp sau hơn 1 năm, mọi thứ đã thay đổi nhiều. Cánh rừng nứa lầy lội ngày nào nay đã được thay thế bằng một con đường mới mở, dài 4,2km đang trong thời gian thi công giai đoạn tiếp theo. Khuôn viên đơn vị ban đầu đã được hình thành, 2 dãy nhà vừa là phòng khách, nhà bếp, phòng công vụ đã được xây dựng khang trang. Đơn vị cũng được tăng cường thêm những gương mặt mới từ Tổng đội TNXP Thạch Ngàn (Con Cuông) về.

Anh Lê Văn Quý vốn là người gốc phường Hà Huy Tập (Vinh) nhưng đã gắn bó với phong trào xây dựng Làng Thanh niên lập nghiệp từ gần chục năm nay cho biết: Để cụ thể hóa mục tiêu, trong năm 2015 này, đơn vị sẽ triển khai một số mô hình, trước mắt là trồng gừng ở bản Huồi Sơn, mỗi hộ được cấp 2 - 4 tạ giống; mô hình trồng 10ha chè shan tuyết tại 2 bản Huồi Sơn, Phá Lõm với diện tích 10ha cho 6 hộ gia đình. Đây là những thứ cây quen thuộc đối với người Mông ở Huồi Tụ, Na Ngoi, những điểm dừng chân của các chiến sỹ TNXP trong công cuộc lên núi lập làng từ năm 2003, đã mang lại hiệu quả kinh tế đối với đồng bào tại những địa bàn này.

Gà đen cũng là vật nuôi “truyền thống” của các chiến sỹ TNXP ở miền Tây Nghệ An. Từ 100 con gà đầu tiên được đưa từ Na Ngoi về trong những ngày đầu xây dựng đơn vị, nhận thấy khí hậu, thổ nhưỡng nơi đây hoàn toàn phù hợp với giống vật nuôi này nên đơn vị quyết định triển khai mô hình nuôi gà đen tại 2 bản Huồi Sơn, Phá Lõm.

Ngoài ra, những thứ cây rau màu như bí xanh, bí đỏ vốn dĩ đã rất quen thuộc với bà con nơi đây cũng được phát triển. Sắp tới, đơn vị sẽ giúp đỡ bà con trên những địa bàn có thể phát triển ruộng lúa nước, mở rộng diện tích. Cây macca hiện nay đang trở thành “thời thượng” ở khu vực Tây Nguyên cũng đang được trồng thử nghiệm trên khuôn viên của đơn vị. Anh Quý cho biết nếu thấy hiệu quả đơn vị sẽ cho trồng nhân rộng và phát triển trên toàn địa bàn.

Các đội viên TNXP chăm sóc vườn rau ở xã Tam Hợp (Tương Dương).
Các đội viên TNXP chăm sóc vườn rau ở xã Tam Hợp (Tương Dương).

Một công việc quan trọng của đơn vị là xây dựng Làng Thanh niên. Trong năm 2015, dự kiến sẽ có 15 hộ đội viên đầu tiên gia nhập làng, hiện đã có 11 nền nhà được san ủi. Mỗi hộ đội viên khi đến nhập làng sẽ được cấp 100 con gà, được đầu tư hệ thống điện, nước; hỗ trợ tiền san ủi mặt bằng và 3 năm tiền sử dụng điện... nên mọi người đều hưởng ứng.

Tranh thủ buổi nghỉ trưa, chúng tôi tìm đến bản Huồi Sơn thăm các hộ gia đình tham gia mô hình trồng gừng. Trưởng bản Vừ Tồng Lông cho biết, trong gia đình có 3 người đăng ký tham gia, hiện đã san ủi xong nền nhà, chỉ chờ sự hỗ trợ từ phía đơn vị là các con ông sẽ chuyển đến ở. Ngoài ra, trong bản cũng có một số thanh niên mới lập gia đình chuẩn bị tách hộ như Vừ Nỏ Lầu, Xồng Bá Khư cũng đăng ký tham gia Làng Thanh niên. Theo ông Vừ Tồng Lông, dân bản đang trong thời gian chờ những quyết định cụ thể từ Tỉnh đoàn cũng như đơn vị TNXP, mọi chủ trương chỉ mới dừng lại ở những cam kết được thông qua tại các cuộc họp bản.

Ông Vừ Tồng Lông cho biết thêm: Mặc dù lên với địa bàn chưa lâu nhưng các đội viên của Làng Thanh niên đã triển khai được một số mô hình, trong đó ông đặc biệt hào hứng với cây chè. Gia đình ông đã đăng ký trồng 1ha chè shan tuyết. Nhiều người trong bản cũng đang muốn trồng chè bởi đơn vị TNXP sẽ thu mua và xây dựng xưởng chế biến chè. Trước đây, mọi thứ hàng hóa nơi đây đều phụ thuộc vào tư thương nên khi có một lời hứa hẹn về việc bao tiêu sản phẩm ổn định, bà con thêm vững tâm.

Cũng như ông Vừ Tồng Lông, gia đình ông Vừ Nhìa Thông cũng có cậu con trai út chuẩn bị tách hộ. Ông cho biết, khi có quyết định hỗ trợ xây dựng làng thì con trai ông là Vừ Bá Chò sẽ đến dựng nhà, tham gia Làng Thanh niên. Còn anh Và Bá Cở, một hộ gia đình mới ra ở riêng chia sẻ, bản thân đã đăng ký gia nhập làng mới, từ lâu đã muốn chuyển vào khu vực của làng, vì có vùng trồng lúa nước của gia đình. Nay, khi có chủ trương xây dựng làng thì đó là một cơ hội tốt đối với anh.

Rời bản Huồi Sơn, trở lại gặp Chủ tịch UBND xã Tam Hợp, chợt nhớ đến câu nói ngày nào của ông, chúng tôi liền hỏi: “Chắc bây giờ xã mình đã bớt lúng túng rồi, bác chủ tịch nhỉ?”. Ông vui vẻ: “Cũng may nhờ chủ trương của cấp trên, sự dấn thân của các chiến sỹ TNXP đến lập làng đã mang đến thêm niềm hy vọng vượt lên khó khăn cho xã nhà...”.

Quả vậy, địa bàn xa xôi, đầy khó khăn như Tam Hợp rất cần một cú hích để vươn lên phát triển. Để làm được điều đó phải có sự vào cuộc của những người đầy trách nhiệm và nhiệt huyết. Những chiến sỹ đến lập Làng Thanh niên bằng tinh thần tình nguyện, xung kích của tuổi trẻ đã mang đến nơi biên viễn này một luồng gió mới cho sự nghiệp thoát nghèo...

Hữu Vi - Văn Đăng

Mới nhất
x
Đánh thức Tam Hợp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO