Đánh thức tiềm năng dược liệu ở miền Tây Nghệ An
(Baonghean) - Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) là đơn vị tiên phong thực hiện thành công nhiều chương trình, đề án ứng dụng khoa học, kỹ thuật vào đời sống thực tiễn; trong đó có chương trình bảo tồn, khai thác và phát triển nguồn gen dược liệu ở khu vực miền Tây Nghệ An.
Bảo tồn nhiều nguồn gen dược liệu nguy cấp
“Phải đưa cây dược liệu trở thành thế mạnh phát triển nhằm nâng cao đời sống cho người dân miền Tây Nghệ An” - đây là nhấn mạnh của Chủ tịch UBND tỉnh Thái Thanh Quý trong dịp thăm, làm việc tại huyện Kỳ Sơn vào tháng 3/2019. Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định điều này khi nhìn thấy tiềm năng, lợi thế để phát triển hệ dược liệu tại các xã như: Na Ngoi, Tây Sơn, Huồi Tụ, Mường Lống.
Lãnh đạo Sở KH&CN trao đổi với Chủ tịch UBND tỉnh Thái Thanh Quý về phát triển cây dược liệu trên khu vực miền Tây Nghệ An. Ảnh: Đào Tuấn |
Đặc biệt, tại xã Mường Lống, Sở KH&CN phối hợp với Công ty cổ phần Dược liệu Mường Lống thuộc Tập đoàn TH đã triển khai vùng sản xuất dược liệu với diện tích 136 ha nằm trên độ cao hơn 1.300m so với mực nước biển.
Với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng mát mẻ quanh năm, hiện nay tại đây đã tiến hành trồng và khảo nghiệm 12 loại dược liệu khác nhau và cho kết quả khả quan. Trong đó có các giống chủ lực như: sâm Puxailaileng, sâm 7 lá 1 hoa, tam thất bắc, lan thạch hộc tía, đương quy, đẳng sâm, đan sâm, la hán quả, hà thủ ô đỏ...
Đáng chú ý nhất, loài sâm Puxailaileng trên đất Kỳ Sơn được phát hiện trên núi Puxailaileng có độ cao hơn 2.700m. Giống sâm này được các chuyên gia đánh giá là có chất lượng ngang bằng sâm Ngọc Linh ở Quảng Nam. Hơn thế, lần đầu tiên tại Nghệ An giống sâm Puxailaileng được nhân giống từ mô tế bào với tỷ lệ thành công khoảng 30%.
Miền Tây Nghệ An có hơn hàng chục loài dược liệu quý hiếm, phân bố tại các huyện rẻo cao có độ dốc lớn như: Kỳ Sơn, Tương Dương, Quế Phong, Quỳ Châu...
Điều đáng lo ngại là thảm dược liệu miền Tây Nghệ An đứng trước nguy cơ biến mất, tuyệt chủng do bị khai thác quá mức, chưa có các giải pháp bảo tồn. Nhận thấy các nguy cơ đối với hệ dược liệu, ngày 22/11/2013, UBND tỉnh Nghệ An ban hành Quyết định số 5529/QĐ-UBND phê duyệt đề án khung các nhiệm vụ bảo tồn nguồn gen cấp tỉnh thực hiện giai đoạn 2014 - 2020. Theo đó, đưa vào danh mục 34 nguồn gen động, thực vật và vi sinh vật bảo tồn theo từng giai đoạn.
Vườn ươm Puxailaileng tại xã Mường Lống (Kỳ Sơn); Một cây sâm Phusailaileng 5 năm tuổi; Một cây sâm Puxailaileng được nhân giống từ việc ghép mô tế bào trong phòng thí nghiệm. Ảnh tư liệu Đào Tuấn |
Từ năm 2015 - 2018, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN Nghệ An đã tiến hành điều tra, rà soát trên địa bàn 6 huyện: Quỳ Hợp, Quỳ Châu, Quế Phong, Con Cuông, Tương Dương, Kỳ Sơn và tại Vườn Quốc gia Pù Mát, Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt, Pù Huống.
Đơn vị đã thu mẫu, xác định vị trí, đánh giá mức độ nguy cấp và xác định được 28 nguồn gen cây thuốc quý, trong đó có 19 loài quý, hiếm có nguy cơ tuyệt chủng cao.
Từ kết quả điều tra, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN đã trình Sở KH&CN đề nghị UBND tỉnh Nghệ An phê duyệt danh mục bổ sung 17 nguồn gen dược liệu quý, hiếm và nguồn gen cây chè tuyết Shan đặc sản quý vào danh mục đề án khung các nhiệm vụ bảo tồn nguồn gen cấp tỉnh thực hiện từ năm 2014 đến năm 2020.
Từ kết quả điều tra thực địa Sở KH&CN đã kêu gọi, huy động nhiều nhà khoa học trong và ngoài nước tham gia khảo sát, nghiên cứu từ thực tế cho đến phòng thí nghiệm.
Trên cơ sở đó, tiến hành áp dụng các công trình, đề án khoa học nhằm bảo tồn, phát triển nguồn gen đối với nhiều loài cây dược liệu. Có thể kể đến các hoạt động khoa học như: phân tích thành phần hóa học tinh dầu trong lá và thân cây mú tửn. Đây là loài thuốc quý dùng để chữa đau lưng, chấn thương (gãy xương), kháng sinh, cầm máu, xoa bóp, thuốc kích thích và tráng dương, có thể điều chế thành thuốc chữa sốt rét, bồi bổ và tăng cường sức khỏe.
Vườn cây thìa canh và quy trình đóng gói trong túi giấy (túi lọc), đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm theo quy định của Bộ Y tế của Công ty Cổ phần Dược liệu Pù Mát. Ảnh: Xuân Hoàng |
Hiện nay, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN tỉnh đã xây dựng mô hình trồng 30 cá thể cây mú tửn vườn rừng tại xã Mường Nọc, huyện Quế Phong.
Đối với cây trà hoa vàng, từ năm 2012, đoàn nghiên cứu của Nhật Bản do giáo sư Hakoda phối hợp với Trường Đại học Quốc gia Hà Nội đã phát hiện loài dược liệu này tại huyện Quế Phong, trong đó tập trung nhiều nhất ở các xã: Hạnh Dịch, Thông Thụ và Tiền Phong.
Theo các nhà khoa học trà hoa vàng có chứa rất nhiều nguyên tố vi lượng như germanium, selenium, mangan, molypden, kẽm, vanadium,... Các hoạt chất trong lá, hoa của trà hoa vàng có tác dụng hạ huyết áp, giảm tiểu đường, hạ cholesterol, hạ mỡ máu, chống u bướu, tăng cường hệ miễn dịch và kéo dài tuổi thọ.
Sở KH&CN Nghệ An đã xây dựng mô hình bảo tồn nguyên vị tại khu rừng Na Phông và Huôi Cá thuộc xã Hạnh Dịch với diện tích 5 ha, bảo tồn 60 cá thể trà hoa vàng trên 3 tuổi, đang ra hoa. Sở KH&CN cũng đã tiến hành trồng thử nghiệm 2 mô hình tại các xã Tri Lễ, Hạnh Dịch, tỷ lệ sống đạt 97%.
Điều đặc biệt, không chỉ bảo tồn thành công nhiều cây thuốc quý, Sở KH&CN còn chiết xuất, khai thác và phát triển thành công nguồn gen nhiều loài dược liệu.
Trong đó, đã sản xuất thành công sản phẩm trà hoa vàng với 2 dạng sản phẩm là trà túi lọc và viên nhộng. Hiện nay, tại Quế Phong một số công ty đã tập trung đầu tư cơ sở vật chất chế biến trà hoa vàng thành các sản phẩm trà thảo mộc chăm sóc sức khỏe được người tiêu dùng ưa chuộng.
Một số cây dược liệu khác như: mú tửn, hà thủ ô, cà gai leo, dây thìa canh, giảo cổ lam... cũng được chiết xuất, chế biến thành công đáp ứng nhu cầu của thị trường, nhờ đó đã nâng cao giá trị cho cây dược liệu lên hàng chục lần so với sơ chế thô.
Sâm 7 lá 1 hoa được trồng tại xã Mường Lống, Kỳ Sơn. Ảnh: Đào Tuấn
Cần giải pháp tạo sự đột phá
Mặc dù có nhiều nỗ lực, nhưng số lượng loài cây, đối tượng nguồn gen dược liệu bản địa quý, hiếm được phát hiện, đưa vào danh mục còn quá ít nên dễ mất sự đa dạng, mất giống và suy giảm số lượng loài.
Trong khi đó, cơ sở vật chất phục vụ cho bảo tồn, nghiên cứu dược liệu còn hạn chế. Hiện nay trên địa bàn tỉnh chưa có vườn bảo tồn cây thuốc đúng nghĩa, chưa có vườn ươm nhân giống cây dược liệu, các trang thiết bị phục vụ công tác nghiên cứu, bảo tồn còn rất thiếu thốn.
Nhân lực, đội ngũ cán bộ kỹ thuật làm công tác bảo tồn vẫn thiếu. Kinh phí cho công tác bảo tồn và phát triển còn ít, phụ thuộc nhiều vào nguồn ngân sách Nhà nước, chưa huy động được nhiều sự tham gia của các thành phần kinh tế khác.
Trong khi đó, các địa phương chưa dành sự quan tâm đến công tác quy hoạch, bảo tồn, phát triển cây dược liệu. Đặc biệt, việc ứng dụng vào thực tiễn để tạo ra sản phẩm dược liệu cụ thể nhằm thương mại hóa và phát triển bền vững còn rất hạn chế.
Để khắc phục các hạn chế này, ngành KH&CN tỉnh xác định, tập trung nghiên cứu bảo tồn các nguồn gen cây thuốc quý, hiếm có giá trị kinh tế cao đã có trong danh mục bảo tồn; ngăn chặn tình trạng thất thoát nguồn gen dược liệu trong tự nhiên.
Ươm và chế biến trà hoa vàng ở huyện Quế Phong. Ảnh: Lâm Tùng |
Trên cơ sở quy hoạch tổng thể phát triển dược liệu tỉnh Nghệ An đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030 đã được UBND tỉnh phê duyệt, các địa phương ở miền Tây Nghệ An cần sớm xây dựng quy hoạch chi tiết và hành động cụ thể trong quản lý, bảo tồn và khai thác nguồn gen dược liệu.
Cùng đó là sự vào cuộc tích cực của các đơn vị, cơ quan chuyên môn và kêu gọi các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư nghiên cứu và sản xuất, chế biến sâu tạo ra các sản phẩm có giá trị chăm sóc sức khỏe và giá trị kinh tế cao từ nguồn dược liệu quý tại Nghệ An.