Kinh tế

Cộng đồng phát triển cây dược liệu dưới tán rừng tự nhiên ở Tương Dương - Bài 4: Hiệu quả ‘Quỹ xoay vòng’

Hoài Thu 01/11/2024 16:32

Hơn 2 năm nay các chi hội phụ nữ ở các xã Yên Hòa, Nga My (Tương Dương) có thêm một nguồn vốn vay đặc biệt đến từ “Quỹ xoay vòng”. Đây là nguồn quỹ hỗ trợ của mô hình tài trợ trồng dược liệu dưới tán rừng, lãi suất thấp, thời gian dài và chuyển từ hộ này sang hộ khác một cách bền vững.

Gặp chị Lô Thị Hợi - Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Yên Hòa (Tương Dương) vào một ngày cuối tháng 10, khi chị đang tất bật chuẩn bị hồ sơ, giấy tờ để tổng hợp thông tin, kết quả thực hiện “Quỹ xoay vòng”.

Mô hình trồng khôi nhung tía dưới tán rừng ở bản Coọc, xã Yên Hoà (Tương Dương) do Dự án “Hỗ trợ cộng đồng các xã vùng đệm phát triển cây dược liệu dưới tán rừng nhằm tăng thu nhập và bảo tồn da dạng sinh học ở Khu dự trữ sinh quyển thế giới Tây Nghệ An” hỗ trợ nay đã bắt đầu cho thu hoạch. Ảnh: Hoài Thu
Mô hình trồng khôi nhung tía dưới tán rừng ở bản Coọc, xã Yên Hòa (Tương Dương). Ảnh: Hoài Thu

“Quỹ xoay vòng” là nguồn quỹ nằm trong Dự án “Hỗ trợ cộng đồng các xã vùng đệm phát triển cây dược liệu dưới tán rừng nhằm tăng thu nhập và bảo tồn đa dạng sinh học ở Khu Dự trữ sinh quyển thế giới Tây Nghệ An”.

Quỹ được tài trợ bởi Chương trình tài trợ các dự án nhỏ (SGP) - Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF) điều phối thực hiện trong khuôn khổ Dự án Lồng ghép quản lý tài nguyên thiên nhiên và các mục tiêu về bảo tồn đa dạng sinh học vào quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội và quản lý các khu dự trữ sinh quyển ở Việt Nam (Dự án BR), do Bộ Tài nguyên và Môi trường thực hiện và GEF tài trợ thông qua Chương trình Phát triển Liên hiệp quốc (UNDP) tại Việt Nam.

Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Yên Hòa cho biết, “Quỹ xoay vòng” được triển khai ở xã Yên Hòa từ tháng 12/2023, đến tháng 10/2024, tổng dư nợ đã đạt 250 triệu đồng cho 8 hộ ở các bản Xiềng Líp (5 hộ), Cành Khỉn (1 hộ), Yên Tân (2 hộ) vay, mỗi hộ 30 triệu đồng. Riêng 5 hộ ở bản Xiềng Líp có 1 hộ vay 40 triệu đồng. Đây là nguồn tiền nằm trong dự án, các hộ được vay với lãi suất thấp trong vòng 2 - 3 năm, dùng để mua, nhân giống cây dược liệu giống, mua vật tư làm hàng rào bảo vệ thực hiện mô hình trồng dược liệu dưới tán rừng.

ban_BĐH 1
Các chuyên gia phụ trách dự án kiểm tra tiến độ, hiệu quả các nội dung hỗ trợ của dự án tại xã Yên Hòa (Tương Dương) tháng 10/2024. Ảnh: BĐH

Hoạt động của "Quỹ xoay vòng" do Hội Phụ nữ xã phụ trách, được thực hiện nghiêm túc, bài bản, gồm có Ban Quản lý Quỹ do Chủ tịch UBND xã làm trưởng ban, chủ tịch hội phụ nữ làm phó ban; có cơ chế vận hành cụ thể và chế độ báo cáo tài chính hàng tháng.

Ông Mộng Văn Viện - Phó Chủ tịch UBND xã Yên Hòa cho biết, “Quỹ xoay vòng” là nguồn vốn vay có tính chất bền vững và tin cậy, có tác dụng động viên, khuyến khích các hộ đầu tư sản xuất, trồng dược liệu dưới tán rừng. Mỗi hộ vay đều được hướng dẫn lên phương án sản xuất phù hợp với nguồn vốn vay, được địa phương và chuyên gia thẩm định.

Sau khi vay, quá trình các hộ triển khai sử dụng vốn vay vào sản xuất được ban quản lý quỹ cũng như các chuyên gia của dự án theo dõi, giám sát và hỗ trợ để nguồn vốn vay phát huy hiệu quả. Sau khi các hộ thanh toán hết nguồn vốn vay thì nguồn quỹ lại được tiếp tục xoay vòng chuyển sang cho các hộ mới có nhu cầu vay vốn.

Bằng cách làm này, nguồn quỹ sẽ tồn tại bền vững, đồng nghĩa với việc ngày càng nhiều hộ dân được thụ hưởng nguồn vay ưu đãi kèm theo những “dịch vụ” khác biệt, từ việc lên phương án sử dụng vốn đến cả quá trình sản xuất, kinh doanh phát triển kinh tế. Cũng từ “Quỹ xoay vòng” này, phát triển kinh tế bằng trồng dược liệu dưới tán rừng sẽ được duy trì lâu dài, ngày càng lan tỏa.

2(2)-064ff40dab40144d23656c3e90a85022.jpg
Các vườn ươm cây dược liệu ở xã Yên Hòa phát triển xanh tốt, phát huy hiệu quả nguồn vốn vay. Ảnh: BĐH

Những hộ đã vay vốn từ “Quỹ xoay vòng” như các hộ chị Vi Thị Cám, Vi Thị Nhàn ở bản Xiềng Líp sau khi đầu tư mua giống và hình thành vườn ươm, đến nay đã bán được hàng nghìn cây giống cho các hộ có nhu cầu trong và ngoài huyện Tương Dương. Mỗi vườn ươm các hộ vay vốn xây dựng quy mô khoảng 15.000 cây con. Sau khi nhân giống tại vườn ươm, cây ba kích giống có thể bán với giá 3 - 5 ngàn đồng/cây; cây khôi nhung tía giống giá 10 - 15 ngàn đồng/cây tùy độ tuổi. Năm 2023, các vườn ươm hình thành từ hỗ trợ của dự án ở xã Yên Hoà đã bán được hơn 6.000 cây giống cho các cơ sở ngoài huyện Tương Dương.

Lãnh đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tương Dương cho biết, đến nay Dự án “Hỗ trợ cộng đồng các xã vùng đệm phát triển cây dược liệu dưới tán rừng nhằm tăng thu nhập và bảo tồn đa dạng sinh học ở Khu Dự trữ sinh quyển thế giới Tây Nghệ An” đã tài trợ nguồn vốn vay tổng 612 triệu đồng cho 2 mô hình “Quỹ xoay vòng” ở xã Yên Hòa và Nga My.

bna_3615.jpg
Cây khôi nhung tía trồng dưới tán rừng ở xã Yên Hoà đã cho thu hoạch. Ảnh: Hoài Thu

Các hộ vay vốn "Quỹ xoay vòng" đã kết hợp các nguồn lực khác đầu tư làm vườn ươm giống, trực tiếp trồng các loại dược liệu, sơ chế và đã bắt đầu có sản phẩm bán ra thị trường. Tại xã Yên Hòa, các vườn cây khôi nhung tía trồng dưới tán rừng đã cho thu hoạch, các gia đình tham gia trồng dược liệu đang cùng với chính quyền, các chi hội phụ nữ xây dựng sản phẩm hướng tới đạt chuẩn OCOP từ loài cây dược liệu quý này.

Mới nhất
x
Cộng đồng phát triển cây dược liệu dưới tán rừng tự nhiên ở Tương Dương - Bài 4: Hiệu quả ‘Quỹ xoay vòng’
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO