Đạo diễn Long Vân và bộ phim “Giải phóng Sài Gòn”

09/04/2013 22:18

(Baonghean) - Xem lại phim “Giải phóng Sài Gòn”, của đạo diễn Long Vân, Hãng phim truyện Việt Nam (2005), những ấn tượng về một bộ phim hoành tráng, chân thực và xúc động, xứng tầm với chiến thắng lịch sử mùa Xuân 1975 của dân tộc, như còn in đậm mãi trong tâm trí người xem.

Qúa trình thai nghén, tổ chức thực hiện bộ phim lớn phản ánh về chiến dịch giải phóng Sài Gòn vào mùa xuân năm 1975, đã được NSƯT, đạo diễn Long Vân kể lại: Năm 1985, sau khi Bộ Tổng tham mưu xem xong các tập phim “Biệt động Sài Gòn”, Đại tướng Lê Trọng Tấn mời đoàn làm phim đến với cử chỉ gần gũi, ân cần, vị tướng nhắn nhủ: “Còn một phim nữa các bạn phải làm, ấy là phim về giải phóng Sài Gòn, điều mà nhân dân cả nước đang mong đợi!”.

Kể từ đó, câu nói của vị tướng đã thôi thúc đạo diễn Long Vân tập trung suy nghĩ, tìm những người có nghề, hiểu biết sâu rộng về chiến tranh để mời tham gia vào đoàn làm phim. Nhưng mọi việc đành phải tạm gác lại khi Hãng phim giao cho ông khẩn trương hoàn thành dự án phim “Hẹn gặp lại Sài Gòn”, đúng vào dịp kỷ niệm lần thứ 105 Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1995)... Đến năm 2000, kịch bản phim “Giải phóng Sài Gòn” được Bộ Văn hóa - Thông tin thông qua! Nhưng cả quá trình trước đó, 5 tác giả kịch bản, các cố vấn của các lĩnh vực lịch sử, quân sự, điện ảnh được coi là giỏi nhất đã âm thầm miệt mài làm việc.

Đồng tác giả kịch bản có nhà văn, nhà báo Hồng Hà, vốn là “kho” lưu trữ về tư liệu mặt trận. Nhà văn Nguyễn Trần Thiết từng theo sát Quân đoàn 3 tiến vào Sài Gòn, nhà văn Vũ Văn Nhã nguyên là một sỹ quan quân đội. Đạo diễn Lê Đăng Thực, đạo diễn Long Vân vốn có nghề tâm huyết và trải nghiệm nhiều trong chiến tranh. Tất cả họ đã hội tụ niềm tin, chất xám, sự nhiệt tình để có được một kịch bản tốt.

Chiến dịch giải phóng Sài Gòn mùa xuân 1975 là chiến công to lớn trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta! Làm thế nào để có một bộ phim xứng với tầm vóc của cuộc chiến tranh này? Khắc họa hàng trăm nhân vật, trong đó có gần 20 nhân vật chính là nguyên mẫu lịch sử từng làm nên chiến thắng vẻ vang như các Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Lê Trọng Tấn, Hoàng Văn Thái, Văn Tiến Dũng, Thượng tướng Trần Văn Trà... Nhưng trong khó khăn, những người làm phim cũng luôn nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của các nguyên mẫu.

Đây là một bộ phim truyện, nên việc làm phim có những đòi hỏi ngặt nghèo về mặt nghệ thuật, không giống với các phim tài liệu về chiến tranh thông thường. Đòi hỏi đầu tiên của phim là phải trung thành với các sự kiện, để công chúng có được nhận thức đúng đắn về tầm vóc của lịch sử. Làm sao vừa đảm bảo tính “chuyện” với liều lượng có thể cho phép hư cấu, nhưng phải đúng với phẩm chất của những con người vừa táo bạo thần tốc, vừa thông minh mưu lược, đã giải phóng Buôn Mê Thuột – Huế - Đà Nẵng - Xuân Lộc - Sài Gòn. Do vậy, quá trình tuyển chọn diễn viên để vào vai các nhân vật yêu cầu phải rất thận trọng, công phu, vừa giống nhân vật ngoài đời, vừa phải có năng khiếu diễn. Như việc để tìm được người vào vai cố Tổng Bí thư Lê Duẩn, đoàn làm phim cũng mất gần năm trời lặn lội tìm kiếm khắp các đoàn nghệ thuật trong Nam ngoài Bắc. Cuối cùng, diễn viên Hà Văn Trọng là người đảm đương thành công, tái hiện được khí chất của một vị lãnh đạo tài ba, quyết đoán, từ hành động đến lời nói đều dứt khoát, mạnh mẽ với chất giọng Quảng Trị đặc trưng...



Ảnh minh họa trong phim “Giải phóng Sài Gòn”.

Đặc biệt trong phim, những đại cảnh hoành tráng được dàn dựng một cách công phu, kỹ lưỡng với máy bay, tên lửa, xe tăng, trọng pháo của các cánh quân tiến vào Sài Gòn ngày 30/4/1975. Hình ảnh phim hoành tráng, chân thực và xúc động đã thuyết phục người xem như được chứng kiến, được sống lại đời sống và khí thế hào hùng của những năm 70 của thế kỷ XX.

NSƯT Long Vân là đạo diễn miền Bắc nhưng được mệnh danh là người có duyên làm phim về miền Nam kể từ sau ngày giải phóng. Với 7 bộ phim truyện, từ “Tiếng gọi phía trước”, “Nơi gặp gỡ của tình yêu”, “Người không mang họ”, “Cho cả ngày mai”, và đặc biệt là 4 bộ phim lớn: “Biệt động Sài Gòn”- 1985; “Hẹn gặp lại Sài Gòn”- 1995; “Giải phóng Sài Gòn”- 2005, và gần đây là phim tuyền hình “Những đứa con của Biệt động Sài Gòn”- 2010, thành phố mang tên Bác đã trở thành miền “đất hứa”, cho đạo diễn nặng lòng gắn bó sáng tạo nghệ thuật của mình, như có lần ông đã tâm sự: “Sự gặp gỡ ấy là cái “duyên trời cho”, và tôi cũng rất mãn nguyện”.


Lê Lân (47, Đặng Thúc Hứa, Vinh)

Mới nhất

x
Đạo diễn Long Vân và bộ phim “Giải phóng Sài Gòn”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO