Đạo đức bán hàng!

03/11/2013 16:45

(Baonghean) - Lợi nhuận luôn là vấn đề được người kinh doanh buôn bán quan tâm, đặt lên hàng đầu. Vì lợi nhuận, nhiều tiểu thương bỏ qua đạo đức bán hàng.

Còn nhớ, mấy hôm trước tôi bị đứt tay, sợ bị nhiễm trùng nên sai đứa em lên quán chị L mua một tuýp kem nghệ Thái Dương về bôi. Tuýp kem nghệ Thái Dương đứa em mua với giá 25 ngàn đồng, nhưng giá niêm yết chỉ 12 ngàn đồng. Sợ chị L bán nhầm nên tôi sai em lên hỏi lại có phải giá chính xác là 25 ngàn đồng không thì được trả lời đúng vậy. Tưởng mua người quen giá cả phải chăng, hóa ra bị “chém”.

Chợ Vinh là trung tâm mua bán lớn nhất của tỉnh nhà, nhưng mua hàng ở đây không cẩn thận rất dễ bị mua hớ vì giá chủ hàng thách… trên trời. Nhiều người không quen, nghe người bán “hô” cao quá, chẳng dám trả mà cũng chẳng dám nói không mua bởi không cẩn thận còn được nghe… chửi. Hôm đó, vào chợ Vinh hỏi giá một chiếc váy bầu thì được chủ hàng nói giá 700 ngàn đồng, băn khoăn mãi mới dám trả, để cho “an toàn” trước khi trả tôi cũng giao kèo “nếu em không mua chị đừng có nạt”, vì tôi đã từng rơi vào tình huống khó xử đó rồi. Cuối cùng tôi mua được chiếc váy đó với giá chỉ có 250 ngàn đồng… Người ta vẫn nói “thuận mua vừa bán”, nhưng quả thật đi mua đồ ở một số chợ như chợ Vinh lắm khi chẳng thoải mái chút nào, thách giá quá cao, nhiều khi không hiểu rõ giá trị của món hàng, khách có thể mất tiền oan.

Tất nhiên, không phải cứ ai buôn bán cũng đặt lợi nhuận lên trên hết. Có lần, tôi mua một bì gạo của bà Lan ngoài chợ Mường Xén (Kỳ Sơn). Nấu 3 ngày rồi mới thấy phần gạo phía dưới bì đã bị mốc, đóng cục đen sì. Bực mình vì mua phải gạo mốc nên tôi mang ra trả. Tôi dự định là “phải nói cho ra nhẽ rồi trả gạo mà không thèm đòi lại tiền”, vì tôi nghĩ gạo mua lâu rồi, ai cho đổi. Khi tôi mới nói “bà Lan bán cho cháu gạo mốc” thì bà nói ngay “ôi, chết rồi, chắc là bị ướt mưa mà bà không biết. Vậy con đổi bì khác đi, thông cảm nhé. May con nói bà mới biết để kiểm tra lại gạo, không thì mất hết khách”. Có những người không chỉ xem “khách hàng là thượng đế” mà còn xem “khách hàng là ân nhân” nên họ giữ được chân khách cho những lần mua hàng sau. Lợi nhuận đó mới thực sự lớn và lâu dài. Đạo đức bán hàng cũng quan trọng như tất cả các chuẩn mực đạo đức khác trong cuộc sống.

Tuệ Vũ

Mới nhất
x
Đạo đức bán hàng!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO