Đảo nổi An Bang

(Baonghean) - Không rõ ai đặt tên đảo là An Bang, có lẽ cầu mong giữ yên một vùng biển đảo của Tổ quốc. Đảo thì nhỏ mà sóng lớn gần như quanh năm.

                                            Đảo An Bang. Ảnh: Trần Hải

Theo tài liệu chính thức cho biết ở đảo An Bang một năm có tới ba trăm ngày sóng lớn, từ cấp năm trở lên. Từ ngoài bãi san hô, có một doi cát trắng nối vào bờ đảo. Doi cát này thay đổi, biến ảo dị thường, nó như “lặn đi” rồi lại xuất hiện di chuyển theo chiều gió mùa Đông Bắc và chiều gió Tây Nam. Mùa gió Đông Bắc, sóng dữ ầm ào xô dạt doi cát về phía Tây Nam đảo. Mùa gió Tây Nam sóng cuộn cát hất về phía Bắc đảo. Độ này đang mùa gió Tây Nam và có gió Đông Nam nữa. Sau mấy ngày đàn cá heo có lẽ rất quen thân với con tàu 996 vận chuyển đi các đảo, bám theo tàu, vọt lên ở hai bên, rồi vọt lên phía trước làm người chiến sỹ đưa tin.

Ngồi trong buồng lái tàu gần người lái chính, Hiền nói nhỏ: Biển sắp động. Cá heo báo mấy lần rồi. Anh về buồng nghỉ, dưới hầm tàu đỡ lắc. Sáng sớm, con tàu 996 thả neo đỗ ở ngoài xa đảo An Bang, biển nổi sóng. Chiếc xuồng có ca nô dắt chở lãnh đạo đoàn và số đông phóng viên, chạy chậm cắt sóng chờ ca nô tự hành XQ được các chiến sỹ hải quân gọi là MẸC (mecxedec) của Trường Sa ra dắt vào đảo. Sóng to dội hắt nước lên mấy hàng ghế đầu. Ca nô của “thổ công” thuộc lòng đường xé nước mặc những ụ đá san hô mồ côi lờ mờ đáy nước. Chiếc xuồng chở nặng người, phương tiện tác nghiệp, bị dắt mũi lượn về bắc đảo vào phía bãi cát. Sóng vẫn chồm lên quanh chiếc xuồng kiểu cũ to kềnh càng. Anh em lính mặc sắc phục hải quân choàng áo phao màu cam đứng thành hàng trên bờ. Lệnh phát ra: “Toàn đội chú ý thi hành nhiệm vụ”, lính đảo ào xuống nước. Lệnh lại phát ra tiếp:

- Lính đảo An Bang mang giúp các phương tiện nghe nhìn. Các bạn phóng viên nam, nhà văn nam tự lên đảo. Lính đảo An Bang bồng các phóng viên nữ, cán bộ nữ lên bờ…

Tôi đã được đọc nhiều lần trên báo viết về cái cảnh sóng to tàu không cập đảo, lính ta  phải lội ra đưa nữ văn công vào đảo, hôm nay tận mắt chứng kiến rồi tham gia vào cuộc gặp gỡ kỳ lạ ở đảo An Bang chả thấy một lời phật ý nào, chỉ thấy tiếng cười rờ rỡ, tiếng xuýt xoa tiếc rẻ, tiếng “chị ơi”, “em ơi”, “anh ơi”, cứ ập òa bên tai tôi, hòa vào tiếng sóng đổ.

Tôi ngồi phía bờ dốc đứng phía Bắc đảo được kè đá chắc chắn, sóng bắn tung nước mặn chát vào người. Một chiến sĩ trẻ đến ngồi kề bên, hỏi ra mới biết anh tên là Nguyễn Văn Tùng, quê xã Thanh Lĩnh, huyện Thanh Chương. Tùng sinh năm 1982, vào bộ đội 9 năm thì đã có 8 năm ở đảo. Anh có chuyên môn bộ đội phòng hóa, đã từng làm nhiệm vụ trên đảo Đá Lớn, đảo Sơn Ca, được gửi về nhận công tác phòng hóa ở đảo An Bang.

Tôi kể hồi chống Mỹ, tôi đã về nằm Viện Quân y Bốn sơ tán ở xã Thanh Cát. Tùng ồ lên:

- Quân y viện Quân khu IV, hiện cử một tổ quân y trực ở An Bang, họ vừa mổ cấp cứu mấy trường hợp viêm ruột thừa cấp, kết quả mỹ mãn luôn, anh nên gặp họ.

- Họ ở đâu? - Tôi hỏi

- Mời anh lên hội trường.

Tôi bước vào khu sân rộng vừa giao lưu múa hát xong, sân rất đông người, có mấy chàng mạnh thường quân đang trèo cây săn tìm quả bàng vuông cho chị em. Họ bẻ cả cành có quả bàng non. Nữ thi sĩ Nguyễn Thúy Quỳnh từ đâu đến ghé vào tai tôi nói nhỏ:

- Anh ơi, hái quả kiểu này nát hết cây, phải nói gì đi chứ anh, người ta hô hào mang cây ra phủ xanh Trường Sa, còn ở đây hái cả quả bàng non, hái hoa hái cả nụ, bẻ cả cành mang ngược về đất liền gây tổn thương môi trường sinh thái đảo?!

Tôi nói hai anh em đều nghe:

- Hôm trước, họp các trưởng đoàn, một người bên an ninh đề nghị việc tổ chức đoàn đi cần lựa chọn kỹ hơn, để tý nữa anh nói với nhạc sỹ Đình Thậm.

Nữ thi sỹ Thúy Quỳnh lại đi thâm nhập theo kiểu của chị, đi một mình thầm lặng, hỏi chuyện riêng các chiến sỹ và ghi chép. Tôi theo cầu thang lên tầng hai vào hội trường. Ban chỉ huy đảo đang báo cáo tình hình đời sống bộ đội, công tác huấn luyện và sẵn sàng chiến đấu. An Bang là đảo thứ 9 đoàn đến thăm và lắng nghe. Các đảo nổi và đảo chìm có những điểm chung, còn thiếu nước, thiếu rau xanh. Song đời sống bộ đội được cải thiện hơn trước đây. Đảo có khá nhiều cây xanh, môi trường sống tốt hơn, đỡ nóng, đỡ nắng, đỡ khát, đã có phong điện và điện mặt trời… Tuy vậy, mỗi đảo đều có những thuận lợi và khó khăn riêng, có nét riêng văn hóa mà ta phải chịu khó quan sát, đồng cảm và sẻ chia thì ta mới lĩnh hội được cái nét riêng của An Bang là gì đây? Có những vấn đề cấp bách cần phản ánh lên cấp trên, có thể cấp trên cao nhất. Các đồng chí có trách nhiệm trong đoàn lắng nghe, thu nhận, hệ thống lại và thay mặt đoàn báo cáo chính thức.

Đồng chí trưởng đoàn lên diễn đàn phát biểu, vẫn bằng giọng trẻ, vang và đầy nhiệt huyết, anh nói:

- An là yên, giữ yên, đảo “yên bang” là phần lãnh thổ máu thịt thiêng liêng của Tổ quốc. Đồng chí thủ trưởng quân chủng đã có lời kêu gọi: “Sẵn sàng, sẵn sàng chiến đấu hơn nữa. Cảnh giác, cảnh giác hơn nữa. Nước ngọt dự trữ nhiều hơn nữa, rau xanh nhiều hơn nữa, thịt, cá nhiều hơn nữa và chủ động chữa bệnh cho bộ đội và nhân dân hiệu quả như vừa qua”. Thay mặt đoàn, tôi bày tỏ lòng khâm phục, sự xúc động sâu sắc, tổ quân y của đảo dù còn thiếu thốn phương tiện, vừa qua đã mổ cấp cứu thành công các ca ruột thừa và một số ca bệnh khác. Đoàn Đảng ủy khối Các cơ quan Trung ương xin kính tặng trạm xá mười triệu đồng để mua đèn mổ, máy điều hòa nhiệt độ buồng mổ và các trang bị thiết yếu khác.

Bác sỹ Bùi Mạnh Hà, trưởng tổ Quân y viện IV, anh là bác sỹ giỏi, có bàn tay vàng trong các ca mổ giờ run run nhận quà của Đảng ủy khối trao từ tay anh Hải Đường.

Tôi điện cho nhà thơ Bùi Thị Tuyết Mai hội ý nhanh:

- Đoàn Hội Nhà văn Việt Nam nên có một chút quà nhỏ tặng Trạm xá An Bang, em nhé!

Tuyết Mai nói to:

- Em đã có chuẩn bị, tất cả các đảo đoàn mình đến đều có quà!

Tôi theo bác sỹ Bùi Mạnh Hà ra sau hội trường trạm xá. Bác sỹ Hà quê ở huyện Nghĩa Đàn (Nghệ An). Tôi gặp y sỹ Lê Nguyên Tú, quê huyện Nghi Lộc; Nguyễn Đoàn Mây, quê huyện Anh Sơn; Vũ Văn Minh, quê Hưng Lĩnh (huyện Hưng Nguyên), đều là người Nghệ An cả. Họ vừa hoàn thành ca mổ u “bã mỡ” bệnh nhân, là Trung úy Trần Hữu Hào…

Nói chuyện với bác sỹ Nguyễn Mạnh Hà, tôi chợt nghĩ đến hậu phương trực tiếp của các đảo trong quần đảo Trường Sa. Như Khu Bốn, như Nghệ An với đảo An Bang sóng dữ.

Tôi sẽ kể cho bác sỹ Hà mấy hôm ở lại Thành phố Hồ Chí Minh chờ tàu, sáng nào tôi cũng chạy trên đường Bạch Đằng đến tập thể dục phía sau tượng Quốc công tiết chế Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn. Tôi nghĩ người trước đã dựng tượng Đức Thánh Trần ở đây trấn yểm cảng sông Sài Gòn. Bây giờ biển dữ, kẻ ngoài lấn át, mưu mô chiếm đoạt cả vùng biển đảo rộng của ta từ thủơ cha ông. Thuở Quốc công tiết chế lãnh đạo đạo quân dân Đại Việt ba lần thắng quân xâm lược Nguyên Mông từng dẫm nát và thống trị Trung Nguyên. Đảng và Nhà nước ta mời được Ngài ra dựng ở An Bang thì nước yên, sóng yên. Mưu chước của ma quỷ không lừa được Ngài, sứ thần của nhà Nguyên đi sứ đến Thăng Long nghe tiếng trống đồng bạc tóc. Kẻ địch chết rồi vẫn còn sợ Ngài. Dân ta đã dựng tượng Ngài ở Kiếp Bạc, ở núi An Sinh, Đông Triều, ở hồ La Két, Nam Định. Đền Trần Thương, Hà Nam, ở cửa sông Sài Gòn… Giờ chúng ta mời Ngài ra trấn giữ An Bang, trấn giữ Trường Sa, Hoàng Sa thì nước được hưởng phúc, được yên bình…

Nhà văn Đào Thắng (Hà Nội)

tin mới

Những hy sinh thầm lặng của các nữ chiến sĩ Công an Nghệ An

Những hy sinh thầm lặng của các nữ chiến sĩ Công an Nghệ An

(Baonghean.vn) - Thường xuyên phải gác lại nghĩa vụ làm vợ, làm mẹ, các nữ chiến sĩ Công an Nghệ An luôn nêu cao tinh thần vượt khó, vượt gian khổ, tận tụy phụng sự tổ quốc và nhân dân. Họ không quản ngại mưa gió, nắng cháy, hiểm nguy để hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.

Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh kiểm tra công tác chuẩn bị Lễ giao nhận quân tại huyện Nam Đàn và Đô Lương

Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh kiểm tra công tác chuẩn bị Lễ giao nhận quân tại huyện Nam Đàn và Đô Lương

(Baonghean.vn) - Chiều 22/2, đoàn công tác Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh do đồng chí Đại tá Đinh Bạt Văn – Phó Chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh làm trưởng đoàn đã đến kiểm tra công tác chuẩn bị Lễ giao nhận quân tại huyện Nam Đàn và Đô Lương.

Biên giới

Những lá đơn tình nguyện 'lên đường đi giữ biên cương'

(Baonghean.vn) - Ngót 45 năm đã trôi qua, các thế hệ người dân Việt Nam vẫn luôn ghi nhớ không khí sục sôi của những tháng ngày lịch sử. Hiện, ở Bảo tàng Quân khu 4 còn lưu giữ những lá đơn tình nguyện lên đường chiến đấu bảo vệ biên cương của những thanh niên đất Nghệ.

 Bộ tư lệnh Quân khu 4 chúc Tết Trung đoàn 764

Bộ tư lệnh Quân khu 4 chúc Tết Trung đoàn 764

(Baonghean.vn) - Sáng 5/2, đoàn công tác Bộ Tư lệnh Quân khu 4 do Trung tướng Hà Thọ Bình - Tư lệnh Quân khu làm trưởng đoàn đã đến thăm hỏi, động viên và tặng quà chúc Tết cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 764, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Nghệ An.

Các địa phương, lực lượng khu vực giáp biên nước bạn Lào chúc Tết đồn Biên phòng cửa khẩu Quốc tế Nậm Cắn

Các địa phương, lực lượng khu vực giáp biên nước bạn Lào chúc Tết đồn Biên phòng cửa khẩu Quốc tế Nậm Cắn

(Baonghean.vn) - Ngày 1 - 2/2, Đoàn đại biểu cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, lực lượng vũ trang tỉnh Xiêng Khoảng, nước Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào sang thăm, chúc Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng cửa khẩu Quốc tế Nậm Cắn, Bộ đội Biên phòng tỉnh Nghệ An.

Bộ Tham mưu Quân khu 4 tặng quà chính quyền và nhân dân Thành phố Vinh

Bộ Tham mưu Quân khu 4 tặng quà Tết tại Thành phố Vinh

(Baonghean.vn) - Ngày 1/2 , Đoàn công tác Bộ Tham mưu Quân khu 4 do đồng chí Thượng tá Võ Hữu Hòa - Phó Chủ nhiệm Chính trị Bộ Tham mưu làm Trưởng đoàn tổ chức trao quà Tết cho các gia đình chính sách, gia đình có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn phường Trung Đô và Trường Thi, thành phố Vinh.

Bộ Tư lệnh Quân khu 4 chúc Tết, kiểm tra sẵn sàng chiến đấu các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh Nghệ An

Bộ Tư lệnh Quân khu 4 chúc Tết, kiểm tra sẵn sàng chiến đấu các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh Nghệ An

(Baonghean.vn) - Nhân dịp đón Tết cổ truyền dân tộc – Xuân Giáp Thìn 2024, sáng 29/1, đoàn công tác của Bộ Tư lệnh Quân khu 4 do Thiếu tướng Trịnh Văn Hùng - Ủy viên Ban Thường vụ Đảng uỷ, Chủ nhiệm Chính trị Quân khu làm trưởng đoàn đã đi chúc Tết các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh Nghệ An.