Đào tạo nghề gắn với thực tiễn địa phương

16/12/2013 20:22

(Baonghean) - Đào tạo nghề cho lao động nông thôn là một nhiệm vụ đa mục tiêu, vừa nâng cao tỷ lệ lao động qua đào tạo, giải quyết việc làm cho người lao động, nâng cao thu nhập cho nông dân, vừa góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn. Chính vì thế, những năm qua các cấp, các ngành ở huyện Quỳnh Lưu luôn quan tâm đến công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới, phù hợp với thực tiễn của từng địa phương.

Giờ học thực hành nghề sửa chữa ô tô tại Trường Trung cấp nghề kinh tế  kỹ thuật Bắc Nghệ An.
Giờ học thực hành nghề sửa chữa ô tô tại Trường Trung cấp nghề kinh tế kỹ thuật Bắc Nghệ An.

TIN LIÊN QUAN

Thực hiện Quyết định 1956/QĐ- TTg của Thủ tướng Chính phủ về đào tạo nghề cho lao động nông thôn, 3 năm qua, huyện Quỳnh Lưu đã phối hợp với các trường đào tạo nghề, trung tâm dạy nghề trong và ngoài huyện mở các lớp học nghề cho lao động nông thôn như nghề nuôi ong lấy mật, nghề nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi thú y, mây tre đan xuất khẩu, may công nghiệp, điện dân dụng… Đã có trên 350 lớp dạy nghề được mở với tổng số người được học nghề qua 3 năm là 11.300 học viên.

Tỷ lệ lao động có việc làm sau khi học nghề đạt khoảng 75%. Các mô hình dạy nghề gắn với giải quyết việc làm có hiệu quả được nhân rộng ở nhiều địa phương trong huyện như dạy nghề thông qua các mô hình: nuôi vịt sinh học tại xã Quỳnh Hưng, gà thả đồi ở xã miền núi Tân Thắng, Quỳnh Thắng, trồng rau sạch ở xã Quỳnh Lương, Quỳnh Minh; nghề sữa chữa máy nông nghiệp ở Quỳnh Tân… Từ đây, nhiều lao động nông thôn trên địa bàn huyện Quỳnh Lưu đã được học nghề và có việc làm.

Chị Trần Thị Hương ở thôn 4B, xã Ngọc Sơn phấn khởi: “Cách đây 2 năm, tôi rất may mắn được tham gia học lớp học nghề mây tre đan xuất khẩu do xã phối hợp với Phòng LĐ-TB & XH huyện, và Trung tâm dạy nghề tiểu thủ công nghiệp Đồng Tâm tổ chức. Sau khi hoàn thành lớp học tôi được vào làm việc tại làng nghề. Sau khi xong việc đồng áng, tôi tham gia nghề phụ, mỗi tháng có thêm thu nhập từ 1,5 triệu đồng - 2 triệu đồng. Nhờ đó, cuộc sống của gia đình được cải thiện, có điều kiện cho các con học lên cao đẳng, đại học”.

Đặc biệt, một số địa phương đã năng động gắn công tác đào tạo nghề với xây dựng nông thôn mới và định hướng phát triển kinh tế của địa phương nên hiệu quả của đào tạo nghề càng được nâng cao. Điển hình như: Nghề chế biến món ăn ở Quỳnh Lương, Quỳnh Bảng, nghề may mặc gắn với giải quyết việc làm ở Quỳnh Thuận, mộc mỹ nghệ - dân dụng ở Quỳnh Hưng – Quỳnh Hồng – Quỳnh Nghĩa, đào tạo nghề gắn với phát triển làng nghề mây tre đan xuất khẩu ở xã giáo toàn tòng Quỳnh Thanh, Quỳnh Diễn… Từ đó đã đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động cũng như tạo việc làm, tăng thu nhập cho nhân dân.

Ông Hoàng Văn Tin, Phó Chủ tịch UBND xã giáo toàn tòng Quỳnh Thanh cho biết: “Dân số toàn xã gần 13.000 nhân khẩu, lao động nhàn rỗi rất nhiều. Đảng ủy chính quyền địa phương luôn quan tâm đến công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho lao động dư thừa. Trong năm qua, được sự quan tâm của UBND huyện và các trung tâm đào tạo nghề, chúng tôi đã tổ chức được 2 lớp mây tre đan cho gần 70 học viên chủ yếu là phụ nữ. Từ nguồn lao động đó, chúng tôi mở rộng ra một số xóm để phát triển làng nghề mây tre đan, dần dần nâng cao mức sống cho bà con giáo dân”.

Để giải quyết bài toán dạy nghề gắn với tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân, thời gian qua, huyện Quỳnh Lưu cũng đã quan tâm xây dựng và phát triển thêm nhiều làng nghề. Tính đến nay trên địa bàn huyện Quỳnh Lưu đã có 26 làng nghề được UBND tỉnh nghệ An công nhận và 6 làng nghề cấp huyện. Nhằm nâng cao giá trị sản xuất của các làng nghề, UBND huyện luôn chú trọng đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, hạ tầng nông thôn, hỗ trợ kinh phí phục vụ đào tạo nghề, truyền nghề cho người lao động. Nhờ vậy, mà hầu hết các làng nghề đều phát huy được hiệu quả, giá trị sản xuất từ các làng nghề của huyện mỗi năm ước đạt trên 200 tỷ đồng, góp phần tạo việc làm cho gần 10.000 lao động địa phương, với mức lương từ 2 đến 2,5 triệu đồng/người/tháng.

Trao đổi về vấn đề này, ông Đặng Ngọc Bình, Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳnh Lưu cho biết: Trung bình mỗi năm có khoảng trên 1.300 lao động được cấp chứng chỉ nghề. Ngoài việc triển khai thực hiện đào tạo tại chỗ thì huyện cũng đã có kế hoạch tổ chức cho lao động được tiếp cận và học tập tại các trường nghề trên địa bàn của tỉnh, của huyện. Đến thời điểm này, lao động có nghề chiếm 42% lực lượng lao động trong toàn huyện.

Có thể thấy rằng, đào tạo nghề cho lao động nông thôn đóng vai trò rất quan trọng đối với việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Nếu làm tốt công tác đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cho người lao động sẽ tăng giá trị thu nhập bình quân đầu người, nâng cao chất lượng cuộc sống. Thời gian tới Quỳnh Lưu tiếp tục quan tâm và đầu tư vào lĩnh vực này nhằm góp phần đẩy nhanh tiến độ hoàn thành chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới ở các địa phương trong toàn huyện.

Bài ảnh: Như Thủy

(Đài Quỳnh Lưu)

Mới nhất
x
Đào tạo nghề gắn với thực tiễn địa phương
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO