Để trẻ em vùng cao được phát triển toàn diện

Mỹ Hà 23/10/2023 17:46

(Baonghean.vn) - Nâng cao chất lượng dân số vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi là một trong những nội dung quan trọng của Dự án 7 nhằm thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030.

Đây cũng là nội dung xuyên suốt được ngành Dân số thực hiện trong nhiều năm qua, trong đó chú trọng công tác khám, tư vấn, sàng lọc và tầm soát, chẩn đoán, điều trị một số bệnh tật trước sinh và sơ sinh.

Chăm lo sức khỏe cho bà mẹ và trẻ em

Gần 1 tháng sau khi sinh bé thứ 2, vợ chồng anh chị Vi Thị Linh, khối Thái Phong, thị trấn Kim Sơn (Quế Phong) nhận được kết quả xét nghiệm sàng lọc sơ sinh, bảng xét nghiệm mẫu máu gót chân của con. Trong 6 chỉ số, đáng lo ngại, chỉ số thiếu men G6PD có nguy cơ cao khi chỉ số xét nghiệm cao hơn ngưỡng phân biệt. Hôm nhận được kết quả này, chị Trần Thị Nhung - viên chức Dân số của thị trấn Kim Sơn cũng đã trực tiếp đến nhà để trao đổi, động viên hai vợ chồng và kịp thời tư vấn để gia đình tiếp tục theo dõi diễn biến sức khỏe của trẻ, tìm thời điểm thích hợp để bé tiếp tục đi thăm khám.

Viên chức dân số thị trấn Kim Sơn tư vấn cho các gia đình mới sinh con (1) (1).JPG
Viên chức dân số thị trấn Kim Sơn tư vấn cho các gia đình mới sinh con trên địa bàn. Ảnh: Mỹ Hà

“Hai vợ chồng tôi đều đi làm ăn xa nên khi sinh bé thứ 2, cả hai rất lo lắng. Cách đây mấy tháng, chúng tôi cũng đã từng đi xét nghiệm NIPT để sàng lọc dị tật trước sinh nhưng không thấy có điều bất thường nên khá yên tâm. Đến khi sinh, vợ chồng được tiếp tục tư vấn xét nghiệm lấy máu gót chân cho bé để có thể sàng lọc nhiều bệnh lý nguy hiểm nên chúng tôi quyết định thực hiện. Nhờ đó, chúng tôi biết được những nguy cơ của con trẻ và sớm có biện pháp để chăm sóc, hỗ trợ cho bé sau này”, chị Vi Thị Linh chia sẻ.

Nhiều năm làm công tác dân số trên địa bàn thị trấn Kim Sơn, chị Trần Thị Nhung là người nắm rõ số lượng trẻ sinh ra trên địa bàn cũng như các cặp vợ chồng mới kết hôn, đang trong độ tuổi sinh đẻ hoặc chuẩn bị sinh con. Trên cơ sở các số liệu đã được tổng hợp, việc thăm hỏi, tư vấn được chị và các anh chị em trong trạm xã được thực hiện thường xuyên. Một trong những nội dung quan trọng nhất đó là nhắc nhở các cặp vợ chồng khám sức khỏe tiền hôn nhân, sàng lọc trước sinh khi chuẩn bị sinh con và lấy máu gót chân cho trẻ ngay khi bé mới sinh ra.

Nhân viên ở TRạm y tế thị trấn Kim Sơn chia sẻ về việc chăm sóc con trẻ cho người dân trên địa bàn.JPG
Nhân viên ở Trạm Y tế thị trấn Kim Sơn chia sẻ về việc chăm sóc con trẻ cho người dân trên địa bàn. Ảnh: Mỹ Hà

“Từ khi sáp nhập xã Mường Nọc vào thị trấn Kim Sơn, dân số trên địa bàn tăng lên, trong đó có nhiều hộ là người dân tộc thiểu số, đường sá đi lại khó khăn, việc nắm bắt thông tin hạn chế nên nhiều người mẹ chưa quan tâm việc khám sức khỏe khi mang thai. Do đó, thời gian qua, chúng tôi lồng ghép, phối hợp với các ban, ngành khối, xóm và các buổi sinh hoạt khối, các cuộc họp của Hội Nông dân, Hội Phụ nữ để đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động”, chị Trần Thị Nhung cho biết thêm.

Quế Phong là huyện miền núi cao, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm tỷ lệ khá cao. Do phong tục tập quán và hiểu biết chưa đầy đủ nên số trẻ sinh ra chưa được khám sàng lọc khá nhiều, tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng, trẻ bị mắc các bệnh di truyền khá cao.

bna_Lấy mẫu gót chân cho trẻ.jpg
Việc triển khai lấy mẫu gót chân cho trẻ được triển khai tại 21 huyện, thành thị trong toàn tỉnh. Ảnh: Mỹ Hà

Trước đây, số lượng trẻ sinh ra xét nghiệm lấy mẫu gót chân rất ít, mỗi năm chỉ khoảng 30 ca. Vì lẽ đó, năm nay chúng tôi đã tăng cường tư vấn giải thích cho người nhà thấy được lợi ích của việc lấy máu gót chân để sàng lọc bệnh, tốt cho các thế hệ công dân sau này thì số trẻ được lấy máu đã tăng lên khá nhiều. Từ đầu năm đến nay, chúng tôi đã sàng lọc được hơn 200 ca (chiếm gần 40% số trẻ sinh ra) và phản hồi có hơn 10 ca thiếu men G6PD. Sau khi có kết quả, chúng tôi đã giới thiệu các gia đình về Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An và các bệnh viện tuyến trên để tiếp tục theo dõi và điều trị.

bác sĩ Lô Minh Châu – Trưởng khoa Chăm sóc sức khỏe sinh sản - Trung tâm Y tế huyện Quế Phong

Không chỉ riêng ở huyện Quế Phong, công tác tuyên truyền, tư vấn để nâng cao nhận thức cho người dân vùng cao đang được các viên chức của ngành Dân số ở nhiều địa phương kiên trì thực hiện.

Chị Vi Thị Khế - viên chức Dân số xã Nga My (Tương Dương) cho biết: "Địa hình phức tạp, người dân miền núi, vùng cao ít được tiếp cận với các dịch vụ y tế. Vì vậy, hằng năm, thông qua các đợt triển khai chiến dịch dân số, chúng tôi cố gắng phối hợp với Trung tâm Y tế huyện đưa dịch vụ về cơ sở, giúp chị em được khám sàng lọc trước sinh. Sau khi trẻ sinh ra, chúng tôi cũng vận động các gia đình lấy máu gót chân cho trẻ để sàng lọc các bệnh nguy hiểm. Ngoài ra, chúng tôi còn hướng dẫn người dân trong bản làm tốt công tác phòng chống dịch bệnh, tư vấn dinh dưỡng cho phụ nữ mang thai và nuôi con nhỏ, theo dõi sức khỏe, ăn uống vệ sinh; rà soát danh sách trẻ em đến kỳ tiêm chủng… để đốc thúc người dân thực hiện”.

Đẩy mạnh công tác khám, sàng lọc

Mang thai 29 tuần tuổi, chị Hạ Y Hoa ở bản Thăm Hín, xã Nậm Càn, huyện Kỳ Sơn mới lần đầu tiên đi khám và siêu âm thai. Thế nhưng, đón nhận kết quả, cả Hoa và người chồng của mình không khỏi lo lắng bởi bào thai có dấu hiệu bất thường và được bác sĩ khuyên xuống kiểm tra tại bệnh viện tuyến tỉnh. Tại đây, sau khi thăm khám ban đầu, vợ chồng cũng được bác sĩ ở Trung tâm Sàng lọc chẩn đoán trước sinh và sơ sinh – Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An khuyên cần phải xét nghiệm chẩn đoán thông qua chọc ối khi kết quả sàng lọc cho nguy cơ cao.

Tư vấnc ho các vợ chồng trẻ về ý nghĩa của việc sàng lọc trước sinh (1).JPG
Tư vấn cho người dân về việc sàng lọc trước sinh tại Trung tâm Sàng lọc chẩn đoán trước sinh và sơ sinh - Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An. Ảnh: Mỹ Hà

Trước đó, chị Hoa và chồng đều làm công nhân cao su ở Quảng Bình. Do chủ quan và điều kiện đi lại khó khăn nên cả hai chưa từng thăm khám dù mới mang thai lần đầu. Đến khi phát hiện ra bất thường thì thai đã lớn và dẫn đến nhiều nguy cơ có thể nguy hiểm cho thai nhi.

Theo bác sĩ chuyên khoa II Trần Anh Tú – Phó điều hành Trung tâm Sàng lọc chẩn đoán trước sinh và sơ sinh – Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An cho biết: “Sàng lọc trước sinh và sau sinh hết sức quan trọng giúp sớm phát hiện những dị tật bất thường ở trẻ. Với kỹ thuật hiện nay, thông qua sàng lọc chúng ta có thể tăng cơ hội sinh con khỏe mạnh, giảm lo lắng về sức khỏe của mẹ cũng như khả năng sinh con mang bệnh hoặc dị tật.

Bên cạnh đó, việc lấy máu và sàng lọc sớm sau sinh cũng vô cùng quan trọng bởi có những trường hợp gia đình không có tiền sử mắc bệnh vẫn có thể sinh con bị bệnh. Riêng với những huyện miền núi cao, việc sàng lọc và dự phòng là điều quan trọng và quyết định để có thể tránh được bệnh tan máu bẩm sinh (thalassemia) ở trẻ, một căn bệnh xuất hiện khá nhiều và gây nguy hiểm lâu dài”.

Tư vấn cho phụ nữ trong độ tuổi sinh để về việc thực hiện chính sách dân số - KHHGD trên địa bàn huyện Quế Phong (2).JPG
Viên chức dân số tư vấn cho phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ về việc thực hiện chính sách dân số - KHHGĐ. Ảnh: Mỹ Hà

Từ năm 2018, Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh đã triển khai Đề án sàng lọc trước sinh và sơ sinh giai đoạn năm 2018 – 2022 và đến nay đã được nhân rộng tại tất cả các xã, phường, thị trấn thuộc 21 huyện, thành, thị trong toàn tỉnh. Nhờ triển khai đề án, Nghệ An đã tổ chức được nhiều cuộc truyền thông, tư vấn, tập huấn cung cấp các thông tin về các nội dung nâng cao chất lượng dân số, sàng lọc trước sinh, sơ sinh cho hàng chục nghìn đối đối tượng.

Trong 5 năm qua đã thực hiện tầm soát trước sinh cho gần 135.000 ca, đạt tỷ lệ 75% và sơ sinh là gần 12.000 ca, đạt tỷ lệ 17%.

bna__Đẩy mạnh công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức của người dân về chăm sóc sức khỏe, nâng cao chất lượng dân số. Ảnh - Mỹ Hà.jpeg
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức của người dân về chăm sóc sức khỏe, nâng cao chất lượng dân số. Ảnh: Mỹ Hà

Thực tế triển khai chương trình cũng cho thấy, bên cạnh những kết quả đạt được thì công tác chẩn đoán, sàng lọc cũng đang có nhiều khó khăn, nhất là các huyện miền núi cao.

Thời gian tới, chúng tôi sẽ tập trung ưu tiên các chương trình cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số như chương trình sàng lọc trước sinh và sơ sinh, phòng chống hôn nhân cận huyết thống, tảo hôn, phòng chống bệnh tan máu bẩm sinh…Bên cạnh đó, sẽ tiếp tục truyền thông, vận động chính sách, pháp luật về dân số, hôn nhân và gia đình; tổ chức tư vấn chuyên môn tại cộng đồng về tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn; tầm soát, chẩn đoán, điều trị trước sinh và sơ sinh. Đồng thời, triển khai nhiều chương trình, đưa dịch vụ đến từng cơ sở để giúp người dân có cơ hội được thăm khám, tư vấn và chăm sóc sức khỏe toàn diện.

Bác sỹ CKII Nguyễn Bá Tân – Chi cục trưởng Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình

Mới nhất

x
Để trẻ em vùng cao được phát triển toàn diện
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO