Đất lửa hồi sinh
(Baonghean)- Trong một ngày cuối Thu, thời khắc cận kề lễ kỷ niệm 45 năm chiến thắng Truông Bồn, chúng tôi đã có dịp về lại Mỹ Sơn và được ông Nguyễn Tất Năm, Thường vụ trực Đảng xã dẫn lên đỉnh núi Cột Cờ, điểm cao nhất của xã với 350m so với mặt nước biển.
Từ đỉnh Cột Cờ này có thể nhìn rõ những con đường mòn xưa cũ ăn sâu quanh núi mà năm nào đoàn quân Lê Lợi từng qua; bao quát 12 thung mà nghĩa quân Cần Vương từng chiêu tập nghĩa sĩ, rèn luyện võ nghệ chống Pháp. Chính nơi đỉnh núi này, tháng 02/1968, Cố Tổng Bí thư Lê Duẩn và Thiếu tướng Phan Trọng Tuệ, Bộ Trưởng Bộ Giao thông Vận tải đã từng lên khảo sát và chỉ đạo “Truông Bồn là một trọng điểm giao thông ở đây, nó cũng như dòng máu trong một cơ thể thống nhất, quyết không thể để ngừng chảy”. Tiết trời dịu mát, từ điểm cao này đã nhìn thấy những xóm làng quần tụ, những con đường đang mở mang và sắc màu ngói mới; thoang thoảng nghe gió đưa mùi hương của hoa tràm, lá bạch đàn, lá thông thanh khiết.
Đồng ruộng Mỹ Sơn bây giờ, phần lớn diện tích đang trong thời gian ngơi sức, một phần khác là những cánh đồng lúa bào thai, nương sắn sắp đến kỳ thu hoạch. Sản xuất nông nghiệp ở xã, hai vụ chính năm nay thắng lớn: vụ đông xuân vừa rồi diện tích lúa là 423 ha, sản lượng là 2723 tân; Vụ hè thu, vụ mùa diện tích lúa là 302 ha, năng suất cũng đạt 32 tạ/ha. Ông Nguyễn Tất Năng cho hay: Khoa học kỹ thuật, phân bón giống má đưa vào nên năng suất cây trồng đạt cao hơn. Từ năm 2010, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ đi vào cuộc sống, xã quyết tâm phát triển kinh tế, với sự trợ giúp quan tâm các cấp, sự cố gắng của bà con nhân dân mà mọi mặt đời sống được thay đổi nhiều.
Trong sản xuất, cây lúa không còn là độc canh; trồng rừng, chăn nuôi; các loại hình kinh doanh dịch vụ đều phát triển. Nếu năm 2010 thu nhập bình quân đầu người là 9 triệu đồng, đến nay là 14 triệu đồng/người/ năm; tỷ lệ hộ nghèo từ 17,2% giảm xuống 12%. Hai năm qua, nhiều hạng mục nhà văn hóa, 02 trường học được xây dựng mới, tổng giá trị đầu tư trên 10 tỷ đồng. Chất lượng đời sống văn hóa, giáo dục không ngừng được nâng lên, mỗi năm có trên 30 cháu đậu vào các trường đại học.
Cũng theo ông Năm, ở Mỹ Sơn hiện có trên 20 mô hình trang trại, gia trại mỗi năm cho thu hoạch từ 50-200 triệu đồng. Trong đó, nhiều ông chủ, bà chủ chính là những người cựu TNXP năm xưa…Theo lời chỉ dẫn, chúng tôi đã tìm đến gia trại của hai vợ chồng ông Đặng Quang Mai - bà Trần Thị Đề ở xóm 8, xã Mỹ Sơn vào thời điểm giữa trưa.
Sau bữa cơm, ông Mai đang cho đàn gà đẻ gần 40 con ăn ngay dưới đồi tràm. Bên nước chè đặc sánh, người cựu thành viên Ban quản lý Tổng Đội TNXP thời kỳ 1966-1972, giờ đã tuổi 65, tâm tình: Sau những tháng năm nuôi dạy con cái trưởng thành, có công ăn việc làm ổn định, từ năm 2006 hai ông bà mới tính đến chuyện làm kinh tế gia đình. Từ 2 ha đất đồi, gia đình đã làm ao thả cá, trồng keo, tiêu, chè, nuôi bò vỗ béo, nuôi gà đẻ và nuôi ong. Sức vóc không còn như những ngày phá đá mở đường, lấp hố bom năm xưa, song hai ông bà cứ túc tắc và có sức người sỏi đá cũng thành cơm. Mỗi năm gia trại của ông Mai cũng cho thu hoạch 50-60 triệu đồng.
Ông Đặng Quang Mai chăm lo tổ ong của gia đình |
Nghỉ hưu trí rồi nhưng ông Mai vẫn rất nhiệt tình tham gia công tác xã hội và hiện tại ông đang đảm trách nhiệm vụ Phó Chủ tịch Hội Cựu TNXP xã. Ông cho hay: Mỹ Sơn có 58 cựu TNXP, hiện còn sống là 38 người. Hầu hết các cựu TNXP đều đã xây dựng được cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Và điều quan trọng nhất là nuôi dạy con cái tốt, không ai dính vào tệ nạn xã hội và có những đóng góp nhất định cho công cuộc xây dựng quê hương đất nước…
Để chứng thực lời nói của mình, ông Mai đã đưa phóng viên đến nhà đồng đội mình là gia đình bác Nguyễn Văn Lý, 62 tuổi, ở xóm 6 xã Mỹ Sơn. Ông Lý tham gia TNXP từ năm 1972 – 1975, làm nhiệm vụ san đường, lấp hố bom, làm cầu xế ở xã Nghi Lộc, huyện Nghĩa Đàn và khu vực Núi Quyết, thành phố Vinh. Năm 1976, ông Lý chuyển ngành, đi học trường trung cấp sư phạm miền núi tình và trở về quê dạy ở trường THCS Mỹ Sơn cho đến năm 2008 thì nghỉ hưu. Nghỉ công tác, hai vợ chồng ông Lý trồng thêm 5 sào tràm sau nhà và nuôi 2 con lợn nái; thu nhập thêm từ vườn tược không nhiều bởi ông bà dành phần lớn thời gian để chăm sóc các cháu. Ông Nguyễn Văn Lý chia sẻ niềm vui giàu con, giàu cái: Tự hào lớn nhất của vợ chồng ông là nuôi dạy 4 con nên người. Các cháu đều có việc làm ổn định, 3 cháu có trình độ đại học, 1 người lao động phổ thông.
|
Xưa, Mỹ Sơn thấm đẫm nghĩa tình quân dân như cá với nước, cùng nhau chung sức chung lòng vượt qua lửa đạn; Nay, người Mỹ Sơn vẫn một lòng thủy chung, quý người mến khách. Đi đâu cũng rộn ràng tiềng chào hỏi, nói cười. Đến thăm gia đình người cựu TNXP Võ Thị Tý ở xóm 2, bà kiên quyết mời giữ khách ở lại mời cơm, không uống được rượu thì dứt khoát phải thưởng thức bát nước chè đậm đà của quê hương. Bát nước chè ấy chát lắm nhưng rất ngọt hậu. Bà Tý khoe: “sáng nay, vừa xuống thắp hương dưới ngôi mộ chung của 13 liệt sỹ Truông Bồn thì được gặp các đồng đội cũ”…
Tháng 1/1996, Truông Bồn được công nhận là Khu Di tích lịch sử Quốc gia. Ngày 23/9/2008, Chủ tịch nước đã có Quyết định phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho tập thể 13 liệt sỹ TNXP hy sinh tại đây. Ngày 19/4/2010, UBND tỉnh Nghệ An có Quyết định số 1591, phê duyệt Dự án “Bảo tồn, tôn tạo Khu di tích lịch sử Truông Bồn” với tổng mức đầu tư gần 175 tỷ đồng, diện tích xây dựng 217.327m2, gồm hàng chục hạng mục lớn nhỏ. Đến nay, dự án này đang đi vào giai đoạn gấp rút hoàn thành.
Để dự án được xây dựng, hoàn thành tốt đẹp, đã có 47 hộ dân ở xóm 10, xã Mỹ Sơn tình nguyện hiến đất cho công trình. Và hiện tại, 37 hộ dân đã ra ở tại khu tái định cư sát ngay khu di tích. Ông Nguyễn Trọng Toán, một người dân ở khu tái định cư khẳng định: Với mục đích cao đẹp xây dựng Truông Bồn trở thành một biểu tượng cho TNXP Việt Nam, thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, giáo dục tinh thần yêu nước cho các thế hệ trẻ mai sau, khi có chủ trương xây dựng dự án bà con rất đồng tình ủng hộ. Tuy hiện tại ở đây công trình đường sá, nước nôi chưa hoàn thiện, cuộc sống người dân còn nhiều khó nhưng bà con rất tin tưởng vào tương lai phát triển của khu vực Mỹ Sơn….Dịp kỷ niệm 45 năm chiến thắng Truông Bồn, rất đông các đoàn khách về đây dâng hương, tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ TNXP.
Mời bạn đọc nghe toàn bài viết:
[audio(324)]
Sáng 30/10, những chiếc xe chở các cựu TNXP phường Trung Đô, Bến Thủy, Quang Trung ở thành phố Vinh đã về đây tâm tình chuyện trò cùng đồng đội. Đặc biệt Hội cựu TNXP còn đưa cả loa đài, máy móc về để hát cho đồng đội nghe. Ông Lê Văn Chất, chủ tịch Hội cựu TNXP phường Quang Trung tâm sự: Hôm nay, về nơi đây nhìn thấy phần mộ các chị các anh khang trang sạch sẽ, bộ mặt nông thôn ở Mỹ Sơn đang có sự phát triển nhanh chóng, chúng tôi rất lấy làm tự hào, vui mừng và xúc động. Mong muốn rằng, đảng bộ nhân dân xã Mỹ Sơn, huyện Đô Lương ngày càng phát huy tinh thần Truông Bồn để xây dựng quê hương ngày càng giàu mạnh…Rời mảnh đất thiêng trong nắng chiều nhạt, trên cánh đồng Mỹ Sơn những người nông dân vẫn cặm cụi chăm luống ngô mới gieo lại sau cơn lũ. Bên con đường đang làm vừa mới rải đá cấp phối, đã nghe văng vẳng tiếng hát của các cháu mầm non hát về trường lớp, quê hương mến yêu./.
Thành Chung