Dấu ấn lịch sử của công tác cắm mốc biên giới Việt Nam – Lào
(Baonghean.vn) - Đường biên giới giữa nước CHXHCN Việt Nam và CHDCND Lào dài khoảng 2.067km, trải dài suốt 10 tỉnh của Việt Nam là: Điện Biên, Sơn La, Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam và Kon Tum; tiếp giáp với 10 tỉnh phía Lào là: Phông-Sa-Lỳ, Luông-Pha-Bang, Hủa-Phăn, Xiêng-Khoảng, Bô-Ly-Khăm-Xay, Khăm-Muộn, Sa-Văn-Na-Khệt, Sa-La-Văn, Sê-Kông và Ắt-Ta-Pư.
Phần lớn tuyến biên giới giữa 2 nước đều đi qua đỉnh hoặc triền núi và qua rừng rậm; nơi thấp nhất vào khoảng 300m và nơi cao nhất là trên 2.700m so với mực nước biển. Một số đèo đã trở thành các cửa khẩu nối liền hai nước, còn trên các đoạn biên giới khác, hầu hết là núi non hiểm trở, đi lại khó khăn. Dân cư sống hai bên biên giới đa phần là các dân tộc ít người, sống thưa thớt tại các làng bản cách xa nhau và xa đường biên giới.
Từ thời Pháp thuộc, biên giới giữa Việt Nam - Lào được xác định bằng các Nghị định của Toàn quyền Đông Dương.
Ngày 18/7/1977, Hiệp ước Hoạch định biên giới quốc gia giữa nước CHXHCN Việt Nam và CHDCND Lào đã được đại diện hai nhà nước ký tại thủ đô Viêng - Chăn (Lào), đánh dấu một bước quan trọng trong quá trình xây dựng biên giới Việt Nam - Lào trở thành biên giới hoà bình, hữu nghị, ổn định và hợp tác phát triển lâu dài.
Năm 1978, hai bên bắt đầu tiến hành phân giới, cắm mốc toàn bộ đường biên giới Việt Nam - Lào và hoàn thành công tác này vào năm 1987. Sau khi hoàn thành cơ bản công tác phân giới, cắm mốc trên thực địa vào năm 1987, hai bên đã ký Hiệp định về Quy chế biên giới ngày 1/3/1990 và Nghị định thư bổ sung Hiệp định về Quy chế biên giới ngày 31/8/1997 nhằm tạo cơ sở pháp lý đầy đủ cho công tác bảo vệ và quản lý biên giới giữa hai nước.
Khánh thành cột mốc đại số 405 tại cửa khẩu Nậm Cắn (Kỳ Sơn, Nghệ An), cột mốc đầu tiên được hoàn thành trong Kế hoạch giữa Nghệ An với các tỉnh có chung đường biên giới
Lực lượng BĐBP Nghệ An chào cột mốc Việt – Lào số 380 mới được dựng xong.
Tuy nhiên, hệ thống mốc quốc giới hòa thành vào năm 1987 đó được xây dựng trong giai đoạn cả 2 nước còn đang gặp nhiều khó khăn, kinh tế chưa phát triển, kỹ thuật hạn chế nên chưa đáp ứng được yêu cầu của một hệ thống mốc thống nhất, đảm bảo ổn định lâu dài. Hơn nữa, mật độ mốc quá thưa, bình quân trên 10 km một mốc (cá biệt có những nơi cách nhau trên 40 km). Vì vậy, đường biên giới trên thực địa ở một số nơi không rõ ràng, nên lực lượng quản lý và nhân dân hai bên biên giới không nhận biết rõ được đường biên giới.
Các mốc được thiết kế và xây dựng chưa phù hợp với điều kiện địa hình, địa chất, khí hậu ở khu vực biên giới cũng như kích thước nhỏ, chất lượng chưa cao…, nên hầu hết các mốc giới đã xuống cấp và hư hỏng. Hầu hết các mốc đã phải gia cố phần nền móng; có mốc đã phải sửa đi sửa lại nhiều lần gây tốn kém nhưng chưa đảm bảo sự ổn định. Trong những năm qua, hai bên đã mở và nâng cấp nhiều cửa khẩu cùng với các công trình mới được xây dựng khang trang, hiện đại, nhiều khu vực dân cư ở gần khu vực biên giới phát triển mạnh mẽ nên hệ thống mốc cũ đã không còn phù hợp, không thể hiện rõ đường biên giới trên thực địa, nhất là ở các cửa khẩu, nơi đông dân cư nhiều người qua lại, gây khó khăn cho công tác quản lý biên giới.
Xuất phát từ thực tế trên, nhằm phục vụ nhu cầu phối hợp quản lý biên giới ổn định lâu dài, góp phần củng cố bền vững mối quan hệ đặc biệt Việt Nam – Lào, tháng 5/2008, Việt Nam và Lào chính thức triển khai Kế hoạch tổng thể thực hiện công tác tăng dày và tôn tạo hệ thống mốc quốc giới Việt Nam - Lào nhằm mục đích hoàn thiện hệ thống mốc quốc giới giữa hai nước theo hướng chính xác, hiện đại, bền vững và thống nhất trên toàn tuyến biên giới. Theo Kế hoạch tổng số mốc tăng dày và tôn tạo gồm 792 mốc/ 826 cột mốc toàn tuyến biên giới (một số vị trí mốc là mốc đôi, mốc ba) với 16 mốc đại, 190 mốc trung, 586 mốc tiểu; gồm 3 loại cột mốc: Mốc đại cắm ở các cửa khẩu, mốc trung cắm ở các vị trí tôn tạo, mốc tiểu cắm ở các vị trí tăng dày. Tất cả các cột mốc đều được chế tác từ đá hoa cương nguyên khối, thiết kế hiện đại, đảm bảo tính bền vững và đáp ứng những tiêu chí phù hợp với thông lệ quốc tế.
Để hoàn thành đúng tiến độ tăng dày và tôn tạo hệ thống mốc quốc giới Việt Nam - Lào trên thực địa theo kế hoạch hai Chính phủ đề ra, 19 đội cắm mốc của Việt Nam (tỉnh Nghệ An có 2 đội) và 16 đội cắm mốc của Lào đã phải vượt qua muôn vàn khó khăn, với tinh thần quyết tâm cao để hoàn thành nhiệm vụ. Địa hình khu vực biên giới Việt Nam - Lào hết sức hiểm trở, sông suối chia cắt, giao thông không thuận tiện, nên rất khó khăn trong việc triển khai phương tiện, trang bị kỹ thuật và huy động nhân lực. Có nơi vị trí cột mốc được đặt trên đỉnh núi cao trên 2.700m so với mực nước biển, muốn lên được đến đó phải trèo đèo lội suối 6 - 7 ngày đường rừng. Nhiều vị trí mốc, đội cắm mốc phải mở hàng km đường công vụ để chuyển vật liệu và cột mốc vào thi công. Nguyên vật liệu xây dựng mốc không có tại chỗ phải vận chuyển nhiều chặng cách vị trí cắm mốc hàng chục km đường rừng núi.
Bên cạnh đó, cán bộ, nhân viên, chiến sĩ, công nhân hoạt động trên biên giới luôn phải đối mặt với thời tiết khắc nghiệt, mưa bão, lũ ống, dịch bệnh, thú dữ... Đó là chưa kể đến hàng tấn bom, mìn, vật liệu nổ do chiến tranh còn sót lại đe dọa trực tiếp tính mạng những người tham gia cắm mốc. Đặc biệt, tại một số khu vực biên giới, các đội cắm mốc của ta và bạn còn bị các đối tượng phản động lưu vong bên đất Lào tung tin đe dọa, kích động các phần tử xấu cản trở công việc. Ban chỉ đạo cắm mốc tại các địa phương có chung đường biên giới đã kịp thời phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng của hai nước xây dựng những phương án bảo vệ an toàn tuyệt đối cho các đoàn công tác cắm mốc, đồng thời tăng cường phổ biến, tuyên truyền đến từng người dân biên giới về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của hai Nhà nước Việt Nam - Lào về công tác tăng dày và tôn tạo hệ thống mốc giới, vận động nhân dân chấp hành nghiêm chỉnh Quy chế biên giới quốc gia... Bởi vậy, mỗi một cột mốc quốc giới được hoàn thành là thành quả của cả một quá trình lao động, chiến đấu hết sức khó khăn, gian khổ, không chỉ “đổ mồ hôi, sôi nước mắt”, mà còn có cả máu của các lực lượng tham gia cắm mốc.
Theo Ủy ban Liên hợp cắm mốc biên giới Việt Nam - Lào, công tác cắm mốc quốc giới Việt Nam - Lào trên thực địa cơ bản hoàn thành vào cuối tháng 6/2013. Vào ngày 9/7/2013, Chính phủ hai nước sẽ tổ chức lễ chào mừng và cắt băng khánh thành cột mốc đại số 460 tại cửa khẩu Thanh Thủy (Nghệ An, Việt Nam) và Nậm on (Bô-Ly-Khăm-Xay, Lào), đánh dấu việc hoàn thành công tác cắm mốc trên thực địa toàn tuyến biên giới Việt - Lào. Đây là sự kiện có ý nghĩa hết sức quan trọng, góp phần xây dựng một đường biên giới hòa bình, hữu nghị, ổn định, hợp tác, cùng phát triển, tạo điều kiện thuận lợi cho việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở khu vực biên giới nói riêng và phát triển kinh tế của hai nước Việt - Lào nói chung.
Lê Thạch