Dấu ấn thành tựu ngành Y

(Baonghean) - Sự kiện chiều 11/12 vừa qua, Bệnh viện Ung bướu Nghệ An tổ chức lễ ra viện cho bệnh nhân ghép tế bào gốc tạo máu tự thân điều trị ung thư vú đầu tiên tại Việt Nam, được coi là đánh dấu một thành tựu nổi bật của ngành Y tế Nghệ An trong năm 2014 này… Báo Nghệ An đã có cuộc phỏng vấn Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Trung Chính - Cố vấn cao cấp, trưởng kíp ghép của Bệnh viện Ung bướu Nghệ An xung quanh phương pháp điều trị nói trên.
Phẫu thuật nội soi ở Bệnh viện Ung Bướu Nghệ An. Ảnh:  Từ Thành
Phẫu thuật nội soi ở Bệnh viện Ung Bướu Nghệ An. Ảnh: Từ Thành
P.V: Được biết, từ cuối năm 2013, Bệnh viện Ung bướu Nghệ An chính thức triển khai kỹ thuật ghép tế bào gốc điều trị ung thư và đến nay đã có 5 bệnh nhân ung thư được chữa khỏi bệnh. Phó Giáo sư có thể cho biết về kỹ thuật này và lý do bệnh viện lựa chọn phát triển kỹ thuật ghép tế bào gốc điều trị ung thư?
PGS.TS Nguyễn Trung Chính: Thực hiện ghép tế bào gốc điều trị ung thư, các bác sỹ sẽ dùng 1 liều hóa chất kết hợp với yếu tố tăng trưởng để đánh điều kiện vào làm sạch, diệt hết tế bào ung thư trong tủy xương và huy động các tế bào lành tính trong tủy xương ra. Các tế bào lành tính của bệnh nhân hoặc của người thân bệnh nhân sẽ được đưa vào máy tách và hệ thống máy bảo quản trong điều kiện -196 độ C khoảng 1 tháng. Trong thời gian này, bệnh nhân được thực hiện hồi sức, điều trị trong phòng vô trùng 100%. Khi bệnh nhân đã đủ sức khỏe thì sẽ đưa số tế bào gốc này ghép lại cho bệnh nhân. Thông thường, trong điều kiện thực hiện tốt thì vào khoảng 2 tuần sau khi ghép, tế bào lành tính ở bệnh nhân sẽ sinh sôi…Tổng chi phí điều trị ung thư bằng kỹ thuật ghép tế bào gốc vào khoảng 350 triệu đồng/ca. Trong đó bảo hiểm y tế sẽ chi trả trên 200 triệu đồng và người bệnh phải trả trên 100 triệu đồng còn lại. Trong tương lai, khi các dịch vụ kỹ thuật được cập nhật, điều chỉnh giá, số tiền mà bệnh nhân phải trả còn ít hơn nữa.
Hiện nay, trên thế giới và ở nước ta,  có rất nhiều phương pháp để điều trị ung thư như hóa chất, xạ trị, phẫu thuật… Tuy nhiên, tất cả các phương pháp này đều chỉ chữa trị được một phần, gặp nhiều khó khăn trong việc mang lại đời sống tốt nhất, dài nhất cho người bệnh. Khắc phục điều này, các nhà khoa học, các bác sỹ trên thế giới đã nghiên cứu ra kỹ thuật ghép tế bào gốc điều trị ung thư. Có thể nói, đây là kỹ thuật mới nhất và hiệu quả nhất để điều trị ung thư máu, ung thư phổi, ung thư vú... và đã được ứng dụng thành công ở nhiều nơi. Ở Việt Nam, kỹ thuật này được thực hiện đầu tiên vào năm 1995 và đến nay đã có 8 bệnh viện thực hiện được việc ghép tế bào gốc điều trị ung thư (trong đó có Bệnh viện Ung bướu Nghệ An). Một lý do khác là xuất phát từ thực tế Nghệ An nói riêng và các tỉnh miền Trung nói chung, số bệnh nhân mắc ung thư nhiều do hậu quả chiến tranh. Trong khi đó, đời sống nhân dân còn gặp nhiều khó khăn. Với quyết tâm lựa chọn phương pháp điều trị tốt nhất, ít tốn kém nhất nên bệnh viện đã lựa chọn phát triển kỹ thuật ghép tế bào gốc điều trị ung thư. Quyết tâm và sự lựa chọn của bệnh viện đã nhận được sự ủng hộ, đầu tư mạnh mẽ của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và Sở Y tế.
P.V: Bệnh viện Ung bướu Nghệ An đã triển khai kỹ thuật ghép tế bào gốc như thế nào? Bệnh viện vừa tổ chức lễ ra viện cho một bệnh nhân ung thư vú đầu tiên ở Việt Nam được điều trị khỏi bằng kỹ thuật ghép tế bào gốc, Phó Giáo sư có thể nói thêm về thành công này?
PGS.TS Nguyễn Trung Chính: Thực hiện lộ trình phát triển kỹ thuật chuyên sâu, từ năm 2011, Bệnh viện Ung bướu Nghệ An đã bắt tay chuẩn bị mọi điều kiện để tiến hành ghép tế bào gốc điều trị ung thư. Được sự quan tâm đầu tư của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, bệnh viện đã xây dựng trung tâm ghép tế bào gốc ngay tại bệnh viện với hệ thống phòng ghép, trang thiết bị hiện đại theo tiêu chuẩn châu Âu, được đánh giá là ngang tầm với các bệnh viện hàng đầu trên thế giới và hiện đại nhất ở Việt Nam hiện nay. Về mặt con người, bệnh viện đã cử 2 kíp lâm sàng và cận lâm sàng đi đào tạo chuyên sâu ở các bệnh viện Trung ương… Sau khi có sự chuẩn bị chu đáo, vào ngày 17/12/2013, dưới sự giúp đỡ của các chuyên gia đầu ngành đến từ Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương, Bệnh viện Quân đội 108, Trung tâm Huyết học - Truyền máu TP. Hồ Chí Minh, kíp ghép gồm các cán bộ, y, bác sỹ của bệnh viện đã thực hiện thành công ca ghép tủy đầu tiên cho bệnh nhân Hoàng Thị Hằng, 23 tuổi, ở xã Trung Thành, huyện Yên Thành. Và đến nay sau 1 năm chính thức triển khai ghép, bệnh viện đã điều trị thành công cho 5 bệnh nhân. Tất cả bệnh nhân sau khi ra viện đều khỏe mạnh, không bị tái phát.
Thăm hỏi bệnh nhân ung thư được điều trị ghép tủy tại Bệnh viện Ung bướu Nghệ An.
Thăm hỏi bệnh nhân ung thư được điều trị ghép tủy tại Bệnh viện Ung bướu Nghệ An.
Trong quá trình điều trị cho các bệnh nhân ung thư ở Bệnh viện Ung bướu Nghệ An, kíp ghép chúng tôi nhận thấy tỷ lệ bệnh nhân nữ mắc ung thư vú trong số bệnh nhân ung thư chiếm tỷ lệ cao nhất. Số lượng bệnh nhân mắc ung thư vú đến điều trị nội trú tại đây luôn vào khoảng 50 - 60 người. Hầu hết họ ở độ tuổi từ 30 - 50. Nhiều phụ nữ mắc ung thư vú điều trị bằng phương pháp xạ trị, hóa chất, phẫu thuật thường có tỷ lệ tái phát bệnh cao… Từ sự trăn trở đó, kíp ghép đã quyết tâm nghiên cứu, tìm tòi học hỏi để điều trị ung thư vú bằng phương pháp ghép tế bào gốc tạo máu tự thân. Hiện nay trên thế giới đã có một số nước như Mỹ, Canada đã thực hiện phương pháp này để điều trị thành công cho bệnh nhân ung thư vú.
Sau 1 năm nghiên cứu, Bệnh viện Ung bướu Nghệ An đã bắt tay thực hiện ca ghép tế bào gốc điều trị ung thư vú đầu tiên ở Việt Nam. Bệnh viện thành lập Hội đồng khoa học và thực hiện theo đúng quy trình. Bệnh nhân ung thư vú là chị Đinh Thị Liễu, 52 tuổi, ở Thị trấn huyện Yên Thành, nhập viện vào ngày 29/10/2014; đến ngày 5/11, Bệnh viện bắt đầu thực hiện các bước trong quy trình ghép và ngày 20/11 thì chính thức ghép tế bào gốc tạo máu tự thân. Trong suốt quá trình ghép bệnh nhân đều được nằm trong phòng ghép vô trùng tuyệt đối áp lực dương, chăm sóc sát 24/24 giờ. Và đến ngày 30/11/2014, bệnh nhân Đinh Thị Liễu bắt đầu mọc tủy, phục hồi dần các dòng tế bào máu, sức khỏe ổn định. Ngày 11/12/2014, Bệnh viện Ung bướu Nghệ An tổ chức lễ ra viện cho bệnh nhân.
Đây là ca ghép tế bào gốc điều trị ung thư vú đầu tiên ở Việt Nam của Bệnh viện Ung bướu Nghệ An; là một thành công, bước đột phá mới trong điều trị ung thư ở Việt Nam. Nó càng có ý nghĩa hơn khi ca ghép được thực hiện ở Nghệ An - một tỉnh nghèo, các điều kiện khám, chữa bệnh còn hạn chế. Ca ghép thành công đã mở ra triển vọng bệnh nhân được điều trị khỏi hoàn toàn ung thư vú. Sau thành công này, Bệnh viện Ung bướu Nghệ An sẽ thực hiện điều trị cho đồng loạt các bệnh nhân khác; tập trung nghiên cứu, tiến tới đầu năm 2015 này sẽ ghép tế bào gốc điều trị ung thư cổ tử cung và cuối năm 2015 sẽ ghép tế bào gốc điều trị ung thư phổi.
P.V: Xin cảm ơn PGS.TS Nguyễn Trung Chính!
Thanh Sơn (Thực hiện)

tin mới

Bệnh viện ĐKTP Vinh ‘hồi sinh’ bàn chân nguy cơ hoại tử cho cụ bà 88 tuổi

Bệnh viện Đa khoa TP Vinh ‘hồi sinh’ bàn chân nguy cơ hoại tử cho cụ bà 88 tuổi

(Baonghean.vn) - Cụ bà 88 tuổi (Thanh Chương) bị hoại tử đầu ngón chân phải, cùng với bệnh lý nền phức tạp, đã đi điều trị tại bệnh viện tuyến trên một thời gian nhưng không đỡ. Vừa qua, bà may mắn được các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa TP. Vinh phẫu thuật thành công, giữ lại đôi bàn chân lành lặn.

Giải pháp ‘vàng’ phát hiện ung thư đường tiêu hóa

Giải pháp ‘vàng’ phát hiện ung thư đường tiêu hóa

(Baonghean.vn) - Hiện nay, các bệnh lý tiêu hóa ngày càng phổ biến vì những thói quen ăn uống, sinh hoạt không hợp lý và căng thẳng tâm lý gây nên. Phương pháp nội soi dạ dày và đại tràng thường được bác sĩ chỉ định để chẩn đoán các bệnh lý này. Vậy có nên nội soi dạ dày và đại tràng cùng lúc?

Loãng xương

Chế độ ăn cho người bệnh loãng xương

Chế độ ăn đúng giúp phòng ngừa và điều trị bệnh loãng xương hiệu quả. Do đó, việc đảm bảo dinh dưỡng đối với những người mắc bệnh cơ xương khớp nói chung và người mắc bệnh loãng xương nói riêng là rất quan trọng.