Đau đáu phục dựng ca trù

(Baonghean) - Gần 30 năm theo đuổi ca trù, nghệ sĩ Bạch Vân nói niềm hạnh phúc lớn nhất của mình là tìm được các nghệ nhân cao tuổi, vận động được các cụ trở lại để các cụ truyền nghề cho thế hệ trẻ. Ngày ca trù được vinh danh là Di sản văn hóa thế giới, Bạch Vân bỗng nhận được rất nhiều tin nhắn chúc mừng từ những người không quen nhưng biết rõ về những đóng góp của chị trong việc đưa ca trù trở lại với cuộc sống hiện đại…

Sinh năm 1957 tại xã Thanh Hương, huyện Thanh Chương, nhắc đến gia đình mình, Bạch Vân luôn ngập tràn niềm tự hào. Cha chị là người yêu thích thơ văn, thích ngâm thơ Đường, lẩy Kiều. Mẹ chị hát dân ca hay có tiếng. Các anh chị em chủ yếu theo nghiệp thơ văn, hội họa. Bản thân là người yêu thích văn chương nhưng lại rẽ sang nghiệp ca hát. Trong một lần đi chơi ở TP. Vinh, Bạch Vân thử tham gia cuộc tuyển chọn học sinh của Trường Văn hóa Nghệ thuật Nghệ An. Hai năm sau, Bạch Vân lại theo học Trường Âm nhạc Việt Nam (nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam). Tuy nhiên, do chứng viêm họng, Bạch Vân kết thúc 4 năm học thanh nhạc để thi vào Trường Đại học Văn hóa, Khoa Văn hóa quần chúng, chuyên ban Âm nhạc.

Dấu mốc để Bạch Vân đến với ca trù đó là vào năm 1984, trong thời gian chờ phân công công tác. Chị kể: “Tôi đang quét sân thì chợt nghe thấy một giai điệu lạ lùng phát từ máy thu thanh nhà hàng xóm. Tôi vội hỏi anh tôi, anh tôi bảo: “Hát cô đầu đấy”. Giai điệu gây cho tôi một xáo trộn trong lòng, tôi rất thích. Về sau tôi mới biết giọng hát ấy là của NSND Quách Thị Hồ”. Từ đó, Bạch Vân quyết tâm tìm các đào kép một thời nay đã ở tuổi thập cổ lai hi như bà Phạm Thị Mùi, người hát cô đầu nổi tiếng ở Cửa Đình Lỗ Khê (Hà Nội) bà Quách Thị Hồ (ngõ chợ Khâm Thiên, Hà Nội), bà Nguyễn Thị Tuyết, Nguyễn Thị Chản (Thượng Mỗ, Hà Nội), Nguyễn Thị Thủy (Thuận Thành, Bắc Giang);… các cây đàn như cụ Nguyễn Văn Nhâm (Đan Phượng, Hà Nội), Nguyễn Khánh Hạ (Quốc Oai, Hà Nội),… Cứ thế, chị rong ruổi khắp các tỉnh thành tìm nghệ nhân ca trù.

Thời kỳ trước năm 1945, giới văn nghệ sĩ, trí thức rất nhiều người mê ca trù, nhưng về sau vì hát ca trù bị người dân kỳ thị, hầu hết các cô đầu đã giải nghệ, mai danh ẩn tích và không muốn nhắc đến quá khứ của mình. Bởi vậy, tìm được các cụ đã khó, thuyết phục các cụ trở lại với nghề còn khó hơn. Cụ Quách Thị Hồ khuyên Bạch Vân: “Cô ngâm thơ hay thì cứ ngâm thơ mà sống, chứ nghề này thì không sống được” và cụ từ chối không dạy. Nhưng cảm động trước tấm lòng kiên trì của Bạch Vân, cụ đã dạy cho chị 4 câu mưỡu. Cụ Phó Thị Kim Đức có bố là quản ca giáo phường Khâm Thiên, hát ca trù từ năm 13 tuổi, nhưng sau chuyển sang hát chèo và là danh ca Đài Tiếng nói Việt Nam. Cụ Đức thẳng thừng: “Chết tôi mang đi luôn”. Sau 5 năm Bạch Vân kiên trì thuyết phục, bà ngã lòng nói: “Cô này có đức” rồi dạy cho chị 3 bài hát. Bên cạnh đó, Bạch Vân theo học đàn, học phách từ cụ Chu Văn Du, nghệ nhân đàn đáy, phó quản ca giáo phường Khâm Thiên.

Nhận được sự đồng tình của các nghệ nhân cao tuổi, Bạch Vân bàn với cụ Chu Văn Du thành lập CLB. Tham khảo cuốn Việt Nam ca trù biên khảo (Đỗ Bằng Đoàn, Đỗ Trọng Huề, xuất bản năm 1962) chị lấy chữ “ca trù”, “ca nương” thay vì cách gọi thông dụng là “cô đầu”, “ả đào”. Năm 1991, CLB Ca trù Hà Nội ra mắt tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, trở thành CLB ca trù đầu tiên và duy nhất trên cả nước vào thời điểm đó, do Bạch Vân làm chủ nhiệm, cụ Quách Thị Hồ, bà Phó Thị Kim Đức làm cố vấn. CLB tổ chức biểu diễn và tọa đàm nghệ thuật về ca trù; tổ chức “lễ tưởng niệm”, “chúc thọ” các nghệ nhân và người có công góp phần phục hồi nghệ thuật ca trù như nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát, NSƯT Nguyễn Thị Phúc…. Thời gian đầu, CLB thiếu thốn đủ bề. Bạch Vân tự mình đưa đón các cụ về nhà mình, nếu chật quá thì đến nhà chị gái. Cứ một tháng một lần, người anh rể lại chở chị đi xe máy đến tận Hải Phòng, Bắc Giang, Thái Nguyên… có khi mời được hơn 200 người đến nghe ca trù. Tháng nào chị cũng viết bài, đăng tin trên báo chí về các buổi sinh hoạt của CLB. Thời kỳ này, hội viên chủ yếu là người cao tuổi, CLB chủ trương không thu vé để thu hút thêm giới trẻ, nhưng vì thế mà gánh nặng tiền bạc càng thêm lớn. Để có thêm kinh phí, Bạch Vân làm thêm nhiều công việc như dạy nhạc, viết báo, biểu diễn hát dân ca, ngâm thơ… thậm chí buôn bán ở chợ. Năm 1993, CLB chuyển về hoạt động tại di tích Bích Câu đạo quán (14 Cát Linh, Q. Đống Đa). Nơi đây về sau trở thành địa chỉ quen thuộc cho những người yêu thích ca trù đến tham gia và tìm hiểu môn nghệ thuật truyền thống này. Ngày được thông báo sự kiện “Kỷ niệm 5 năm thành lập”, CLB Ca trù Hà Nội không được phép tổ chức, Bạch Vân tủi thân lắm. Cuối cùng lễ kỷ niệm được tổ chức tại trụ sở Thông tấn xã Việt Nam, với sự tham dự của các nghệ nhân, nghệ sĩ lão luyện từ nhiều tỉnh thành. CLB Ca trù Hà Nội được nhiều nghệ sĩ, nhà văn hóa như Vũ Đình Liên, Tào Mạt,… ủng hộ. Nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát lúc này đã già yếu nằm liệt giường động viên cô: “Làm đi”.

Năm 1999, Bạch Vân lên kế hoạnh tổ chức “Hội thảo Ca trù Thăng Long – Hà Nội lần thứ nhất”. Hội thảo thành công khi có đến 18 tham luận của các nhà nghiên cứu Văn hóa – Nghệ thuật Trung ương và Hà Nội. Năm 2000, Bạch Vân mạnh dạn lập đề án phối hợp với Quỹ Văn hóa Hà Nội, Trung tâm khoa học Văn Miếu – Quốc Tử Giám và CLB Ca trù Hà Nội tổ chức Liên hoan Ca trù Hà Nội mở rộng, với sự tham dự của các nghệ nhân 13 tỉnh thành. Đây là sự kiện ca trù đầu tiên mang tính chất rộng rãi, tôn vinh đào kép nhiều vùng cả nước sau gần 70 năm ca trù mai một và có nguy cơ lụi tàn. Tại liên hoan, nghệ nhân đàn đáy Nguyễn Phú Đẹ, một tài năng nổi bật, đã được phát hiện. Bạch Vân chủ động và tha thiết mời cụ về nhà riêng phụng dưỡng để dạy đàn cho 6 học sinh tại nhà, trong đó có ca nương Phạm Thị Huệ, hiện là Chủ nghiệm CLB Ca trù Thăng Long.

NSƯT Bạch Vân (giữa) tại Liên hoan ca trù Hà Nội mở rộng năm 2000.

Năm 2004, Bạch Vân bảo vệ thành công luận văn “Đào nương và nghệ thuật hát trong ca trù”. Chị được Cục Nghệ thuật biểu diễn đề nghị giúp về chuyên môn để tổ chức Liên hoan Ca trù toàn quốc lần thứ nhất. Bạch Vân cũng cung cấp nhiều tài liệu quan trọng để ông Hoành Loan, Viện phó Viện Âm nhạc, trình Bộ VH-TT lập hồ sơ đề nghị UNESCO xét duyệt và công nhận ca trù là Di sản Văn hóa Thế giới.

Bên cạnh công việc chủ nhiệm CLB Ca trù Hà Nội, Bạch Vân còn là giọng ca chủ chốt, dẫn dắt các học trò của mình. Tuần nào cũng vậy, tối thứ tư, thứ sáu và chủ nhật, chị lại có mặt ở ngôi đền Kim Ngân cổ kính (42, Hàng Bạc, Hà Nội) để biểu diễn. Bạch Vân mê hát, có người bạn đùa: “Bạch Vân có ca trù thì bệnh nặng cũng khỏe, mà không có ca trù thì đang khỏe cũng bệnh”. Còn nhớ vào tháng 6/2011,  lần đầu tiên tôi gặp Bạch Vân tại nơi chị ở là căn gác xép nóng hầm hập phải bật ba cái quạt, để thêm một chậu nước mà mồ hôi vẫn ra như tắm. Bạch Vân mệt nhọc nằm đó, vậy mà nhắc đến ca trù chị phấn chấn như có sức sống mới. Chị ngồi dậy lấy phách ra rồi bắt đầu hát say sưa. Giọng hát đầy cảm xúc của chị tôi mới thấm thía cái mê hoặc của ca trù. Có một khán giả trẻ từng tâm sự với Bạch Vân rằng, giờ nghe chị hát mới hiểu tại sao trước đây ông mình bán nhà vì ca trù. Cả những bạn bè quốc tế dù không hiểu tiếng Việt cũng đến với chị để tìm hiểu, để học hỏi về môn nghệ thuật này. Ấy vậy mà có một nhà tu hành từng sống chết mong được lấy chị làm vợ. Thế rồi ở tuổi 43, chị bước lên xe hoa. Vợ chồng đi đâu cũng có nhau, chồng đàn vợ hát. Nhưng rồi chồng chị mải mê với cửa hàng kinh doanh cơm chay, chị vẫn mải mê nghiệp ca trù, vợ chồng dần xa nhau rồi chia tay. Bạch Vân vẫn mải mê nghiệp “phù suy” không mệt mỏi. Nỗi lo lớn nhất hiện tại của chị là việc đào tạo cho lớp trẻ kế cận bởi người đam mê và có cả năng khiếu thì rất hiếm.

Ca trù là sự kết hợp của thi ca và âm nhạc. Ca nương không chỉ cần có giọng hát tốt mà còn phải có phông văn hóa, sự trải nghiệm để có thể thấu hiểu được những triết lý sâu xa của ca từ, từ đó tạo cảm xúc, cái thần khi biểu diễn. Bên cạnh đó, học ca trù phải theo lối truyền khẩu. Bài ca trù khó chép thành bản nhạc, mà khi chép rồi cũng không theo đó mà hát hay đánh cho đúng bài được. Trong khi đó, các nghệ nhân ca trù đều đã ở tuổi xưa nay hiếm. Công việc giảng dạy lớp trẻ được Bạch Vân hết sức coi trọng, chị vận động gia đình học sinh, dạy miễn phí, thậm chí đưa đón các cháu đi học. Bạch Vân cho biết: “Điều đáng mừng là càng ngày càng có nhiều người trẻ quan tâm đến ca trù, dấn thân học đàn, học hát, nghiên cứu; nhưng để đạt được cái gì thì còn phải chờ thời gian…”.

Nguyễn Trang (CTV)

tin mới

Đường hoa trên dốc Kẻ Lè ở Quỳ Châu

Đường hoa trên dốc Kẻ Lè ở Quỳ Châu

(Baonghean.vn) - Quốc Lộ 48A như dải lụa mềm vắt qua thị trấn Tân Lạc, huyện miền núi Quỳ Châu có hai con dốc khá nổi tiếng là Kẻ Lè và Bù Bài. Để tạo mỹ quan cho cửa ngõ thị trấn Tân Lạc, huyện Quỳ Châu từ đầu năm nay đã tổ chức thành công đường hoa trên dốc Kẻ Lè.

Có hẹn với Môn Sơn - Lục Dạ

Có hẹn với Môn Sơn - Lục Dạ

(Baonghean.vn) - Lễ hội Môn Sơn - Lục Dạ là một trong những lễ hội độc đáo và mang đậm bản sắc văn hóa của người dân tộc Thái ở huyện Con Cuông. Bên cạnh cảnh đẹp thiên nhiên, Môn Sơn còn níu chân du khách bởi bản sắc văn hóa độc đáo của người dân nơi đây.

Tháng Tư về trên sắc hoa cúc biển Cửa Lò

Tháng Tư về trên sắc hoa cúc biển Cửa Lò

(Baonghean.vn) - Cứ mỗi độ tháng 4 về, những bông cúc biển lại tỏa sắc rực rỡ. Vẻ đẹp riêng của loại hoa được xem là biểu tượng du lịch Cửa Lò khiến cho các thiếu nữ không thể bỏ lỡ với mong muốn lưu lại những tấm hình làm kỷ niệm.

Khai mạc lớp bồi dưỡng văn học, nghệ thuật đối với sự phát triển công nghiệp văn hóa ở Việt Nam

Khai mạc lớp bồi dưỡng văn học, nghệ thuật đối với sự phát triển công nghiệp văn hóa ở Việt Nam

(Baonghean.vn) - Ngày 15/4, tại thành phố Hạ Long, Hội đồng Lý luận phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương phối hợp với tỉnh Quảng Ninh khai mạc lớp bồi dưỡng “Văn học, nghệ thuật đối với sự phát triển công nghiệp văn hóa ở Việt Nam: Vai trò của sáng tạo, lý luận, phê bình và quảng bá”.

Bệnh tan máu bẩm sinh

Sàng lọc, phòng ngừa bệnh tan máu bẩm sinh

(Baonghean.vn) - Bệnh tan máu bẩm sinh (Thalassemia) là bệnh di truyền và ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe của người bệnh và cả chất lượng dân số. Tại Nghệ An, dù đã được tuyên truyền thường xuyên nhưng số người mắc bệnh vẫn còn khá cao, nhất là ở các huyện miền núi.

[Infographics] Những điểm nhấn Lễ hội du lịch Cửa Lò 2024

[Infographics] Những điểm nhấn Lễ hội du lịch Cửa Lò 2024

(Baonghean.vn) - Năm 2024, lễ hội du lịch Cửa Lò hướng đến quảng bá các giá trị văn hóa, vẻ đẹp của vùng đất và con người Cửa Lò đến du khách trong nước và quốc tế. Theo đó, Cửa Lò sẽ tổ chức chuỗi hoạt động thiết thực tạo điểm nhấn chào mừng kỷ niệm 30 năm thành lập Thị xã Cửa Lò.