Đâu là giải pháp?

28/11/2011 15:40

(Baonghean.vn) Hệ thống kênh thủy lợi Bắc Nghệ An phục vụ nước tưới cho 4 huyện Đô Lương, Yên Thành, Quỳnh Lưu và Diễn Châu. Năm 1995, kênh được bê tông hóa với chiều dài 23 km chủ yếu từ xã Lý Thành (Yên Thành) đến Quỳnh Văn (Quỳnh Lưu). Tuy vậy, từ đó đến nay, rất nhiều người đã phải bỏ mạng khi không may sảy chân rơi xuống kênh.

(Baonghean.vn) Hệ thống kênh thủy lợi Bắc Nghệ An phục vụ nước tưới cho 4 huyện Đô Lương, Yên Thành, Quỳnh Lưu và Diễn Châu. Năm 1995, kênh được bê tông hóa với chiều dài 23 km chủ yếu từ xã Lý Thành (Yên Thành) đến Quỳnh Văn (Quỳnh Lưu). Tuy vậy, từ đó đến nay, rất nhiều người đã phải bỏ mạng khi không may sảy chân rơi xuống kênh.


Đã hơn 1 năm, nhưng người dân Yên Thành vẫn chưa quên nỗi đau khôn nguôi của gia đình ông Nguyễn Viết Thuyên (58 tuổi) xóm 2, xã Trung Thành (Yên Thành), một ngày chịu hai đám tang con. Cả hai con gái của ông đều đang là sinh viên năm thứ 3 của Trường đại học Khoa học - Huế. Được nghỉ Tết sớm, thấy mọi người trong gia đình cày cấy vất vả, hai đứa xin ra đồng làm giúp, không ngờ, đến đoạn sông Vếch Bắc thuộc xã Nam Thành thì xe trượt và bị nước cuốn.


Bờ kênh như thế này dễ dẫn đến cái chết nếu bị sảy chân

Ông Phan Thế Trung - Chủ tịch UBND xã Nam Thành, cho biết: Có trường hợp bị rơi trên kênh đoạn qua xã Nam Thành chết, nhưng cũng có những trường hợp chết ở nơi khác rồi trôi về đây. Ví như trường hợp anh Thanh Hà trú ở thị trấn, bị chết năm 2005 do rơi cả người và xe ở kênh đoạn qua xã Lý Thành, nhưng lại trôi về Nam Thành.


Cách đây vài tháng, cháu Ngô Trí Tuệ, 6 tuổi, ở xã Nam Thành, theo chị đi chăn trâu trượt chân rơi xuống kênh, nhưng rất may được phát hiện và cứu kịp thời. Mới đây, 2 người dân đi nhặt củi ở xã Long Thành cũng bị ngã xuống kênh, phải nhờ đến những chiếc đòn xóc mới thoát nạn.


Hệ thống thủy lợi Bắc Nghệ An được khởi công xây dựng từ năm 1929, có chiều dài kênh chính 56 km, cùng với 320 km kênh cấp 1 liên huyện. Do phần đầu mối bị bồi lấp: tuy nen, kênh và các công trình trên kênh không đủ tải nước, diện tích thu hẹp chỉ phục vụ được 20.000 ha nên năm 1995, từ nguồn vốn ADB, kênh được bê tông hóa với chiều dài 23 km (lát bê tông lòng kênh), chủ yếu từ xã Lý Thành (Yên Thành) đến Quỳnh Văn (Quỳnh Lưu).

Đây là giải pháp kinh tế trong xây dựng kênh thủy lợi, được Bộ Nông nghiệp đánh giá cao về tính hiệu quả. Sau khi được bê tông hoá, đã tránh được hiện tượng lãng phí nước, tốc độ nước chảy nhanh hơn (đạt 68m3/s); đảm bảo đủ nước cho hạ nguồn, giữ cho lòng kênh không bị sạt lở và tránh được việc phải bỏ kinh phí nạo vét hàng năm. Tuy vậy, do kênh được lát bê tông hai bên nên nhiều trường hợp khi rơi xuống, dù có biết bơi cũng đành chịu chết vì không có chỗ bấu víu vào, gây kiệt sức.


Một ngày đầu đông, chúng tôi về Nam Thành. Đoạn kênh chảy qua xóm Trần Phú lúc này mực nước chỉ chưa đầy nửa mét, một vài chị ra phía chân cầu nơi có bậc lên xuống để giặt giũ. Một người dân đạp xe bên bờ kênh biết chúng tôi tìm hiểu an toàn của hệ thống kênh cũng dừng xe lại nói: Hiện Công ty Thủy nông Bắc đang tiến hành tu sửa nên đóng nước, chứ bình thường nước dâng cao khoảng 4m, chảy rất xiết. Hôm nay nắng ráo tôi mới đi đường này, còn mưa thì đường trơn, lại gồ ghề dễ sẩy chân rơi xuống kênh lắm.


Ông Hoàng Tư Thịnh - Phó Gíam đốc Công ty TNHH MTV Thủy lợi Bắc cho rằng, những sự cố xảy ra là do người dân chủ quan và có những trường hợp do uống rượu say. Đường hai bên kênh cũng lại là đường công vụ chứ không phải đường giao thông đi lại của dân, nên người dân cần cẩn trọng, địa phương cần tăng cường công tác tuyên truyền để người dân phòng tránh, nhất là mùa hè không được cho trẻ em đùa nghịch, tắm ở kênh.


Được biết, để hỗ trợ cho việc phát triển kinh tế vùng Bắc Nghệ An, hiện nay Dự án JICA (Chính phủ Nhật Bản) đã đồng ý đầu tư nâng cấp Dự án Thủy lợi Bắc Nghệ An. Dự án sẽ đầu tư làm lại đầu mối bara Đô Lương, tiếp tục đổ bê tông hệ thống kênh... Xung quanh vấn đề đảm bảo an toàn tính mạng người dân, cùng chung quan điểm của Công ty Thủy lợi Bắc, ông Nguyễn Thọ Cảnh - Giám đốc Sở NN&PTNT cho rằng: Địa phương cần có trách nhiệm tuyên truyền, đảm bảo an toàn cho người dân vào mùa mở nước, người dân không nên tắm giặt, hay đứng gần kênh,... Về ý kiến cần làm lan can hai bên kênh hoặc tạo gờ mép kênh, hay có cọc cứu hộ để người dân nếu sảy chân có thể bấu víu, ông Cảnh nói: "Chúng tôi ghi nhận ý kiến của người dân, nhưng phải có sự bàn bạc thống nhất với bên thiết kế thi công".


Thu Huyền

Mới nhất
x
Đâu là giải pháp?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO