Đâu là nguyên nhân?
(Baonghean.vn) Năm 2009, huyện Quỳ Châu đã giao trên 200 ha đất rừng tại khu vực Huối Canh (hay còn gọi là Khe Canh, ở xã Châu Hội), cho Công ty TNHH Thanh Thành Đạt. Thế nhưng, gần đây 100 hộ dân bản Khứm gửi đơn khiếu kiện tới UBND tỉnh.
Theo ông Hà Văn Xuyên, Trưởng bản Khứm, xã Châu Hội, năm 2009, xã Châu Hội và huyện Quỳ Châu làm thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất với diện tích 280 ha đất tại khu rừng Khe Canh cho Công ty TNHH Thanh Thành Đạt. Trước khi giao đất, BQL bản đã tổ chức cuộc họp toàn dân, cán bộ xã, huyện về dự và bà con đã được bàn bạc, thống nhất. Không hiểu sao đến năm 2011, người dân trong bản lại cho là ông đã thông đồng với xã bán đất nên đã viết đơn khiếu kiện. Nguy hại hơn là họ đã tự thành lập ra 6 tổ, bầu các ông Lô Văn Khoái, Vi Văn Nam, Lô Kim Dung, Lương Văn Kiệm, Hoàng Văn Chính, làm tổ trưởng. Trong 2 ngày (21-22/9/2011), sau khi các tổ họp xong, bất chấp lời can ngăn của BQL bản, các ông tổ trưởng đã gọi 124 hộ dân vào khu rừng Huối Canh để tranh giành đất với Công ty TNHH Thanh Thành Đạt, sau đó khoanh vùng từng lô, rồi chia cho từng hộ.
Để tìm hiểu thực hư, chúng tôi tìm gặp các ông "tổ trưởng" nhưng cũng phải mất hàng tuần, bởi họ chuyên nằm trong khu rừng Huối Canh để trông giữ đất rừng. Qua một vài câu chuyện xã giao, biết chúng tôi muốn tìm hiểu để viết bài thì ông Lô Văn Khoái cho biết: "Việc giao đất, giao rừng cho Công ty, người dân chúng tôi chỉ được nghe chứ không được biết. Từ bao đời nay, khu rừng Khe Canh là nơi bà con làm nương rẫy, khoanh vùng để chăn nuôi trâu, bò và tận dụng lâm sản phụ để kiếm sống.
Nay thấy người ở nơi khác đến trồng keo và không cho bà con làm nương rẫy. Thấy quá vô lý, chúng tôi đã làm đơn gửi lên xã, huyện nhưng chờ từ năm 2010 đến nay, không thấy cán bộ trả lời nên chúng tôi mới làm thế". Còn bà Lữ Thị Yên (một người dân được chia đất rừng tại Huối Canh), bức xúc: "Người ta bảo giao đất, giao rừng cho dân để người nuôi rừng và sản phẩm của rừng lại nuôi người. Vậy mà, cái quyền, cái lợi đó chúng tôi không được nhận. Ngược lại, bao nhiêu đất rừng người dân khai hoang trước đây, giờ thuộc quyền sở hữu của Công ty hết".
Đến xã Châu Hội tìm hiểu được ông Lang Anh Tý, Chủ tịch UBND xã Châu Hội cho biết: "Sở dĩ người dân khiếu kiện là có người chưa hiểu nên xúi dục; việc giao đất cho Công ty TNHH Thanh Thành Đạt, huyện, xã đã có biên bản cuộc họp toàn dân và họ đã nhất trí. Sau khi sự việc xẩy ra, UBND xã đã mời 6 ông "tổ trưởng" lên để làm việc nhưng họ không những không nghe giải thích của chủ trì cuộc họp mà còn đòi đánh cả Phó chủ tịch UBND xã Nguyễn Thanh Luận. Hiện sự việc đã vượt quá thẩm quyền của xã, chúng tôi đã đề nghị lên huyện nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết.
Được biết, cũng như một số địa bàn khác, hiện nay ở Quỳ Châu đã xuất hiện tình trạng người dân ở gần rừng mà không có đất để sản xuất, không được nhận đất rừng để khoanh nuôi. Ngoài bản Khứm thì bản Hạnh Tiến (xã Châu Hạnh) cũng có 114 hộ dân và cuộc sống lâu nay của họ chỉ biết gắn với đất rừng nhưng cũng bị trắng tay, không được nhận một tấc đất rừng.
Đó là trực trạng và cũng là câu hỏi cần lời giải đáp thấu đáo từ các cơ quan chức năng và chính quyền các cấp. Việc người dân bản Khứm (xã Châu Hội) tự thành lập tổ nhóm và chia đất rừng cho nhau là phản ứng tự phát và trái pháp luật. Tuy nhiên, chúng tôi đề nghị chính quyền xã Châu Hội, UBND huyện Quỳ Châu cần có những biện pháp giải quyết thấu đáo, để ngăn chặn tình trạng tranh giành đất lộn xộn; đồng thời, có phương án giao khoán hợp lý để bà con sống được từ rừng.
Công Tâm