Đầu ra cho sản phẩm nông sản: Chữ “tín” tạo nên thị trường

27/08/2013 14:17

(Baonghean) - Với khối lượng sản phẩm lớn, chủng loại đa dạng, phong phú, lĩnh vực nông nghiệp Nghệ An đang dần phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa. Tuy nhiên, việc tìm đầu ra cho sản phẩm nội địa, khắc phục tình trạng “được mùa - rớt giá” là bài toán khó, chưa có lời giải. Câu chuyện đầu ra cho hàng hóa nông sản không phải mới, nhưng chưa bao giờ mất đi tính thời sự...

Vòng luẩn quẩn “được mùa - rớt giá”


ỗi năm, trên địa bàn tỉnh có hàng triệu tấn nông sản được sản xuất, với đủ các chủng loại. Trong điều kiện một tỉnh chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp, phần lớn sinh hoạt đời sống của người dân đều trông cậy vào sản phẩm nông nghiệp. Tuy nhiên, tiêu thụ nông sản luôn là nỗi lo của người sản xuất. Có những thời điểm, người dân chưa kịp vui vì được mùa, đã buồn phiền vì giá nông sản rớt thê thảm. Đáng nói hơn, không chỉ những mặt hàng chưa có đầu mối tiêu thụ ổn định, mà ngay cả các sản phẩm có liên kết sản xuất với Doanh nghiệp như cây sắn, cây mía... cũng không tránh khỏi bị "o ép" đầu ra. Dù rằng, thời gian qua, các ngành, địa phương đã có nhiều cố gắng trong triển khai, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật về công tác giống, quy hoạch vùng sản xuất…Nhưng phần lớn người dân vẫn còn sản xuất tự phát theo ý chủ quan, được chăng hay chớ, đôi khi còn phó mặc cho sự may rủi.

Cách đây vài ba năm, trước hiệu quả mà cây sắn mang lại, nông dân các xã trên địa bàn huyện Con Cuông, Anh Sơn ào ạt chuyển đất trồng rừng, đất gieo trồng rau màu sang canh tác và mở rộng diện tích loại cây này. Tuy nhiên, sắn gần đây rớt giá thảm hại, khiến người dân điêu đứng. Vụ thu hoạch năm 2011, lúc cao điểm sắn lên tới 2.800 đồng/1kg, đến năm 2012 nơi tốt giá nhất cũng không bằng số lẻ của năm trước, chỉ 700 đồng/1kg. Tìm hiểu nguyên nhân vì sao giá sắn lại rớt thảm hại?. Từ những người nông dân, đến cán bộ nông nghiệp các địa phương trồng sắn đều cho rằng, do vụ trước được giá, nên vụ kế tiếp bà con "thừa thắng xông lên" mở rộng diện tích.

Điển hình là huyện Con Cuông, diện tích trồng sắn toàn huyện năm 2012 lên 1.000 ha, tăng gần 500 ha so với năm 2011. Phần lớn các xã đều mở rộng diện tích, có xã tăng gấp đôi như Lục Dạ, Châu Khê, Chi Khê... Sắn thu mua giá thấp. Một trong những nguyên nhân chính, là do người dân đua nhau trồng ồ ạt, thu hoạch cùng một lúc, tạo điều kiện cho tư thương “có quyền” lựa chọn, khống chế cả về giá bán và chất lượng sản phẩm. Còn theo người dân và lãnh đạo các xã, do diện tích và sản lượng sắn tăng “đột biến”, các nhà máy không thu mua hết, nên tư thương đã ngầm khống chế, liên kết để ép giá sắn xuống thấp...

Không riêng gì cây sắn, gần đây cây dưa hấu, cây ớt... cũng bấp bênh theo thị trường tiêu thụ. Hình ảnh cả dãy dài xe chở dưa hấu vượt xa hàng nghìn cây số, mòn mỏi chờ ở cửa khẩu Lạng Sơn để xuất sang Trung Quốc, rồi bị ép cấp, ép giá, làm nản lòng nông dân thời hội nhập. Hiện, Nam Đàn là huyện trồng ớt nhiều nhất tỉnh, với diện tích khoảng gần 60ha, trong đó xã Khánh Sơn, Nam Cường là 2 địa phương dẫn đầu với diện tích gần 30 ha, năng suất bình quân đạt 7 tấn/ha. Ở thời điểm năm 2010 - 2011, giá ớt tươi giao động từ 6.000 - 7.000 đồng/kg, các tư thương đến tận ruộng thu mua. Tuy nhiên, vụ xuân năm 2012, ớt sụt giá chỉ còn 4.000 - 4.500 đồng/kg. Với mức giá này, dù không bị thua lỗ, nhưng vụ xuân 2013 này nhiều hộ dân hoang mang, không dám đầu tư mở rộng diện tích.

Ông Phạm Văn Đước - Phó Chủ tịch UBND xã Khánh Sơn cho biết: "Ớt cay từ lâu vốn là cây trồng truyền thống chủ lực của xã, những năm trước, chủ yếu tiêu thụ trên thị trường nội địa, với diện tích sản xuất hơn 10ha. Từ năm 2010, Công ty TNHH Tuấn Linh (đóng tại tỉnh Bắc Ninh) thông qua huyện Nam Đàn, xuống trực tiếp hợp đồng với xã để trồng ớt giống Trung Quốc, phục vụ xuất khẩu. Theo cam kết, Công ty hỗ trợ 40% tiền giống và bao tiêu toàn bộ sản phẩm, huyện trích kinh phí hỗ trợ thêm 60% giá giống. Sang vụ xuân 2011, diện tích ký hợp đồng với Công ty Tuấn Linh là 30,5ha ớt Trung Quốc. Doanh nghiệp vẫn áp dụng hình thức hỗ trợ hạt giống 40%, giá thu mua trong hợp đồng được cam kết thấp nhất 6.000 đồng/kg quả tươi, nếu giá thị trường cao hơn thì sẽ mua theo giá thị trường.

Bởi vậy, nhiều hộ mạnh dạn mở rộng diện tích, có hộ trồng tới 4- 5 sào. Thế nhưng, ngay từ đầu vụ, giá thu mua đã không ổn định, luôn thay đổi theo từng lứa thu hoạch và có những yêu cầu về sản phẩm khác nhau trong mỗi lứa. Lứa mua đầu tiên, HTX Khánh Sơn xuất được 1.500 kg, Doanh nghiệp thu mua hàng xô với giá 4.000đồng/kg quả tươi; lứa thứ 2 xuất được 6 tấn, giá nhập tăng lên 5.000 đồng/kg; lứa thứ 3 xuất tiếp 16 tấn, Doanh nghiệp lại hạ giá thu mua xuống còn 4.500 đồng/kg. Đến lứa thứ 4, Công ty yêu cầu quả phải chín 100%, đồng thời phải cắt bỏ cuống, mao đài, nhưng người dân cũng chỉ được trả 4.000 đồng/kg; những hộ sản phẩm không đạt các tiêu chuẩn đưa ra, giá thu mua chỉ được 3.500 đồng/kg... Sau 2 vụ trồng ớt xuất khẩu, không thấy doanh nghiệp quay lại địa phương để tiếp tục thực hiện liên kết sản xuất"...

Không nằm ngoài quy luật cung- cầu, những năm gần đây, phong trào nuôi con đặc sản phát triển mạnh mẽ, đem lại lợi nhuận khá cao cho người chăn nuôi. Song không phải hộ nuôi nào cũng dễ dàng tìm được đầu ra cho sản phẩm, nhất là những hộ nuôi nhỏ lẻ càng khó tiêu thụ. Còn nhớ, cách đây 3 năm, nuôi nhím thương phẩm được coi là nghề "hái " ra tiền, nhiều hộ nông dân không ngần ngại đầu tư lớn để nuôi loài động vật hoang dã này.

Ở thời điểm cao trào (vào khoảng năm 2009 - 2010), mua một đôi nhím giống có giá 18 triệu đồng, mỗi năm nhím mẹ sinh sản 2 lứa, mỗi lứa từ 2 - 3 con; sau 3 tháng có thể xuất chuồng bán nhím giống với giá 15 - 20 triệu đồng/đôi. Nuôi thương phẩm, trong vòng 6 tháng nhím có trọng lượng từ 15 - 20kg/con, với giá bán trung bình từ 500 - 800 nghìn đồng/kg. Chỉ trong khoảng 6 tháng, người nuôi nhím không chỉ thu đủ vốn, mà còn cho đồng lãi. Nếu nuôi tiếp từ 12 - 15 tháng sẽ có thêm cặp nhím bố mẹ... Chính vì lợi nhuận nhiều và nhanh như vậy, nhiều hộ đã ồ ạt nuôi. Nhưng hiện giờ, giá nhím giảm mạnh. Từ 15 - 20 triệu đồng một đôi nhím giống, nay chỉ còn 1,2 - 1,6 triệu đồng; nhím thương phẩm khoảng 150.000 - 200.000 đồng/kg. Tình trạng trên, khiến nhiều hộ nuôi nhím gặp bế tắc "bán cũng dở, để không xong". Nếu bán sẽ không đủ vốn, mà càng nuôi thì càng lỗ. Đối với những hộ mới tham gia nuôi, thì chưa kịp làm giàu đã phá sản vì một lý do dễ hiểu - không có đầu ra...

Loại bỏ tư tưởng“ăn xổi ở thì”

Trên địa bàn Nghệ An, hiện có 6 siêu thị đang hoạt động, trong đó có 2 tên tuổi lớn là siêu thị Big C và Metro. Mặc dù các siêu thị có quy mô lớn, lượng hàng hóa tiêu thụ mỗi ngày cao, nhưng đang thiếu vắng nguồn nông sản địa phương. Xây dựng và quảng bá thương hiệu, đưa nông sản của đồng đất quê mình chiếm lĩnh thị trường nội địa, là khát vọng cháy bỏng của nhiều người dân. Tuy nhiên, lối ra đã mở, nhưng cửa vào lại quá hẹp, với quá nhiều rào cản, cả khách quan lẫn chủ quan. Bởi vậy, nếu không có tầm nhìn chiến lược, loại bỏ tư tưởng "ăn xổi ở thì", các nhà sản xuất trong tỉnh chỉ biết ngậm ngùi nhìn các sản phẩm “ngoại” tỉnh mặc sức tung hoành ngay trên sân nhà.

Siêu thị Big C đứng chân trên địa bàn Thành phố Vinh, chỉ là một "mắt xích" trong chuỗi 24 siêu thị trong hệ thống trên toàn quốc. Có mặt tại Nghệ An, lẽ ra siêu thị sẽ là cầu nối quan trọng giữa nhà sản xuất trong tỉnh với thị trường trên toàn quốc. Tiếc rằng, cho đến nay trong số trên 16.000 sản phẩm với 90% hàng nội bày bán ở siêu thị, các sản phẩm sản xuất trong tỉnh chỉ đếm trên đầu ngón tay, như: Rau, củ (Nghi Kim), trứng gà, thịt gà, thịt lợn của Doanh nghiệp Lực Lam (xã Nghi Đồng - Nghi Lộc)... với số lượng nhỏ, mẫu mã, hình thức đơn giản, không phong phú như các sản phẩm đến từ tỉnh khác.

Trước đó, cam Vinh, cá, mực Cửa Lò cũng đã có mặt tại đây, nhưng vì không đáp ứng các điều kiện theo quy định của hệ thống, nên đành từ bỏ. Sẽ bình thường, nếu là các sản phẩm không phải thế mạnh của tỉnh nhà. Đằng này, các sản phẩm, thậm chí còn được quảng bá là đặc sản của địa phương như: Tương Nam Đàn, cà Nghi Lộc, lạc, đậu... Các cá nhân, tổ chức không nắm bắt, hoàn thiện để “vào” được siêu thị. Hoặc như, mặt hàng muối, tỉnh ta có diện tích sản xuất hơn 700 ha với sản lượng gần 80.000 tấn/năm, nhưng hiện trong siêu thị, từ sản phẩm muối tinh đến muối thô đều do Công ty CP VISACO Thành phố Thanh Hóa cung cấp. Hay sản phẩm đường các loại cũng của Công ty CP TM& DV Cuộc sống Việt- Hà Nội; sản phẩm bột sắn dây của Công ty CP Thương mại Thành Lộc - Hưng Yên, cũng đang chiếm lĩnh diện tích trưng bày...



Siêu thị Metro mỗi năm nhập trên 300 tấn rau, củ các loại của xã Quỳnh Lương (Quỳnh Lưu) .

Sở dĩ nông sản địa phương khó vào siêu thị, một phần do thiếu sự liên kết. Người dân trồng rau, củ, quả, chăn nuôi lợn, gà chỉ theo quy mô nông hộ, số lượng cung ứng ra thị trường ít, nên việc đưa hàng vào siêu thị một cách ổn định, đáp ứng các yêu cầu quy chuẩn, là vượt khả năng của hộ cá thể. Hơn nữa, để sản phẩm vào được siêu thị cũng cần rất nhiều giấy tờ liên quan đến thủ tục pháp lý, bản thân mỗi hộ dân riêng lẻ sẽ khó thực hiện; Phía các doanh nghiệp cũng e ngại khi ký gửi hàng vào siêu thị, bởi phải cạnh tranh và tuân thủ theo những quy định nghiêm ngặt. Mặt khác, do tư tưởng kinh doanh theo kiểu "ăn xổi ở thì" đã ăn sâu, bám rễ, chưa có mấy người sản xuất nghĩ đến lợi ích lâu dài. Họ chưa tính được, hoặc chưa muốn tính đến bài toán: Đưa hàng vào siêu thị, tuy lời ít, nhưng là một hình thức quảng bá hình ảnh, một cách tìm đối tác trên toàn quốc và quốc tế...

Để nông sản "được" vào siêu thị, cần sự liên kết giữa chính quyền địa phương, các HTX nông nghiệp và bản thân các doanh nghiệp kinh doanh siêu thị. Vai trò của các HTX nông nghiệp, các đầu mối thu mua là khá quan trọng. Nếu thành lập được các đầu mối thu mua hàng nông sản địa phương, sau đó tiến hành các thủ tục như đăng ký nhãn hiệu, giấy phép kinh doanh và kiểm định chất lượng, chắc chắn các sản phẩm nông sản sẽ "thản nhiên" bước vào siêu thị. Từ đó, hàng nông sản Nghệ An mới phát triển và mở rộng quy mô được.

Đối với các siêu thị, thay bằng phải đặt hàng, thuê xe vận chuyển sản phẩm nông sản từ các tỉnh, thành phố lớn về Nghệ An tiêu thụ, với khoảng thời gian vận chuyển mất vài ba ngày, chi phí vận chuyển tương đối cao, bằng tiếp nhận sản phẩm tại chỗ sẽ giảm được giá thành, nâng chất lượng sản phẩm, tạo được mối liên hệ khăng khít, thân thiện với người dân và địa phương. Khi đã có mối quan hệ tương tác “hai bên cùng có lợi”, thì sự tồn tại, phát triển của siêu thị, hay của nền sản xuất tại địa phương sẽ là mối quan tâm của cả 2 bên.

Chữ “tín” tạo nên thị trường

Trong khi rất nhiều địa phương, sản phẩm hàng hóa của nông dân làm ra không định hình được đầu ra, người dân sản xuất trong điều kiện được chăng hay chớ, thì ở xã Quỳnh Lương (Quỳnh Lưu), cùng với chỉ đạo xây dựng mô hình trồng rau an toàn, chất lượng cao, địa phương đã tích cực tìm thị trường tiêu thụ ổn định để nông dân yên tâm phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập... Về Quỳnh Lương bây giờ, chỉ thấy những cánh đồng rau màu an toàn, chất lượng cao đang thời kỳ thu hoạch. Được biết, từ năm 2000, thực hiện phong trào dồn điền đổi thửa, bà con đã mở rộng diện tích trồng rau lên 180ha. Đến năm 2002, UBND xã Quỳnh Lương đã phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin, truyền thông phục vụ việc quảng bá sản phẩm.

Tháng 10/2003, rau Quỳnh Lương chính thức lên mạng, với một trang web riêng " www.quynhluong.gov.vn ". Ngay sau khi sản phẩm rau Quỳnh Lương được quảng bá ra thị trường rộng lớn trong nước và thế giới, lượng rau tiêu thụ tăng lên rõ rệt. Từ 10- 15 tấn/ngày lên 60- 70 tấn/ngày. Khi sản phẩm được giới thiệu ổn định trên mạng internet, ngày càng nhiều bạn hàng truy cập, giao dịch, đặt hàng, thị trường không còn bó hẹp ở các vùng phụ cận, mà nhanh chóng trải rộng từ Hà Nội, Ninh Bình, Thanh Hóa, vào tận Quảng Bình, Quảng Trị, Huế, Đà Nẵng... Bây giờ ở Quỳnh Lương, những người nông dân chân chất đều bán hàng qua điện thoại, qua mạng Internet, sản xuất và tiêu thụ lấy chữ “tín” làm trọng. Mọi thanh toán, giao dịch chủ yếu qua chuyển khoản, hoặc trực tiếp mà không cần có mặt chủ hàng.

Ông Hồ Cảnh Sáu, Chủ tịch UBND xã Quỳnh Lương cho biết: "Ngay từ khi có định hướng sản xuất hàng hóa, Quỳnh Lương đã rất quan tâm đến sản xuất rau sạch; người dân nhận thức rất rõ, tín nhiệm của người tiêu dùng chính là yếu tố đảm bảo nhất cho sự phát triển bền vững. Năm 2010, sau khi vượt qua vòng kiểm tra nghiêm ngặt, khắt khe của Siêu thị Metro- Thăng Long về chất lượng, mẫu mã, đảm bảo các quy chuẩn về dư lượng thuốc BVTV, nitrat.., rau Quỳnh Lương đã chính thức có chỗ đứng trên thị trường Hà Nội. Xã đã ký hợp đồng với hệ thống siêu thị Metro, quy hoạch 10 ha (ở xóm 3) trồng rau an toàn cung cấp cho siêu thị.

Hiện mỗi năm, Metro mới chỉ tiêu thụ khoảng 300 tấn rau, củ các loại trong tổng sản lượng hơn 15.000 tấn/năm của Quỳnh Lương, nhưng chính quyền và người dân vẫn quyết tâm làm, vừa để khẳng định thương hiệu, vừa tạo thói quen tạo sản phẩm sạch, chất lượng trong sản xuất". Tháng 7/2010 HTX Phú Lương- HTX trồng rau an toàn đầu tiên ở Quỳnh Lương và cũng là HTX đầu tiên của tỉnh ta sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGap được thành lập. Người dân được hướng dẫn sản xuất rau theo tiêu chuẩn VietGap, sản xuất theo nhu cầu của khách hàng tùy từng thời điểm, nhờ đó, năng suất, chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm cũng như vấn đề tiêu thụ được đảm bảo...

Để thị trường nông sản thực sự phát triển bền vững, công tác quy hoạch sản xuất nông nghiệp và vùng nguyên liệu phải đi trước một bước. Các doanh nghiệp cần đi tiên phong trong việc tiêu thụ nông sản, kết hợp với đầu tư ứng trước về giống, vật tư phân bón, hướng dẫn kỹ thuật để nông dân sản xuất đúng quy trình kỹ thuật, tạo ra sản phẩm có chất lượng. Quá trình sản xuất, cũng như tiêu thụ cần bảo đảm quyền lợi, nghĩa vụ và lợi ích giữa doanh nghiệp và người sản xuất... Các cấp chính quyền địa phương cần tập trung chỉ đạo, hướng dẫn và hỗ trợ doanh nghiệp, nông dân trong quá trình xây dựng, tổ chức thực hiện sản xuất, tiêu thụ nông sản. Năng lực quản lý và hoạt động tiêu thụ sản phẩm của hợp tác xã, tổ hợp tác của nông dân, phải nâng cao thực sự là cầu nối giữa doanh nghiệp và hộ nông dân. Cùng với đó, nông dân cần thay đổi tư duy sản xuất tự cung, tự cấp, tìm hiểu và đón đầu thị trường, để bớt đi nỗi vất vả lo toan về đầu ra của hàng hóa nông sản sau mỗi kỳ thu hoạch.


Ngọc Anh

Mới nhất

x
Đầu ra cho sản phẩm nông sản: Chữ “tín” tạo nên thị trường
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO