Đấu thầu cảng Quốc tế đầu tiên tại Việt Nam
Cục Hàng Hải Việt Nan (Bộ GTVT) vừa tổ chức lễ ký kết Hợp đồng cho thuê khai thác Bến cảng tổng hợp quốc tế Cái Mép - Thị Vải vào ngày 7/3.
Lần đầu đấu thầu bến cảng
Đơn vị trúng thầu thuê khai thác Bến cảng Quốc tế là Liên danh Công ty TNHH một thành viên Công ty cảng Sài Gòn- Cty CP cảng dịch vụ dầu khí tổng hợp Phú Mỹ - Cty CP Vinacommodities – Cty CP tập đoàn Muối miền Nam.
Ông Nguyễn Nhật, Cục trưởng Cục Hàng Hải cho biết: Dự án cảng quốc tế Cái Mép – Thị Vải là lần đầu tiên Chính phủ Việt Nam lựa chọn nhà khai thác cảng thông qua hình thức đấu thầu rộng rãi trong nước về quản lý cảng biển và luồng hàng hải.
Lễ ký kết hợp đồng cho thuê cảng Cái Mép – Thị Vải. |
Việc đấu thầu rộng rãi sẽ tiến tới phá bỏ dần sự độc quyền, tăng tính cạnh tranh, nâng cao chất lượng dịch vụ và tạo bước đột phá cho các DN khai thác cảng của Việt Nam, đồng thời đáp ứng các cam kết của Việt Nam sau khi gia nhập Tổ chức thương mại thế giới (WTO).
Đặc biệt, đây cũng là biện pháp nhằm thu hồi vốn đầu tư, giảm gánh nặng cho ngân sách Nhà nước.
Phát biểu tại lễ ký kết, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Công cho rằng: Dù là lần đầu tiên tiến hành triển khai đấu thầu chọn nhà thầu khai thác cảng Biển, nhưng với sự nỗ lực của các bên, cuối cùng đã chọn được nhà khai thác cảng đúng đắn nhất.
“Việc lựa chọn được nhà khai thác cảng Cái Mép – Thị Vải có ý nghĩa hết sức quan trọng. Bởi, liên doanh 5 DN này hội tụ đầy đủ các thế mạnh về khai thác cảng, về tài chính và nguồn hàng...”, ông Công nói.
Đủ sức cạnh tranh
Theo Cục trưởng Cục Hàng hải, ông Nguyễn Nhật, dự án phát triển cảng quốc tế Cái Mép – Thị Vải nằm trong nhóm cảng biển số 5, có quy mô đầu tư 02 bến container Cái Mép hạ, 02 bến tổng hợp Thị Vải, tổng mức đầu tư 12.891 tỷ đồng bằng nguồn vốn vay ODA của Chính phủ Nhật Bản và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam.
Bến tổng hợp Thị Vải được thiết kế và xây dựng cho tàu chở hàng rời cỡ Panamax có trọng tải 50.000DWT (có xét đến tàu hàng rời 75.000DWT giảm tải), tổng chiều bến là 600m.
Các công trình phụ trợ kèm theo gồm văn phòng điều hành, nhà kho, thiết bị (2 giàn cẩu đa chức năng 40 tấn), xưởng bảo dưỡng, trạm nhiên liệu, mặt sân bãi, cổng kiểm tra.
“Đây là dự án đầu tư xây dựng cảng biển cho tàu trọng tải lớn với quy mô trang thiết bị hiện đại, làm thay đổi diện mạo hệ thống cảng biển trong nhóm cảng số 5 cũng như trong hệ thống cảng biển Việt Nam”, ông Nhật nhận định.
Đại diện Liên danh các công ty trúng thầu khai thác cảng biển Thị Vải – Cái Mép cũng khẳng định: Việc đưa vào khai thác tổng hợp cảng Thị Vải sẽ góp phần làm giảm bớt tình trạng ách tắc hàng hóa trong khu vực cảng biển nhóm 5, đồng thời góp phần đẩy nhanh tiện độ di dời các cảng biển trong nội thành TP.HCM và nâng cao năng lực cạnh tranh với các cảng khách khi có khẳn năng tiếp nhận tàu lớn 75.000 DWT.
Trước sự ký kết của các bên, Thứ trưởng Nguyễn Văn Công yêu cầu, liên danh các công ty trúng thầu cần tập trung thiết bị máy móc để đưa vào khai thác có hiệu quả, đảm bảo hài hòa quyền lợi của DN cũng như quyền lời của Nhà nước.
Theo thứ trưởng Nguyễn Văn Công: Trong 5 – 6 năm gần đây, mặc dù bị ảnh hưởng bởi khủng hoảng kinh tế, nhưng sản lượng hàng hóa thông qua các cảng biển của Việt Nam vẫn tiếp tục tăng trưởng, năm 2013 sản lượng hàng hóa thông qua các cảng biển của cả nước khoảng 320 triệu tấn, tăng 9%so với năm 2012. Và số lượng contener đạt khoảng 8,4 triệu Teus, tăng khoảng 0,5% so với 2012.
Việt Nam đang ban hành một loạt cơ chế chính sách nhằm khuyến khích nhà đầu tư không chỉ trong nước và nước ngoài đến VN đầu tư, đồng thời khai thác hệ thống kết cấu hạ tầng cảng biển, trong đó có các quốc gia rất mạnh như: Mỹ, Đan Mạch, Nhật Bản...
Theo vietnam.net