(Baonghean) - Chương trình mục tiêu quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn rất có ý nghĩa đối với người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, nhiều công trình cấp nước sạch ở các xã vùng cao đang trong tình trạng hư hỏng, thậm chí bị “đắp chiếu” trong khi người dân phải dùng nước bị ô nhiễm.
Năm 2008, xã vùng cao Liên Hợp (Qùy Hợp) được Nhà nước đầu tư xây dựng công trình nước sinh hoạt tự chảy từ nguồn vốn Chương trình 135. Công trình được đầu tư bao gồm hệ thống đường ống dẫn nước, bể chứa nước, với tổng kinh phí gần 1,2 tỷ đồng. Hệ thống này sẽ cung cấp nước sạch cho 6 xóm, bản và một số đơn vị trường học trên địa bàn. Công trình là niềm mong ước của đồng bào nơi đây, vì từ nay sẽ có nước sạch để sinh hoạt. Thế nhưng, sau khi bàn giao đưa vào sử dụng được ít lâu thì hệ thống ống dẫn, các thiết bị xuống cấp hư hỏng, các bể chứa nước hầu như bị bỏ hoang.
Từ khi hệ thống nước sạch tự chảy bị xuống cấp, hỏng, 400 nhân khẩu của bản Na Xai, xã Liên Hợp hàng ngày sinh hoạt chủ yếu nhờ vào nguồn nước mó. Bà Lương Thị Thái, xóm Na Xai, xã Liên Hợp cho biết: "Nhà nước xây bể nước cho, nhưng không được lâu đã bị hỏng hết, không có nước, bà con trong bản phải tắm rửa, giặt dũ, sinh hoạt ở nước mó này thôi. Nước ăn cũng lấy ở đây, đưa về nhà xa, khổ lắm”. Nói về nguyên nhân, ông Lương Bá Xiết, Xóm trưởng xóm Na Xai cho biết thêm: "Do ý thức của người dân còn dùng bừa bãi, không bảo quản và do bị lũ lụt cuốn trôi ống dẫn đầu nguồn, hơn một năm rồi các công trình này không có nước cho bà con dùng".
![]() |
Công trình nước sinh hoạt tự chảy ở bản Cánh, xã Tà Cạ (Kỳ Sơn) không phát huy hiệu quả. Ảnh: Công Kiên
Huyện Quỳ Châu có 12 xã, thị trấn, gần như mỗi xã, thị đều có từ 1 đến 2 công trình nước sinh hoạt tự chảy. Theo sự chỉ dẫn của cán bộ xã, chúng tôi có mặt tại một trong những công trình nước sạch tự chảy ở xã Châu Bình. Công trình được hoàn thành và bước đầu bàn giao vào cuối năm 2012. Với hệ thống này đã cung cấp nước cho 500 hộ dân và 3 đơn vị trường học trên địa bàn.
Nhưng người dân chưa được thụ hưởng bao lâu thì nay công trình này đã bị hư hỏng và xuống cấp. Nguồn nước đã không thể cung cấp đến tận các hộ. Không có nước sạch, người dân ở bản Bình 1, xã Châu Bình đành phải dùng nước suối để sinh hoạt. Gặp chúng tôi, bà Lô Thị Viên – bản Bình 1 nói: “Do mưa lũ cuốn, công trình nước sạch đã hỏng nên bà con phải ra suối giặt và lấy nước về dùng. Rất mong Nhà nước tạo điều kiện sửa chữa sớm để dân ta lại có nước sạch dùng chứ dùng nước suối này phải đi xa lắm”.
Tình trạng xuống cấp các công trình nước sinh hoạt tự chảy ở các xã vùng 135 không chỉ diễn ra ở Quỳ Hợp, Quỳ Châu mà nhiều địa phương được thụ hưởng chương trình này cũng trong hoàn cảnh tương tự. Là một trong những địa phương đất rộng, có địa hình phức tạp, trong những năm qua xã Huồi Tụ, huyện Kỳ Sơn đã có rất nhiều nỗ lực để đầu tư, phát triển cơ sở hạ tầng, trong đó công trình nước sinh hoạt phục vụ dân sinh là một trong những dự án quan trọng nhất.
Các công trình này cũng đã từng bước đưa đời sống nhân dân xã Huồi Tụ ngày một phát triển. Tuy nhiên, sau một thời gian, việc quản lý, sử dụng các công trình này đã cho thấy những bất cập, khó khăn, không những không phát huy hiệu quả mà còn gây ảnh hưởng đến cuộc sống dân sinh. Ông Lỳ Chia Chư - Bí thư Đảng ủy xã Huồi Tụ (Kỳ Sơn) cho biết: “Sau khi nghiệm thu xong, chúng tôi chỉ sử dụng được vài tháng, mà lâu nhất là chỉ được một năm thôi, rồi sau đó công trình hư hỏng không sử dụng được. Hiện nay các bể chính bà con không có nước dùng nên phải đưa xe đến các khe, suối hoặc đi bộ để lấy nước về dùng”.
Qua tìm hiểu, nguyên nhân chủ yếu là sau khi xây dựng xong chủ đầu tư bàn giao cho cộng đồng quản lý sử dụng. Song ý thức bảo vệ của người dân không cao, khi có sự cố thì không ai báo cáo để sửa chữa kịp thời, không được duy tu, bảo dưỡng thường xuyên do không có kinh phí. Thế nên mới có chuyện người dân tự ý đào khoét đường ống, gây hư hại công trình. Và đến khi công trình xuống cấp, hư hỏng, chẳng ai đoái hoài, chính quyền địa phương thì trông chờ cấp trên "rót” kinh phí sửa chữa.
Ngoài ra, do việc chặt phá rừng, khai thác khoáng sản cũng khiến nguồn nước cung cấp từ các khe, suối cho công trình nước bị cạn kiệt. Mặt khác, các công trình cấp nước sinh hoạt trên địa bàn xã được xây dựng ở các khu vực nông thôn miền núi mưa lũ thường xuyên xảy ra phá hỏng kết cấu công trình. Phần lớn các công trình nước sạch tự chảy, do khâu thiết kế, vai trò tư vấn của địa phương chưa được coi trọng, nên khi thiết kế xong công trình lắp đặt không phù hợp. Theo ông Vi Thanh Tường - Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳ Hợp thì: “Do tiền đầu tư vào các công trình có hạn, đầu tư dàn trải nên ảnh hưởng đến chất lượng công trình”.
Để nâng cao hiệu quả các chương trình, dự án cho miền núi nói chung và công trình nước nói riêng, thiết nghĩ, nên xây dựng cơ chế đánh giá, giám sát hiệu quả các công trình, trong đó gắn trách nhiệm cụ thể cho chính quyền địa phương và thôn bản trong việc quản lý, bảo vệ. Có như vậy mới tránh được việc người dân “khát” bên cạnh công trình cấp nước tiền tỷ như hiện nay.