Đầu xuân, gặp nhà văn Sơn Tùng, hiểu thêm bài thơ “Đuốc sống”
Trong dịp đầu xuân, tôi cùng nhà giáo Hoàng Đạo Chúc đến thăm nhà văn Sơn Tùng theo hẹn trước để nhà văn cung cấp bài thơ về Anh hùng liệt sỹ Lê Văn Tám, mà ông thuộc từ khi là thành viên trong đội tuyên truyền từ sau Cách mạng Tháng Tám, khi ông 18 tuổi, đang hừng hực sức trai.
(Baonghean) – Trong dịp đầu xuân, tôi cùng nhà giáo Hoàng Đạo Chúc đến thăm nhà văn Sơn Tùng theo hẹn trước để nhà văn cung cấp bài thơ về Anh hùng liệt sỹ Lê Văn Tám, mà ông thuộc từ khi là thành viên trong đội tuyên truyền từ sau Cách mạng Tháng Tám, khi ông 18 tuổi, đang hừng hực sức trai.
Tác giả (bên trái) với nhà văn Sơn Tùng |
“Chiếu văn” hôm ấy ngoài một số nhà văn trẻ, còn có nhà văn Hoàng Kính (sinh năm 1933), từng là bộ đội tình nguyện chiến đấu ở chiến trường Lào.
Ở tuổi 82, nhà văn Sơn Tùng vẫn khỏe mạnh, trí tuệ mẫn tiệp. Ông chỉ vào chồng báo: “Tuần báo Văn nghệ thành phố Hồ Chí Minh”:
- Tôi thường xuyên theo dõi những bài viết về Lê Văn Tám, bởi những chứng cứ đầy sức thuyết phục, quan điểm và thái độ đúng mức, trân trọng với sự thật lịch sử, với những anh hùng quên mình hy sinh vì nước.
Trầm ngâm giây lát, ông sôi nổi hẳn lên, trong ánh mắt như có lửa:
- Đã bao năm rồi nhưng tôi không sao quên được kỷ niệm về những buổi biểu diễn văn nghệ ở Diễn Châu – Nghệ An và nhiều nơi khác phục vụ cho những đơn vị bộ đội và nhân dân. Bài thơ “Đuốc sống” bao giờ cũng được đề nghị ngâm lại nhiều lần, người ngâm và người nghe đều không kìm được xúc động, nhiều người không nén được tiếng khóc. Nói rồi ông cất giọng sang sảng:
“Buổi trưa ấy Sài Gòn rung ý hận
Nghiến răng nghe rầm rập tiếng chân thù
Anh đứng khoanh tay lòng nặng đợi chờ
Giờ cứu nước, giờ đây giờ cứu nước
Anh nhìn xuống, áo quần anh đẫm ướt
Mùi dầu xăng ngây ngất chí hiên ngang
Ngoài miệt xa phấp phới ánh sao vàng
Từng loạt súng từ Cầu Ông vọng lại
Mỗi tiếng súng là một người trẻ tuổi
Cùng đứng lên ngã xuống cũng như anh
Lòng lâng lâng dâng nước mảnh hồn xanh
Anh rạo rực trong anh sao nóng quá?
Anh châm lửa người anh mang cánh lửa
Anh băng băng xông vào giữa kho dầu
Ánh lửa hồng mỗi lúc một dâng cao…”
Tôi vô cùng ngạc nhiên, vì đây cũng là bài thơ nhà nghiên cứu chữ Việt cổ Đỗ Văn Xuyền, sinh năm 1937 đọc cho tôi nghe cuối năm 2009 và khẳng định đó là bài thơ “Lửa bất diệt” in trên báo “Quân Bạch Đằng” của Quân khu Ba và ông được nghe các chiến sỹ ngâm nhiều lần những ngày đó ở quê hương Thái Bình. Như vậy bài thơ này lúc đó được in ở nhiều báo với những tên gọi khác nhau, phổ biến rộng rãi trong toàn quân và mọi tầng lớp nhân dân.
Nhà văn Sơn Tùng xúc động:
- Sau này khi tôi vào Nam, được gặp các chiến sỹ biệt động năm xưa, các anh kể lại việc tổ chức đánh kho xăng lúc đó. Bàn bạc mãi cách đánh sao cho có hiệu quả, vì quân Pháp canh giữ rất nghiêm. Có mấy em hàng ngày vẫn đi bán lạc rang và đánh giầy để nắm tình hình quân giặc, xung phong nhận nhiệm vụ, vì còn nhỏ nên quân giặc không chú ý, dễ tạo được sự bất ngờ.
Nhà văn Hoàng Kính cho biết thêm:
- Tôi sinh ra ở Lào, Những ngày ấy không chỉ các chiến sỹ tình nguyện, mà bà con Việt kiều ở Lào, Thái Lan vẫn thường xuyên ngâm và truyền tay nhau, đến nay tôi cũng vẫn thuộc lòng bài thơ nhà văn Sơn Tùng vừa đọc. Tấm gương vì nước hy sinh của Anh hùng Lê Văn Tám đã tiếp cho chúng tôi niềm tin vào chiến thắng tất yếu của đất nước.
Tôi mạnh dạn hỏi nhà văn Sơn Tùng:
- Thưa nhà văn, ông có ý kiến như thế nào khi gần đây có một số người cho rằng Lê Văn Tám là nhân vật không có thật, thậm chí còn muốn hạ tượng Anh tại công viên Lê Văn Tám ở thành phố Hồ Chí Minh ?
- Những người có ý kiến như vậy, dù ở cương vị nào, thì đều là người chưa hiểu biết thấu đáo về lịch sử dân tộc. Dù đây không phải là nhân vật có thật chăng nữa, thì cũng đã trở thành một hình tượng lịch sử. Phủ nhận, xóa bỏ hình tượng lịch sử này là có tội với đất nước, xóa đi niềm tin của cả một dân tộc vào một thời kỳ đau thương mà anh dũng nhưng phơi phới tinh thần lạc quan cách mạng. Người Việt Nam chúng ta tự hào là con Rồng cháu Tiên, con cháu của các Vua Hùng. Những hình ảnh tuyệt đẹp của những bậc có công với nước như Thánh Gióng, cùng bao anh hùng dân tộc được nhân dân ta tôn là thần, thánh, là thành hoàng, sẽ sống mãi với non sông đất nước, tiếp thêm ngọn lửa niềm tin cho các thế hệ mai sau, sống, chiến đấu, bảo vệ và xây dựng đất nước.
Ông cười vui:
- Nước Pháp vô cùng tự hào với nhân vật Gavơrốt của Vích to Huy gô đấy thôi. Vậy mà họ có truy tìm lý lịch xem đấy là người như thế nào, hậu duệ là ai ? Đâu có phải họ không hiểu về lịch sử, mà bởi vì hình tượng nhân vật đó đã ăn sâu vào tiềm thức, tình cảm của mỗi người dân và trở thành biểu tượng của tinh thần yêu nước của cả dân tộc. Vậy tại sao ta lại phải mất nhiều thời gian mổ xẻ, truy tìm gốc tích của Anh hùng Lê Văn Tám, khi hình tượng “Em bé đuốc sống” đã trở thành biểu tượng của tinh thần yêu nước của dân tộc, trở thành ngọn lửa trong trái tim của mỗi người dân Việt Nam chân chính?
Từ trái sang: Nhà giáo Hòang Đạo Chúc – hội chủ “Hội những người yêu kính danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Trãi và Lễ nghi học sỹ Nguyễn Thị Lộ; nhà văn Sơn Tùng; giám đốc Trung tâm văn hóa Tráng An - Bùi Phúc Hải; nhà văn Hoàng Kính. |
- Thưa nhà văn, trước thềm xuân mới, nhà văn có nhắn nhủ gì với thế hệ trẻ?
- Đất nước ta đang trên con đường mở cửa và hội nhập, mở ra một vận hội mới cho đất nước và mỗi người. Năm nay lại là một năm rất đặc biệt, kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội. Tôi chúc các bạn trẻ sức khỏe, trí tuệ và luôn nuôi dưỡng, chăm chút ngọn lửa trong trái tim của mỗi người. Đó là ngọn lửa tình yêu, cuộc sống; ngọn lửa niềm tin vào chính mình và tương lai tươi sáng của dân tộc. Ngọn lửa ấy đã được cha ông ta thắp lên bằng máu của bao thế hệ, mỗi chúng ta phải có trách nhiệm chăm chút cho ngọn lửa ấy cháy mãi. Ngọn lửa bất diệt ấy sẽ giúp ta biết nhìn nhận đúng đắn quá khứ, hiện tại và tương lai, làm chủ chính mình, vượt qua mọi trở lực, xây dựng đất nước văn minh, hiện đại, đậm đà bản sắc dân tộc.
Tôi chợt nhớ cháu ngoại tôi đang học tại trường tiểu học Lê Văn Tám. Mỗi buổi chiều đợi ở cổng trường đón cháu, tôi thường nghe vang lên bài hát ca ngợi người anh hùng nhỏ tuổi. Đấy là bài: “Lê Văn Tám” của nhạc sỹ Phong Nhã mà chính tôi nghe cũng xúc động và vẫn thuộc bài hát: “Em nhớ nhất một chuyện năm xưa, ở miền Nam, một ngày kia bỗng kho xăng giặc cháy tan tành. Ai đã ghi công đầu nơi đây thật liệt oanh. Tuổi 13 chính tên gọi Lê Văn Tám. Bó đuốc sống sáng ngời soi đường cho Đội em tiến nhanh. Hôm nay đây vây quanh lửa hồng, lửa bập bùng như gọi tên Anh”. Giai điệu hào hùng của bài hát đã đi vào lòng bao thế hệ, góp phần hun đúc lòng yêu nước và chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Ngay cả khi đất nước đã hòa bình cũng vô cùng cần thiết. Khi tôi nói lên những suy nghĩ đó của mình, nhà văn Sơn Tùng gật đầu tán đồng.
-Cảm ơn nhà văn. Năm mới, kính chúc nhà văn mạnh khỏe, trường thọ, tiếp tục cho ra đời nhiều tác phẩm mới !
Trần Vân Hạc