Dạy bằng cả nhiệt huyết
(Baonghean) - Năm 2003, tốt nghiệp ra trường vừa đúng dịp UBND tỉnh triển khai Quyết định 37/2003 về việc thực hiện chính sách tăng cường giáo viên cho các huyện vùng cao, cô giáo Phạm Thị Linh đã viết đơn tình nguyện lên Quỳ Châu dạy học, dẫu biết rằng sẽ đối diện với vô vàn gian khó.
Cô Phạm Thị Linh trong một tiết dạy. |
Những gian nan vất vả ban đầu quả thật rất khó để chấp nhận, nhưng lòng yêu nghề đã giữ cô lại, sống lâu dần thành quen, thành gắn bó. Ăn ở tạm ổn, nhưng việc dạy tiếng Anh cho học trò vùng cao quả là một trở ngại. Vì hầu hết các em “đọc, viết tiếng Việt còn chưa tốt, nói gì đến tiếng Anh”. Những buổi đầu dạy các em phát âm, cô giáo Linh không khỏi bỡ ngỡ, ngạc nhiên khi cô càng nói thì các em càng cười. (Mãi sau này cô mới được đồng nghiệp cho hay có nhiều từ tiếng Anh khi phát âm ra rất giống “từ lóng” của tiếng Thái). Kế đến là vướng mắc trong sự chuyển ngữ - rất nhiều từ, cụm từ tiếng Anh có thể hiểu nhưng rất khó để diễn giải ra nghĩa đen, nghĩa bóng theo cách giản đơn của tiếng Việt. “Để dạy tốt, không có cách nào khác là em phải học tiếng Thái thật giỏi. May sẵn có tư duy ngôn ngữ, lại được dân bản và học trò mình nhiệt tình hướng dẫn nên em nhanh chóng nói thạo” - cô giáo Linh cho hay.
Học giỏi tiếng Thái đã giúp cô giáo Linh dễ dàng hơn trong việc dạy tiếng Anh cho học sinh. Tuy nhiên để các em học giỏi, thích thú với tiếng Anh lại là chuyện khác. Cô giáo Linh chia sẻ kinh nghiệm của mình: Trước hết mình phải đem hết lòng yêu nghề mến trẻ, nhiệt tình vào công tác giảng dạy để rồi từ đó truyền sự đam mê, thích thú bộ môn này cho các em. Và để khơi gợi sự hứng thú của các em thì phải có phương pháp sư phạm. Để trau dồi kỹ năng này, em thường xuyên học hỏi qua các thầy cô khác, qua tài liệu để góp nhặt kinh nghiệm. Ngoài ra phải dùng thêm tài liệu trực quan để dạy cho các em - ví dụ nói từ “cái ô” thì mình phải có cái ô thực tế hoặc tranh ảnh liên quan... Sự nhiệt tình, hết lòng của cô giáo Linh đã được đền đáp khi các học sinh được cô dạy năm đó đã biết và hứng thú, thậm chí có em học rất giỏi bộ môn Tiếng Anh. Những nỗ lực của cô giáo Linh và đồng nghiệp của mình đã góp phần xóa bỏ định kiến “người miền núi khó học được ngoại ngữ”.
Sau đó, cô giáo Linh chuyển về dạy bộ môn tiếng Anh” tại các trường THCS: Châu Bính và Châu Tiến. Đến năm 2006 cô được chuyển về dạy ở Trường THCS Hạnh Thiết, Thị trấn Quỳ Châu đến nay. Ở môi trường thuận lợi hơn, cơ sở trang thiết bị tốt hơn, cô giáo Linh đã phát huy thêm khả năng của mình, đặc biệt là việc bồi dưỡng các học sinh mũi nhọn: 7-8 năm nay, năm nào cô giáo Linh cũng có học trò đạt danh hiệu học sinh giỏi cấp tỉnh. Năm học 2013-2014, 4/4 học sinh do cô giáo Linh bồi dưỡng thì có 2 em đạt giải nhì, 1 em đạt giải ba kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh, 1 em đạt Huy chương Đồng kỳ thi Olympic tiếng Anh quốc gia... Cô giáo Phạm Thị Linh tâm tình: Trường lớp có đầy đủ phòng máy, thiết bị đã tạo điều kiện cho việc dạy phát âm chuẩn hơn, đặc biệt là có thể sử dựng các phần mềm dạy ngữ âm, phần đọc hội thoại của người bản ngữ. Cơ sở vật chất đầy đủ mà mình mà không dạy giỏi thì rất có lỗi”.
Cô Nguyễn Thị Xuân, Hiệu trưởng Trường THCS Hạnh Thiết đánh giá: Cô Linh là một giáo viên trẻ, hết sức tâm huyết với nghề. Bản thân cô là giáo viên giỏi cấp tỉnh, chiến sỹ thi đua cấp huyện, năm học 2012-2013 được Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen. Hơn 10 năm vào nghề, cô Linh đã có sáng kiến kinh nghiệm bậc 4 của tỉnh, chứng chỉ quốc tế FCE2, B2; từng được Sở Giáo dục - Đào tạo Nghệ An cử sang đào tạo tại Singapore 5 tháng ở Trung tâm Ngôn ngữ khu vực Đông Nam Á...
Thanh Sơn