Đẩy mạnh dồn điền, đổi thửa

23/06/2014 21:46

(Baonghean) - Để chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng chuyên canh hàng hóa, tăng giá trị kinh tế trên đơn vị diện tích, huyện Đô Lương đẩy mạnh công tác dồn điền, đổi thửa. Theo kế hoạch, đến cuối năm 2014, 33/33 xã, thị hoàn thành công tác này. Thực hiện mục tiêu đó, cả hệ thống chính trị từ cơ sở thôn, xóm tích cực vào cuộc.

Người dân xã Thuận Sơn sử dụng máy cày vào sản xuất sau dồn điền, đổi thửa.
Người dân xã Thuận Sơn sử dụng máy cày vào sản xuất sau dồn điền, đổi thửa.

Những ngày đầu tháng 6, bà con nông dân xã Thuận Sơn thực sự phấn khởi khi vụ lúa xuân được mùa với năng suất cao, đạt bình quân trên 7,3 tấn/ha. Vui mừng hơn khi đây là vụ mùa đầu tiên canh tác trên thửa ruộng lớn sau chuyển đổi ruộng đất, công tác thu hoạch vì thế nhanh gọn hơn để tập trung làm đất gieo cấy vụ hè thu kịp thời vụ. Đang cùng mấy thanh niên trong xóm 3 kiểm tra chiếc máy cày, bừa liên hoàn trước khi xuống dập đất, anh Nguyễn Văn Phương hồ hởi cho biết: “Bựa ni chiếc máy này chạy ngon lành hơn bởi ruộng nhà tôi cũng như các hộ khác rộng hơn. Trước đây, ruộng nhà tôi 5 thửa, lại cách xa nhau. Nhưng nay dồn, đổi chỉ còn một thửa và gần nhà hơn. Hộ nhiều nhất trong xóm cũng chỉ 2 thửa. Vì vậy, việc di chuyển máy móc làm ruộng cho mình và những gia đình khác cũng đỡ mất thời gian. Vụ hè thu này chúng tôi có thể làm nhanh hơn các vụ trước dăm bảy ngày…”.

Niềm vui của anh Phương cũng chính là sự hân hoan của tất cả 1.232 hộ dân trên địa bàn xã Thuận Sơn. Bởi bao đời nay, ruộng đồng manh mún, rải rác ở nhiều xứ đồng. Mỗi khi vào vụ sản xuất, thu hoạch, cả gia đình phải di chuyển 5 đến 6 nơi, mất thời gian, tốn công sức. Nhưng từ khi xã triển khai việc dồn điền, đổi thửa theo Chỉ thị 08- CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ ngày 8/5/2012 và Quyết định 2928/QĐ-UBND ngày 6/8/2012 của UBND tỉnh về kế hoạch vận động nông dân dồn điền, đổi thửa và khuyến khích tích tụ ruộng đất để phát triển sản xuất quy mô lớn trong nông nghiệp, các hoạt động trên đồng ruộng trở nên thuận lợi hơn nhiều so với trước.

Đồng chí Nguyễn Văn Mạn, phụ trách địa chính xã Thuận Sơn cho biết: “Từ tháng 11/2013, xã hoàn thành việc chuyển đổi ruộng đất, bà con ở các xóm đã mạnh dạn đầu tư thuê máy san ủi mặt bằng đồng ruộng để tập trung canh tác. Hàng trăm hộ đã bỏ ra mỗi hộ từ 5 đến 7 triệu đồng để thuê máy bình chỉnh ruộng. Có nhiều hộ nhận ruộng sâu, chi phí từ 10 triệu đồng trở lên. Điển hình như gia đình ông Nguyễn Văn Hợi ở xóm 4, chi phí trên 15 triệu đồng cải tạo ruộng. Khi dồn điền thành những thửa lớn, người dân đã mạnh dạn đầu tư mua sắm thêm máy móc phục vụ sản xuất, chuyển đổi giống, ứng dụng khoa học kỹ thuật thâm canh tăng năng suất, chất lượng. Đến nay toàn xã có trên 25 máy cày đa chức năng và nhiều máy gặt đập phục vụ đắc lực cho mùa vụ...”.

Cùng với xã Thuận Sơn, trong năm 2013, huyện Đô Lương có 2 xã khác hoàn thành việc dồn điền, đổi thửa là Trung Sơn và Lưu Sơn. Cả 3 xã cán đích trong công tác này được UBND huyện tặng thưởng từ 70 đến 100 triệu đồng. Ông Nguyễn Ngọc Hòa - Chủ tịch UBND xã Trung Sơn khẳng định: “Đây đúng là một cuộc cách mạng về ruộng đất. Điều quan trọng trong công cuộc này là chủ trương của Tỉnh ủy hợp với lòng dân, từ đó, nhân dân chủ động trong việc đề xuất nguyện vọng, đổi ruộng xa về gần nhà, dồn nhiều thửa nhỏ thành một thửa lớn, rất thuận lợi cho sản xuất, chăm sóc, thu hoạch. Sau một vụ mùa thắng lợi, bà con càng phấn khởi, gắn bó hơn với ruộng đồng”.

Từ thành công của 3 xã đi đầu trong dồn điền, đổi thửa, chính quyền và nhân dân các xã khác ở huyện Đô Lương thống nhất đẩy mạnh thực hiện đồng bộ các giải pháp quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch lại đồng ruộng, tôn tạo, mở rộng hệ thống giao thông, thủy lợi nội đồng phục vụ sản xuất. Đến đầu tháng 6/2014, có 19 xã đã hoàn thành đề án dồn điển, đổi thửa, chia đất theo các phương án đã bàn bạc với nhân dân. Tuy nhiên, vẫn còn 11 xã đến nay chưa phê duyệt được đề án. Nguyên nhân của thực trạng này là chính quyền một số xã chưa thực sự xem nhiệm vụ dồn điền, đổi thửa là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, do đó chưa tập trung cắm mốc giao thông, thủy lợi nội đồng, chưa tập trung thống kê diện tích đất hiện trạng và chưa tập trung họp bàn để xây dựng đề án.

Điều đó bắt nguồn từ việc một số lãnh đạo xã chưa nêu cao tinh thần trách nhiệm, còn ngại khó khăn, chưa chuyển tải đầy đủ đến người dân những mục đích, ý nghĩa, cách làm của việc chuyển đổi ruộng đất. Một số xã gặp khó khăn vì nguyên nhân khách quan, do việc dồn điền đổi thửa phải kết hợp với cải tạo đồng ruộng, dẫn đến nguồn kinh phí thực hiện lớn trong khi việc huy động ngân sách và từ nhân dân chưa “đủ lực”. Bên cạnh đó, trình độ, năng lực của công chức địa chính ở một số xã còn hạn chế nên chưa góp phần phát huy được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính quyền cơ sở.

Trước tình hình đó, UBND huyện Đô Lương đã triệu tập lãnh đạo của 11 xã chưa xây dựng được đề án dồn điền, đổi thửa tổ chức kiểm điểm và phân tích cụ thể sát đúng với từng địa phương nhằm đẩy nhanh tiến độ. Qua trao đổi, ông Nguyễn Tất Thành - Chủ tịch UBND huyện khẳng định: “Kế hoạch của huyện đến 30/12/2014, tất cả các xã phải hoàn thành việc dồn điền, đổi thửa, giao đất trên thực địa cho người dân sản xuất. Lộ trình đó không thay đổi. Nếu xã nào chậm tiến độ phải chịu hình thức kỷ luật của huyện. Chính vì vậy, sau khi kiểm điểm, một số xã đã tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, thuyết phục và phát huy dân chủ của nhân dân vào công cuộc này. UBND huyện cũng phân công cán bộ, tập trung chỉ đạo quyết liệt các xã xây dựng, thực hiện phương án dồn điền, đổi thửa; Chỉ đạo các xã tiến hành đào đắp giao thông, thủy lợi nội đồng theo quy hoạch nông thôn mới đã được phê duyệt và tiến hành giao đất tại thực địa cho nhân dân. Đối với những xã đã giao đất sau chuyển đổi, huyện tiến hành đo đạc, chỉnh lý bản đồ địa chính để hoàn chỉnh hồ sơ kê khai, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp cho người dân...”.

Nguyên Sơn

Mới nhất
x
Đẩy mạnh dồn điền, đổi thửa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO