Đẩy mạnh giải quyết ô nhiễm môi trường

12/07/2012 17:43

“Muôn hình vạn trạng” ô nhiễm

Tình trạng ô nhiễm môi trường trên địa bàn tỉnh hiện nay đang diễn ra trên diện rộng từ thành thị đến nông thôn, làm ảnh hưởng đến môi trường nước, không khí và đất. Nhiều người dân sống bằng nghề chài lưới dọc sông Lam, sông Hiếu cho biết, nước ở các con sông bị ô nhiễm, ảnh hưởng rất lớn đến việc mưu sinh của người dân. Bà Nguyễn Thị Lam, ở xã Hưng Lợi (Hưng Nguyên), chia sẻ: “Gia đình tui đã mấy đời nhờ con sông Lam, chỉ đánh cá, bắt tôm cũng nuôi sống cả gia đình. Giờ đây, nước ở sông ô nhiễm, cá, tôm tìm đường chạy hết, có hôm cá, tôm chết nổi đầy sông. Nhiều hôm, hai ông bà lại mang lưới đi thả, nhưng cũng chỉ đủ cho gia đình ăn một bữa, có hôm không kéo được con nào”. Còn ông Phan Đăng Cường - Chủ tịch Hội Nông dân xã Diễn Hải (Diễn Châu), phản ánh: “Ô nhiễm ở các xã ven biển đang ngày càng nặng do những người dân sinh sống dọc các con sông Lạch Vạn, Lạch Quèn đổ rác thải xuống 2 bên bờ sông, khi mưa xuống rác trôi về xuôi các xã ven biển phải hứng chịu. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe của nhân dân mà còn ảnh hưởng đến nguồn lợi hải sản ven bờ, đến sự phát triển kinh tế, du lịch ở các địa phương”.



Kiểm tra, giám sát việc xử lý, khắc phục ô nhiễm môi trường tại Trại lợn giống ngoại Thái Dương, xã Đại Sơn, huyện Đô Lương.

Tìm hiểu các tác động tiêu cực lên môi trường trên địa bàn tỉnh hiện nay để thấy “muôn hình vạn trạng” ô nhiễm. Trước hết là rác thải sinh hoạt phát sinh ngày càng lớn, nhưng việc thu gom, xử lý còn bất cập. Hiện tại, trừ một số khu vực như TP. Vinh, Thị xã Cửa Lò và một phần của các huyện Hưng Nguyên, Nghi Lộc rác thải đã cơ bản được thu gom, xử lý tại Khu Liên hợp xử lý chất thải rắn tại xã Nghi Yên (Nghi Lộc) và bãi rác Nghi Hương (Cửa Lò), các địa phương còn lại tỷ lệ thu gom và xử lý rác thải đạt rất thấp. Bên cạnh đó, hoạt động của 384 làng có nghề (chiếm gần 60% tổng số làng trên địa bàn tỉnh) và 102 làng nghề, nhất là các làng nghề chế biến thủy hải sản và nông sản với công nghệ sản xuất lạc hậu, chất thải không được thu gom, xử lý mà thải ra môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng.

Song, nan giải nhất hiện nay là ô nhiễm môi trường do các cơ sở sản xuất gây ra. Hiện tại, ở các KCN, cụm công nghiệp đang hoạt động trên địa bàn tỉnh chưa xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung. Mặt khác, việc thu gom, phân loại và xử lý đúng kỹ thuật vệ sinh môi trường, đặc biệt đối với việc vận chuyển, đăng ký nguồn thải còn nhiều bất cập. Theo báo cáo hiện trạng môi trường của tỉnh, chất thải rắn công nghiệp tại TP Vinh có tỷ lệ thu gom là 95%, ở một số huyện thị trong tỉnh như Tân Kỳ, Quỳ Hợp, Thanh Chương..., tỷ lệ thu gom đạt khoảng 40-50%. Riêng đối với nguồn chất thải rắn nguy hại công nghiệp, mặc dù tỉnh đã tổ chức cấp sổ đăng ký cho các doanh nghiệp nhưng hiện tại chưa có cơ sở xử lý chất thải nguy hại hoạt động nên còn khó khăn trong việc quản lý.

Nghệ An cũng là địa phương có hệ thống bệnh viện, trung tâm và các cơ sở y tế dày đặc, với một lượng rác thải ra mỗi ngày rất lớn. Rác thải rắn y tế và rác thải rắn sinh hoạt cơ bản đã được phân loại và xử lý bằng lò đốt hoặc đốt bằng thủ công hay chôn lấp. Tuy nhiên, vấn đề đáng quan ngại nhất là phần lớn các bệnh viện chưa xây dựng được hệ thống xử lý nước thải. Một số ít bệnh viện, gồm Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Đa khoa TP. Vinh, Bệnh viện Đa khoa Diễn Châu, Bệnh viện Nhi Nghệ An, Bệnh viên Lao và Bệnh phổi có hệ thống xử lý nước thải, nhưng đến nay đã xuống cấp và hư hỏng, ảnh hưởng đến quy trình xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn, thậm chí có bệnh viện qua thực hiện quan trắc nước thải đã có một số tiêu chuẩn vượt mức cho phép....

Giải pháp

Trong những năm qua, nhiều văn bản chỉ đạo cũng như các cơ chế, chính sách về môi trường được các cấp, các ngành ban hành nhằm ”luật hóa” công tác bảo vệ môi trường, giải quyết các vấn đề bức xúc trên địa bàn.

Từ năm 2010 đến 6 tháng đầu năm 2012, toàn tỉnh đã thẩm định và phê duyệt 209 báo cáo đánh giá tác động môi trường; 1.300 bản cam kết bảo vệ môi trường, 200 đề án bảo vệ môi trường. Tổ chức phê duyệt 51 dự án cải tạo, phục hồi môi trường trong hoạt động khai thác khoáng sản; cấp 210 sổ đăng ký chủ nguồn thải nguy hại cho các cơ sở sản xuất kinh doanh. Công tác kiểm tra, kiểm soát ô nhiễm môi trường, ngăn ngừa phát sinh điểm nóng môi trường được tăng cường. Chỉ tính riêng cấp tỉnh từ năm 2010 đến 6 tháng đầu năm 2012, đã tổ chức thanh tra, kiểm tra 337 cơ sở sản xuất, kinh doanh và xử phạt vi phạm về môi trường đối với 87 cơ sở với số tiền trên 1 tỷ đồng. Các cấp, ngành cũng đã quan tâm giải quyết các đơn thư kiến nghị, phản ánh của người dân liên quan đến việc đổ và xả thải gây ô nhiễm môi trường đối với Công ty CP Thức ăn gia súc Thái Dương, Nhà máy bia Sài Gòn - Nghệ Tĩnh, Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa tỉnh, Công ty Kim loại màu Nghệ Tĩnh, Nhà máy chế biến tinh bột sắn tại huyện Thanh Chương và Yên Thành, Công ty CP Mỹ nghệ Nghệ An, Công ty CP Xi măng Cầu Đước, Trại lợn giống ngoại Thái Dương, Khu Liên hợp xử lý chất thải rắn Nghi Yên, Công ty CP Bao bì Sabeco Sông Lam... Cùng với đó, các cấp, ngành tập trung chỉ đạo xử lý các cơ sở gây ô nhiễm môi trường và ô nhiễm môi trường nghiêm trọng ở từng cấp, từng địa phương. Ở cấp tỉnh đã tập trung xử lý 4/8 cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng theo Quyết định số 64, gồm Công ty Dầu thực vật Vinh, nay là Chi nhánh Công ty CP Dầu thực vật Tường An, Khu khai thác thiếc Quỳ Hợp của Công ty Kim loại màu Nghệ Tĩnh, Bệnh viện đa khoa TP Vinh, Nhà máy da Vinh.

Theo ông Võ Duy Việt – Giám đốc Sở Tài Nguyên Môi trường, mọi sự cố gắng, nỗ lực của các cấp, các ngành, hệ thống chính trị và sự tham gia giám sát tích cực từ phía người dân đem lại hiệu quả cho công tác bảo vệ môi trường chỉ có 50%; 50% còn lại thuộc về ý thức, đạo đức kinh doanh của doanh nghiệp và ý thức tự giác giữ gìn môi trường của người dân. Vì vậy, để giải quyết và xử lý các vấn đề về môi trường đang đặt ra trên địa bàn tỉnh hiện nay, trước mắt cần tăng cường nguồn lực để đầu tư xây dựng hạ tầng phục vụ công tác thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải; hỗ trợ xây dựng hệ thống xử lý môi trường ở từng dự án, doanh nghiệp. Tổ chức thực hiện đề án giải quyết các “điểm nóng” về môi trường như di dời các cơ sở gây ô nhiễm ra khỏi khu vực dân cư, xử lý các điểm tồn dư thuốc bảo vệ thực vật; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức… Tiếp tục hoàn thiện các văn bản, chính sách về bảo vệ môi trường đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ, chặt chẽ và hiệu quả. Tăng cường số lượng và nâng cao chất lượng chuyên môn cho đội ngũ cán bộ làm công tác môi trường từ tỉnh đến cơ sở; đẩy mạnh giáo dục, nâng cao ý thức cho doanh nghiệp và người dân.


Mai Hoa

Mới nhất
x
Đẩy mạnh giải quyết ô nhiễm môi trường
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO