Đẩy mạnh thực hiện sinh trắc học và không dùng tiền mặt ở Nghệ An
Từ ngày 1/7/2024, các giao dịch từ 10 triệu đồng/lần trở lên hoặc trên 20 triệu đồng/ngày phải thực hiện xác thực sinh trắc học. Đến nay, sau hơn 6 tháng, các ngân hàng đã tích cực vào cuộc, nhưng thực tế vẫn còn những khó khăn.
Sinh trắc học để giảm thiểu rủi ro
Quyết định số 2345/2023 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về triển khai các giải pháp an toàn, bảo mật trong thanh toán trực tuyến và thanh toán thẻ ngân hàng yêu cầu các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán phải triển khai áp dụng các giải pháp giảm thiểu rủi ro trong thanh toán trực tuyến.
![bna_.jpg](https://bna.1cdn.vn/2025/02/10/bna_.jpg)
Quyết định trên quy định: Đối với khách hàng cá nhân, trước khi thực hiện giao dịch lần đầu bằng ứng dụng Mobile Banking hoặc trước khi thực hiện giao dịch trên thiết bị khác với thiết bị thực hiện giao dịch Mobile Banking lần gần nhất thì phải xác thực khách hàng.
Cách xác thực, một là: Bằng dấu hiệu nhận dạng sinh trắc học của khách hàng (khớp đúng với dữ liệu sinh trắc học được lưu trong chip của thẻ CCCD của khách hàng do cơ quan Công an cấp; hoặc thông qua xác thực tài khoản định danh điện tử của khách hàng do hệ thống định danh và xác thực điện tử tạo lập). Hai là, bằng dấu hiệu nhận dạng sinh trắc học của khách hàng khớp đúng với dữ liệu sinh trắc học được lưu trong cơ sở dữ liệu sinh trắc học về khách hàng đã thu thập và kiểm tra, kết hợp với phương thức xác thực OTP gửi qua SMS/Voice hoặc Soft OTP/Token OTP.
![img_0425.jpeg](https://bna.1cdn.vn/2025/02/10/img_0425.jpeg)
Việc xác thực cũng xảy ra khi khách hàng thông báo việc đăng nhập lần đầu ứng dụng Internet Banking/Mobile Banking, hoặc việc đăng nhập ứng dụng Internet Banking/Mobile Banking trên thiết bị khác với thiết bị thực hiện đăng nhập ứng dụng Internet Banking/Mobile Banking lần gần nhất qua SMS, hoặc các kênh khác do khách hàng đăng ký (email, điện thoại,…). Theo đó, khi thực hiện giao dịch thanh toán trực tuyến, hệ thống Internet Banking/Mobile Banking yêu cầu khách hàng trình diện dấu hiệu nhận dạng sinh trắc học của khách hàng khó có khả năng làm giả để xác thực giao dịch (như khuôn mặt, tĩnh mạch ngón tay hoặc bàn tay, vân tay, mống mắt, giọng nói).
Hơn 6 tháng qua, các ngân hàng: BIDV, Vietinbank, Vietcombank, Agribank, MB, Sacombank, VIB… tăng cường bố trí nhân lực và triển khai các giải pháp để hỗ trợ khách hàng xác thực sinh trắc học, nhằm hỗ trợ quản lý của ngân hàng và không làm gián đoạn quá trình giao dịch của khách. Các ngân hàng đã nỗ lực ra quân cài đặt tài khoản cho người dân, hộ kinh doanh ở các chợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa và hỗ trợ xác thực sinh trắc học cho khách hàng chưa thực hiện.
Thực tế nhiều khách hàng chưa xác thực bởi nghĩ ít khi giao dịch số tiền lớn hoặc chưa có điện thoại phù hợp. Chị Hoàng Ngọc Chung, một khách hàng có mở tài khoản ở Ngân hàng VIB cho biết: "Dù làm theo hướng dẫn của ứng dụng ngân hàng trong điện thoại nhưng tôi vẫn không thể thực hiện được. Tôi đã thực hiện một số lần thất bại và sau đó phải ra chi nhánh ngân hàng trên địa bàn nhờ hỗ trợ. Giao dịch viên ngân hàng đã giúp tôi xác thực thành công".
Anh Lê Viết Hương, một khách hàng khác có tài khoản ở Ngân hàng MB cũng vậy, phải ra chi nhánh hoặc ngân hàng mới thực hiện thành công. Trong khi đó, nhiều khách hàng do sử dụng điện thoại cũ, tính năng không tương thích, tốc độ chậm, ảnh mờ cũng không tự mình xác thực được theo như hướng dẫn của ứng dụng, phải ra nhờ ngân hàng hỗ trợ hoặc phải mua điện thoại mới. Không ít người cảm thấy phiền toái khi đăng nhập và thực hiện nhiều thao tác mà chỉ cần chậm hoặc sai là bị khoá tài khoản hoặc khi quên mật khẩu đăng nhập cũng vậy, dễ dàng bị khoá tài khoản.
Đại diện Ngân hàng BIDV chi nhánh Nghệ An cho biết, cả Tết qua, dù rất bận rộn nhưng ngân hàng đã bố trí cán bộ, nhân viên hỗ trợ cài đặt sinh trắc học cho khách, bên cạnh đó, rải quân đi các chợ, các phố kinh doanh cài đặt tài khoản, mở tài khoản cho khách, hỗ trợ in QR thanh toán cho các hộ kinh doanh, lắp đặt cả loại QR có âm thanh để chủ quán nhận biết mỗi lần khách hàng chuyển tiền là máy sẽ thông báo.
Đến nay, BIDV Nghệ An đã cài đặt sinh trắc học cho 200.000 khách hàng, còn 20.000/220.000 khách hàng của BIDV chưa thực hiện và ngân hàng vẫn tiếp tục thực hiện hỗ trợ cả thứ Bảy, Chủ nhật.
Nhìn một tấm QR thanh toán để ở quầy bán rau ở chợ Hưng Dũng, chị chủ quầy cho biết đã được Ngân hàng BIDV ra tận chợ hỗ trợ mở tài khoản và hướng dẫn giao dịch, tạo thuận lợi cho chị trong thanh toán. Tại chợ Nghi Xuân (TP. Vinh), cũng đã lác đác có những tấm QR của các hộ tiểu thương dán lên tường, quầy giúp khách hàng mua hàng thanh toán thuận tiện.
Thích nghi dần với chủ trương không dùng tiền mặt, tiểu thương các chợ đều hiểu rằng, phải có tài khoản ngân hàng, có điện thoại thông minh, biết chuyển khoản thì mình bán được hàng nhiều hơn khi khách hàng đến chợ dần không có tiền mặt để thanh toán, và chỉ cần khâu thanh toán bất cập họ có thể bỏ đi mua chỗ khác.
Với sự đổi mới tư duy của người dân cùng với sự ra quân tích cực của các ngân hàng, “chuyển đổi số” ở các chợ, ở vùng biển, ở các vùng quê đang ngày có những dấu hiệu tích cực.
Một bộ phận người dân chưa dùng điện thoại thông minh
Cùng với cuộc sống hiện đại, dùng điện thoại thông minh không chỉ để lướt Facebook, chụp ảnh, nghe gọi... mà còn là phương tiện tích hợp các giấy tờ, thanh toán, chuyển khoản, làm việc… Vì vậy, điện thoại thông minh là công cụ rất quan trọng hiện nay. Tuy nhiên, đối với nhiều người dân hiện vẫn chưa sử dụng điện thoại thông minh mà chỉ sử dụng điện thoại thông thường, điện thoại 3G với chức năng nghe gọi, nhận tin nhắn là chính.
![nhnn](https://bna.1cdn.vn/2025/02/13/bna_-nhnn.jpg)
Nhiều người chưa có điều kiện sắm điện thoại thông minh và cũng chính vì thế chưa quen dùng và hầu hết họ cũng chưa thực hiện sinh trắc học và giao dịch chuyển tiền trên điện thoại. Chính vì vậy, theo anh Hoàng Anh Tuấn - Giám đốc Ngân hàng Agribank Tây Nghệ An, thì công việc hỗ trợ khách hàng, nhất là khách hàng nông thôn, miền núi vô cùng vất vả, có khi hướng dẫn rồi mà vẫn không làm được. Nhân viên các chi nhánh ở các huyện phải hỗ trợ cả ngày khi khách có yêu cầu.
Chị Lê Quỳnh Thu, giao dịch viên ở Ngân hàng Nông nghiệp Tây Nghệ An chi nhánh Thái Hòa cho biết: Hiện chi nhánh đã thực hiện sinh trắc học cho 7.215 khách hàng, rất nhiều khách hàng dùng điện thoại không được hỗ trợ làm sinh trắc học nên phải ra ngân hàng để ngân hàng hỗ trợ. Bên cạnh đó, việc tiếp cận công nghệ thông tin của người dân còn hạn chế.
Chị Nguyễn Thị Phúc - một người dân ở xã Nghi Xuân (TP. Vinh) cho biết, cho đến nay chị vẫn chưa biết chuyển tiền qua điện thoại do chị dùng điện thoại "cục gạch", dù đã đổi lên 4G nhưng không có chức năng chuyển tiền. Hàng ngày đi chợ chị vẫn phải dùng tiền mặt. Bây giờ muốn thực hiện được việc chuyển tiền, nhận tiền qua tài khoản, chị phải đi mua điện thoại mới, nhưng vấn đề chị lo lắng là không biết có thể ứng dụng thao tác phức tạp hay không.
Không ít người dân lớn tuổi hằng ngày đi nhận lương hưu vẫn phải đến ngân hàng để nhận tiền mặt do không có điện thoại thông minh. Một số cho rằng, do không am hiểu công nghệ nên sợ bị lừa đảo hoặc chuyển sai địa chỉ tài khoản khi chuyển tiền qua điện thoại.
Hiện nay, bên cạnh việc đẩy mạnh tuyên truyền về chuyển đổi số, hướng dẫn cài đặt sinh trắc học, thì một khó khăn khác là các thủ đoạn lừa đảo xuất hiện nhiều khiến người dân lo lắng và e ngại khi sử dụng dịch vụ, ứng dụng liên quan ngân hàng.
Cơ quan chức năng khuyến cáo, khi người dân bị lừa khi chuyển tiền cần báo với ngân hàng, công an, đồng thời, thu thập lại bằng chứng, chụp ảnh lại các giao dịch, dẫn chứng lừa đảo để tiếp tục tuyên truyền cho gia đình mình, người thân của mình.
Về phía các ngân hàng cần có các giải pháp hiệu quả hơn trong hướng dẫn người dân và có các ứng dụng tiện lợi, thông minh, an toàn khi áp dụng. Về phía người dân cần ý thức được tầm quan trọng của ứng dụng công nghệ thông tin, sử dụng các phương tiện, thiết bị tiên tiến vào phục vụ đời sống được tiện lợi theo xu thế.
![Loai hinh giao dich](https://bna.1cdn.vn/2025/02/13/loai-hinh-giao-dich.png)
Năm 2024, toàn tỉnh có 303.061 người hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp thất nghiệp được chi trả thông qua thanh toán không dùng tiền mặt, chiếm 91,8% toàn tỉnh, trong đó, khu vực đô thị có 118.273 người hưởng chi trả qua ngân hàng, chiếm 97,9% khu vực đô thị (tỷ lệ này năm 2023 là 54,7%; vượt chỉ tiêu này theo kế hoạch đề ra năm 2025 là 60%); khu vực nông thôn có 184.787 người chi trả qua ngân hàng, chiếm 2,1%.