Dạy và học của con em đồng bào tái định cư còn lắm gian nan

29/09/2011 16:50

(Baonghean) - Lòng vòng mãi chúng tôi cũng tìm đến được Trường tiểu học Hương Tiến (xã Ngọc Lâm, huyện Thanh Chương, Nghệ An) - một ngôi trường tiểu học nhỏ cho con em của đồng bào tái định cư từ Tương Dương về.

Từ năm 2005 trở về trước, địa bàn xã Ngọc Lâm là vùng đất hoang sơ, không có người sinh sống. Đến năm 2006 khi đồng bào di dân Thuỷ điện Bản Vẽ - Tương Dương về tái định cư ở vùng đất này, nơi đây bắt đầu hình thành xã mới Ngọc Lâm. Ngọc Lâm là xã đặc biệt khó khăn của huyện Thanh Chương, với 1.474 hộ đồng bào dân tộc Thái từ Tương Dương về định cư ở 14 bản. Để thuận lợi cho việc học tập của các em, Trường tiểu học Hương Tiến được bố trí 6 điểm lẻ gồm: điểm chính ở bản Mà có 10 lớp; Khe Tròn 7 lớp; bản Hiển 3 lớp; bản Muộng 4 lớp và bản Xốp Pe 2 lớp. Với tổng số học sinh gần 500 em.

Bắt đầu từ học kỳ 2 năm 2006 - khi đồng bào nhường đất cho công trình Thuỷ điện Bản Vẽ - Tương Dương về định cư ở đây thì Trường tiểu học Hương Tiến mới có học sinh. Quá trình di dân kéo dài trong 5 năm, từ 2006 đến 2010 mới kết thúc, do đó đời sống nhân dân chưa ổn định, con em đến trường không chuyên cần, giáo viên phải đến từng nhà để tuyên truyền, vận động nhân dân đưa con em đến trường học để biết cái chữ, biết kiến thức, mai sau trở thành cô giáo, bác sỹ... để dạy học và chữa bệnh cho đồng bào. Cứ như thế "mưa dầm thấm lâu", nhiều phụ huynh đã tạo điều kiện cho con em đến lớp học tập. Song những năm đầu, nhiều hộ về nơi ở mới nhưng không có đất sản xuất nên họ lại quay về quê cũ để làm rẫy, con cái cũng về theo. Những trường hợp như vậy, cô giáo rất khó vận động các em ở lại lớp học. Trời mưa, học sinh thường xuyên phải nghỉ học vì nước tràn qua khe suối ngập sâu không đi được. Giáo viên cũng phải quán triệt cho các em nghỉ, đảm bảo an toàn tính mạng.

Cô Vi Thị Hương - Chủ nhiệm lớp 5C Trường tiểu học Hương Tiến chia sẻ: do đặc thù của điều kiện địa lý và cuộc sống của đồng bào tái định cư chưa hoàn toàn ổn định, thêm vào đó trình độ nhận thức của đồng bào còn hạn chế nên chất lượng học tập của con em chưa cao. Trường tiểu học Hương Tiến tỷ lệ học sinh khá, giỏi rất hiếm, chủ yếu học sinh trung bình và yếu. Rất mừng là năm học 2010- 2011, lần đầu tiên nhà trường có 9 em học sinh giỏi huyện, 6 em đạt giải toán qua mạng.




Giờ học và ra chơi của học sinh trường Tiểu học Hương Tiến

Cô Nguyễn Thị Thanh Nga - Chủ nhiệm lớp 3C (quê gốc ở xã Nghi Trường, huyện Nghi Lộc) đã có 21 năm giảng dạy ở huyện miền núi, 18 năm dạy ở Trường tiểu học Hữu Dương - Tương Dương. Từ năm 2009, học sinh mái trường này chuyển về tái định cư ở xã Ngọc Lâm - Thanh Chương, cô Nga cũng theo học trò về dạy học ở đây. 21 năm gắn bó với học sinh vùng cao nhiều chật vật, khó khăn, thiếu thốn đủ bề, cô vẫn yêu nghề tha thiết. Tấm lòng của một nhà giáo nhân hậu, chịu thương, chịu khó bám làng, bám bản dìu dắt học sinh đến trường trong những ngày mưa gió đã cảm hoá nhiều bậc cha mẹ nơi miền sơn cước này. Lớp 3C chỉ có 19 học sinh, cô thấu hiểu tính cách cũng như hoàn cảnh của từng em. Dù cả cô và trò còn nhiều khó khăn nhưng cô Nga luôn nỗ lực giảng dạy và dành tình cảm yêu thương, chia sẻ, động viên các em đến lớp, chăm chỉ học hành.

Được biết, từ năm 2009 đến nay, UBND xã Ngọc Lâm vẫn chưa có trụ sở làm việc, phải mượn một dãy nhà của Trường tiểu học Hương Tiến để làm việc. Do cùng học chung với môi trường làm việc của UBND xã, hàng ngày khách ra vào khá đông đã ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học của nhà trường. Học sinh miền núi rất hiếu kỳ, mọi hoạt động của UBND xã đều gây sự chú ý đối với học sinh, mỗi khi thấy khách đến, các em cứ ngó cổ ra nhìn, không chú ý bài giảng của cô... đó cũng là một trong những hạn chế khiến chất lượng đào tạo ở đây chưa cao...

Rời Trường tiểu học Hương Tiến, trời đã nhá nhem tối, cơn mưa rừng dữ dỗi bất chợt ập đến, càng thương nhớ hơn cô trò trường tiểu học nơi đây…


Quỳnh Lan

Mới nhất

x
Dạy và học của con em đồng bào tái định cư còn lắm gian nan
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO